Hình: Rudolf Hess bên cạnh Adolf
Hitler. Nguồn: Smithsonian Magazine
Tối 10/5/1941, ra-đa Anh phát hiện một máy bay tiêm kích Đức bay vào vùng Scotland. Cùng lúc ấy 500 máy bay ném bom của Đức đang bay về phía London, thực hiện lệnh của Quốc trưởng Hitler ném bom tan tành thủ đô Anh Quốc.
Tối 10/5/1941, ra-đa Anh phát hiện một máy bay tiêm kích Đức bay vào vùng Scotland. Cùng lúc ấy 500 máy bay ném bom của Đức đang bay về phía London, thực hiện lệnh của Quốc trưởng Hitler ném bom tan tành thủ đô Anh Quốc.
Từ Scotland, hai máy bay Anh cất
cánh đón đánh chiếc tiêm kích Đức. Khi sắp chạm trán máy bay Anh thì viên phi
công Đức nhảy dù, bỏ mặc chiếc máy bay rơi xuống tan xác.
Đây là lần nhảy dù đầu tiên của
Rudolf Hess (1894-1987), đương kim phó Quốc trưởng nước Đức. Hess sang Anh với
sứ mạng đàm phán hoà bình thay mặt Hitler hay với tư cách cá nhân (như nhiều
nhà sử học nghĩ)? – cho đến nay bí ẩn lớn nhất này vẫn chưa có lời giải, ngay cả
khi các hồ sơ mật được công khai vào năm 1992.
Sau khi chạm đất, Hess bị bắt và
bị giam giữ không xét xử cho tới hết chiến tranh thì bị Toà án Quốc tế
Nuremberg kết án tù chung thân. Cho đến ngày chết, chưa bao giờ Hess để lộ điều
gì về chuyến bay mạo hiểm đến Scotland. Vì thế người ta càng quan tâm đến cuộc
đời của Hess.
Hess sinh ra tại Ai Cập, cha làm
nghề buôn, sống khá giả, năm nào cũng về thăm Đức. Cha Hess dạy con theo truyền
thống kỷ luật sắt, tự kiềm chế, giầu tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ. Hess
thông minh, giỏi khoa học tự nhiên. 20 tuổi, Hess tự nguyện đi lính, chiến đấu
dũng cảm 4 năm ở mặt trận phía Tây. Bị trúng đạn vào ngực, xuất viện, Hess lại
ra trận; tại đây thiếu uý Hess gặp một binh nhì quân đội nước Áo trốn sang xin
vào đại đội của Hess để được phục vụ nước Đức. Đó chính là Hitler mà mãi sau
này Hess mới biết.
Năm 1918, Hess xin chuyển sang
không quân, vì mơ ước được bay. Tháng 11/1918, Thế chiến I kết thúc. Đức thua,
dân tộc Đức chia rẽ. Hess cho rằng đó là do những người cộng sản và xã hội dân
chủ xúi giục dân Đức phản chiến. Hess xuất ngũ, tham gia một hội kín cực hữu tại
Munich, hoạt động phá hoại nền cộng hoà Weimar. Hess học đại học và tôn giáo sư
địa-chính trị K. Haushofer như một người cha. Thuyết “Không gian sinh tồn” của
Haushofer chủ trương Đức mở rộng về phía Đông đã tác động lớn đến Hess.
Bước ngoặt bắt đầu từ lần Hess dự
buổi diễn thuyết của một đảng viên đảng Công nhân Đức (DAP), nghe nói là họa
sĩ. Hess bị hút hồn trước giọng nói say sưa hào hùng và lập luận kiên quyết của
diễn giả: Nhân dân Đức không chấp nhận Hoà ước Versailles, chính phủ tư sản Đức
đã phản bội quân đội Đức, tình hình rối ren hiện nay là do người Do Thái gây
ra.
Cứu tinh của nước Đức đây rồi!
Hess nghĩ và quyết định đi theo người ấy – ai ngờ, đó chính là tay lính Áo năm
xưa mà bây giờ Hess mới biết tên: Adolf Hitler. Hess tôn Hitler là “Lãnh tụ dân
tộc”.
Hess đẹp trai, giản dị, không rượu
và thuốc lá, không khiêu vũ, ưa thể thao. Tại Munich, Hess gặp cô gái sau này
là vợ Hess, một nữ đảng viên Quốc xã đầu tiên. Tính cách hai mặt là một đặc điểm
của Hess: gan dạ chiến đấu nhưng lại giầu tình cảm, yêu động vật; gương mẫu giữ
luân lý đạo đức, mặt khác lại chủ trương hình phạt lao lực với người Do Thái;
kiên nghị, ưa tự ra quyết định, nhưng lại hạ mình trung thành với Hitler như một
con chó.
Năm 1921 Hitler giành được quyền
lãnh đạo đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia Đức (Quốc Xã); Hess làm thư
ký riêng cho Hitler. Hess kém tài ăn nói nhưng lại có tài viết lách. Hess đã viết
bài trình bày chính cương của Đảng Quốc Xã: chống nghị viện, chống chủ nghĩa tư
bản và chủ nghĩa Do Thái.
Ngày 8/11/1923, Hitler làm đảo
chính cướp chính quyền ở Munich, nhưng thất bại. Hess trốn thoát. Hitler bị đưa
ra xử tại Toà án Nhân dân. Trong phiên toà, Hitler trổ tài hùng biện đọc một
bài diễn thuyết dài, sau đó được báo chí đăng tải, khiến Hess càng nổi tiếng. Toà kết án rất nhẹ: 5 năm tù giam (thực
ra ngồi tù có 9 tháng) và phạt 200 đồng Mác vàng. Biết tin ấy, Hess ra đầu thú
và bị tù 18 tháng. Hess và “Lãnh tụ” ở kề phòng nhau. Sau khi được “giác ngộ”,
Hess tham mưu cho Hitler viết tự truyện “Cuộc chiến đấu của tôi”. Thuyết “Không
gian sinh tồn” do Hess truyền lại cho Hitler đã trở thành quan điểm cốt lõi của
sách này. Hai người trở thành bạn “cậu tớ” với nhau suốt đời.
Sau khi Hitler làm Thủ tướng Đức
(1/1933), Hess được cử làm “Đại diện của Quốc trưởng”. Ngày 1/9/1939, Hitler
tuyên bố cử Goering làm người kế vị số Một, và nói “Nếu đồng chí Goering có
chuyện gì thì đồng chí Hess sẽ thay thế.”
Hess được coi là nhà lãnh đạo đứng
đắn, liêm khiết. Goebbels khen “Hess là người cao thượng nhất, điềm đạm, thân mật,
thông minh.” Con trai Hess nhận xét: “Cha tôi là người theo chủ nghĩa lý tưởng,
mục tiêu của ông là một nước Đức hạnh phúc. Giống như Hitler, ông sống rất khắc
khổ.”
Tuy hết lời ca ngợi và tuyệt đối
phục tùng Hitler, nhưng Hess không tán thành việc Hitler vì để ổn định chính trị
mà khử hết các “đồng chí” cũ trong đội xung kích ở Munich ngày xưa. Hess cũng
không đồng ý chủ trương đàn áp người Do Thái trong cái đêm kinh hoàng
9/11/1938. Tối hôm ấy, Hess làm lễ đặt tên cho con trai mình, Hitler đến dự với
tư cách cha nuôi đứa bé. Mặt khác, Hess lại ký “Luật Chủng tộc” và chủ trương
dùng hình phạt lao động với người Do Thái ở Ba Lan khi Đức chiếm Ba Lan. Dù
sao, với việc bay sang Anh tháng 5/1941, Hess đã đi khỏi nước Đức trước khi xảy
ra việc Himmler tổ chức tàn sát người Do Thái trong các trại tập trung.
Hess và Hitler đều không muốn
đánh nhau với Anh, vì biết Đức khó thắng nổi đảo quốc kiên cường có trình độ
công nghiệp hoá cao ấy; vả lại người Anh thuộc một chủng tộc Hitler cho là cao
quý không kém gì chủng tộc Đức. Nhưng việc Đức chiếm Ba Lan tháng 9/1939 đã khiến
Anh tuyên chiến với Đức. Khi thấy Hitler để yên cho 224 nghìn lính Anh bị Đức
bao vây ở Dunkirk (Pháp) rút về nước bằng các loại tầu biển, Hess cho rằng đây
là một tín hiệu nhượng bộ của Đức.
Hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản mới
là kẻ thù không đội trời chung, Hitler đã nhiều lần công khai hoặc bí mật đề
nghị Anh không can thiệp việc Đức chiếm lục địa châu Âu; nhưng tân Thủ tướng
Anh Churchill kiên quyết không đàm phán với một kẻ xâm lược trắng trợn như
Hitler. Để tìm cách giải quyết bế tắc này, Hess đã đến nhà Haushofer. Ông này
nói bóng gió “Bây giờ là lúc nên ngăn chặn hậu quả vô cùng tai hại.” Gia đình
Haushofer có dòng máu “phi Aryan”, từng được Hess bảo vệ tránh bị đàn áp, cho
nên họ muốn đền ơn bằng cách bố trí Hess gặp một đại diện của Anh là Hamilton,
nhà quý tộc xứ Scotland Hess từng gặp trên lễ đài Thế vận hội Olympic Berlin
1936.
Mượn cớ bay thử, Phó Quốc trưởng
Hess kiếm được một chiếc máy bay. Hess bắt đầu học tiếng Anh. Ngày 10 tháng 1,
Hess cất cánh sau khi đã giao cho phó quan của Hess một lá thư gửi Hitler và một
lá thư yêu cầu chỉ đọc sau khi Hess ra đi được 4 giờ. Ai ngờ bay được 2 giờ
Hess đã phải quay về vì thời tiết xấu. Viên phó quan trung thành giữ bí mật cho
Hess.
Tháng 3, Hess về Berlin. Hitler
đang tối mắt bận chuẩn bị tấn công Liên Xô. Hess biết nước Đức sắp phải chiến đấu
trên cả hai phía Tây và Đông. Hess trao đổi bí mật liền 4 giờ với Quốc trưởng.
Sau này người ta tìm thấy một văn bản Hess viết rằng Hitler chủ trương để Anh tự
do hoạt động ở Tây Âu, song không được can thiệp vào Đông Âu. Nhưng Churchill
thẳng cánh phản đối chủ trương này. Ngày 3 tháng 5, Hess gặp Hitler lần cuối.
Chưa bao giờ Hess để lộ cho Hitler biết Hess chuẩn bị bay sang Anh.
Vụ Hess bay sang Scotland như một
quả bom nổ trong lúc tình hình đang vô cùng căng thẳng. Hitler gầm lên như điên
vì sợ Hess để lộ ý định tấn công Liên Xô. Nhật ký của Goebbles viết: đây là kết
quả của việc Hess “chữa bệnh bằng cách cầu nguyện và ăn kiêng”. Hitler bắt giam
phó quan và thư ký của Hess; nhưng sau đó lại do dự chờ tin từ nước Anh. Khi biết
sứ mạng của Hess thất bại, đài phát thanh Đức tung tin Hess bị điên. Nhưng
Goebbles lại nói Hess sang Anh “với mục đích cao cả nhất”, có lẽ là để tránh dư
luận cho rằng trong ban lãnh đạo cao nhất của đảng Quốc Xã lại có một kẻ tâm thần.
Mấy ngày liền, đài BBC hài hước
đưa tin “Hôm nay không có vị bộ trưởng Đức nào bay sang Anh cả.”. Nước Đức cố
nhanh chóng quên Hess. Bormann lên thay cương vị của Hess. Hitler nói nếu bị dẫn
độ về Đức, Hess sẽ bị xử bắn hoặc vào nhà thương điên. Thế nhưng trước ngày chết
ít lâu, Hitler từng bảo vợ Hess rằng chồng bà là “người theo chủ nghĩa lý tưởng,
trong sáng như giọt nước”.
Churchill không thèm đàm phán với
Đức, cho nên không hoan nghênh Hess. Hamilton nói: “Thật kỳ lạ là bọn Quốc Xã
hiểu quá ít về chúng ta!” Trong các lần thẩm vấn, Hess đều nói Hess đến đây với
“sứ mạng của nhân loại”. Hess viết thư cho Hitler nói chuyến đi của mình có thể
đem lại hoà bình và hiểu biết cho hai nước Đức và Anh, và kết thúc bằng câu “Quốc
trưởng muôn năm”, rồi nhảy lầu tự tử. Hess đã 3 lần tự tử nhưng không chết mà
chỉ gãy một chân.
Hess ngày càng tỏ ra hoang tưởng,
mất trí nhớ. Tại toà án quốc tế Nuremberg, Hess chỉ im lặng hoặc từ chối trả lời.
Công tố viên Liên Xô yêu cầu xử tử Hess, Mỹ đề nghị xử tù. Cuối cùng Toà xử tù
chung thân. Lẽ ra Toà đã xử nhẹ hơn nếu Hess không nói một câu như sau: “Trong
hơn nghìn năm lịch sử, dân tộc chúng tôi mới sinh ra được một người con vĩ đại
nhất mà Thượng đế đã cho phép tôi được phục vụ. Tôi không hối hận gì hết. Sẽ có
một ngày tôi đứng trước quan toà của Thượng đế để bào chữa cho mình, và tôi biết
rằng vị quan toà ấy sẽ phán xử tôi vô tội.” Hai câu cuối hệt như lời của Hitler
tại phiên toà ở Munich năm xưa.
Vì ngoan cố nên sau năm 1966,
Hess là kẻ duy nhất còn lại trong nhà tù Spandau Prison ở phía Tây Berlin, khi
các tội phạm tù chung thân khác đều đã được tha. Mặc dù Mỹ, Anh, Pháp và Tây Đức
đề nghị thả Hess khi Hess đã cao tuổi, nhưng do Liên Xô phủ quyết nên Hess phải
ngồi tù cho đến ngày Hess chết (17/8/1987). Đến năm 1969 Hess mới cho người nhà
vào thăm.
Cái chết của Hess cũng là một bí ẩn.
Nhiều lần khám nghiệm xác đều kết luận Hess tự tử. Tuy vậy, con trai Hess vẫn
nói Hess bị người Anh ám sát để diệt khẩu vì ông biết quá nhiều về việc chính
nước Anh cũng có trách nhiệm với cuộc chiến tranh. Hôm mai táng Hess, hàng
nghìn kẻ cực hữu bao vây nghĩa trang khiến cho tang lễ phải hoãn khá lâu. Hiện
nay vẫn có nhiều người đến viếng mộ Rudolf Hess, một nhân vật bí ẩn chưa ai hiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét