Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Câu chuyện về hai chiếc hàng không mẫu hạm





Hàng không mẫu hạm USS Midway nay là viện bảo tàng, đậu ở hải cảng San Diego. (Hình: Wikimedia.org)




Hải Quân Hoa Kỳ đứng đầu thế giới mà không quốc gia nào có thể sánh kịp, về số lượng cũng như tính năng của các hàng không mẫu hạm.



Từ 1922 đến nay, quân lực Mỹ sử dụng gần 70 hàng không mẫu hạm, nhưng chỉ còn 10 chiếc hiện dịch, tất cả đều vận hành bằng năng lượng nguyên tử, có lợi thế không phải tiếp nhiên liệu và có thể hoạt động vô thời hạn.



Nhưng có lẽ hai hàng không mẫu hạm được biết đến nhiều hơn hết qua các tin tức thời sự hàng đầu là USS Midway, trong chiến dịch Frequent Wind di tản người dân Việt Nam và binh sĩ Mỹ khỏi Sài Gòn năm 1975, và USS Carl Vinson, đang có mặt trong vùng biển Triều Tiên vì vụ khủng hoảng ở Bắc Hàn.



USS Carl Vinson (CVN-70) là chiếc thứ ba trong 10 hàng không mẫu hạm lớp Nimitz đang hoạt động trong Hải Quân Mỹ ngày nay. Theo cách gọi của hải quân, CV cho biết đó là loại hàng không mẫu hạm và N nghĩa là dùng năng lực nguyên tử.



Carl Vinson (1883-1981) là tên một dân biểu liên bang đảng Dân Chủ tiểu bang Georgia, đại diện tiểu bang này hơn 25 nhiệm kỳ (1914-1965), có nhiều công lao đóng góp cho quân lực Mỹ, đặc biệt là hải quân.



Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, biệt danh “Gold Eagle,” bắt đầu phục vụ trong hải quân từ 1982, đặt căn cứ tại San Diego, California, và phần lớn hoạt động cho đến nay là ở Ấn Độ Dương.



USS Carl Vinson tham gia các chiến dịch Desert Strike (phóng hỏa tiễn bình phi đánh Iraq năm 1996), Iraqi Freedom (chiến tranh Iraq 2003-2011), Southern Watch (kiểm soát không phận Nam Iraq 1992-2003) và Enduring Freedom (chiến tranh Afghanistan).



Người ta chú ý đền tên Carl Vinson năm 2011 khi đang hoạt động trong vùng Ấn Độ Dương. Thi hài Osama bin Laden bị biệt kích SEAL hạ sát ở Pakistan do trực thằng đưa đến được thủy táng từ sân bay của hàng không mẫu hạm này.



Đầu Tháng Tư năm nay, giữa lúc tình thế căng thẳng do thái độ ngoan cố và khiêu khích của Bắc Hàn, Tổng Thống Donald Trump loan báo Mỹ sẽ đưa đến vùng này một “chiến đoàn” hùng hậu trong đó có hải đội hàng không mẫu hạm Carl Vinson cùng các chiến hạm phụ trợ. Nhưng liền sau đó có những tin tức cho biết “USS Carl Vinson không phải là đến vùng biển gần Triều Tiên và không biết đang đi đâu.” Chuyện trở thành rắc rối vì có những chỉ trích cho là Tổng Thống Donald Trump “tháu cáy” trong vụ này.



Trong buổi điều trần tại Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện mới đây, Đô Đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh quân đội Mỹ vùng Thái Bình Dương, minh định: “Tôi chịu trách nhiệm về sự lộn xộn trong chuyện này.” Ông cho biết đã ra lệnh cho hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và ba chiến hạm trợ lực “hủy bỏ chuyến thăm Úc, và từ Singapore hướng về phía Bắc.” Nhưng bản thông cáo của Hạm Đội 3 (một thành phần trong quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương) đưa ra không đúng lúc khiến người ta có cảm tưởng hải đội Carl Vinson chưa tiến về hướng Bắc ngay lập tức, mà còn đi về hướng Nam để tham dự một cuộc tập trận với Hải Quân Úc trong Ấn Độ Dương. Đô Đốc Harris nhận lỗi lầm “đã không loan báo tin tức thỏa đáng cho báo chí và truyền thông” để gây ra những sự hoài nghi.



Tuần này, quả thực hải đội Carl Vinson đã hướng về phía Bắc và đang tập trận với hai chiến hạm Nhật trong vùng biển Philippines. Đô Đốc Harris xác nhận, hải đội sẽ tiếp tục đi hướng Bắc về phía bán đảo Triều Tiên, nhưng ông không nói rõ bao giờ đến đó, theo dự đoán có thể cuối tuần hay đầu tuần tới. Một dân biểu đặt câu hỏi vói đô đốc: “Ông nói đây là một thể hiện sự đoàn kết với đồng minh Nam Hàn và răn đe Bắc Hàn nếu họ định sử dụng sức mạnh. Vậy ngay bây giờ, từ vùng biển Philippines các máy bay chiến đấu trên tàu Carl Vinson phải mất bao nhiêu lâu mới đến Bắc Hàn?” Đô Đốc Harris đáp: “Chừng hai giờ,” nghĩa là trong tầm oanh kích.



Người ta cho rằng biện pháp đương đầu cứng rắn của Tổng Thống Donald Trump có thể đưa đến chiến tranh lớn, nếu Hải Quân Mỹ mở cuộc tấn công vào Bắc Hàn. Nhưng theo các giới am hiểu về quân sự, bằng những máy bay của Carl Vinson, cùng hỏa tiễn bình phi Tomahawk trên tuần dương hạm Lake Champlain và hai khu trục hạm Wayne E. Meyer, Michael Murphy, hải đội này chưa đủ cho một cuộc tấn công như vậy, mà còn cần thêm máy bay oanh tạc tầm xa như B-52, B1 và B-2 và những lực lượng khác.



Tuy nhiên, Đô Đốc Harris cũng bác bỏ những tin tức cho là hải đội Carl Vinson không đủ khả năng tự vệ chống hỏa tiễn Bắc Hàn. Theo ông, Bắc Hàn chưa có hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm, hơn nữa, hải đội Carl Vinson và những chiến hạm khác của Mỹ có mặt ở biển Nhật Bản vả biển Đông Hải có thừa khả năng để bắn hạ hỏa tiễn địch nếu có.



Ông Harris cho biết thêm là hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76) đã sửa chữa xong và sẽ tập dượt tại vùng biển Okinawa tuần này. Ngoài ra, tiềm thủy đĩnh nguyên tử phóng hỏa tiễn USS Michigan cũng đến thăm cảng Busan ở Nam Hàn. Hai khu trục hạm khác thuộc Hạm Đội 7 đang tập trận với Nhật ở vùng biển phía Đông Triều Tiên và với Nam Hàn trên biển Hoàng Hải, Tây Triều Tiên.



Mặc dù sự hiện diện của lực lượng hải quân hùng hậu như thế trong vùng Tây Thái Bình Dương hiện nay, nhiều phân tích gia tin rằng, Mỹ chỉ muốn biểu dương lực lượng để làm áp lực theo kiểu cách gọi là “ngoại giao pháo thuyền” quen thuộc từ thế kỷ 19 và vẫn còn được áp dụng trong nhiều trường hợp gần đây. Nhưng với một lãnh tụ khó dự đoán như ông Kim Jong Un trong chế độ đầy bí ẩn của Bắc Hàn, không thể biết biện pháp răn đe này có hiệu quả thế nào và nếu có chuyện bất ngờ gì xảy ra thì phải đối phó ra sao. Đó là thắc mắc của tương lai, có thể là tương lai không xa.



Trở về quá khứ 42 năm trước, như đã đề cập ở trên, USS Midway là hàng không mẫu hạm được nói đến nhiều vào thời điểm cuối Tháng Tư. Lúc đó, Tháng Tư, 1975, USS Midway không có sứ mạng chiến đấu mà được giao nhiệm vụ trợ giúp một số người di tản khỏi Việt Nam và đã góp phần chính trong chiến dịch Operation Frequent Wind mà mọi người đều đã biết nhiều qua sách báo về sau này.



Ngày 19 Tháng Tư, 1975 khi bộ đội Bắc Việt đã tiến chiếm 2/3 lãnh thổ miền Nam Việt Nam, USS Midway và bốn hàng không mẫu hạm lớn nhỏ khác thuộc Hạm Đội 7 như USS Coral Sea, USS Hancock, USS Enterprise, và USS Okinawa được triển khai tới Biển Đông. Hai chiếc trong số này chỉ có nhiệm vụ trợ lực, kiểm soát không phận khi tiến hành cuộc di tản.



USS Midway (CV-41) là hàng không mẫu hạm phục vụ lâu dài nhất trong Hải Quân Mỹ. Được hạ thủy năm 1945, khi Thế Chiến 2 vừa kết thúc, hàng không mẫu hạm này có trọng tải 45,000 tấn, lớn nhất vào thời đó. Sau nhiều lần tu sửa, trong tải của USS Midway được nâng lên tới 65,000 tấn, và được giải nhiệm năm 1992. Một trong những cải tiến quan trọng nhất của USS Midway là vào năm 1955, sân bay được làm xiên để máy bay có thể cất cánh và hạ cánh trên hai đường khác nhau như trên tất cả các hàng không mẫu hạm kiểu mới sau này.



USS Midway đã tham gia vào nhiều chiến dịch trong Hạm Đội 6 ở Địa Trung Hải và sau đó trong Hạm Đội 7 ở Thái Bình Dương, bao gồm chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam với hai lần chiến đấu ở Việt Nam, năm 1965 và năm 1972. Tại Trung Đông, USS Midway tham gia cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 và sứ mạng cuối cùng là Operation Fiery Vigil, di tản 20,000 quân nhân Mỹ và gia đình khỏi căn cứ Không Kuân Clark được trả lại cho Philippines.



Trước khi thi hành chiến dịch Operation Frequent Wind năm 1975, hàng không mẫu hạm Midway để lại phân nửa lực lượng máy bay chiến đấu ở căn cứ Subic Bay, Philippines, rồi đến Thái Lan nhận thêm 10 trực thăng vận tải loại lớn CH-53 và HH-53. Trong hai ngày cuối Tháng Tư, 1975, các trực thăng này đã nhiều lần bay tới Sài Gòn để chở người di tản tập trung bên ngoài phi trường Tân Sơn Nhứt và tòa đại sứ Mỹ.



Tên USS Midway sẽ còn tồn tại mãi mãi vì từ Tháng Giêng, 2004, USS Midway thả neo vĩnh viễn tại cầu tàu ở cảng San Diego, California, trở thành viện bảo tàng. Hàng ngày, công chúng có thể đến đây mua vé lên tàu đi xem toàn thể các nơi trên chiến hạm, những nơi mà trong 40 năm khoảng 200,000 sĩ quan, thủy thủ và phi công từng sống và làm việc. Trên sân bay và khoang chứa cũng có những loại máy bay từng hoạt động trên hàng không mẫu hạm, từ các máy bay chiến đấu cánh quạt thời sau Thế Chiến 2 cho đến A-1 Skyraider, F-8 Crusader, và A-4 Skyhawk trong chiến tranh Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét