Từ trái sang, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc, tân Bí thư Tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Chủ tịch Trần Đại Quang.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ
5 đã bế mạc vào chiều ngày 10/5, nhưng nhiều vấn đề lớn vẫn còn “bế tắc.” Báo Tuổi trẻ đưa tin “sau 6 ngày
làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.”
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã
“thống nhất cao” thông qua các nghị quyết, bao gồm việc “hoàn thiện thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); tiếp tục cơ cấu lại, đổi
mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; và phát triển kinh tế tư nhân
trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
Ông Quang Hữu Minh, một nhà báo độc
lập ở Sài gòn, cho rằng trong giới lãnh đạo Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ
về lý luận khi đưa ra các nghị quyết này. Và ông Minh nhấn mạng rằng nếu “nếu
còn vấn đề về lý luận thì lý luận sẽ không ổn.”
“Nghị quyết mới nhưng cái bình cũ
thì không giải quyết được gì cả. Chúng ta hãy nhớ khi nhậm chức thì Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng Việt Nam chỉ có kinh tế thị trường, chứ ông ấy
không hề nhắc gì đến khái niệm theo định hướng XHCN. Nhưng mà nghị quyết mới vẫn
là tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường theo đi định hướng XHCN. Thì rõ ràng
là ngay trong nhận thức của những lãnh đạo cấp cao của Đảng đã có vấn đề về việc
chọn mô hình phát triển kinh tế.”
Việc sắp xếp và đổi mới doanh
nghiệp nhà nước, theo ông Minh, Việt Nam đã “kêu gào” trong ba năm qua nhưng
cũng không thực hiện được vì lý do như sau:
“Vì cơ bản, nếu không còn lấy
kinh tế nhà nước làm chủ đạo, không còn hệ thống tập đoàn doanh nghiệp nhà nước
thì bản sắc của chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Việt Nam cũng sẽ nhạt nhòa đi, và
nhiều người không muốn điều đó. Do đó, tôi không kỳ vọng nhiều vào Hội nghị 5
này.”
Nhà báo Hữu Minh kết luận rằng
lãnh đạo Hà Nội vẫn còn“lúng túng” về vấn đề đinh hướng mô hình kinh tế:
“Tôi nghĩ rằng sau Hội nghị Trung
ương 5, mọi thứ vẫn sẽ còn lúng túng về đường lối, về kinh tế, chứ không chỉ
riêng vấn đề chính trị.”
Liên quan đến vấn đề nhân sự, nhà
báo Hữu Minh nói rằng việc chọn ông Nguyễn Thiện Nhân làm tân bí thư thành ủy
thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/5 thay cho ông Đinh La Thăng cho thấy sự miễn cưỡng
và có phần bế tắc của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dù ông
Nhân nhận được 100% phiếu tán thành:
“Tôi nghĩ rằng việc chọn ông Nguyễn
Thiện Nhân là một sự lựa chọn hơi miễn cưỡng. Cũng có người không muốn có sự
xáo động về nhân sự ở kỳ này, nhưng cuối cùng buộc lòng phải như thế. Thành ra
việc lựa chọn ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy cũng có phần bế tắc vì rõ ràng là
ông Nguyễn Thiện Nhân ít phù hợp hơn ông Đinh La Thăng. Ông Nguyễn Thiện Nhân
thì đỡ bảo thủ hơn những người khác một chút. Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào
sự đổi mới (của ông Nhân). Nhưng tôi cũng thấy vui vì ít ra (ổng) đỡ bảo thủ
hơn.”
Trước đó, vào ngày 7/5, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh
cáo và đồng ý cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu
biểu quyết trên 90%.
Rõ ràng việc Hội nghị Trung ương
5 thu xếp cho ông Thăng tự rút lui chưa mở ra hướng chống tham nhũng hiệu quả,
so với hàng ngàn tỉ đồng mà ông Thăng đã làm thất thoát trước khi làm bí thư
thành phố lớn nhất nước.
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở
thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook rằng: “Cuối cùng thì trận chiến
"đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một
vở kịch có hậu.”
Ông Chênh nhận định rằng chủ
trương "diệt chuột nhưng không để vỡ bình" của ông Trọng “đã bộc lộ
rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị
lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham
nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuôt bị diệt mà không ảnh hưởng
đến bình.”
Nhà báo Hữu Minh cũng có cùng nhận
định với ông Chênh:
“Tôi không kỳ vọng lắm vào công
cuộc chống tham nhũng của Đảng. Ngoài việc ông Thăng mất ghế bí thư thành ủy và
ra khỏi Bộ Chính trị ra thì cũng không có một hướng xử lý nào để thu hồi về một
phần tài sản tham nhũng về cho ngân sách quốc gia. Việc kỷ luật ông Thăng chưa
giải quyết vấn đề này. Thứ hai, hệ thống pháp luật của Việt Nam có vấn đề,
không thượng tôn pháp trị, chỉ xử lý sai phạm theo hướng vụ nào ồn ào mới làm,
vấn đề đảng nhỏ trong đảng to…Những vấn đề đó đều núp dưới vỏ bọc chống tham
nhũng.”
Ông Chênh kết luận trên Facebook
về Hội nghị Trung ương 5: “Tóm lại vở kịch đả hổ diệt ruồi theo kiểu Tập Cận
Bình, phiên bản Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc win-win (các bên đều thắng). Chỉ
có nhân dân mãi làm khán giả và bị thất bại thảm hại.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét