Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Bảo tàng Boris Yeltsin âm thầm thách thức Putin


Nguồn: Masha Gessen, “Boris Yeltsin quietly challenges Putin”, The New Yorker, 09/12/2015.
 BORIS YELTSIN PRESIDENTIAL CENTER
Hình: Tatyana Yumasheva, con gái của Boris Yeltsin, hướng dẫn Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev tham quan Trung tâm Tổng thống Boris Yeltsin.

Người Nga lâu nay bị ám ảnh bởi những đặc lợi, và biểu tượng của nó là các phương tiện vận chuyển. Đó là lý do vì sao ba khu trưng bày quan trọng đầu tiên tại Trung tâm Tổng thống Boris Yeltsin, được khai trương vào cuối tháng 7 vừa qua tại Yekaterinburg, lại bao gồm hai xe hơi và một xe buýt điện.

Chiếc đầu tiên, được dùng để thu hút khách đến bảo tàng, được tọa lạc tại một tòa nhà mới xây chung với một số cửa hàng và phòng tranh, là một chiếc Zil lớn màu đen, chiếc siêu limousine cực kỳ vuông vắn mà Yeltsin từng sử dụng khi ông còn là bí thư thứ nhất – chức tương tự như thị trưởng – ở Yekaterinburg (hồi đó được gọi là Sverdlovsk) vào thập niên 1970 và 1980. Chiếc thứ hai, được đặt tại lối vào của bảo tàng, là một chiếc Zil còn to hơn – có tính năng chống đạn và được lắp ráp bằng tay –  được Yeltsin sử dụng khi ông còn là tổng thống, từ năm 1991 đến 1999.

Tiếp theo, trong bảo tàng là một trong những xe buýt nổi tiếng mà Yeltsin đã sử dụng khi ông còn làm bí thư thứ nhất Moskva, giữa nhiệm kỳ thị trưởng và tổng thống. Trong một video tiểu sử được chiếu trên một màn hình lớn ở trước chiếc xe buýt, bà góa phụ của Yeltsin, Nainia, nói, “Boris Nikolaevich thường dùng xe buýt điện đi làm để cảm nhận được cách những người lao động đi làm.”

Nhưng người lao động không đi chuyến xe dọc đại lộ đẹp nhất thành phố và đất nước, từ tòa nhà làm việc của các ủy viên ban chấp hành trung ương đảng đến văn phòng thị trưởng. Trong xã hội cực kỳ phân mảnh thời Liên Xô, tầng lớp lãnh đạo sống, làm việc, và nghỉ dưỡng cách xa cả về mặt vật chất và tinh thần đối với những người lao động, những người thường sống tại các ký túc xá ở ngoại ô và làm việc ở những khu được gọi là “khu công nghiệp”. Thậm chí xe buýt của họ cũng có mùi khác. Tên gọi chính thức cho sự phân chia này là “phân phối theo lao động”. Sau gần một phần tư thế kỷ từ khi Liên Xô sụp đổ, những bất bình đẳng trong xã hội Nga đã chuyển dịch nhưng chưa thu hẹp lại, vì thế ám ảnh về những đặc lợi, về xe hơi, là điều có thể hiểu được. Sự thật là những chiếc xe được trưng bày trên nằm trong số rất ít các vật trưng bày vô cảm trong bảo tàng đặc biệt này.

Nguyên tắc tổ chức chính của triển lãm được gọi là “7 ngày tạo dựng nước Nga”, và nó dẫn khách đi qua một loạt phòng trưng bày làm gợi nhớ lại những sự kiện long trời lở đất ở Nga thời thập niên 1990. Việc nhắc đến “Bảy ngày tạo dụng nước Nga” có thể hơi kỳ lạ nhưng nó phản ánh một cách mà Yeltsin, người qua đời vào năm 2007, vẫn được nhớ đến ở Nga: Ông là một nhân vật sống động lên nắm quyền trong khoảng thời gian mà đất nước dường như thay đổi triệt để. Từ khi ông thôi chức vào ngày 31/12/1999, Nga đã quay lại những thói cũ, làm sự thay đổi đôi khi trở nên rất mơ hồ. Bảo tàng này, được tổ chức bởi con gái Yeltsin là Tatyana và chồng cô, Valentin Yumashev (cả hai đều từng là phụ tá của Yeltsin), là một cố gắng không chỉ để cứu vãn di sản của ông mà còn nhấn mạnh rằng những thay đổi ông đem đến là vĩnh viễn.

Quan điểm này không nhận được nhiều ủng hộ ở Nga bây giờ. Theo quan điểm hiện tại, việc Liên Xô tan rã là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thời đại chúng ta”, theo cách nói của Putin. Thập niên 1990 là một cơn ác mộng của vô luật pháp và nghèo đói, và Putin là người duy nhất có thể, trước tiên là lập lại trật tự, và sau đó là bắt đầu đem nước Nga trở về vinh quang quân sự và đế quốc. Trong quan điểm của Yeltsin, điều bảo tàng thể hiện, nước Nga thoát khỏi ách cộng sản vào năm 1991, thiết lập những cải cách cấp bách về kinh tế và luật pháp, vượt qua những khó khăn và bi kịch, và trở nên mạnh mẽ hơn và tự do hơn khi thập niên 1990 kết thúc. Vâng, khoảng thời gian này là trước khi Putin lên nắm quyền: một biểu đồ lớn ba chiều đặt ở gần cuối của phòng trưng bày chính cho thấy đến năm 2000, nền kinh tế đã phục hồi. Nước Nga cũng có một hiến pháp mới, đảm bảo những quyền tự do chưa từng có. Phòng tiếp theo trưng bày một nhóm 10 người từng được xem là có khả năng kế nhiệm Yeltsin. Người thuyết minh bảo tàng đã “rộng lượng” với đề tài của mình: ông không đổ lỗi cho Yeltsin vì đã chọn Putin. Nhưng ông nhấn mạnh một điểm là Putin không phải là lựa chọn không thể tránh được.

Putin đã dự lễ khánh thành bảo tàng vào ngày 25 tháng 11 và nếu ông tham quan khu triển lãm chính, ông có thể không phật lòng. Vì bảo tàng nhấn mạnh các ý kiến một cách kiên định nhưng nhẹ nhàng, và những góc cạnh nhạy cảm đã được xén bớt. Ở phần có thể coi là kỳ lạ nhất của bảo tàng, một phim hoạt hình được chiếu trên một màn hình lớn trước phòng triển lãm “7 ngày” không nhắc đến Kievan Rus.[1] Một năm trước thì tất cả người Nga đều biết rằng nước Nga hiện đại có nguồn gốc là Kievan Rus, với thủ đô của đế chế đặt ở Kiev, tồn tại đến thế kỷ 13. Nhưng chiến tranh với Ukraine đã làm thay đổi lịch sử. Phim chỉ nhắc đến nước Rus cổ thay vì Kievan Rus, và không nhắc đến các hoàng tử Kiev.

Nó dẫn dắt người xem qua chiều dài lịch sử Nga, xây dựng câu chuyện dựa trên các sa hoàng vốn đã cân nhắc, thậm chí thử tiến hành các cải cách, và không vấp phải vấn đề nhạy cảm nào khác cho đến phần về thập niên 1930. Trong cách nhìn lịch sử của Putin, Stalin là một lãnh đạo vĩ đại nhưng đã vài lần đi quá mức. Trong bộ phim của Yeltsin, thời của Stalin được mô tả như một cơn ác mộng không ngừng của bạo lực và đàn áp, nhưng Stalin không được nhắc đến. Bộ phim chiếu hình ảnh Lenin và Khrushchev nhưng không có Stalin. Tội lỗi của ông vì thế được phi cá nhân hóa. Ý nghĩa ẩn sau của bộ phim là Putin cùng dòng với những lãnh đạo Nga độc tài, từ Peter Đại đế đến Stalin và Putin, còn Yeltsin nằm trong hàng ngũ những nhà cải cách, trong đó có Alexander đệ Nhị và Khrushchev. Hàng ngũ của Yeltsin chắc chắn dài hơn, và ẩn ý ở đây là nó là thứ sẽ tiếp tục tồn tại mãi mãi.

Bảo tàng xem việc Liên Xô sụp đổ là thời điểm nước Nga trỗi dậy chứ không phải là một thảm họa, nhưng nó tránh việc lên án “Đế chế Xấu xa” (tức Liên Xô). Bảo tàng cũng đặc biệt sáng tạo khi nói về cuộc chiến ở Chechnya từ 1994-1997, tách biệt nó hoàn toàn khỏi câu chuyện chính. Phần trưng bày về cuộc chiến gần như bị lãng quên trong ký ức của người Nga này là một tuyệt tác: những người tạo ra nó đã thành công trong việc thể hiện quan điểm của cả hai bên bằng cách cung cấp những bức ảnh chỉ được nhìn thấy qua các vết đạn. Nhưng nó được dựng lên trong một căn phòng dài, đi song song với khoảng thời gian tương tự của phần triển lãm chính. Khách tham quan có thể lựa chọn giữa đi qua cuộc chiến hoặc vờ như nó chưa bao giờ diễn ra.

Triển lãm kết thúc với một căn phòng trống lớn. “Đây là Hội trường Tự do của chúng tôi”, một hướng dẫn viên nói với tôi. “Bạn sẽ luôn luôn cảm thấy được giải phóng ở đây.” Bạn cũng có thể cảm thấy bị lạc lõng hay bị áp đảo, điều có thể thích hợp với nơi này. Hội trường có năm cột được bao bọc bởi những tấm gương, mỗi cột tượng trưng cho một trong 5 quyền tự do mới được bảo đảm bởi hiến pháp của Yeltsin: tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do hội họp, tự do tôn giáo, và tự do báo chí. Những tấm gương làm hội trường có cảm giác giống như một phòng tập múa bỏ hoang. Có phải đây là một nơi mà nước Nga đã thất bại trong việc lấp đầy, hay là một nơi vẫn có thể được dùng làm nơi trú ngụ?

Sự hiện diện của bảo tàng, và kích cỡ của nó – lớn bằng một khoảnh đất giữa hai con phố chính kiểu Liên Xô, và ở một nơi có thể nhìn thấy phần lớn Yekaterinburg – ngụ ý rằng nó sẽ tồn tại lâu dài. Khi chủ nghĩa Putin chấm dứt, căn phòng trống nơi câu chuyện của Nga chấm dứt theo cách nhìn của Yeltsin vẫn còn đó. Đó là một câu chuyện phức tạp, nhưng nếu là một nơi khởi đầu, thì nó sẽ không phải là quá tệ.


[1] Kievan Rus là một đại công quốc thời trung cổ với thủ đô là Kiev, từng tồn tại ở Đông Âu từ cuối thế kỷ 9 đến giữa thế kỷ 13. Các dân tộc Belarus, Ukraine và Nga đều coi Kevian Rus là nơi khởi nguồn văn hóa của mình (NBT).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét