Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Trung Quốc bóp nghẹt cuộc tranh luận về cải cách



Nguồn: “Officials in China are stifling debate about reform”, The Economist, 18/02/2017.

 


Trông chẳng có vẻ gì đáng sợ khi vào một buổi chiều ngày thứ Sáu vào tháng Hai, hàng chục chuyên gia tài chính tập trung tại Bắc Kinh để dự một hội nghị chuyên đề ba giờ về cơ chế tỷ giá hối đoái của Trung Quốc. Với một bản trình chiếu với các biểu đồ và các công thức, vị diễn giả nói về các bí mật của việc đồng nhân dân tệ được chọn làm một trong những đồng tiền dự trữ của IMF hồi năm ngoái (một tiến triển mà các nhà cải cách Trung Quốc hy vọng sẽ khuyến khích chính phủ cho thả nổi đồng nhân dân tệ). Những người tham gia khác nhâm nhi tách trà của mình, ghi ghi chép chép và đưa ra các quan điểm của họ. Đơn vị chủ trì, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc,[1] thường tổ chức các sự kiện như vậy. Thông thường, viện công bố trực tuyến bản tóm tắt ý kiến cùa các diễn giả. Tuy nhiên, lần này thì không có gì. Trang web của viện không còn nữa.

Trang web bị chính quyền thành phố đóng cửa hồi cuối tháng Giêng, tương tự là một trang web khác do Viện Thiên Tắc điều hành, cũng như tất cả các tài khoản mạng xã hội của Viện và của các nghiên cứu viên hàng đầu tại đây. Việc đóng cửa các trang web là đòn mới nhất đối với phái tự do ôn hòa của nước này, những người mà trong nhiều năm qua đã được hưởng ít nhiều một số quyền tự do trong việc tranh luận các cải cách, ngay cả khi giới chức bận rộn bắt bớ những người phê bình chế độ mạnh miệng hơn.

Sự tấn công dữ dội chống lại các diễn đàn tự do bắt đầu vào tháng Bảy (2016) khi sau một phần tư thế kỷ cổ vũ mạnh mẽ cải cách, bao gồm thực hiện tốt hơn các bảo đảm trong hiến pháp nhằm bảo vệ nhân quyền, nguyệt san Viêm Hoàng Xuân Thu (炎黄春秋- Yanhuang Chunqiu) đã bị phe cứng rắn tiếp quản. Vị chủ bút sáng lập nguyệt san, Đỗ Đạo Chính (导正 – Du Daozheng), cho biết sự thanh trừng nhắc ông nhớ về thời Cách mạng Văn hóa khi phe Maoist cực đoan nắm quyền kiểm soát một tờ báo mà khi đó ông đang làm việc và họ mắng ông là một tên “phản cách mạng”. Vào tháng Mười một trang web mang tên Cộng thức Võng (识网 – Consensus Net) được nhiều người phái tự do yêu thích, đã bị đóng cửa. Trang này cho đăng các bài viết về cải cách kinh tế, xã hội và chính trị từ khi thành lập vào năm 2009. Với việc đóng các tài khoản trực tuyến của viện Thiên Tắc, giới cải cách ôn hòa còn rất ít không gian cho tranh luận mở.

Mối đe dọa từ phái tự do

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tự xưng mình là người ủng hộ cải cách định hướng thị trường và các quyền hiến định, và người cha quá cố của ông ủng hộ tờ Viêm Hoàng Xuân Thu; song ông lo sợ các quan điểm tự do. Viện Thiên Tắc là một trong những think-tank độc lập nổi bật nhất của nước này kể từ khi được thành lập vào năm 1993. David Kelly thuộc China Policy, một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, nói rằng Viện này “không thể nói là phi chính thống, mang tính lật đổ hay chống đối ​​theo bất kỳ kiểu cách rõ ràng nào”. Ông lưu ý rằng các biện pháp cải cách ủng hộ thị trường được ông Tập đề xuất vào năm 2013 giống với các đề nghị của Viện Thiên Tắc nhiều năm trước đó.

Nhưng hiện tại đang là những thời khắc căng thẳng chính trị ở Bắc Kinh, khi Đảng Cộng sản chuẩn bị cho một đại hội năm năm một lần vào mùa thu và cuộc cải tổ sâu rộng ban lãnh đạo của mình (không bao gồm vị trí của ông Tập) ngay sau đại hội. Ông Tập không muốn một ai gây rắc rối cho ông ta trong bối cảnh xáo trộn nhân sự trong những tháng sắp tới. Các trang web của thành phần Maoist cực đoan, đăng những bài chỉ trích thị trường tự do, vẫn được phép hoạt động. Nhưng, ít ra, đám Maoist vẫn có thể được coi là phe hỗ trợ cho đảng. Ông Tập dường như sợ phái tự do ôn hòa có thể gây rắc rối cho đảng. Vị đồng sáng lập viện Thiên Tắc, Mao Vu Thức (茅于 – Mao Yushi), hay làm vậy. Vài ngày trước khi nhà cầm quyền chặn tài khoản của viện ông, ông cùng hàng chục trí thức kêu gọi Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc Chu Cường ( – Zhou Qiang) từ chức. Ông Chu chọc giận họ bằng cách lên án “ảnh hưởng sai lầm” của những kêu gọi thành lập một nền tư pháp độc lập. Quan điểm của ông Mao có thể gây ảnh hưởng quan trọng: trước khi bị khóa, tài khoản của ông Mao trên Weibo, một dịch vụ tương tự Twitter, có 2,7 triệu người theo dõi.

Một số người coi các sự kiện này là tích cực. Đới Tình (戴晴 – Dai Qing), cựu phóng viên một tờ báo quốc gia, nói rằng, dù những người phái tự do như cô “rất lo lắng”, nhưng những người trấn áp các diễn đàn cải cách có thể không đồng ý với quan điểm nêu trên đó. Giới lãnh đạo theo khuynh hướng tự do ở Trung Quốc đôi khi cố tự bảo vệ mình trước sự tấn công của phe cứng rắn bằng cách tự mình thể hiện sự cứng rắn. Một nhóm nhỏ những người lạc quan tin rằng, ông Tập có thể đang chơi ván bài này. “Có một câu nói ở Trung Quốc là ”Dương đông, kích tây”, bà Đới nói. “Vì vậy, không ai đoán được điều gì đang thực sự diễn ra.”

Nhân viên tại Viện Thiên Tắc bị bối rối. Ông Thịnh Hồng (盛洪 – Sheng Hong), một đồng sáng lập viên của viện, cho biết, nhà cầm quyền thậm chí không buồn báo cho Thiên Tắc hành động của họ, chứ đừng nói tới chuyện giải thích. Giới truyền thông chính thức cho biết rằng các tài khoản trực tuyến của Thiên Tắc nằm trong số nhiều tài khoản bị khóa vì một loạt vi phạm, từ việc cung cấp các dịch vụ tin tức và thông tin trái phép đến lan truyền tài liệu khiêu dâm. Họ không nêu rõ trang web nào vi phạm quy định nào, nhưng Thiên Tắc chắc chắn không mắc tội khiêu dâm: Phạm vi của trang web là về kinh tế hơn là các hình ảnh cơ thể.

Cho dù áp lực đối với phái tự do sẽ nhẹ đi sau đại hội đảng nhưng điều đó sẽ còn phụ thuộc phần lớn vào cảm giác an toàn của ông Tập. Hồ sơ của ông cho đến nay cho thấy ông có xu hướng lo lắng nhiều hơn. Từ năm 2015, cảnh sát đã bắt giữ và gây khó cho hàng trăm luật sư độc lập. Một đạo luật mới về quản lý các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài có hiệu lực vào tháng Giêng nhằm thắt chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với các tổ chức này. “Có lẽ họ ghét chúng tôi vì chúng tôi nói sự thật,” ông Thịnh thuộc Viện Thiên Tắc than vãn. “Nhưng chúng tôi nên làm như vậy ở một quốc gia vĩ đại. Nếu chúng tôi không làm, Trung Quốc sẽ không có tương lai”. Chẳng có mấy bằng chứng cho thấy ông Tập đồng tình với ý kiến đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét