So sánh là khiên cưỡng vì thể chế chính trị khác nhau, tất yếu
nền giáo dục cũng khác nhau. Tuy nhiên, hàng năm cứ vào cuối tháng 4, người miền
Nam lại nhìn lại những năm hậu chiến với thời gian trước 1975 trong nỗi niềm
luyến tiếc.
Đến cuối tháng 4 này, miền Nam Việt Nam bước sang năm thứ 43
của hậu chiến. Nhìn lại chặng đường giáo dục của miền Nam trước và sau năm
1975, người ta dễ nhận ra có sự khác biệt quá xa trong 42 năm qua. Triết lý
giáo dục của Việt Nam Cộng hòa thời trước là nhân bản, dân tộc, và khai phóng.
Linh mục Phạm Trung Thành của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn nói
rằng ông đã được hưởng một nền giáo dục khá toàn mỹ dưới thời Việt Nam Cộng
Hòa:
“Tôi lớn lên và trưởng thành ở miền nam Việt Nam trước năm
1975. Là một học sinh trung học của một trường công lập và rồi là một sinh
viên, tôi đã được thừa hưởng một cái nền giáo dục, một hệ thống giáo dục và một
bầu không khí giáo dục có thể nói là khá toàn mỹ”.
Sau năm 1975 và kéo dài đến hôm nay, nền giáo dục vẫn loay
hoay trong những kế hoạch thử nghiệm, mà mới nhất là tiếp tục kêu gọi góp ý về
thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Từ thập niên đầu 90 đến nay, học trò
đang bị buộc học quá nhiều ở lớp, và khi về nhà còn phải theo các lớp học thêm
với những khoản chi phí, mà theo lời của phụ huynh Lê Thị Nhìn, nhiều lúc vượt
khả năng của phụ huynh:
“Chương trình học của mấy cháu tiểu học quá nhiều so với số
tuổi của các cháu. Bởi vì học ở trong trường xong thì còn phải về học phụ đạo
hoặc là học thêm tất cả các môn, chẳng hạn như Anh văn để không sợ thua với bạn
bè. Ngoài chuyện học phí ra còn nhiều số tiền khác nữa, chẳng hạn như tiền học
thêm rồi tiền phụ đạo, cảm thấy nhiều”.
Chạy tiền để cho con cái được đi học là chuyện không hề xảy
ra trước năm 1975, theo lời cựu giáo sư Trần Minh Quốc:
“Nhớ thuở xưa, từ lúc tôi học lớp một cho tới lớp mười hai,
tôi hoàn toàn không đóng một đồng xu nào cho nhà trường, hoàn toàn không đóng.
Cái này nói thật. Không những không đóng tiền cho nhà trường, mà có những năm
tôi được cấp học bổng, rồi học giỏi, rồi được phần thưởng, tập vở giấy bút này
nọ phủ phê. Rồi khi lên đại học thì tốn kém rất ít. Riêng cái ngành Sư Phạm và
Văn Khoa thì nói thiệt như các bạn biết là hoàn toàn không có đóng tiền. Giáo dục
hoàn toàn miễn phí. Thật đáng ca ngợi, ưu việt mà ca ngợi trong một cái sự luyến
tiếc...”.
Học sinh hiện nay tất bật đến trường, rời trường để bước vào
những lớp học thêm, lớp phụ đạo. Phụ huynh cũng tất bật đưa đón con cái. Khoảng
nghỉ để lứa tuổi hoa niên hồn nhiên với những trò chơi như nhảy dây cũng ngày càng
hiếm hoi.
Cựu giáo sư Trần Minh Quốc bi quan nói rằng 42 niên học đi
qua, nền giáo dục vẫn chưa có được sự yên ổn:
“Và có thể nói trong suốt bốn mươi hai năm nay thì chưa từng
ngày nào, tháng nào, năm nào nền giáo dục hiện hữu ổn định cả”.
Sự không yên ổn ấy càng khiến người ta thương tiếc về một nền
giáo dục đã mất.
Linh mục Phạm Trung Thành ngậm ngùi tỏ bày lòng tri ân:
“Xin cám ơn những con người đã hy sinh, những con người đã cố
gắng để tạo dựng cho cái bầu khí của miền Nam Việt Nam trước năm bảy mươi lăm tốt
đẹp. Nếu đem so sánh với các bạn trẻ ngày hôm nay, thì chúng tôi thấy rằng
chúng tôi đã được sống trong một bầu không khí khá trong lành và thuận lợi cho
việc phát triển học tập. Ngày hôm nay, có thể nói rằng thế hệ của chúng tôi tủi
hổ và xin lỗi thế hệ các em, các cháu vì chúng tôi đã không tạo được một môi
trường văn hóa-xã hội-giáo dục như thời chúng tôi đã được hưởng từ cha ông”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét