Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Cuộc chiến chống phương Tây của các nhà dân túy


Nguồn: Ian Buruma, “War Against the West,” Project Syndicate, 13/03/2017.

 


Năm 1938, Aurel Kolnai, triết gia người Hungary gốc Do Thái sống lưu vong, xuất bản cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, The War Against the West (Cuộc chiến chống phương Tây), một nghiên cứu về những ý tưởng nền móng của chủ nghĩa Quốc xã. Kolnai dường như đã đọc mọi khảo luận khoa trương – phần lớn được viết bởi các nhà tư tưởng hạng ba – ca tụng các đức tính anh dũng, quên mình, máu và đất của “vùng đất của các anh hùng,” và lên án các xã hội vật chất, dân chủ tự do, tư sản trong các “vùng đất của các thương gia” (tức phương Tây).

“Vùng đất của các anh hùng” đương nhiên là Đức Quốc xã, và phương Tây, tha hóa bởi đồng tiền Do Thái và chủ nghĩa toàn cầu độc hại, được đại diện bởi Hoa Kỳ và Anh Quốc. Bạn phải có chung dòng máu mới được thuộc về dân tộc Đức anh hùng, trong khi quyền công dân trong thế giới Anglo-Saxon được mở rộng cho những người di cư đồng ý tuân thủ pháp luật. Ý tưởng về hai hình mẫu quyền công dân khác biệt này xuất hiện ít nhất từ cuối thế kỷ 19, khi Hoàng đế Đức Wilhelm II xem thường Anh, Mỹ, và Pháp vì đó là những xã hội lai tạp, hay như lời ông nói là họ đã bị “Do Thái hóa.”

“Phương Tây” đã giành chiến thắng trong Thế chiến II, ít nhất là ở nửa Tây của châu Âu; Liên Xô thắng ở nửa Đông. Và, thay vì bị trừng phạt, các kẻ thù cũ được giáo dục – thông qua các chương trình văn hóa và chính trị, được tài trợ hậu hĩnh bằng tiền của Mỹ – để trở nên giống người Mỹ hơn.

Đồng thời, Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ của Anh, đã thiết lập một trật tự quốc tế mới sau năm 1945, dựa trên tự do thương mại, các thể chế siêu quốc gia, và, ít nhất trên lý thuyết, sự thúc đẩy dân chủ tự do.

Nhưng cuộc chiến giữa các tư tưởng chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Một lần nữa, các tư tưởng tự do, chủ nghĩa quốc tế, và sự cởi mở với người nhập cư, lại nằm trong tầm ngắm. Chỉ có các nhóm ngoài lề mới công khai tán thành chủ nghĩa Quốc xã (mặc dù họ cũng trở nên đáng chú ý hơn). Nhưng thái độ chính thức thù địch đối với các nhóm thiểu số về văn hóa hoặc tôn giáo lại đang trở lại, cũng như sự ghê tởm đối với các nhóm tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu.

Ít nhất cũng có một bài kiểm tra hữu ích về quan điểm của mọi người: cách họ nhìn nhận về nhà đầu tư quốc tế và nhà từ thiện George Soros. Giống như Kolnai, Soros là một người Do Thái sinh ra ở Hungary, và sống ở Anh và Mỹ khi trưởng thành. Sau sự sụp đổ của đế chế Xô viết cuối những năm 1980, Soros đã làm được ít nhiều như những gì mà các cơ quan chính phủ Mỹ đã làm sau Thế chiến II. Ông chi phần lớn tài sản cá nhân của mình để thúc đẩy các giá trị dân chủ tự do tại các quốc gia cộng sản cũ. Một trong nhiều người hưởng lợi từ sự hào phóng của ông là thủ tướng Hungary đương nhiệm, Viktor Orbán, người từng học tại Oxford nhờ một học bổng của Soros.

Mới đây, ăn cháo đái bát, Orbán đã gọi “đế chế xuyên quốc gia” của Soros là một mối đe dọa nguy hiểm đối với bản sắc dân tộc của Hungary. Soros, theo quan điểm của Orbán, là một “kẻ săn mồi” được hỗ trợ bởi “hàng tấn tiền.” Orbán là một người ủng hộ nồng nhiệt “nền dân chủ phi tự do,” giống những kẻ chuyên quyền dân cử khác tại các nước vệ tinh của Liên Xô cũ. “Ở nước nào người ta cũng muốn loại bỏ Soros,” ông tuyên bố hồi tháng 12.

Ít nhất Orbán cũng đúng về một số quốc gia. Nhà lãnh đạo đảng cầm quyền Ba Lan, Jaroslaw Kaczyński, tin rằng các nhóm được Soros hỗ trợ muốn có “các xã hội không bản sắc.” Liviu Dragnea, người dẫn dắt đảng cầm quyền ở Romania, tiến xa hơn khi nói Soros đã “tài trợ cho quỷ dữ.” Cái mà Soros đang tài trợ trên thực tế ở Romania là các chương trình giáo dục, các học bổng quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ đang giúp làm sạch môi trường.

Quả thật, có thể miêu tả Soros là hiện thân của “phương Tây” theo định nghĩa của Kolnai. Ông là mọi thứ mà những người theo chủ nghĩa bản địa và chủ nghĩa bài Do Thái thù ghét: giàu có, mang quan điểm thế giới chủ nghĩa, là người Do Thái, và là một nhà tự do chủ nghĩa cống hiến hết mình cho cái mà Karl Popper, thêm một đứa con nữa có nguồn gốc Do Thái của Đế chế Áo-Hung, gọi là “xã hội mở.”

Khi những kẻ thù của xã hội mở đe dọa châu Âu trong những năm 1930, ít nhất cũng có một hình mẫu đối trọng mạnh mẽ ở Anh, và đặc biệt là ở Mỹ, được củng cố bằng chính sách kinh tế mới (New Deal) của Franklin D. Roosevelt. Các nạn nhân của chủ nghĩa toàn trị trên châu Âu lục địa vẫn có thể tìm được nơi ẩn náu ở cái “phương Tây” đó, và ngay cả những người không thể có được nơi ẩn náu cũng biết những kẻ phát xít và Quốc xã có các đối thủ đáng gờm ở London và Washington.

Chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác. Anh đã quay lưng với châu Âu, từ chối chủ nghĩa quốc tế của EU, và ngấm độc từ các chính trị gia nghĩ nhập cư là mối đe dọa sống còn đối với bản sắc dân tộc. Rồi còn có cuộc bầu cử đưa Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, điều mà Orbán gọi là một cơ hội mới – “một món quà” – cho Hungary. Quả thật, Soros xuất hiện như một kẻ âm mưu thế giới chủ nghĩa xấu xa được tuyên truyền trong chiến dịch tranh cử của Trump.

Quan điểm của Trump về người nhập cư – những “kẻ hiếp dâm,” “kẻ khủng bố,”… đang đến – đã đem lại một cú hích tinh thần lớn cho các kẻ thù của phương Tây. Cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết,” bài Hồi giáo, ủng hộ tra tấn, và các cuộc tấn công truyền thông chủ lưu của ông đang bị những kẻ chống chủ nghĩa tự do và những kẻ chuyên quyền trên toàn thế giới dùng để biện hộ cho việc đóng cửa biên giới và nghiền nát các “kẻ thù của nhân dân” – bằng bạo lực nếu cần.

Trong môi trường chính trị này, hình mẫu đối trọng với “xã hội đóng” đang tàn lụi. Phương Tây, theo định nghĩa của Kolnai, cuối cùng cũng phải đối mặt với một mối đe dọa sống còn, nhưng không phải từ những người nhập cư, đạo Hồi, hay các tổ chức phi chính phủ được Soros tài trợ. Kẻ thù nguy hiểm nhất của phương Tây là những người thường tự nhận là đang cứu rỗi nó, như Orbán, Marine Le Pen của Pháp, Geert Wilders của Hà Lan, Kaczyński, và Trump.

Tuy nhiên, có một niềm hy vọng ở châu Âu chắc sẽ làm kinh ngạc Kolnai, người xuất bản cuốn sách của mình trong cùng một năm mà những người lính của Hitler tiến vào Áo và Tiệp Khắc. Thủ tướng Đức, Angela Merkel, có thể đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, đáng chú ý là cách EU đối xử với Hy Lạp, nhưng bà cũng là nhà tranh đấu tận tâm nhất ở châu Âu cho những tư tưởng dân chủ tự do. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng nước Đức, vùng đất của các anh hùng xưa, sẽ vững vàng trong cuộc chiến mới nhất chống lại phương Tây.
*
Ian Buruma là giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và Year Zero: A History of 1945.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét