Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh
Phụ nữ Can đảm Quốc tế
Những hoạt động đẩy một phụ nữ trẻ
tại Việt Nam vào vòng lao lý lại mang về cho cô Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế từ
nửa vòng trái đất bên kia. Đó là hành trình chông gai, đẫm nước mắt, đánh đổi sự
nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cả sự tự do của bà mẹ đơn thân Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh, người được thế giới biết đến với bút danh blogger Mẹ Nấm.
Như Quỳnh là người Việt Nam duy
nhất có tên trong danh sách 13 phụ nữ trên toàn cầu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
vinh danh Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017.
Khác với những người bạn trong
danh sách được vinh danh Giải thưởng năm nay, người phụ nữ Việt Nam này khiến mọi
người quan tâm không chỉ vì cô là người nhận Giải vắng mặt duy nhất trong buổi
lễ vinh danh, mà cô là người duy nhất trong số những người nhận Giải năm nay
đang bị giam cầm.
‘Tội nhân’ tại Việt Nam
Cách đây vài tháng, cái tên Mẹ Nấm
từng khuấy động chú ý công luận khi cô bị công anh tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt
tạm giam hôm 10/10/2016 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo điều
88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trong số những ‘chứng cứ phạm tội’
thu giữ tại nhà Mẹ Nấm được truyền thông nhà nước đăng tải có những biểu ngữ
như “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch”, “Khởi tố Formosa”, những khẩu hiệu
chống Trung Quốc xâm lược, cùng tập hồ sơ “Chấm dứt nạn công an giết dân thường”
với dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ được tổng hợp từ báo
chí nhà nước.
Vụ bắt giữ ngay lập tức khơi dậy
làn sóng phản đối từ giới hoạt động nhân quyền trong lẫn ngoài nước và cộng đồng
quốc tế.
Hoa Kỳ và các nước Châu Âu ngay lập
tức đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ bắt giữ Mẹ Nấm và kêu gọi
phóng thích cô ngay lập tức.
Mẹ Nấm là ai?
Xuất thân từ một gia đình lao động
nghèo, cô gái sinh năm 1979 của thành phố biển Nha Trang theo đuổi niềm đam mê
học ngoại ngữ và mộng đi đây đi đó làm hành trang vào đời.
Cảnh nhà đơn chiếc, một mẹ một
con, khiến Quỳnh phải bỏ ngang ngành học báo chí ở Sài Gòn về học khoa Anh Văn,
trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Tốt nghiệp cử nhân Anh Văn, cô chấp cánh ước
mơ chu du và khám phá thế giới xung quanh bằng nghề hướng dẫn viên du lịch trước
khi mở công ty lữ hành cùng với một người bạn.
Vốn tiếng Anh từ 4 năm đại học,
cơ hội được tiếp xúc nhiều người nước ngoài trong nghề tour guide đã thôi thúc
cô gái miền biển làm quen với internet để trao dồi kiến thức. Và internet chính
là bệ phóng đưa cô vượt khỏi không gian thông tin bó hẹp, trải tầm nhìn ra thế
giới xung quanh, mở rộng hiểu biết và nhận thức về những gì bị bưng bít.
Từ sự tìm hiểu đó, cô bắt đầu thực
hiện những chuyến đi tự mình khám phá thực-hư. Những chuyến đi trốn nhà, tự bỏ
tiền túi, dù là thăm các nạn nhân bị tra tấn nhục hình hay đi thực tế tận Lý
Sơn để chứng kiến ngư dân Việt chống chọi với tàu Trung Quốc đều đã góp một phần
không nhỏ trong quyết tâm của Quỳnh phải lên tiếng vì lẽ phải.
Cô bắt đầu viết blog với bút danh
Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để phản đối bất công, tham nhũng,
và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đấu tranh cho những người không có tiếng
nói trong xã hội.
Những hoạt động này đã khiến Mẹ Nấm
bị ‘nhập kho’ rất nhiều lần, nhưng có thể nói lần bắt giữ vào tháng 9 năm 2009
với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ sau các
hoạt động chống Trung Quốc là một ‘dấu mốc.’
Cũng từ đó, sự nghiệp kinh doanh
của Quỳnh suy sụp, công ty lữ hành phải dẹp tiệm, hạnh phúc gia đình đổ vỡ lúc
con gái đầu lòng, bé Nấm, vừa lên 3. Mẹ con, bà cháu dắt díu nhau làm đủ mọi
nghề để kiếm sống, từ bán nước mía, bò bía, cá kho, cho tới phở gõ. Cuộc sống
chật vật nhưng Quỳnh không sống cho riêng mình, cô vẫn lặn lội, vẫn dấn thân vì
một xã hội có nhân quyền. Bé Gấu, kết quả cuộc hôn nhân thứ nhì, cũng không được
sống trong vòng tay bố mẹ như người chị Nấm, cũng bởi vì Mẹ Nấm vẫn tất bật với
những hoạt động bị xem là ‘ăn cơm nhà gác ngà voi’ trong xã hội Việt Nam.
Những chuyến con đi lặng lẽ không
hề báo trước, những lần đi tìm con ở các đồn công an, những đêm dài thao thức
vì sự an nguy của con ‘thân gái dặm trường’ là tất cả những gì bà Nguyễn Thị
Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, có thể xâu chuỗi lại khi kể về con gái mình.
Bà Lan kể từ ngày công an ập vào
nhà bắt Quỳnh, bà cháu luôn sống trong nỗi sợ hãi. Bà ngoại của Quỳnh, năm nay
ngoài 90, luôn giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng động ngoài cửa. Bé Nấm trở
nên lầm lũi ít nói. Còn bé Gấu liên tục khóc đòi mẹ và giục bà gọi mẹ về. “Cuộc
sống của chúng tôi thật sự khó khăn và bị đe dọa khi thiếu vắng Quỳnh,” bà Lan
chia sẻ.
Những hình ảnh cuối cùng của Mẹ Nấm
trước khi bị bắt lần này là những bức hình chụp với hai con, bé Nấm 10 tuổi, bé
Gấu 4 tuổi, mang khẩu hiệu phản đối Formosa, kêu gọi bảo vệ môi trường, và yêu
cầu giải quyết minh bạch thảm họa hủy diệt môi trường biển miền Trung.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh năm
1979, điều phối viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, cũng là phụ nữ Châu Á đầu
tiên được nhận giải thưởng của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights
Defenders có trụ sở tại Thụy Điển hồi năm 2015 vì những đóng góp bảo vệ dân quyền,
nhân quyền trong nước.
Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế là giải
thưởng hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh các phụ nữ trên thế giới đã chứng
tỏ lòng quả cảm ngoại hạng cũng như khả năng lãnh đạo trong việc cổ súy nhân
quyền và đặc biệt là nữ quyền, bất chấp gian nguy cho cá nhân. Giải này được
thành lập từ năm 2007. Năm 2013, blogger Tạ Phong Tần của Việt Nam từng được
vinh danh Giải này khiếm diện trong lúc bà đang thọ án tù 10 năm tại Việt Nam
vì tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước.’
Từ nước mắt đến vinh quang, con
đường đầy chông gai của nhà hoạt động xã hội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xem ra đích
đến vẫn còn xa.
Bà Lan nói con bà sẽ không có tội
nếu được sống trong một quốc gia tự do, tôn trọng nhân quyền. Và đối với bà, đó
cũng chính là ý nghĩa cốt lõi của Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế mà Bộ Ngoại giao
Mỹ trao tặng con gái bà năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét