Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Vì sao Hiến Pháp Mỹ lại khó thay đổi?

Café KuBúa



Từ khi Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua vào năm 1789, nó không chỉ tạo nên một chính phủ vì nhân dân. Nó còn tạo điều kiện cho người dân thay đổi Hiến pháp. Từ đó đến nay, trong gần 11,000 đề luật đã được đưa ra qua nhiều thế kỉ, chỉ có 27 Tu chính án được thông qua tính đến năm 2016.



Điều gì đã khiến cho việc thay đổi Hiến pháp khó khăn như vậy? Nói một cách ngắn gọn, là do những người tạo ra nó. Những người sáng lập ra Hoa Kỳ đã cố gắng lập ra một đất nước thống nhất từ 13 thuộc địa khác nhau, và cần một thứ gì đó để đảm bảo rằng thành quả này sẽ không dễ dàng bị hủy bỏ.



Vậy nên họ quyết định rằng: Với mỗi một đề xuất thay đổi để có thể được trình ra, nó phải nhận được 2/3 phiếu đồng ý từ cả hai nghị viện của Quốc hội, hoặc đề nghị từ 2/3 cơ quan lập pháp của các tiểu bang để tổ chức một đại hội toàn quốc, và đó mới chỉ là bước đầu tiên.



Để thay đổi Hiến pháp thực sự, Tu chính án đó phải được thông qua bởi 3/4 các tiểu bang. Các bang có thể để các đại diện lập pháp biểu quyết thông qua Tu chính án, hoặc có thể tổ chức một hội nghị phê chuẩn riêng với các đại biểu được cử tri bầu ra.



Do có điều kiện yêu cầu khắt khe như vậy nên cho đến ngày nay, Hiến pháp Hoa Kỳ tương đối ổn định. Hầu hết nền dân chủ khác đều thông qua các đề xuất thay đổi mỗi vài năm. Nước Mỹ, ngược lại, chưa từng thông qua Tu chính án nào kể từ năm 1992. Bạn có thể tự hỏi, cho đến nay thì bao nhiêu Tu chính án đã được thông qua.



Mười Tu chính án đầu tiên, Tuyên ngôn Nhân quyền, bao gồm những quyền tự do nổi tiếng nhất của nước Mỹ, như quyền tự do ngôn luận, và quyền bình đẳng trước pháp luật. Tất cả được thông qua cùng lúc để giải quyết các mâu thuẫn từ hội nghị lập hiến đầu tiên.



Nhiều năm sau, Tu chính án số Mười ba về việc bãi bỏ chế độ nô lệ, cũng như Tu chính án Mười bốn và Mười lăm, được thông qua sau cuộc nội chiến tàn khốc. Phê chuẩn các Tu chính án càng trở nên khó hơn khi đất nước mở rộng về lãnh thổ và đa dạng về văn hóa.



Tu chính án đầu tiên được đề nghị, về thể thức phân chia tỉ lệ đại diện Dân biểu, đã gần như đạt được sự thông qua vào những năm 1790. Tuy nhiên, vì số lượng tiểu bang trong liên bang ngày càng tăng, dẫn đến số lượng cần để đạt được 3/4 đa số ủng hộ cũng tăng theo, vậy nên nó vẫn chưa được thông qua cho đến nay.



Nhiều đề xuất đã được đưa ra cho đến nay, bao gồm coi việc đốt quốc kỳ là phạm pháp, hạn chế nhiệm kì trong Nghị viện, thậm chí là bãi bỏ Tu chính án số Hai. Tuy rằng có nhiều người ủng hộ, khả năng để chúng được thông qua là khá thấp. Nước Mỹ ngày nay bị phân cực chính trị nhiều nhất kể từ Nội chiến, khiến cho việc đạt được sự đồng thuận tuyệt đối gần như là không thể.



Thực tế, cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, Antonin Scalia đã từng tính toán rằng theo hệ thống  Dân biểu của chính phủ hiện nay, chỉ cần 2% dân số để không thông qua một Tu chính án. Tất nhiên, giải pháp đơn giản nhất là làm cho Hiến pháp dễ thay đổi hơn bằng cách hạ những tiêu chuẩn cần để đề xuất và xét duyệt xuống. Tuy nhiên điều đó cũng cần thực hiện thông qua một Tu chính án.



Thực tế, nhiều diễn biến lịch sử hầu hết đến từ Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, bằng cách mở rộng sự diễn giải về những điều luật đã có trong Hiến pháp để theo kịp những thay đổi thời đại. Thẩm phán Tòa án Tối cao lại không phải do được bầu lên và thực hiện nhiệm kì của mình đến hết đời, điều này lại có vẻ trái  ngược với quyền dân chủ nhất.



Thú vị là, chính những người sáng lập đã nhìn trước được vấn đề này. Trong bức thư gửi James Madison, Thomas Jefferson viết rằng, luật pháp nên “hết hạn sử dụng” mỗi 19 năm hơn là phải chờ để thay thế hoặc hủy bỏ và vì mỗi quá trình chính trị lại chứa đầy những trở ngại điều đó sẽ làm nản lòng nhân dân.



Mặc dù ông tin rằng những giá trị cơ bản của Hiến pháp sẽ luôn còn mãi, ông nhấn mạnh rằng  Trái đất thuộc về người sống, chứ không phải người đã chết.


***



Ted-Ed, Why is the US Constitution so hard to amend, Peter Paccone (Vì sao Hiến Pháy Mỹ lại khó thay đổi?)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét