Hôm qua, ngày 29 tháng 3 năm 2017, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
chính thức vinh danh 13 người phụ nữ dũng cảm trên khắp hành tinh đã dám đấu
tranh vì những vấn đề bất công, kém tiến bộ trong xã hội họ đang sống. Trong
đó, chỉ có 12 người có mặt, riêng người đại diện Việt Nam blogger Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh, cũng là người đặc biệt nhất thì đang ngồi tù. Và đặc biệt hơn nữa là
chị có một người mẹ đặc biệt, quá đặc biệt!
Có thể nói rằng chị Nguyễn Thị Như Quỳnh ở vị trí đặc biệt
nhất trong số 13 người được trao giải. Bởi hai lý do: Tình cảnh của chị hiện
nay và; Chị là người sống trong một đất nước mà ở đó có quá nhiều thứ đặc biệt,
công cuộc đấu tranh của chị cũng là một công cuộc đặc biệt.
Nói về tình cảnh của chị Quỳnh, kể từ lúc bị bắt cách đây
hơn 5 tháng đến nay, dường như mọi thông tin về chị đều bặt vô âm tín với gia
đình. Mẹ của chị Quỳnh, bà Lan đến thăm con thì lần nào cũng chỉ được đến trại
giam để gởi quà chứ không đuộc gặp mặt dù chỉ 1 giây.
Bà nhiều lần thắc mắc tại sao không cho bà gặp con thì phía
công an chỉ trả lời là “bình thường”, lần nào cũng như lần nào, họ đều trả lời
‘bình thường”. Bà Lan lại lủi thủi quay về. Có lần, Mẹ Nấm có viết mấy dòng lên
tờ giấy gói quà gởi ra cho bà Lan, công an đã dùng bút xóa, xóa lên hai mặt khiến
cho bà không tài nào đọc được. Một lần nữa, bà lại hoang mang, lo lắng và đau
khổ.
Và trong lúc chị Quỳnh bị giam giữ không có lý do, bà Lan vừa
phải đấu tranh đòi trả tự do cho con gái, vừa phải nuôi hai đứa cháu ngoại là
bé Nấm và cu Gấu. Vừa làm bà ngoại lại vừa làm mẹ của hai đứa cháu ngoại còn nhỏ,
vừa phải làm bảo mẫu dỗ dành khi hai đứa bé khóc đòi mẹ. Sự khổ nhọc, sức chịu
đựng và đức hi sinh cho con cháu của bà khiến cho bất kì ai chứng kiến đều phải
thốt lên “Ôi chao, bà như thế này thì nhất định con gái bà phải làm được việc lớn
rồi!”. Tôi cũng không ngoại lệ, tôi từng nói với bà là “cô ơi, cô là một người
mẹ của những đứa con vĩ đại, được làm con của cô là một may mắn và hạnh phúc!”.
Đáp lại, bà chỉ cười nhẹ, hiền từ “Thôi mà con, làm mẹ thì
ai mà chẳng thương con, thương cháu, vả lại, Quỳnh nó làm việc chính đáng, làm
việc vì xã hội thì có chết cô cũng ủng hộ và đồng hành với nó. Chứ nó làm quan,
tham nhũng hay ức hiếp người khác thì…” (cười). Tôi vớt vát “Nhưng mà đã là con
của cô thì sẽ không bao giờ có loại người đó!”. Bà lại cười, nụ cười hiền từ
nhưng đầy vẻ kiên nghị, đoan chính của một người mẹ, tôi chỉ biết nói như vậy!
Và cũng qua bà Lan, tôi mới hiểu thêm rằng dường như gia đình
bà trở nên đặc biệt là nhờ bà tất cả (cũng có thể là nhờ chị Quỳnh tác động đến
bà khi chị tham gia các hoạt động đấu tranh dân chủ, tự do…). Hiếm có người phụ
nữ nào vừa tuổi cao sức yếu, tay xách nách mang đứa cháu đến lớp, mang quà thăm
con gái trong trại giam, lo liệu bếp núc, làm kiếm tiền mua mớ rau, lát thịt,
miếng đậu hủ… mà lại hiểu biết về xã hội một cách sâu rộng như bà. Chuyện cá chết,
biển chết, thực phẩm độc hại thì ai cũng biết. Nhưng để thông cảm và thấu hiểu
như bà thì có lẽ hiếm, nhất là khi tuổi đã cao, người ta thường lo lắng cho sức
khỏe bản thân, sợ trái gió trở trời, sợ nhiều thứ. Bà thì không sợ gì ngoài việc
sợ con gái của mình dang dở công việc.
Và công việc mà bà đang đồng hành cùng con gái bằng cách này
hay cách khác, hiện tại cũng dang dở thực sự bởi cái hệ thống đối lập với những
người như con gái bà, họ đang nhân danh chính thống, nhân danh quyền lực để một
tay che mặt trời, để mặc cho ngư dân miền Trung đau khổ, rên xiết. Tôi là người
tiếp xúc với ngư dân khá nhiều. Đôi khi tôi phải rùng mình ớn lạnh bởi đời sống
cũng như sự bức xúc của ngư dân.
Nói thì thành tự đưa cái lưng làm hỏng chuyện cho người xem,
tôi từng can ngăn một ngư dân khi anh này chuẩn bị đổ dầu đốt các ngư cụ bởi
nhà nước không đền bù cho anh thỏa đáng và trước khi đền bù còn chơi trò biểu
quyết đểu. Nghĩa là sau khi nhận đơn khiếu kiện của anh bạn, ủy ban xã đã gọi
những người họ đã đền bù đến họp và biểu quyết bằng cách giơ tay để ủng hộ đền
bù cho anh. Nhưng kiểu làm việc giơ tay biểu quyết này đã được tính toán từ trước,
chẳng khác gì đấu tố, nên kết quả đúng như những gì ủy ban xã đã muốn. Anh tức
giận, mang toàn bộ ngư cụ chất thành đống trên bờ để đốt. Anh khá thân với tôi
và một người bạn ngư dân nữa tên H., ông H. gọi điện thoại cho tôi, tôi gọi cho
anh và khuyên can. Cuối cùng anh ngừng đốt.
Thực ra, sự khuyên can của tôi không đúng. Bởi tôi đã chặn đứng
mất cái quyền bày tỏ bức xúc của bạn tôi bằng lời khuyên. Nhưng thực tâm mà
nói, tôi rất sợ mấy đứa con nhỏ của anh bị khủng hoảng tâm lý khi thấy cha mình
làm vậy và hơn hết là anh cũng nghèo, vay tới vay lui mới mua được một bộ giã
cào và một tay lưới, tổng tài sản của anh chừng 30 triệu đồng. Cả gia đình anh
sống dựa vào đó. Giờ anh đốt thì lấy gì để nuôi con.
Và cả miền Trung, dường như không có chỗ nào là không có bức
xúc. Bởi hiện tại, đã có nhiều gia đình ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đổi đời
sau khi biển nhiễm độc. Nghĩa là họ vốn chẳng làm gì liên quan đến biển cho mấy,
nuôi một cái ao tôm (chứ chưa phải là hồ tôm) nho nhỏ cho có chuyện hoặc sắm một
cái ghe đánh bắt rồi thuê người đánh để che mắt thiên hạ, bản thân và con cái
làm cán bộ, làm ông lớn hoặc có người thân làm ông lớn. Khi có tiêu chuẩn đền
bù, thiệt hại của họ không nhiều nhưng tiêu chuẩn của họ rất cao, có người nhận
được vài ba tỉ đồng để sắm xe, mua thêm đất.
Thử nghĩ, trong lúc hàng triệu ngư dân thất nghiệp, nguy cơ
phá sản và mất nhà vì nợ ngân hàng vây bủa, con cái bỏ học, vợ con tứ tán kiếm
sống… Mọi thứ trở nên khủng hoảng nhưng khi có đền bù, người thiệt hại chỉ nhận
được vài ba chục triệu đồng hoặc hỗ trợ sáu tháng lương thực thì thấm béo vào
đâu, trong khi những kẻ không bị thiệt hại thì trúng đậm thì ai không bức xúc?!
Ngay cả trong gói tiền đền bù nhỏ nhoi chứa đầy xương máu và nước mắt của ngư
dân, các ông các bà cũng tùng xẻo, cũng ngoạm cho được một miếng nạc, thậm chí
ngoạm đến gân cũng không chừa như vậy thì ngư dân họ bức xúc là chuyện đương
nhiên.
Sở dĩ tôi phải nói từ chuyện bà Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm
sang chuyện ngư dân bởi vì với cái hiện thực hết sức tồi tệ như Việt Nam hiện
nay, chỉ riêng việc tồn tại cho ra con người một chút không thôi cũng đã là một
vấn đề chứ đừng nói đứng lên đấu tranh cho cộng đồng, cho xã hội. Nhưng thử
nghĩ, một gia đình gồm một người phụ nữ cao tuổi, một người con gái trẻ bận với
hai đứa con nhỏ, lo lắng mọi thứ… Vậy mà công việc dành cho xã hội, cộng đồng của
cô luôn ở mức cao nhất. Thử hỏi, nếu người mẹ không đồng cảm, không biết quan
tâm đến xã hội và không hi sinh cho con cháu thì liệu chị Quỳnh có đủ thời gian
để làm bất kì việc gì?
Tôi xin cúi đầu bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi với bà Lan, mẹ
của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét