Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Tại sao Kim Jong Un tự cho phép "lộng hành"?


Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm đơn vị 966 của quân đội Nhân Dân Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 01/03/2017.KCNA/via REUTERS

Cuộc điều tra vụ ám sát Kim Jong Nam vẫn được cảnh sát Malaysia tiếp tục với tình tiết mới là khởi tố hai nữ nghi phạm người Indonesia và Việt Nam. Bình Nhưỡng không hợp tác và chỉ khẳng định nạn nhân là một công dân Bắc Triều Tiên mang hộ chiếu ngoại giao với tên Kim Chol. Còn Hàn Quốc, Malaysia và Hoa Kỳ đều khẳng định đó là người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Vụ ám sát xảy ra ngay giữa sân bay quốc tế Kuala Lumpur đông hành khách qua lại, khiến không ít người đặt câu hỏi lớn : Tại sao nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên tự cho mình quyền làm mọi việc ?

Theo một bài báo được đăng trên tờ Dongfang Ribao (Đông Phương Nhật Báo) phát hành tại Hồng Kông và được Courrier International trích dịch ngày 23/02/2017, lý do chính là sự « nương tay » của cả Bắc Kinh và Washington.

Kim Jong Un thách thức cả thế giới khi cho người ra tay ám sát anh trai ngay giữa thanh thiên bạch nhật và trước bàn dân thiên hạ. Trong khi giới chuyên gia còn đang tìm cách phân tích động cơ, lý do chọn thời điểm và địa điểm hành động để Bình Nhưỡng loại bớt một mối đe dọa, chắc Kim Jong Un đang cười đắc thắng « Các người làm gì được ta ? »

Trung Quốc dung túng Bắc Triều Tiên để thách thức Hoa Kỳ


ADVERTISING

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc không đề cập nhiều đến tình tiết vụ ám sát và tiến trình điều tra. Tại sao ? Vì chính tại Bắc Kinh và Macao là nơi Kim Jong Nam chọn để « ở ẩn ». Tuy nhiên, tất cả đều đồng loạt nhấn mạnh đến việc nạn nhân là một người ủng hộ chính sách đổi mới và mở cửa, giống người chú Jang Song Thaek (từng là nhân vật số hai của chế độ trước khi bị xử tử năm 2013). Kim Jong Nam là một quân át chủ bài của Trung Quốc trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên tiến hành cải cách. Thế nhưng, với vụ sát hại tại Malaysia ngày 13/02/2017, chẳng còn ai dám hỏi người nào có thể đứng ra bảo vệ được Kim Jong Nam.

Từ hơn một nửa thế kỷ nay, ngành ngoại giao Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công lớn nhưng vẫn tỏ ra bất lực trong việc kiểm soát tình hình chính trị nội bộ của các nước đồng minh. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ cho rằng đó là chính sách tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ của nước khác, nhưng lịch sử chứng minh rằng trên thực tế, hoặc ngành ngoại giao Trung Quốc bị trì trệ, hoặc chơi hai mặt. Hơn nữa, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, trong vòng 30 năm gần đây, còn được thúc đẩy bởi sự phát triển tâm lý Sô-vanh nước lớn và xu thế luật rừng.

Phải nói là Trung Quốc « gây hấn » với hầu hết các nước láng giềng : để miền bắc Miến Điện rơi vào cuộc chiến du kích ở vùng biên giới, nuôi tham vọng ngày càng lớn với quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản quốc hữu hóa và gọi là Senkaku, gay gắt chỉ trích Tokyo không thừa nhận vụ thảm sát Nam Kinh và khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục. Chỉ có mỗi chuyện gây sức ép với Bắc Triều Tiên hoặc thay đổi nước này là làm cho Trung Quốc phải « câm nín » về các thành tích của mình.

Để biện bạch cho lập trường ủng hộ chế độ của Kim Jong Un, xã hội Trung Quốc từng đưa ra rất nhiều luận điểm, trong đó phải nhấn mạnh đến « tình đoàn kết không gì lay chuyển được trước một mối nguy hiểm chung » song dường như « bảo bối » này không còn hiệu nghiệm, hay thuyết cùng nằm trong « khối xã hội chủ nghĩa ». Ngoài ra cũng có nhiều luận điểm mới xuất hiện, như « Trung Quốc chẳng được lợi lộc gì nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất », nếu vậy thì phải chăng có điều gì đó hơi mất thể diện đối với một quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới, và đang cố vươn lên hàng đầu như Trung Quốc, lại phải lo ngại sự cạnh tranh của nước láng giềng nhỏ bé hơn. Đương nhiên, Trung Quốc phải tìm cách bảo vệ các lợi ích của mình, nhưng tại sao Bắc Kinh cứ khăng khăng bảo vệ di sản mà Hoa Kỳ và Liên Xô để lại từ sau Thế Chiến II ?

Cũng có người nói rằng sức mạnh bá chủ của Trung Quốc càng hùng hậu nếu có thêm mộtkẻ « coi trời bằng vung » đứng ra thách thức Hoa Kỳ. Thế nhưng, thách thức của kẻ này (cụ thể là các cuộc thử nghiệm hạt nhân) có vẻ như là một thủ đoạn nhắm tới Hoa Kỳ, nhưng lại đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc.

Bắc Triều Tiên tự do hành động vì toan tính của các cường quốc

Trên thực tế, nếu như một nhà lãnh đạo độc tài như Kim Jong Un tự cho mình thách thức mọi điều hay lẽ phải của nhân loại, các quy tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế và quyền lực của Liên Hiệp Quốc, đó là nhờ vào những quan điểm trái ngược của các cường quốc. Chắc chắn sẽ có người hỏi tại sao Hoa Kỳ không trừ khử luôn Kim Jong Un như đã từng làm với Saddam Hussein và Muammar Kadhafi ? Nhưng nên nhớ là vào những thời điểm đó, Hoa Kỳ đã viện vào lý do chiến tranh ở Irak và cuộc nổi dậy ở Libya để can thiệp.

Một lý do quan trọng hơn là dù Hoa Kỳ có tức giận vì nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân bị vi phạm, nhưng trên thực tế, mối đe dọa vũ khí nguyên tử ở những phần còn lại của thế giới hoàn toàn có thể kiểm soát được. Chắc chắn Mỹ nằm trong tầm bắn của vài chục quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng « Chú Sam » có các phương tiện kỹ thuật để phòng ngừa. Vì vậy, mối đe dọa hạt nhân hay những lời đe dọa khủng bố của Bắc Triều Tiên nhắm vào Mỹ chỉ mang tính tượng trưng mà thôi.

Nếu đúng như vậy, bản thân Kim Jong Un, chế độ toàn trị của Bắc Kinh và những hành động khiêu khích ở bên ngoài không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc nội Mỹ và trật tự ở vùng Đông Bắc Á. Thực vậy, với Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên không đáng sợ bằng Trung Quốc và động thái của Bình Nhưỡng đang gây bất lợi cho Bắc Kinh. Đây mới chính là điều Washington tính toán và cũng là lý do giải thích tại sao thái độ « bao dung » của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên không khiến Hoa Kỳ phẫn nộ.

Dù tổng thống Donald Trump đưa ra nhiều ý tưởng đặc biệt đang làm xáo trộn xã hội Mỹ trong những ngày đầu của nhiệm kỳ, nhưng hồ sơ Bắc Triều Tiên không nằm trong danh sách ưu tiên cần giải quyết của ông chủ Nhà Trắng. Điều này có thể hiểu là có rất ít khả năng Hoa Kỳ dùng đến sức mạnh quân sự để giải quyết triệt để mối đe dọa hạt nhân này.


Điểm cuối cùng, nếu Kim Jong Un vẫn có thể hành động một cách ngông cuồng và bắt người dân Bắc Triều Tiên chịu khổ cực, không phải vì ông ta là một thiên tài, mà do các nước khác để nhà lãnh đạo độc tài đó cơ hội hành động. Chừng nào còn đất diễu võ giương oai, Kim Jong Un còn hả hê thể hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét