Không phải thời bao cấp nhưng có đến 2/3 số sinh viên mơ ước khi ra trường
được đi làm công chức. Còn những cuộc thi tuyển công chức thì có đến hàng vạn
người dự thi. Chưa kể đến những chuyện chạy chỗ, chạy chức khá phổ biến hiện
nay. Làm nhà nước có gì “ngon” mà ai nấy đều mê?
Câu hỏi trên người viết lấy “cảm
hứng” từ câu hỏi của một cán bộ ngành công an mấy năm trước là: “Ngoài đường có
gì vui mà cảnh sát giao thông cứ thích ra đường?”. Câu trả lời là: “Ngon chứ!”,
như “gương” của “hot girl” Thanh Hoá, người chỉ đi làm nhà nước có hai năm thôi
đã từ một nhân viên hợp đồng lên đến chức trưởng phòng thuộc sở Xây dựng tỉnh
Thanh Hoá và có tài sản khá “khủng”.
Đi làm nhà nước bây giờ, lương lậu
thế nào mà có vẻ ai ai cũng sống khoẻ, sống nhàn, sống yên ổn. Do lương cao ư?
Không hề. Thống kê năm ngoái cho thấy lương trung bình của người lao động chỉ
là 6,03 triệu đồng. Có những công việc lương khởi điểm chưa đến hai triệu, như
nghề giáo, nhưng đã có thông tin chạy một chỗ dạy lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thế nên, ai cũng hiểu một điều rằng
hầu hết mọi người đi làm nhà nước bây giờ đều sống nhờ vào “lậu” hơn là lương.
Một cuộc khảo sát của Thanh tra chính phủ Việt Nam kết hợp với tổ chức Ngân
hàng thế giới năm 2012 cho biết có đến 79% viên chức nước ta hưởng lợi từ những
nguồn thu nhập không thuộc quy chế. Mới đây, Tổ chức minh bạch thế giới (TI)
công bố chỉ số Cảm nhận tham nhũng thì Việt Nam đứng hạng 112/168 thế giới.
Hiện nay cả nước đang có khoảng
2,8 triệu viên chức, tức trung bình 40 người dân đang “cõng” một ông, bà viên
chức. Nói hình tượng như đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương thì: “Bốn ông nông dân
cõng một ông công chức, lại ông công chức béo thì chết!”. Không chỉ lạm phát
công nhân viên, quan trường cũng phát triển tới mức tột đỉnh, như một sở ở Hải
Dương có 46 biên chế thì có đến 44 đã là quan!
Đi làm nhà nước mà cũng “đông,
vui, hao” như nguyên tắc của… dân nhậu. Trước đây, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã từng nói: “70% lao động làm việc trong khu vực nhà nước nhưng chỉ tạo
ra 15% GDP là không đạt”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời còn làm phó thủ tướng
cũng đã chỉ ra trong bộ máy nhà nước có một phần ba viên chức “sáng cắp ô đi, tối
cắp ô về”.
Thời bao cấp, đi làm nhà nước chủ
yếu là phục vụ, do thu nhập khá thấp. Lúc đó viên chức còn tự hào với danh vị
là “đầy tớ” của nhân dân, hoặc chấp nhận cuộc sống đạm bạc, hoặc “chân trong
chân ngoài”. Đến thời mở cửa thì nền kinh tế thị trường cuốn hút lao động ra
phía khu vực tư nhân. Đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, đang có một dòng chảy
ngược với xu hướng thị trường cuốn hút lao động về khu vực nhà nước. Vì sao?
Vì sao mà khu vực nhà nước bây giờ
thu hút được cả những “hot girl” như ở Thanh Hoá? Có phải như dân gian thường
nói là “đất lành chim đậu”? Khu vực nhà nước bây giờ đã đủ hấp dẫn để thu hút
được cả những tài năng như “thần đồng ngoại ngữ” Vũ Minh Hoàng, người được bổ
nhiệm siêu tốc là phó vụ trưởng?
Không như khu vực tư nhân, động
cơ của những người đi làm ở khu vực công quyền có ba loại: thứ nhất là phục vụ xã hội, thứ hai là kiếm sống
như bao nghề khác, còn thứ ba có lẽ là để “kiếm chác”. Ở các nước phát triển
như Mỹ, những người làm cho nhà nước thường có động cơ loại một, loại hai, bởi
muốn “kiếm chác” là điều không dễ. Như tổng thống Donald Trump của Mỹ, ông ra ứng
cử, được bầu và làm tổng thống với lương chỉ một đô la tượng trưng mỗi năm, thậm
chí phải từ bỏ công việc kinh doanh của một tỉ phú.
Ở nước ta, lương và đãi ngộ của
khu vực công quyền còn thấp, thế nhưng vẫn có nhiều người theo đuổi ước mơ được
làm công chức? Vì tinh thần phục vụ chăng? Nếu thế thì nước ta đâu có đứng hàng
thứ hai châu Á về tham nhũng? Nếu thế thì làm sao thu hút được các “hot girl”,
“hot boy” như ở Thanh Hoá, ở Cần Thơ ra làm quan?
Chuyện “quan trường và mỹ nữ” thường
lắm điều phức tạp. Cũng còn may là nhan sắc của “hot girl” ra làm quan ở Thanh
Hoá chỉ ở mức tầm tầm, chưa lộng lẫy như… Ngọc Trinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét