Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Giải pháp cho Bắc Hàn: Quân sự hay ngoại giao?


 

 (Hình minh họa: AP Photo/Wong Maye-E, File)




Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội 3 của Hải Quân Mỹ cho biết chiến đoàn với hàng không mẫu hạm Carl Vinson, sau khi được trực thăng tiếp tế thêm đạn dược ở biển Philippines, hôm Thứ Bảy đã đi qua gần thành phố Nagasaki vào biển Nhật Bản, vùng biển phía Ðông Triều Tiên giữa lục địa Châu Á và Nhật. Hãng tin NHK của Nhật dẫn lời một phát ngôn viên quân sự Nam Hàn loan báo cuộc diễn tập lớn của hải quân ba nước đã khởi sự.



Hôm Thứ Hai, đài truyền hình ABC-10 ở San Diego, nơi đặt căn cứ của USS Carl Vinson, nói rằng gia đình các quân nhân rất lo lắng chiến tranh có thể xảy ra, với những tin tức về lập trường cứng rắn của Tổng Thống Mỹ Donald Trump và thái độ hung hăng thách thức của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.



Bắc Hàn đã đe dọa sẽ dùng hỏa tiễn đánh đắm hàng không mẫu hạm Mỹ nào tấn công họ. Nhưng theo ông Ron Bee, giáo sư đại học UC San Diego, đây chỉ là lời huênh hoang vô giá trị vì Bắc Hàn không có loại hỏa tiễn chống hạm như thế. Hơn nữa, thất bại của Bắc Hàn trong cuộc thử nghiệm hỏa tiễn hôm Thứ Sáu là thêm một bằng chứng về luận điệu rỗng tuếch của họ.



Sáng Thứ Hai, trong cuộc phỏng vấn của Bloomberg News, Tổng Thống Donald Trump cho biết sẽ “vinh dự” gặp ông Kim Jong Un “nếu có một lúc thích hợp.” Ông không giải thích thêm về thời điểm cũng như điều kiện cho một cuộc gặp gỡ, nhưng khẳng định là chắc chắn hầu hết các chính trị gia không ai nói như vậy. Mặc dù lúc tranh cử ông đã có lần ngỏ ý tin tưởng có khả năng thuyết phục lãnh tụ Bắc Hàn từ bỏ những tham vọng ngông cuồng, đây là lần đầu tiên từ khi vào Tòa Bạch Ốc ông nói điều này ra.



Tuyên bố khi đến thăm Tokyo hôm 19 Tháng Tư, Phó Tổng Thống Mike Pence cam kết Mỹ lúc nào cũng đứng bên cạnh Nhật và Nam Hàn trong công tác quốc phòng, bảo vệ nền an ninh thịnh vượng. Ðứng trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại cảng Yokosuka, ông Pence tuyên bố với các phóng viên rằng mọi phương án đều sẵn sàng kể cả quân sự, tuy nhiên, ông đã nói với giới lãnh đạo Nhật là Mỹ muốn tìm một giải pháp hòa bình. Tại Seoul, ông Pence cảnh cáo Bắc Hàn đừng nên dại dột “thử nghiệm sức mạnh quân lực Mỹ.”



Trả lời phỏng vấn của CNN, Phó Tổng Thống Pence xác định là Mỹ chưa thương thuyết trực tiếp với lãnh tụ Kim Jong Un trong tương lai gần. Theo ông, chính sách của Tổng Thống Trump là tập hợp sự hỗ trợ của tất cả các nước đồng minh trong khu vực bao gồm Nam Hàn, Nhật, Trung Quốc và toàn thế giới.



Như vậy, căn cứ theo lời phát biểu mới nhất của Tổng Thống Trump và nhiều chỉ dấu khác, người ta có thể hiểu rằng Mỹ chỉ muốn biểu dương chứ không chủ trương sử dụng sức mạnh ở bán đảo Triều Tiên. Diễn tả theo một thuật ngữ quen thuộc khác thì đây là đường lối “ngoại giao pháo thuyền,” áp lực để buộc đối phương phải lui bước.



Một chuyện khá bất ngờ xảy ra hôm cuối tuần, đó Tổng Thống Trump nói chuyện điện thoại và mời Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines sang thăm Washington. Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines Ernie Abella cho biết qua cuộc nói chuyện thân mật, Tổng Thống Trump tỏ bày “sự hiểu biết và thông cảm với những thách thức mà tổng thống Phlippines đang đương đầu, đặc biệt về vấn đề nguy hiểm ma túy.” Còn bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc thì mô tả cuộc nói chuyện giữa hai tổng thống là “rất thân thiện” và quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines “nay đang tiến về hướng tích cực.”



Hôm Thứ Hai, ông Duterte tuyên bố với các phóng viên rằng chưa thể hứa sẽ nhận lời qua Mỹ vì còn bận nhiều công việc, bao gồm các chuyến thăm Nga, Israel, và nhiều nước khác. Nhưng dư luận mạnh mẽ chỉ trích cuộc thăm viếng Mỹ vì những vi phạm nhân quyền của ông Duterte như mọi người đều đã biết trong việc chống ma túy.



Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Reince Priebus hôm Chủ Nhật bênh vực Tổng Thống Trump về cuộc điện đàm. Trên chương trình “This Week” của đài truyền hình ABC, ông Priebus nói: “Tất cả mục đích cuộc điện đàm là về vụ Bắc Hàn.” Theo ông, liên hệ với ông Duterte là cần thiết dù cho có những tố cáo ông vi phạm nhân quyền. Ông Priebus nói ông không ngồi bên tổng thống trong suốt cuộc điện đàm nên không biết hết nội dung trao đổi, nhưng nhấn mạnh rằng “thái độ hung hăng của Bắc Hàn quá trầm trọng khiến cho cần phải có một mức hợp tác nào đó của càng nhiều đối tác trong khu vực càng hay để bảo đảm cho chúng ta ổn định được mọi việc” (ông Priebus dùng thành ngữ “ to make sure that we have our ducks in a row”).



Phát ngôn viên Abella của Philippines không xác nhận có vấn đề Bắc Hàn trong cuộc điện đàm, chỉ nói rằng Tổng Thống Trump thảo luận về dự tính đến thăm Philippines vào Tháng Mười Một để dự hội nghị thượng đỉnh Ðông Á (EAS), bao gồm 18 nước, trong đó có 10 quốc gia thành viên ASEAN, sáu nước Ðông và Nam Á, cùng với Mỹ và Nga. Philippines đứng tổ chức hội nghị năm nay với tư cách là đương kim chủ tịch ASEAN trong hai ngày 13 đến ngày 14 Tháng Mười Một, tiếp theo sau hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 ở Ðà Nẵng, Việt Nam, từ ngày 11 đến ngày 12 Tháng Mười Một.



Thảo luận của hai tổng thống về các hội nghị sắp tới là hợp lý, còn cách giải thích của ông Priebus chỉ làm tăng thêm sự phê phán. Philippines là một trong những nước yếu nhất trong ASEAN về mặt quân sự và không có ảnh hưởng ngoại giao gì đáng kể đối với các nước trong khu vực, nên vai trò trong vụ Bắc Hàn là một nghi vấn.



Tổ chức bênh vực nhân quyền Human Rights Watch cho biết từ khi ông Dutrerte lên cầm quyền, 7,000 dân Philippines đã bị các lực lương an ninh sát hại không qua xét xử nào của tòa án. Phó giám đốc phân bộ Châu Á Phelim Kine của HRW nói: “Mỹ và các nước có bổn phận đòi hỏi làm minh bạch trường hợp những nạn nhân chết trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte chứ không thể trải thảm đỏ đón tiếp nhà lãnh đạo Philippines, người có thể bị kiện vì tội chống nhân loại trước Tòa Án Quốc Tế.”



Ông Robespierre Bolivar, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines, nói rằng nếu Tổng Thống Rodrigue nhận lời đi Mỹ thì ông nên đi sớm vì những căng thẳng trong vấn đề nguyên tử Bắc Hàn, và Mỹ cần tham khảo tất cả các đồng minh Châu Á trong vụ này.



Gần đây ông Duterte khuyến cáo Mỹ kiềm chế và kiên nhẫn đối phó với ông Kim Jong Un. Ông nói: “Tôi tin rằng Tổng Thống Donald Trump bây giờ chỉ để quân lực Mỹ hiện diện nhưng không khởi sự một hành động gì mới ngoài tầm kiểm soát.”



Riêng ý kiến của Philippines có lẽ không có nhiều giá trị, nhưng hầu hết các quốc gia trong khu vực, như Trung Quốc, Nhật, đều mong muốn không xảy ra chiến tranh. Như vậy nếu Bắc Hàn không có một hành động gì khác thường thêm nữa, thì sự tập trung ít thấy ở vùng Tây Thái Bình Dương của Hải Quân Mỹ bao gồm một chiến đoàn với hàng không mẫu hạm Carl Vinson, cùng nhiều chiến hạm khác, kể cả tiềm thủy đĩnh nguyên tử, sẽ chỉ kéo dài một thời gian nào đó. Kết cục cuối cùng tốt đẹp nhất sẽ là Bắc Hàn chấp nhận một thỏa hiệp, nếu không phải là “vũ như cẫn” (vẫn như cũ). Hôm Chủ Nhật, Ðức Giáo Hoàng Francis kêu gọi các bên hòa giải, và đề xuất sự trung gian quốc tế của Na Uy chẳng hạn, như vai trò nước này đã đóng trong thỏa thuận Oslo giữa Palestine-Israel năm 1993-1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét