Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Hội Nghị Trung Ương 5: Ai muốn làm tiến sĩ ‘phong trào thi đua tố cáo?’

Phạm Chí Dũng



Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 11 Tháng Năm, tại Hà Nội.

Nếu chịu khó dùng phương pháp luận biện chứng và các phương pháp thống kê, tổng hợp, so sánh, phân tích, quy nạp, dự báo và kể cả “lợi thế so sánh” giữa các lực lượng chính trị, đề tài nghiên cứu về “phong trào thi đua tố cáo nội bộ trên mạng xã hội” rất xứng đáng trở thành một bằng cấp tiến sĩ độc nhất vô nhị trong chính trị học – xã hội học và tâm lý học ở Việt Nam, trong bối cảnh quốc gia này có đến hơn 100,000 tiến sĩ và thạc sĩ nhưng lại quá ít công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.


“Cựu thần”

Cùng với lời tiên tri “không thể cấm được mạng xã hội đâu các đồng chí à” của nhân vật còn là “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2015 – thời gian xảy ra vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” gây xáo xào dư luận cùng nền chính trị bị nhiều cán bộ lão thành than rằng “nát như tương,” từ nửa cuối năm đó cho đến nay bóng ma của trang mạng Chân Dung Quyền Lực không những không biến xuống địa ngục mà thậm chí còn “thay trời hành đạo” hơn bao giờ hết.

Hai mươi năm sau chuyên án “Người Sài Gòn,” chính trị Việt Nam đang chứng kiến một cú đại nhảy vọt về tâm thức vạch áo xem lưng và đâm dao sau lưng giữa các “đồng chí mình.”

Vào năm 1997, thời điểm mà Internet chỉ mới bắt đầu đặt chân vào Hà Nội và Sài Gòn như một bước thử nghiệm rất sơ khởi sau khi “Bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ” được thiết lập từ năm 1995, một số cán bộ lão thành và cựu chiến binh đã quá bức xúc trước nạn tham nhũng, lợi dụng quyền lực và địa vị của giới đương chức để sáng tạo ra bản photo chuyền tay “Người Sài Gòn,” tố cáo cùng châm biếm một số lãnh đạo cụ thể.

Mười năm sau đó, xã hội lại chứng kiến một kiểu tố cáo gần tương tự xuất phát từ địa chỉ được xem là “Câu Lạc Bộ Thăng Long” cùng một vài tổ chức hội đoàn nhà nước khác.

Vai trò của các “cựu thần” – bao gồm cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ hưu trí, tướng lĩnh quân đội và cả tướng lĩnh công an về hưu, trí thức có uy tín… đã trở nên một đặc thù riêng có về “phương pháp tổ chức thực hiện” của cuộc cách mạng tố cáo nội bộ, diễn ra từ lâu và còn được kế thừa cho đến ngày nay. Ðó là lý do tại sao trước Ðại Hội 12 đã xuất hiện “thư của ba giáo sư trường đảng” tố cáo ông Nguyễn Tấn Dũng, thư của “đồng chí Trịnh Văn Lâu” cũng tố cáo ông Dũng, kèm thêm một số đơn thư tố cáo tập thể khác mà chẳng ai biết chính danh hay nặc danh. Chỉ biết rằng, kết quả có vẻ “ngẫu nhiên” là sau đó đã hiện ra những đánh giá, kết luận của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng gần giống với những nội dung tố cáo và kiến nghị của “các đồng chí cách mạng lão thành.”

Hẳn nhiên có thể quy nạp rằng: Về mặt tâm lý học chính trị, vẫn còn nhiều quan chức cao cấp của đảng “mê” cái cách thư tố cáo của cách mạng lão thành đi trước, xem xét và kết luận của kiểm tra đảng theo sau.

Duy chỉ có một điểm khác biệt với “phương pháp tổ chức thực hiện” trong quá khứ: nếu trước đây phần lớn đơn thư tố cáo chỉ được gửi theo đường nội bộ mà không được phép lan tỏa công bố ra ngoài, thì nay loại thư này được tung hê theo cả hai đường – vừa nội bộ vừa “bắn” lên mạng xã hội để gây hiệu ứng thông tin và tạo áp lực dư luận.


Kênh “phản động” và thành phần viết

Với mục tiêu và phương pháp trên, những bàn tay trong bóng tối đã tận dụng triệt để các trang mạng xã hội, kể cả những trang luôn bị xem là “phản động” nhưng có lượng truy cập lớn. Nếu trước Ðại Hội 12, trang Ba Sàm là địa chỉ chính nhận được các luồng đơn thư tố cáo lẫn nhau, thì nay do Ba Sàm đã ngừng hoạt động, các đơn thư tố cáo được gửi cho trang Dân Luận, kể cả những trang mà chính quyền đặc biệt thâm thù như Tin Tức Hàng Ngày, Dân Làm Báo…

Phương pháp trên có thể được xem là một đặc thù về “kênh truyền thông” mà một số thế lực chính trị đã “sáng tạo” vào thời Internet bùng nổ ở Việt Nam.

Internet lại bùng nổ đến mức Việt Nam có đến 80% người dân dùng mạng này, trong đó một nửa dân số vào Facebook. Vậy là sớm hay muộn thì cũng đã cấu thành nên một đặc thù khác: Xuất hiện những tay viết, chủ yếu trên Facebook, phụ họa cho phong trào “thi đua tố cáo.”

Những tay viết trên, một ít có nghề nhưng đa số là nghiệp dư, được xem là “người của phe phái,” có xuất thân từ báo giới nhà nước, blogger, facebooker và một số là dư luận viên, mang quan điểm đối chọi nhau. Ví dụ trước Ðại Hội 12, chủ yếu có hai luồng – một công kích ông Nguyễn Tấn Dũng và một che chắn cho ông Dũng. Cũng ví dụ nữa từ sau Tết Nguyên Ðán 2017 đến nay, một luồng công kích ông Nguyễn Xuân Phúc, còn luồng kia lại ủng hộ đương kim thủ tướng. Cứ như thể “đảng trong đảng…”


Ðặc thù nội dung và luận án tiến sĩ

Nếu “biện chứng lịch sử” thì có thể nhận ra rằng nếu trước Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, 2012, vụ “kỷ luật đồng chí X,” nội dung tố cáo xuất hiện trên mạng xã hội chủ yếu chỉ đề cập đến những vụ tham nhũng kinh tế, thì đến trước Hội Nghị Trung Ương 10 vào đầu năm 2015, song trùng vụ việc “tau khỏe mà, có chi mô” của người sắp trở thành cố trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, trang mạng Chân Dung Quyền Lực đã tung ra những tố cáo về tài sản cá nhân của một số quan chức cao cấp.

Vào khoảng thời gian một quý trước Ðại Hội 12, mạng xã hội đã hiện hình không chỉ các vụ tham nhũng kinh tế, tài sản cá nhân mà trực chỉ cả vấn đề chính trị, thậm chí xuất hiện cả tài liệu chính trị nội bộ của “Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH,” một bức thư dài được cho là của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình cho Bộ Chính Trị, một tài liệu mô tả những nội dung nghe lén qua điện thoại di động được tiết lộ ra ngoài mà khiến người đọc chỉ có thể liên tưởng đến chức trách của ngành công an.

Mọi chuyện lại tiếp tục “nâng lên một tầm cao mới” vào khoảng thời gian trước Hội Nghị Trung Ương 5 năm nay. Ðến lúc này, mạng xã hội càng phong phú hơn với đa dạng “món ăn” như một số tài liệu đóng dấu “MẬT,” thậm chí “TUYỆT MẬT,” được cho là của các cơ quan an ninh và tình báo Bộ Công An.

Tham nhũng kinh tế, tài sản cá nhân, chính trị nội bộ (quá khứ), chính trị nội bộ (hiện nay) là một đặc thù lớn của “công tác thông tin trên mạng.”

Nhưng có lẽ vẫn chưa hết. Và còn lâu mới hết. Cứ cái đà này, có lẽ trong tương lai gần, mạng xã hội còn được những “món ăn” khác, phong phú và hấp dẫn hơn, bổ dưỡng.

Tính hấp dẫn là quá rõ, nhưng ai mới là người chấp bút để viết thành một bản luận án tiến sĩ độc nhất vô nhị ở Việt Nam đương đại? Học Viện Chính Trị Công An Nhân Dân của Giáo Sư-Thiếu Tướng Trương Giang Long chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét