Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Việt Nam : Chính quyền trước thách thức Formosa và ô nhiễm

Mai Vân


Cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 01/05/2016, đòi bảo vệ môi trường sau vụ cá chết hàng loạt tại Vũng Án, Hà Tĩnh.Reuters
 
Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 18/02/2017, trang Châu Á đã nêu bật một vấn đề đang nhức nhối tại Việt Nam : Chính quyền bị vấn đề ô nhiễm môi trường thách thức nặng nề.

Bài nhận định mang tựa đề rất tượng hình « Red versus Green in Vietnam – Đỏ đối lập với Xanh ở Việt Nam » – Đỏ dĩ nhiên là đảng Cộng Sản, còn Xanh là biểu tượng của môi trường – ghi nhận : « Sự bất lực của trong việc kiểm soát ô nhiễm đang làm sói mòn quyền lực của đảng Cộng Sản (Việt Nam) ».

Bài báo mở đầu bằng một loạt nỗi bất hạnh đã đổ ập xuống đầu người dân chài ở Đồng Hới, miền Trung Việt Nam từ mùa xuân năm ngoái.

Vào tháng Tư, thủy triều đã đẩy hàng ngàn con cá chết vào bờ biển thị xã này. Chính quyền đã chần chờ hàng tháng trời trước khi nêu tên thủ phạm : một nhà máy thép mới xây dựng ở bờ biển phía trên – nhà máy Formosa - đã thải chất độc hại ra biển.

Formosa chỉ là bề nổi của tảng băng ô nhiễm

Gần một năm sau, Đồng Hới cũng như các thị xã ven biển trải dài trên 125 dặm đều bị ảnh hưởng, và giờ đây vẫn đang gánh chịu hậu quả của tai họa môi trường đó. Bị tác hại năng nề nhất là ngư dân, vì một số người dân địa phương từ chối không ăn cá nữa do sợ độc tố, người khác thì chỉ ăn cá đánh bắt thật xa ngoài biển khơi, hoặc ở độ sâu được cho là đã thoát khỏi chất độc. Tủ đông lạnh trong nhiều nhà hàng hải sản giờ đây chỉ toàn là thịt gà hay thịt heo mà thôi.

Thảm họa cũng làm cho ngành du lịch suy sụp. Dù ở đây có động Sơn Đoòng, được cho là lớn nhất thế giới, chỉ mới mở cửa cho du khách trong năm 2013, vào mùa hè vừa qua, biết bao du khách đã hủy chuyến du lịch vì sợ cát độc. Hàng loạt khách sạn và căn hộ đang xây ở vùng ngoại ô thị trấn, đã bị bỏ dở vì nhà đầu tư không dám tiếp tục bỏ vốn nữa.

Theo The Economist nạn ô nhiễm nói chung đã phá hoại nhiều cảnh quan tuyệt đẹp của Việt Nam.

Từ đập thủy điện, giếng đào cho đến nạn thâm canh đang phá dần phá mòn đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất gần một nửa lượng gạo của cả nước. Mỗi năm diện tích đất phèn không trồng trọt được mỗi tăng vì bị nước biển xâm nhập. Khói cay đã lan tràn thủ đô Hà Nội. Theo một số nguồn thì gần hai phần ba nước thải công nghiệp của Việt Nam bị đổ ra sông hồ. Năm 2015, chính quyền xác định được hàng loạt thôn xã có tỷ lệ ung thư cao bất thường, có lẽ vì nước được cung cấp có nhiễm chất chì.

Thêm vào đó là một thảm họa môi trường không hoàn toàn do Việt Nam làm ra : Với 2.000 dặm bờ biển, Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Một số ước tính cho thấy một phần năm của Thành phố Hồ Chí Minh, có thể chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này. Thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt có thể đánh vào cư dân dọc theo bờ biển dài của Việt Nam.

Tác hại chính trị: Chính phủ bị nghi là bênh vực lợi ích Trung Quốc

Các tai họa kể trên đang ngày càng thấm vào nền chính trị của Việt Nam, đặt ra thách thức đối với chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Một báo cáo của chính phủ nói rằng có ít nhất 200.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường vào năm ngoái. Nhiều người trong số này đã dám biểu tình phản đối tại nhà máy chịu trách nhiệm thuộc sở hữu của Formosa, một công ty Đài Loan, hay trước một tòa án địa phương. Họ nói rằng 500 triệu đô la mà công ty đã són ra để bồi thường chẳng thấm vào đâu, và họ đòi quyền được khiếu kiện.

Điều đáng nói, theo The Economist, là thái độ công phẫn của những người không bị thiệt hại. Ngay sau thảm họa, một phát ngôn viên của Formosa đã hàm ý rằng hai ngành công nghiệp và đánh bắt cá không tương thích với nhau. Những người biểu tình tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh đã trả lời « Tôi chọn cá. »

Tạp chí Anh nhận thấy là chủ nghĩa dân tộc đã khuếch đại nỗi giận dữ về môi trường. Trong năm 2014, nhà máy thép của Formosa đã từng bị người biểu tình chống Trung Quốc đem một giàn khoan dầu vào vùng biển không xa bờ biển của Việt Nam, đốt phá. Hầu hết người Việt nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của họ quá mềm mỏng với Trung Quốc, đối tác kinh doanh lớn nhất, nhưng lại là kẻ thù cũ và đòi hỏi chủ quyền trên một số đảo nhỏ (của Việt Nam) ở Biển Đông. Người dân đặc biệt tức giận trước điều mà họ cho là đảng đã cho phép một (loại) công ty Trung Quốc đầu độc bờ biển Việt Nam.


Phong trào môi trường khó trấn áp

Đối với The Economist, tất cả các điều trên rất đáng ngại cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, vốn đã thấy các phong trào bảo vệ môi trường chôn vùi phe cộng sản Đông Âu như thế nào. Và chính quyền đã trấn áp thô bạo giới lãnh đạo các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, theo tuần báo Anh Quốc, chụp mũ giới vận động dân quyền là tay sai cho các chính phủ nước ngoài đã trở thành phức tạp hơn khi chính chế độ bị cáo buộc là bảo vệ các thành phần ngoại quốc gây ô nhiễm.

Ngoài ra, trong công cuộc tìm kiếm thêm bạn mới để giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, các quan chức ở Hà Nội cũng phải băn khoăn về danh tiếng của Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn người nước ngoài nhìn thấy đất nước mình là một đối tác đáng tin cậy về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chứ không phải là một nước lạc hậu tôn thờ một lãnh đạo quá cố trong một hộp kính.


Luật lệ môi trường chặt chẽ nhưng việc thực thi kém cỏi

Và như vậy là các nhà lập pháp Việt Nam đang trở nên ‘xanh’ hơn. Theo Stephan Ortmann, tác giả một quyển sách mới về đề tài này, Việt Nam có luật lệ về môi trường tương đối toàn diện, còn nghiêm ngặt hơn các luật lệ nguệch ngoạc của Trung Quốc, và được thông qua với tốc độ nhanh....

Tuy nhiên, đối với The Economist, ở Việt Nam có dấu hiệu là nói thì nhiều nhưng làm thì ít, và việc thiếu ngân sách chỉ là một trong những nguyên nhân (...)

Các quan chức đầy quyền lực tại các tỉnh thì bỏ ngoài tai các luật lệ được soạn thảo tại Hà Nội, còn các tập đoàn nhà nước dầy uy thế thì hầu như không ai dám chạm tới. Một hệ thống tư pháp rất lẹ làng và tàn nhẫn với những ai bất đồng chính kiến, nhưng lại thất bại một cách đáng ngạc nhiên trong việc thực thi các quy tắc thường ngày.

Trong khi ở Bắc Kinh để chống khói mù, người ta bắt đầu đóng cửa các nhà máy và hạn chế sử dụng xe hơi, thì ở Hà Nội người ta vẫn còn đấu tranh để ngăn chặn không cho xe gắn máy đậu trên vỉa hè.

Theo The Economist, cơn giận âm ỉ về ô nhiễm sẽ làm cho đảng Cộng Sản khó khăn hơn trong việc đối phó với những cú sốc chính trị hoặc kinh tế.

Trở lại với Đồng Hới, tuần báo Anh cho rằng triển vọng hồi phục đang dặt vào sự trở lại của khách du lịch vào mùa hè này. Chính quyền địa phương nói rằng biển đã có thể bơi lại được rồi, nhưng không phải là ai cũng tin. Một ngư dân cho biết là ông đã hoạt động lại được một thời gian rồi, nhưng sẽ không cho con mình ăn cá mình đánh bắt được trong vòng từ năm đến 10 năm tới đây.

Vì sao Kim Jong Nam bị ám sát ?

Nguyên nhân vụ Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bị ám sát một cách bí ẩn tại sân bay thủ đô Malaysia, đã được tuần báo Anh The Economist chú ý trong bài viết ở trang châu Á mang tựa đề « Vì sao người anh của Kim Jong Un bị sát hại ? », phía dưới một tiểu tựa khá mỉa mai: « Tình huynh đệ chỉ một nửa ».

The Economist trước hết ghi nhận là lần cuối cùng mà cái tên Kim Jong Nam nổi cộm trong dòng thời sự cũng là tại một sân bay, khi ông đến Tokyo vào năm 2001 dưới một cái tên Trung Quốc giả là Bành Hùng (Pang Xiong), với hộ chiếu giả của nước Cộng Hòa Dominica. Lần này cũng là sân bay, nhưng ở Kuala Lumpur, với tên giả là Kim Chol. Ngày 13/02/2017, ông đang chờ một chuyến bay về Macao thì bị hai phụ nữ tình nghi là điệp viên Bắc Triều Tiên hạ độc và được cho là đã chết trên đường đến bệnh viện.

Tuần báo Anh đã gắn liền cái chết của Kim Jong Nam với chiến dịch thanh trừng để củng cố quyền lực mà lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Hong Un tiến hành từ khi lên cầm quyền, với khoảng 140 nạn nhân trong giới quan chức cấp cao, đặc biệt là Jang Song Thaek người chú dượng của ông, được cho là đã bị xử tử.

Về số phận của các thành viên ruột thịt trong gia đình họ Kim, hình thức thanh trừng thường là bắt lưu vong như trường hợp của người chú ruột của Kim Jong Un là ông Kim Pyong Il, em trai của Kim Jong Il, đã bị phái ra nước ngoài làm nhiệm vụ ngoại giao một cách triền miên. Một số nguồn tin cho rằng Kim Jong Nam cũng bị lâm vào tình cảnh đó vì ngay từ đầu đã bị mẹ của Jong Un và gia đình của bà ghét bỏ.

Đã phải sống lưu vong rồi mà sao lại bị giết ?

Trên vấn đề này, The Economist nêu lên một số tin đồn lưu hành trên báo chí Hàn Quốc theo đó Kim Jong Nam đã từng câu kết với chú dượng Jang Song Thaek để chống lại em mình là Jong Un.

Tuy nhiên, theo Michael Madden, người điều hành trang blog « Theo dõi giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên » thì những câu chuyện về sự thù hằn anh em đều là cường điệu. Khi Kim Jong Il qua đời, Jong Nam được cho là đã bí mật trở về nước tham dự một tang lễ do riêng gia đình tổ chức. Còn Yoji Gomi, một nhà báo Nhật Bản đã từng được Kim Jong Nam gởi cho khoảng 100 bức email từ những năm 2004, thì đã trích lời của Jong Nam nói rằng ông muốn « hợp tác » với người em cùng cha khác mẹ.

Giả thuyết thứ hai, theo The Economist, là việc có thể là Kim Jong Nam đã tham gia vào các giao dịch tài chính mà Kim Jong Un muốn dẹp bỏ. Có tin cho rằng ông đã rửa tiền thông qua các sòng bạc ở Macao. Còn ông Madden nói rằng Jong Nam có quan hệ với Cục 39, một bộ phận tìm ngoại tệ cho chế độ Kim bằng những phương tiện bất hợp pháp.

Tuy nhiên, đối với tuần báo Anh, có rất nhiều khả năng là Kim Jong Nam bị giết chỉ vì đã chọc giận em mình bằng những lời chỉ trích công khai. Ông Gomi đã dẫn lời Jong Nam nói rằng Jong Un sẽ không làm lãnh tụ được lâu. Cùng lúc, con trai của Jong Nam cũng gọi chế độ Bình Nhưỡng là một « chế độ độc tài » trên một talk show của Phần Lan. Khi biết rằng tại Bắc Triều Tiên, một quan chức chỉ cần lỡ làm đổ ghế trong một cuộc họp là có thể bị xử tử, thì các ý kiến vừa nêu đã quá đủ để người nói bị phán tội chết.

Theo The Economist, Kim Jong Nam được cho đã được mật vụ Trung Quốc bảo vệ. Vốn đã bị mất Jang Song Thaek, một người thân Trung Quốc, Bắc Kinh không muốn mất thêm một người thứ hai mà họ bảo trợ là Kim Jong Nam.

Bắc Triều Tiên đã tìm cách sát hại Kim Jong Nam từ lâu. Một điệp viên Bắc Triều Tiên bị Hàn Quốc bắt giữ năm 2012 đã khai rằng anh ta từng lên kế hoạch dùng ô tô đâm vào Kim Jong Nam ở Trung Quốc.

Dẫu sao thì đối với The Economist, căn cứ vào thực tế là Kim Jong Nam chẳng hề có ảnh hưởng tại Bắc Triều Tiên, việc ám sát ông có thể là dấu hiệu phản ánh tình trạng hỗn loạn trong chế độ Bình Nhưỡng.

Nhà Trắng : Báo chí Mỹ lo ngại phong cách ‘nghiệp dư’

Cung cách điều hành công việc của tân tổng thống Mỹ, không ngày nào không có chuyện, khiến tạp chí Courrier International dành hai trang nói đến « sự thiếu năng lực ngự trị tại Nhà Trắng ».

Courrier International trước tiên trích dẫn nhận định của tờ Washington Post, trở lại sự kiện cố vấn an ninh Michael Flynn từ chức hôm 13/02, đã đưa ra ánh sáng phong cách nghiệp dư trong ê kíp của ông Trump. Tờ báo thật sự tỏ mối lo ngại, một phần do cá tính của ông Trump và một phần khác là do việc ê kíp của ông chọn là những người không quen với cách vận hành của guồng máy nhà nước cũng như những hồ sơ lớn quốc tế.

Washington Post trích những người làm việc với ê kíp lãnh đạo thân cận ông Trump, nêu lên một số sự kiện, ví dụ như ông Flynn đã rất ngạc nhiên khi biết là bộ Ngoại Giao và Quốc Hội có vai trò then chốt trong việc bán và chuyển nhượng công nghệ học cho nước ngoài, hay ông Trump và ê kíp của ông cũng rất ngạc nhiên khi được nói là tổng thống không thể một cách đơn giản ra lệnh cho bộ Quốc Phòng cung cấp vũ khí nhiều hơn cho Ả Rập Xê Út là được.

Tờ báo trách cứ ông Trump chưa bao giờ hoạt động chính trị, không kinh nghiệm chính trường, lý ra nên chọn một ê kíp có kinh nghiệm, nhưng không. Ông khinh miệt guồng máy cho nên đã vấp trên những điều cơ bản nhất và cũng không thể đưa ra cho ê kíp của ông những chỉ thị rành mạch, rõ ràng.

Washington Post nhắc lại là ông Trump đã tuyên bố là ông muốn thay đổi triệt để hệ thống, nhưng nhìn tình hình và ê kíp không có mảy may kinh nghiệm chính trị của ông, tờ báo rất lo ngại là ông sẽ dẫn đến thảm họa.

Tờ báo minh họa thêm nỗi lo ngại bằng một số sự kiện, trích từ những người cộng sự, như nửa đêm ông Trump gọi đến ông Flynn để hỏi một đồng đô la mạnh hay một đồng đô la yếu tốt hơn, hoặc khi nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Nga Putin, ông Trump cắt ngang, để hỏi là hiệp định Start mới –giảm vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ - là cái gì, hay là ông buộc là những bản thông tin cho ông chỉ giới hạn trên một trang giấy mà thôi với nhiều đồ họa và bản đồ.

Báo giới vừa qua cũng sửng sốt với những hình ảnh và bản tin của đài CNN, cho thấy ông Trump và vị khách là thủ tướng Nhật Shinzo Abe ăn tối ở Mar-a -Lago. Tại đây còn nhiều người khác, thành viên của câu lạc bộ này (ở Florida và thuộc sở hữu của ông Trump) và đột nhiên tổng thống Mỹ lấy điện thoại về việc Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa. Bữa ăn giữa hai ông Abe và Trump đã trở thành một cuộc họp về chiến lược và những người khách khác đã trực tiếp chứng kiến cảnh lấy quyết định về một hồ sơ tế nhị, họ đã mô tả chi tiết cho CNN.

Washington Post nhận định ngắn gọn : những chuyện này nghe qua có vẻ khôi hài nhưng cũng rất đáng sợ.

Bầu cử Pháp trên trang bìa các tạp chí Pháp

Ngoại trừ Courrier International, dành trang bìa cho thời sự quốc tế, nói đúng hơn là cho Châu Âu với « Bóng ma chiến tranh bao trùm lên vùng Balkan », hàng tựa đập mắt trên phông nền nhà tan cửa nát ở Pristina, Kosovo, hầu hết các tạp chí Pháp tuần này đều không rời chính trường Pháp với hồ sơ lớn đầu tiên dĩ nhiên cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới đây, ướm thử cơ may các ứng viên.

Đập mắt trên trang bìa của tạp chí L’Obs là ứng viên Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng kinh tế, trong bộ độ tổng thống và câu hỏi « Tổng thống đây chăng ? » Le Point đăng ảnh 3 ứng viên khác : Jean Luc Mélanchon, Benoit Hamon và Marine Le Pen – cả 3 cùng một mục tiêu chung : hủy bỏ hoặc thu hồi Luật Lao Động. Tạp chí nhìn thấy đây là « cánh phá sản ».

Tạp chí L’Express đương nhiên không bỏ qua chủ đề bầu cử này nhưng chỉ chạy tựa ở trang trong. Còn ở trang bìa, trên phong nền ảnh quốc vương Ả Rập rời một dinh thự Pháp, tờ báo nói đến « nước Pháp chịu ảnh hưởng » và kể tên : Qatar, Ả Rập Xê Út, Kazakhstan, Nga…, những nước mà tạp chí xem là những « mối quan hệ nguy hiểm ».

Nhìn chung trong mắt các tạp chí tuần này nước Pháp không có bao nhiêu điểm hồng.

Nhất là Le Point, ở trang trong, nêu bật nỗi lo ngại các cơ quan thẩm định tài chính, như Standard and Poor’s, rất lo ngại về nguy cơ bà Marine Le Pen thắng cử, tuy là khả năng rất ít : Nếu khi ấy, bà áp dụng chương trình của bà là tái lập lại đồng franc, thì nước Pháp sẽ « phá sản », và sau Brexit sẽ có Frexit.

Theo phân tích của Le Point, chương trình của ông Mélanchon, cực tả, không thua kém chương trình của đối thủ cực hữu của ông, còn ứng đảng Xã Hội, Benoit Hamon, Le Point nhìn thấy những lời cam kết của ông cũng rất giống với đại diện cực tả, mở van chi xài, phớt lờ những quy định của Châu Âu, nhất là của Đức và các nước Bắc Âu. 3 nhân vật này, theo Le Point lại nắm 50% cử tri.

L’Obs chú ý đến ứng viên Macron hiện đang nổi trội nhất, tuy nhiên, hiện thì chương trình của ông vẫn còn mập mờ trên những chủ đề mà người Pháp mong đợi : an ninh, nhập cư. Về chiến lược, ngoại giao chưa thấy ông đề cập đến, ngoại trừ vấn đề Châu Âu. L’Obs nhìn thấy đây sẽ là nhân vật đối đầu với ứng viên cực hữu. Nhưng sẽ là tổng thống ư ? Chưa có gì chắn chắn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét