Trong những ngày cuối tháng 3,
các đoàn giám sát của Quốc hội Việt Nam về cải cách bộ máy hành chính đã làm việc
với một loạt các tỉnh. Đầu tháng này, các đoàn giám sát cũng làm việc với một số
bộ.
Báo chí Việt Nam tường thuật rằng
sau các cuộc làm việc này, các đoàn giám sát một lần nữa xác định rằng một số tỉnh,
bộ có số lượng lãnh đạo đông bằng hoặc hơn nhân viên, một tình trạng đã tồn tại
trong những năm gần đây và hiện chưa có dấu hiệu gì sẽ cải thiện.
Chưa có thống kê đầy đủ được công
bố chính thức về tình trạng tại các bộ và các tỉnh, nhưng thông tin trên báo
chí nêu lên những con số bị đánh giá là “khó coi”.
Tại Bộ Giao thông Vận tải, Vụ
Pháp chế có 6 lãnh đạo, 8 chuyên viên; Vụ Tổ chức Cán bộ có 8 lãnh đạo, 14
chuyên viên, Cục Đường sắt 30 lãnh đạo, 72 chuyên viên. Nhiều đơn vị số lãnh đạo
vượt cả số nhân viên, như Thanh tra Bộ có đến 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ
có 18 chuyên viên và người lao động. Tương tự, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng
Công trình Giao thông có tỉ lệ lãnh đạo trên nhân viên là 41/31. Thậm chí Cục
Quản lý Xây dựng Đường bộ có số lượng lãnh đạo gần gấp đôi nhân viên là 28/15.
Tình trạng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo
cũng không sáng sủa hơn. Tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động ở Vụ
Tổ chức cán bộ 11/11, ở Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục là 20/26.
Trong số các tỉnh, Thanh Hóa gây
chú ý vì có nhiều đơn vị có số lãnh đạo cao hơn nhân viên. Sở Tư pháp tỉnh có
25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động. Sở
Tài nguyên và Môi trường có tới 6 phó giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn đến cuối năm 2016 có 5 phó giám đốc.
Không dừng ở đó, một số đơn vị của
tỉnh chỉ có lãnh đạo mà không hề có nhân viên, như Qũy Bảo trợ Trẻ em chỉ có một
cấp trưởng, một cấp phó và không có nhân viên. Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch
sử cũng có một cấp trưởng và hai cấp phó.
Hai tỉnh khác được báo chí nhắc đến
vì có vấn đề tương tự là Quảng Ninh và Hải Dương với các tít báo như “Đề nghị
Quảng Ninh không để tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên” trên báo Tiền
Phong, hay “Hải Dương: Lãnh đạo nhiều gấp 2 lần nhân viên” trên báo Người Lao Động.
Giải trình với đoàn giám sát của
Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói việc bổ nhiệm cán bộ của họ là theo đúng
quy định của chính quyền trung ương.
Lý giải về điều tưởng như là nghịch
lý này, chuyên gia Đinh Duy Hòa viết trong một bài đăng trên trang VietnamNet:
“Tỉnh quyết sở ấy có bao nhiêu biên chế, ví dụ sở A có 45 người. Theo quy định
của trung ương, sở A được tổ chức 5 phòng. Như vậy tổng lãnh đạo của sở A sẽ gồm
giám đốc sở, cộng 3 phó giám đốc sở, cộng 5 trưởng phòng, cộng 10 phó trưởng
phòng, bằng 19 người (công chức lãnh đạo phòng tối đa là 3). Trong thực tế sẽ
có phòng có 4 hoặc 5 biên chế, như vậy rõ ràng công chức lãnh đạo là nhiều hơn
nhân viên, nhưng vẫn đúng quy định”.
Tất cả những chủ trương đó là những chủ
trương mà ban bành thiếu khảo sát, cho nên đưa ra những chủ trương trên trời.
Những quyết định, chính sách điều chỉnh mối quan hệ xã hội thì cần phải khảo
sát, điều tra và nhất là cần phải hỏi các đối tượng đấy. Ban luật trên trời thì
làm sao thực thi được. Đặt ra tổ chức là vì công việc, bố trí con người là vì
việc chứ không vì người, nhưng cái đó cũng nói trên lý thuyết chứ không thực hiện
được
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội
Từng là Vụ trưởng Vụ Cải cách
Hành chính, Bộ Nội vụ, đã nghỉ hưu năm 2014, chuyên gia Hòa cũng giải thích về
công tác nhân sự ở cấp bộ trong bài viết của mình: “Mỗi bộ được tổ chức bao
nhiêu vụ, cục; vụ nào được tổ chức bao nhiêu phòng [điều đó] được quy định
trong nghị định của Chính phủ. Cái này thì bộ cũng như tỉnh đều chấp hành
nghiêm chỉnh. Chuyện còn lại là của bộ: Quyết định vụ B bao nhiêu người, bổ nhiệm
vụ trưởng và phó vụ trưởng, trưởng và phó trưởng phòng trong vụ (giả sử theo
quy định của Chính phủ, vụ có 3 phòng thì công chức lãnh đạo của vụ sẽ là: 1 vụ
trưởng, 3 phó vụ trưởng, 3 trưởng phòng và 6 phó trưởng phòng, [tổng cộng] bằng
13, trong khi biên chế chung cả vụ được duyệt là 18 hoặc 20). Cuối cùng lại là
lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định”.
Ông Hòa cho rằng các cơ quan
trung ương và địa phương làm đúng theo quy định hiện hành dẫn đến tình trạng
“hòa cả làng”. Ông gợi ý rằng cách làm khác đi là nghiêm túc định nghĩa lại “những
cái tưởng đơn giản như phòng là gì, vụ là gì, cục là gì, lúc nào thì tổ chức
phòng, lúc nào thì tổ chức vụ, làm thế nào ra chính xác số lượng người trong một
phòng, một vụ”. Chuyên gia này nhận định làm như vậy “sẽ ra ngay số lượng hợp
lý lãnh đạo trong một phòng, một vụ”.
Từ góc độ từng là Phó Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét với
VOA rằng cũng như nhiều luật khác, các quy định về bộ máy hành chính Việt Nam
đã được xây dựng “thiếu cơ sở thực tế” nên dẫn đến lãnh đạo đông bằng hoặc hơn
nhân viên. Ông nói:
“Tất cả những chủ trương đó là những
chủ trương mà ban bành thiếu khảo sát, cho nên đưa ra những chủ trương trên trời.
Những quyết định, chính sách điều chỉnh mối quan hệ xã hội thì cần phải khảo
sát, điều tra và nhất là cần phải hỏi các đối tượng đấy. Ban luật trên trời thì
làm sao thực thi được. Đặt ra tổ chức là vì công việc, bố trí con người là vì
việc chứ không vì người, nhưng cái đó cũng nói trên lý thuyết chứ không thực hiện
được”.
Tình trạng bộ máy hành chính các
cấp có quá nhiều lãnh đạo làm cho nhiều người phải than trên mạng xã hội lẫn
báo chí chính thống rằng “quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”.
Theo số liệu trên báo chí trong
nước, Việt Nam ước tính có 2,8 triệu cán bộ, công chức và viên chức. Bên cạnh
đó là nhiều người đã nghỉ hưu và những người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách
nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Toàn bộ
số người “hưởng lương và mang tính chất lương” lên tới 11 triệu người. Trong một
cuộc phỏng vấn với một báo Việt Nam hồi giữa năm ngoái, chuyên gia kinh tế Phạm
Chi Lan nói “không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy”.
Việt Nam cần cải cách bộ máy hành
chính để thúc đẩy kinh tế (ảnh tư liệu, Hà Nội, 2/2013)
Việt Nam cần cải cách bộ máy hành
chính để thúc đẩy kinh tế (ảnh tư liệu, Hà Nội, 2/2013)
Việc tinh giản biên chế trong những
năm gần đây ngày càng trở nên cấp bách ở Việt Nam. Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản
đã ra một nghị quyết về vấn đề này hồi tháng 4/2015. Nhưng trên thực tế, các
con số cho thấy dường như đang có diễn biến ngược chiều.
Tại một hội thảo về cải cách bộ
máy hành chính nhà nước do đoàn giám sát của quốc hội tổ chức hồi cuối tháng 2,
thông tin được công bố cho biết vào năm 2016, các cơ quan trung ương được giao
quản lý 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng
lương, phụ cấp thực tế là 3.734.302 người, vượt 8.743 người.
... hợp đồng nó sẽ loại những người vô tích
sự ra. Thiếu gì giải pháp nhưng mà người ta không làm, bởi vì người ta quen cái
thói là nói một đằng, làm một nẻo
Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận nói nhà
nước Việt Nam đã đặt ra giải pháp là thay thế chế độ biên chế suốt đời bằng hợp
đồng lao động, nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm chỉnh. Ông nói:
“Tất cả chuyển sang hợp đồng. Giờ
những người đã làm lâu thì có thể hợp đồng 5 năm là dài nhất. Rồi 3 năm, 2 năm,
6 tháng. Tự nhiên cái hợp đồng nó sẽ loại những người vô tích sự ra. Thiếu gì
giải pháp nhưng mà người ta không làm, bởi vì người ta quen cái thói là nói một
đằng, làm một nẻo”.
Hội thảo về cải cách bộ máy hành
chính nhà nước chỉ ra rằng vì có “tâm lý ngại va chạm” nên các cơ quan, tổ chức
“chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương về quản lý biên chế và tinh giản biên chế”.
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế và
quản lý biên chế “còn buông lỏng” và “chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét