Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân
Phúc.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 4/5, một phóng
viên đã đề nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng xác nhận
thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thăm Mỹ vào cuối tháng 5 năm nay,
cũng như trọng tâm của chuyến thăm, khả năng thoả thuận hợp tác nào trong lĩnh
vực quân sự đặc biệt là việc mua sắm vũ khí.
Báo Thanh Niên và Tiền Phong trích lời bà Lê Thị Thu Hằng:
“Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thư mời Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ. Nội dung cụ thể của chuyến thăm đang được
hai bên thu xếp.”
Tuy bà Hằng không xác nhận ý định của Việt Nam muốn mua vũ
khí Mỹ, cũng như tin liệu Thủ tướng Phúc có chính thức đi thăm Mỹ vào cuối
tháng này hay không, nhưng việc báo chí trong nước “đánh tiếng” trước cho thấy
Việt Nam đang muốn gây ấn tượng với Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, bang
Virginia, cho rằng nếu có một thỏa thuận mua bán vũ khí trong chuyến thăm này
thì đây là thông điệp cho thấy Việt Nam “muốn thuyết phục Mỹ về tầm quan trọng
chiến lược của mình, bằng cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ.”
“Muốn có ấn tượng thì người ta nói đến việc mua vũ khí. Bây
giờ thì việc mua vũ khí có thể là món quà, hay có thể gọi là món hối lộ để có
được sự ủng hộ của ông Trump. Đằng sau cái đó là gì? Tuy không nói ra, nhưng họ
rất cần một đối trọng với Trung Quốc.”
Với “món quà ra mắt gây ấn tượng này”, liệu Việt Nam có thật
sự đạt được một thỏa thuận mua vũ khí từ Mỹ hay không? Giáo sư Hùng phân tích
các khía cạnh có khả năng xảy ra như sau:
“Quan trọng đằng sau việc mua súng thì người ta muốn biết ổng
muốn mua cái gì? Để làm gì? Và mua như vậy thì có cần huấn luyện của Mỹ không?
Nếu có huấn luyện thì ở Việt Nam hay ở Mỹ? Nếu ở Việt Nam thì dính dáng đến việc
sự của quân nhân Mỹ tại Việt Nam. Đằng sau việc mua bán này là cả vấn đề chiến
lược. Không biết Việt Nam có chiến lược rõ rệt về việc này hay không?”
Tháng 5 năm ngoái, trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama đến Việt Nam, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt
Nam. Khi đó báo chí Việt Nam cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí “không chỉ mang
ý nghĩa biểu trưng rất lớn, mà nó có giá trị thực tế, giúp chúng ta nâng cao sức
mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển.”
Phản ứng trước quyết định của Mỹ xóa cấm vận vũ khí, Trung
Quốc đã có phản ứng dè dặt. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói:
“Là một nước láng giềng thân cận với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ
hợp tác bình thường giữa Việt Nam và các nước khác, và chúng tôi hy vọng chắc rằng
một diễn biến như thế trong bang giao song phương là thuận lợi cho hòa bình và
an ninh trong khu vực.”
Báo An Ninh Thủ đô nói “mua sắm trang bị tiên tiến để tiến
thẳng lên hiện đại, có thể nói rằng, hướng đi này là rất đúng đắn.”
Bài viết trên tờ báo này nói trong bối cảnh ngân sách quốc
phòng còn eo hẹp, Việt Nam nên ưu tiên cho một số quân, binh chủng như hải
quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc.
Báo Sputnik dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Konstantin
Sivkov nói rằng Việt Nam không phải là quốc gia giàu có nên khó có khả năng mua
vũ khí từ nhiều nước khác nhau. Tờ báo nhận định:
“Có phần chắc họ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược mua sắm đồng
bộ. Ví dụ, nếu Việt Nam quyết định chuyển sang sử dụng máy bay của Hoa Kỳ, thì
sẽ phải đầu tư vào đào tạo bổ sung, trang thiết bị, kinh phí, v.v…”
Theo ông Sivkov thì “có nhiều khả năng Hà Nội sẽ mua một số
thiết bị khác nhau của Hoa Kỳ “để làm quen” với vũ khí và thiết bị quân sự của
Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sẽ không có chuyện mua bán với số lượng lớn.”
Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mua vũ khí của Nga và
còn hợp tác để phát triển vũ khí với nước này. Trả lời phỏng vấn của hãng tin
Sputnik hồi đầu năm nay, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Quân đoàn 2, nhấn mạnh “vũ
khí Nga có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các nước tương tự.
Tuy rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Hà Nội từ
lâu, vị thế đó sẽ dần dà bị xói mòn khi thị trường mở và các thương nhân vũ khí
Mỹ bắt đầu nắm bắt cơ hội. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI)
hôm 20/2/2017 công bố phúc trình mới nhất về tình hình mua sắm quốc phòng trên
thế giới, Việt Nam xếp hạng 10, chiếm khoảng 3% thị phần vũ khí thế giới, giá
trị nhập khẩu ước đạt gần 5 tỷ USD.
Đáng chú ý là so với giai đoạn 2007 - 2011, Việt Nam đã nhảy
vọt từ vị trí 29 lên thứ hạng nằm trong top 10, giá trị nhập khẩu vũ khí tăng tới
202%.
Vào tháng trước, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ
cho biết, Mỹ đã đồng ý chuyển giao tàu tuần duyên Morgenthau cho Việt Nam, sau
khi tàu này bị loại biên. Tàu tuần duyên USCGC Morgenthau của Hoa Kỳ sẽ sớm có
mặt trong biên chế lực lượng vũ trang Việt Nam. Phía Việt Nam yêu cầu mua lại 3
chiếc, nhưng Mỹ chỉ đồng ý bán lại một chiếc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét