Dẫu không còn bị những rủi ro tiềm ẩn của các tai nạn hạt nhân từ hệ thống nhà máy điện hạt nhân đe dọa, nhưng dân chúng Việt Nam sẽ chết dần, chết mòn vì ô nhiễm từ các nhà máy phát điện bằng than.
Nghiên cứu của đại học Harvard University, đại học University of Colorado, Boulder, và Greenpeace, một tổ chức bảo vệ môi trường, đã chỉ ra, các nhà máy phát điện bằng than đã, đang và sẽ còn tạo ra gánh nặng bệnh tật càng ngày càng nặng ở khu vực Đông Nam Á.
Dựa trên các dữ liệu chính thức về những dự án xây dựng các nhà máy phát điện bằng than ở khu vực Đông Nam Á, giới nghiên cứu đã phác họa được các tác động của những nhà máy đối với môi trường.
Theo đó, đến năm 2030, tại Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng nhất trong khối ASEAN vì tình trạng ô nhiễm do các nhà máy phát điện bằng than gây ra. Vào thời điểm đó, số người chết sớm do không khí ô nhiễm ở Việt Nam tăng thêm 188.8/1 triệu dân, cao hơn gấp đôi so với Indonesia – quốc gia được dự đoán là có số người chết sớm do không khí ô nhiễm đứng hàng thứ nhì ở Đông Nam Á (85.4/1 triệu dân).
Nếu tính tổng quát thì từ 2030, mỗi năm, tại Việt Nam sẽ có khoảng 20,000 người chết vì không khí ô nhiễm do hoạt động của các nhà máy phát điện bằng than. Nếu so với năm 2011 thì con số này cao gấp năm lần (4,252 ca tử vong/năm).
Buông bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử trong bối cảnh thủy điện phát sinh nhiều vấn đề, công khố lại cạn, chính quyền Việt Nam đã quyết định tăng số lượng nhà máy phát điện bằng than. Ông Phương cảnh báo, bất kể khó khăn thế nào thì chính quyền Việt Nam cũng phải chú ý đến sức khỏe của dân chúng – những người đầu tiên phải gánh chịu ảnh hưởng do không khí ô nhiễm từ các nhà máy phát điện bằng than.
Không chỉ có tạp chí The Diplomat chú ý đến thảm họa không khí ô nhiễm ở Việt Nam do chính quyền Việt Nam quyết định phát triển ồ ạt các nhà máy phát điện bằng than, thông qua việc giới thiệu khuyến cáo của ông Phương, tạp chí Forbes cũng vừa công bố ý kiến của tác giả Nish Chugh.
Theo ông Chugh, việc chọn than để sản xuất điện sẽ gây ra những tác hại trầm trọng và Việt Nam nên xem lại cơ cấu năng lượng của mình trước khi quá muộn. Ông Chugh khuyên chính quyền Việt Nam nên tự hỏi, liệu quyết định gia tăng nguồn điện bằng than có thực sự đem lại những lợi ích lâu dài về mặt kinh tế hay không?
Ngân Hàng Thế Giới (WB) từng khẳng định miền Nam và miền Trung Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió. Năng lượng mặt trời là một tiềm năng rất lớn khác bởi vì Việt Nam có trung bình 2,500 giờ nắng/năm. Nhiều chuyên gia từng phân tích việc tìm vốn cho các nguồn năng lượng tái tạo sẽ dễ dàng hơn tìm vốn cho việc xây dựng các nhà máy phát điện bằng than.
Việt Nam hiện có 20 nhà máy phát điện bằng than nhưng chính quyền vẫn “kiên trì” với kế hoạch nâng con số này lên 32 và lên 51 vào năm 2030. Ba năm nữa, mỗi năm Việt Nam sẽ đốt 63 triệu tấn than/năm. Đến 2030, khối lượng than được đốt sẽ là 129 triệu tấn/năm. Đa số các nhà máy phát điện bằng than sẽ sử dụng công nghệ Trung Quốc, do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện bằng vốn vay từ các ngân hàng của Trung Quốc. (G.Đ.)
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét