Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Muốn ‘tập trung tích tụ đất đai’, phải công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân


Muốn thực hiện có hiệu quả chủ trương Tập trung tích tụ đất đai”, cải cách lớn nhất và có ý nghĩa an toàn cho dân sinh nhất là nhà cầm quyền cần công nhận quyền sở hữu đất đai thuộc về tư nhân và do đó phải điều chỉnh Hiến pháp năm 2013 cùng Luật Đất đai năm 2003.



Đảng cầm quyền cùng giới chuyên gia nhà nước lẫn “phản biện trung thành” đang phát động “đổi mới đất đai lần thứ 4”, sau 3 cuộc “đổi mới đất đai” - 2 lần vào thế kỷ trước và lần thứ 3 vào năm 1993.
Nhưng giới phân tích và chuyên gia độc lập cùng nhiều nông dân lại đang thật sự lo lắng rằng cái gọi là “đổi mới đất đai lần thứ 4” - dựa trên chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” được đảng khởi phát, sẽ thêm một lần nữa khiến đời sống nông dân Việt Nam bị bần cùng hóa.
Đơn giản là từ năm 1995 đến nay, có quá nhiều dẫn chứng tàn nhẫn và tàn bạo về việc các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản đã lợi dụng chính sách “thu hồi đất để phục vụ các dự án kinh tế - xã hội” để đền bù với giá rẻ mạt đối với đất ở đô thị và đất nông nghiệp, thậm chí người dân còn bị cướp trắng đất. Sau quy trình lợi dụng chính sách để phục vụ lợi ích nhóm ấy, đám con buôn đất đai đã đẩy giá bán đất ra thị trường lên gấp từ vài ba chục đến hàng trăm lần so với giá đền bù.
Bất công khủng khiếp trên đã khiến tạo ra một giai tầng dân oan đất đai ghê gớm ở Việt Nam, đặc biệt từ sau năm 2000, lên đến hàng trăm ngàn người. Từ năm 2005 cho đến nay, không hiếm cảnh khiếu kiện đông người rồng rắn kéo đến trụ sở các cơ quan công quyền ở địa phương và Hà Nội. Nhưng bất công vẫn tiếp tục đè nặng khi nhiều dân oan đất đai không những không được cơ quan chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, mà bản thân họ còn bị trù dập và bị tống vào vòng lao lý. Không ít dân oan đất đai đã phải vào tù bởi hành động đấu tranh đòi lại công bằng của họ.
Còn giờ đây, đảng - mà cụ thể là ông Nguyễn Phú Trọng - có vẻ đang say sưa với “Tập trung tích tụ đất đai”. Nhưng cũng cho tới nay, giới quan chức và chuyên gia nhà nước vẫn dường như chỉ chơi chữ với cụm từ “Mấu chốt vấn đề hạn điền chỉ là hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp”.
Cho dù một số tờ báo tung hô hành động “mở rộng hạn điền” của đảng và chính phủ, thực tế từ lâu đã diễn ra là một số doanh nghiệp và cá nhân đã canh tác với diện tích hàng trăm ha, thay vì chỉ được 3 ha như mức hạn điền cũ.
Mấu chốt của vấn đề tăng mức hạn điền không còn là ban hành quy định tăng gấp 10 lần so với mức cũ, mà làm sao để ban hành được những quy định ràng buộc, chế tài đối với các doanh nghiệp, để những doanh nghiệp này không thể lợi dụng chính sách tăng hạn điền và Tập trung tích tụ đất đai” nhằm lấy đất của nông dân với giá rẻ mạt và biến nông dân thành kẻ làm thuê rẻ mạt thu nhập cho họ.
Chắc chắn chẳng có gì bảo đảm là “đảng ta” đã và có tính toán đến những biện pháp chế tài nhằm bảo vệ dân sinh ấy. Trong khi đó, bất công lớn nhất lại chính là Luật Đất đai năm 2003 và Hiến pháp năm 2013 vẫn giữ nguyên quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” - như một thứ bùa chú quá đắc dụng để các nhóm lợi ích bất động sản tha hồ lợi dụng chính sách “đất công” biến thành đất riêng của họ.
Nếu hậu quả trên một lần nữa xảy ra sau khi chủ trương Tập trung tích tụ đất đai” được triển khai, đó sẽ là câu trả lời đích đáng cho đánh giá “Điều 129 hiện nay có ý nghĩa là trong hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thì không thu tiền và người sử dụng đất trong hạn mức đấy có tất cả các quyền. Đó là một thành quả cách mạng, là tất cả người nông dân đều có quyền lợi được giao đất trong hạn mức đấy” của bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường.


Muốn thực hiện có hiệu quả chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai”, cải cách lớn nhất và có ý nghĩa an toàn cho dân sinh nhất là nhà cầm quyền cần công nhận quyền sở hữu đất đai thuộc về tư nhân và do đó phải điều chỉnh Hiến pháp năm 2013 cùng Luật Đất đai năm 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét