Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Để có sự thay đổi, trước hết cần nghiêm túc sửa đổi

Kami



Chiều muộn, bận bịu giữa núi công việc bộn bề. Vừa dừng tay nghỉ ngơi thì thấy bài viết "Có cách nào khác không?" của TS. Vũ Thị Phương Anh, đăng trên trang facebook cá nhân. Sở dĩ tôi để ý bài viết này, vì thấy tiêu đề bài viết đồng thời cũng là một câu hỏi rất hay được nghe mọi người hỏi nhau và đó là điều không ít người luôn nung nấu, mỗi khi nghĩ tới vận mệnh cũng như tương lai của đất nước và dân tộc mình.



Câu hỏi "Có cách nào khác không?" tôi thường được nghe nhưng câu trả lời cuối cùng thì hầu như không có, để rồi khi chia tay nhau, thì việc ai người ấy lo, đường ai người ấy bước. Khi gặp lại thì câu hỏi cũ vẫn được đặt ra, rồi cũng lại bị bỏ quên như mọi lần.



Thực trạng của đất nước, được mô tả trong bài viết, bài TS Vũ Thị Phương Anh là: "Thì vẫn vậy thôi. Môi trường bị tàn phá đến không ai còn có thể nhận ra một đất nước vốn có thiên nhiên đẹp xinh lộng lẫy hiếm có dường ấy. Luật pháp bị chà đạp ngay bởi những người cầm quyền, và bị/được lách bởi bất cứ ai có khả năng lách. Giáo dục kém chất lượng, giả dối lan tràn, đạo đức bị xói mòn đến tận gốc. An toàn, an ninh hoàn toàn không được bảo đảm cho mỗi cá nhân. Cuộc sống bất an, lòng người ly tán. Có còn gì không, Việt Nam – đất nước con người?".



Đó là một thực tế mà ai cũng biết, không ai có thể chối bỏ và những cái đó đã hiện hữu và tồn tại đã quá lâu. Đã khiến cho quê nghèo của ông cha mình nơi ấy, đã xác xơ nay càng thêm xơ xác.



Mọi người trong đó có tôi cũng cùng chung một suy nghĩ như tác giả TS. Vũ Thị Phương Anh, đó là: "Buồn thật là buồn. Nhưng chỉ buồn thì cũng chẳng thay đổi được gì. Rồi thì tôi và mọi người vẫn cứ sống trên mảnh đất đau thương ấy – cho đến khi có cách nào để thoát ra. Mà chắc chắn là đối với tuyệt đại đa số người Việt thì việc thoát ra khỏi VN là một điều không tưởng – có nghĩa là chúng ta cứ phải mãi sống chết với quê hương khốn khó này, dù muốn dù không. Vậy phải làm sao đây?".



Theo tôi, có lẽ đó là một nhận định mang chút chua chát, song có lẽ không còn có thể đúng hơn như thế. Bởi vì chúng ta, anh, tôi, bạn hay chị kia..., cũng chỉ là nhưng người dân bình thường như muôn người khác. Chúng ta không khá hơn những người nông dân ngày xưa, mà Cụ Đồ Chiểu đã mô tả là:



"Côi cút làm ăn,



Riêng lo nghèo khổ,



........



Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;



Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó."



Chúng ta không phải là những người làm cách mạng để mang đến sự thay đổi. Cính vì như thế nên tự mỗi chúng ta rất khó có thể tìm câu trả lời cho câu hỏi "Có cách nào khác không?". Tuy nhiên chúng ta vẫn có hy vọng và trông chờ vào những người hoạt động đấu tranh cũng như các đảng phái, các tổ chức chính trị khác.



Riêng tôi từ đã lâu, trong vai trò là một nhà báo, một blogger và tôi không phải là nhà tranh đấu. Tôi không hề bi quan, nhưng tôi cũng có rất ít hy vọng có sự thay đổi. Vì lâu nay, tôi đã trông thấy và nhiều lần chỉ ra rằng, cái mớ hỗn độn các tổ chức cá nhân ấy mà người ta thường gọi bằng cái tên chung là Phong trào đấu tranh Dân chủ hiện nay, nếu không có sự sửa đổi một cách nghiêm túc từ gốc gác thì không có cách nào để có thể tạo ra sự thay đổi được.



Tại sao lại nói như thế?



Vì chỉ nhìn vào phong trào Tổng Biểu tình do Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Phong trào Quốc Dân Việt khởi xướng, thì đã thấy đầy đủ mọi vấn đề.



Tôi không có ý phê phán phong trào Tổng Biểu tình do Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Phong trào Quốc Dân Việt khởi xướng. Mà ngược lại tôi đánh giá cao sáng kiến này của Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Phong trào Quốc Dân Việt, đó là một ý tưởng không tồi. Nếu như những ai đọc bài viết "Sự Hình Thành Và Phát Triển Của Phong Trào Biểu Tình Vào Các Ngày Thứ Hai Tại Đông Đức" trên trang Ba Sam gần đây thì sẽ rõ điều đó. Đơn giản là, muốn có một đám chay lớn thì phải bắt đầu từ những tia lửa nhỏ. Tuy nhiên, Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Phong trào Quốc Dân Việt không đủ tiềm lực cũng như các khả năng cần thiết cần phải có. Chỉ riêng cái giọng nói yếu ớt - nói không ra hơi của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, khi đọc các lời hiệu triệu toàn dân tổng biểu tình hàng tuần nghe mà thấy tội. Điều đó đã phản ảnh khá trung thực tiềm năng của phong trào tổng biểu tình hiện nay nói riêng và phong trào đấu tranh dân chủ nói riêng.



Đó là chưa nói đến sự yếu kém trong việc tổ chức, liên kết giữa các nhóm từ các địa phương trong cả nước trong việc hưởng ứng và ủng hộ phong trào Tổng Biểu tình. Chí ít là sự ủng hộ và liên kết giữa hơn 20 tổ chức XHDS hiện nay có tên tuổi cụ thể về mặt hình thức. Sự thiếu vắng này của các tổ chức XHDS này đã cho thấy sự yếu kém của phong trào, trong việc tạo nên sự đồng thuận, thống nhất giữa các tổ chức cũng như các cá nhân. Đây là hệ quả của các hoạt động được cố tình tạo ra về bề nổi để lấy thành tích và hoàn toàn không có chiều sâu. Cái đó khác nào bong bóng xà phòng, chỉ tồn tại chỉ trong giây lát. Đó là lý do khiến chất lượng của những người tham gia phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay quá yếu kém, nó đang ở mức thấp nhất chưa từng thấy trong vòng 10 năm trở lại đây. Có nghĩa là, ta tự đánh ta, chưa đánh đã tan.



Nguyên nhân cơ bản là họ thiếu lý tưởng, song quan trọng hơn cả là hầu hết các cá nhân tham gia đấu tranh dân chủ với mục đích kiếm sống như một nghề, xa hơn là moi tiền để làm giàu. Điều đó không chỉ không thu hút được cá nhân khác đi theo, mà còn làm người ta xa lánh. Thực trạng những người tử tế, có lòng ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng không muốn dính vào các cá nhân cũng như tổ chức hiện nay vì lý do đó. Điều đó đã khiến cho phong trào đâu tranh ở trong nước không thể lớn mạnh và phát triển được.



Nếu ai còn thắc mắc hay nghi ngờ, thì hãy tìm xem lại video clip của ông Trịnh Du, một nhà tài trợ thường xuyên  cho những người đấu tranh trong nước đã nói ra sao? Trong clip video, ông Trịnh Du nói đại ý là, họ - những người đấu tranh trong nước, đã lợi dụng các đồng tiền này để ăn chơi, làm giàu thậm chí là đi chơi đĩ bị công an bắt.



Việc tài trợ cho những người đấu tranh trong nước là việc cần thiết song phải có sự tổ chức và kiểm soát được. Quan trọng hơn, là việc dùng tiền để mua các kết quả chống đối, hay đấu tranh từ các cá nhân và nhóm hoạt động ở trong nước là một sai lầm trầm trọng của các cá nhân và tổ chức chính trị ở hải ngoại. Điều đó trước nhất là, sinh ra tư tưởng thuê mướn giữa các bên, đưa tiền thì tôi làm, không có tiền thì tôi nghỉ. Sau đó là tạo ra sự cạnh tranh giữa các cá nhân, hội nhóm ở trong nước, đã dẫn đến tình trạng vì lợi nhuận của mình, họ đã bêu xấu các cá nhân hay nhóm khác. Thực trạng đó của phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay, nên số lượng những người đấu tranh tuyên bố bỏ cuộc hàng ngày đang tăng lên đã cho thấy điều đó.



Các yếu tố để tạo ra một cuộc cách mạng mang lại sự thay đổi, có điểm chung là thiên, địa và nhân. Nghĩa là các yêu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, với thực trạng quản lý đất nước yếu kém như hiện nay của đảng CSVN, đã đẩy cả xã hội đến bờ vực của sự phá sản. Tạo ra một xã hội vô pháp, vô luân, thiếu tất cả các chuẩn mực khác cần phải có của một xã hội bình thường nhất đã từng có trên trái đất này. Điều đó đã khiến cho lòng dân ly tán, đại bộ phận dân chúng mong muốn một sự thay đổi. Cộng với thảm họa về môi trường nói chung và Formosa nói riêng đã đủ yếu tố cấu thành một cuộc cách mạng. Vấn đề hiện nay là yếu tố chủ quan chưa đáp ứng được.



Với chất lượng của hệ thống tổ chức, cũng như các cá nhân đấu tranh chính trị hiện nay cho thấy họ không đủ khả năng quản trị một quốc gia. Chính vì thế hầu như không có ai tin tưởng và ủng hộ. Nếu có cũng chỉ xuất phát từ nhu cầu trục lợi cho cá nhân và tổ chức của họ. Bài học về các tổ chức XHDS được một số tổ chức xây dựng mang tính hình thức, chỉ nhằm để lấy tiền của các NGO còn đó.



Trở lại với câu hỏi "Có cách nào khác không?", xin thưa rằng chắc chắn là có và không chỉ có một cách mà có rất nhiều cách. Song yếu tố cơ bản nhất cần phải có ở các tổ chức cũng như mỗi cá nhân phải xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi, có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc... Hoạt động chính trị nếu không được đặt trên nền tảng đó, thì luôn luôn đi theo vết xe đổ của những kẻ trục lợi và ích kỷ, thì luôn luôn sẽ thất bại.



Nếu cung cách này không được sửa đổi, thì chắc chắn nó sẽ không tạo nên một mối nguy hiểm nào cho chế độ hiện tại như chúng ta mong muốn. Nghĩa là hy vọng hay trông chờ một sự thay đổi thì khó có thể có được.



Đây là những vấn đề mà các tổ chức chính trị và các cá nhân đấu tranh cần phải nghiêm túc xem xét. Có như thế, chúng ta mới có thể có hy vọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét