Nguồn: “What full employment really means”, The Economist,
29/01/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Năm 1977, chính phủ Mỹ đã đưa ra cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) một điều có vẻ như một mục tiêu đơn giản: việc làm tối đa. Janet Yellen, Chủ tịch hiện tại của Fed, cho rằng Mỹ đã đến khá gần mục tiêu; ở mức 4,7%, tỷ lệ thất nghiệp là khá thấp theo tiêu chuẩn lịch sử. Nhưng các công ty vẫn tiếp tục thuê lao động, và những người Mỹ trưởng thành, trong đó chỉ có khoảng 69% có việc làm, có vẻ ít hơn số lao động được sử dụng ở mức tối đa. Hầu hết các chính phủ đặt cho mình hoặc các ngân hàng trung ương một phương châm là toàn dụng lao động hoặc việc làm tối đa. Nhưng chính xác thì như thế nào được tính là toàn dụng lao động?
Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ, 2010-16. Nguồn: Văn phòng Thống kê
Lao động Hoa Kỳ
Bà Yellen có một định nghĩa riêng về lao động tối đa trong đầu,
được xây dựng trên kinh nghiệm kinh tế của nửa thế kỷ qua. Các nhà kinh tế vĩ
mô tin rằng chỉ có chính phủ mới có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp như vậy.
Đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới một “tỷ lệ tự nhiên” (không quan sát được), và
nó sẽ sớm tăng trở lại, cùng với giá cả. Tại tỷ lệ tự nhiên, tất cả những người
lao động mà có thể được thuê làm việc một cách dễ dàng hay hữu ích thì đều đang
có việc làm, và việc thuê mới chỉ có thể xảy ra bằng cách thu hút mọi người từ
các công việc khác bằng cách cung cấp cho họ mức lương cao hơn. Các ngân hàng
trung ương đưa ra phỏng đoán về mức nào được coi là tỷ lệ tự nhiên và về việc
thất nghiệp ở mức “quá thấp” nào thì sẽ làm bùng nổ lạm phát một cách nhanh chóng,
sau đó tìm kiếm một điểm tối ưu: tại đó thị trường lao động có sốlượng lao động
được tuyển dụng tối đa mà không có sự gia tăng chi phí do chuyển việc.
Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên phụ thuộc chủ yếu vào điều mà các
nhà kinh tế đặt tên là “thất nghiệp tạm thời” (frictional unemployment): điều
này xảy ra khi người ta chuyển từ công việc này sang công việc khác, hoặc khi họ
mới gia nhập lực lượng lao động (ví dụ, sau khi học xong đại học hoặc trở về từ
kỳ nghỉ). Các rào cản đối với chuyển đổi công việc, giống như giấy phép hành
nghề, làm gia tăng thất nghiệp tạm thời và đẩy tỷ lệ tự nhiên lên cao. Các yếu
tố khác thì giúp bôi trơn các bánh răng. Tỷ lệ tự nhiên thấp hơn vào năm 1990
có thể là do công tác tuyển dụng hiệu quả hơn nhờ công nghệ thông tin. Sự gia
tăng của công việc trong “nền kinh tế tạm thời” (gig economy) cũng có thể đẩy tỷ
lệ tự nhiên xuống.
Nhưng ranh giới giữa thất nghiệp cơ cấu dài hạn và loại thất
nghiệp tạm thời, có tính chu kỳ không phải là rõ ràng. Trong những năm 1980 và
1990, các nhà kinh tế cho rằng thất nghiệp trong ngắn hạn có thể trở thành thất
nghiệp dài hạn: một hiện tượng gọi là “độ trễ”. Khi khoảng thời gian một người
công nhân không có việc làm tăng lên, các kết nối nghề nghiệp của anh ta có thể
trở nên suy yếu và các kỹ năng của anh ta có thể trở nên lỗi thời. Những người
lao động không bị sa thải trong một cuộc suy thoái có thể yêu cầu sự bảo đảm
công việc cao hơn, điều này đến lượt nó có thể khiến các công ty miễn cưỡng
không muốn thuê lại những người đã bị sa thải (bởi vì họ không thể dễ dàng bị
sa thải trong cuộc suy thoái tiếp theo).
Độ trễ cũng có tác động ngược lại, ít nhất là đến một mức độ
nào đó. Khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống dưới 5%, tiền lương cuối cùng sẽ
bắt đầu gia tăng với một tốc độ nhanh hơn. Mức lương tốt hơn sẽ lôi kéo một số
người đã từ bỏ lực lượng lao động quay trở lại tìm việc làm. Các điều kiện kinh
tế tốt hơn có thể khiến các công ty đề nghị trao cho các công nhân tạm thời các
công việc cố định, hoặc cho các nhân viên bán thời gian nhiều giờ làm việc hơn.
Khi các công ty cảm thấy khó khăn hơn trong việc thuê nhân công mới, họ có thể
đề nghị những người lao động hiện tại làm việc nhiều giờ hơn, hoặc chuyển đổi
các vị trí bán thời gian hoặc tạm thời sang các vị trí toàn thời gian hoặc lâu
dài. Các ông chủ thậm chí có thể thử gia tăng năng suất của mỗi công nhân, bằng
cách đầu tư vào đào tạo hoặc các thiết bị mới.
Vấn đề là ở chỗ các nhà hoạch định chính sách không thể biết
khoảng trống còn lại trong hệ thống là bao nhiêu cho đến khi họ nhìn thấy lạm
phát leo thang – và họ thì không muốn điều đó. Vì vậy các ngân hàng trung ương
rốt cục thường làm chậm tăng trưởng trước khi đạt được tình trạng toàn dụng lao
động bởi sự ác cảm quá mức đối với lạm phát.
Tuy nhiên, xem xét toàn dụng lao động như một hiện tượng
kinh tế thuần tuý thì không hoàn toàn đúng. Nếu mục đích của toàn dụng lao động
là một xã hội hạnh phúc, thì chất lượng cũng như số lượng việc làm là điều quan
trọng. Tỷ lệ có việc làm trong các xã hội kém phát triển là rất cao. Ở các nước
giàu hơn, nhiều người sẽ tham gia lao động hơn nếu chính phủ thu hồi trợ cấp thất
nghiệp và bãi bỏ mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, xã hội sẽ trở nên tồi tệ hơn
vì điều đó.
Thay đổi công nghệ làm phức tạp hóa các vấn đề. Tình trạng
khan hiếm lao động có thể thúc đẩy đầu tư vào máy móc, cho phép mỗi người lao động
sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến tự động hóa nhiều hơn. Nếu
robot có thể dễ dàng thay thế rất nhiều công nhân (và ngày càng có vẻ là đúng
như thế) thì toàn dụng lao động không chỉ đơn giản là một vấn đề về việc bảo đảm
nền kinh tế đang phát triển đủ nhanh để mọi người lao động sẵn sàng làm việc đều
có một việc làm. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào các quyết định mà xã hội đưa ra, liên
quan đến việc người lao động có thể được cung cấp các phương tiện để từ chối những
việc làm nghèo hèn, lương thấp vốn có thể được thực hiện bằng máy móc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét