BBC
Khi nói linh mục quản xứ Song Ngọc, thuộc địa phận giáo hội
Vinh ở Nghệ An là 'đẩy giáo dân tới hành vi vi phạm pháp luật' trong sự kiện
hàng trăm giáo dân Song Ngọc xuống đường đòi kiện doanh nghiệp Formosa, báo Nghệ
An đã 'giật tít có tính chất chụp mũ', theo ý kiến của khách mời tại Bàn tròn
thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
Tờ báo là cơ quan của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An
hôm 14/2 bình luận về Linh mục Nguyễn Đình Thục có đoạn:
"Hành vi kích động, tổ chức một số giáo dân nhẹ dạ, cả
tin đi khởi kiện Công ty Formosa của ông Nguyễn Đình Thục ngày 14/2 không chỉ
gây mất ổn định về an ninh trật tự, ảnh hưởng tới cuộc sống, lao động sản xuất
của người dân, mà còn đi ngược đường hướng, giáo lý của đạo Công giáo, trái với
chức trách, bổn phận của một chức sắc tôn giáo."
Hôm 16/2, báo mạng VnExpress đưa tin về vụ việc, nói:
"16 cán bộ, cảnh sát của Nghệ An đã bị thương trong vụ
xô xát với hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc ngày 14/2.
"Vụ việc được Thông Tấn Xã Việt Nam đánh giá là
"phức tạp" xảy ra tại Giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu,
Nghệ An). Theo nguồn tin này, ngày 10/2, Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ
Song Ngọc, soạn "thư ngỏ" kêu gọi các linh mục và cộng đoàn các Giáo
xứ Hiệp Thông, cầu nguyện cho giáo dân Giáo xứ Song Ngọc đi gửi đơn khởi kiện
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà
Tĩnh) vào ngày 14/2/2017."
Phản biện với BBC hôm thứ Năm 16/2, về quan điểm này của báo
Nghệ An, nhà báo Trần Tiến Đức, nhà quan sát xã hội dân sự từ Việt Nam nói:
"Tôi nghĩ rằng bản thân tờ báo giật tít như vậy là mang
tính chất chụp mũ, tôi nghĩ rằng một Giám mục là người ta phải có trách nhiệm với
cộng đồng giáo dân mà người ta được giao trách nhiệm phụ trách.
"Khi cộng đồng giáo dân muốn đi khiếu kiện, muốn đưa
đơn kiện, thì trách nhiệm của người đứng đầu của sứ đạo ấy là phải cùng với dân
hướng dẫn người dân đi theo, làm theo đúng luật pháp và đi trật tự, thì tôi
không nghĩ rằng chuyện ấy là ông ấy kích động."
Nhẹ dạ, cả tin?
Nguyên Vụ trưởng Ủy Ban Dân số của Chính phủ Việt Nam và cựu
thành viên Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV), ông Trần Tiến Đức, nói
thêm với Bàn tròn thứ Năm:
"Thứ hai, tôi thấy rất buồn cười rằng khi nói những người
đi khiếu kiện là những người 'nhẹ dạ, cả tin', tại sao lại coi thường người dân
thế nhỉ? Người dân có suy nghĩ của người ta, có tính toán của người ta và như
các diễn giả đều nói là ảnh hưởng đến quyền lợi của người ta.
"Và người dân phải được tham khảo ý kiến, tôi nghĩ rằng
khi xây nhà máy Formosa, chắc dân ở đấy cũng chẳng ai được hỏi. Và đến khi thảm
họa xảy ra, thì dân cũng không được tham khảo.
"Tôi nghĩ rằng muốn xác định mức độ phạm tội của
Formosa như thế nào, thì phải có những điều tra rất kỹ lưỡng và phải đưa ra
tòa, chứ không phải là những quyết định hành chính.
Bản quyền hình ảnh FB Trần Tiến Đức Nhà báo Trần Tiến Đức cho rằng không nên đánh
giá thấp và coi thường người dân
"Cho nên tôi nghĩ rằng bài báo, cái lối viết như thế,
tôi còn nhớ những đợt người dân yêu nước ở Hà Nội đi biểu tình để chống vụ Giàn
khoan (HD-981) rồi biểu tình để tưởng nhớ, hoặc là tụ tập để tưởng nhớ những liệt
sỹ đã hy sinh để bảo vệ biên cương của đất nước, thì lại gọi, kêu là những người
'nhẹ dạ, cả tin', rồi thế này, thế nọ.
"Tôi nghĩ đấy là một đánh giá rất sai về người dân, những
người dân... này đã bao nhiêu năm chiến đấu để đem lại độc lập, tự do cho đất
nước này..., (những người dân này gọi họ là 'nhẹ dạ, cả tin' hay sao?), tôi nghĩ
rằng đấy là một phát biểu rất nực cười và không thể chấp nhận được!", nhà
báo Trần Tiến Đức nói với BBC hôm thứ Năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét