Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Từ Hương sát thủ, bàn về chuyện làm cha làm mẹ



 Viết Từ Sài Gòn


Trong cổ tích Việt Nam, có bà mẹ bồng con ra đứng chờ chồng đến hóa đá chứ không có bà mẹ nào chờ con đến hóa đá. Nói cho cùng, việc cho con mình phải chịu cảnh hóa đá theo mình là một việc hết sức ngớ ngẩn và dã man nếu xét trên khía cạnh tình mẹ con. Việt Nam hiện đại, có bà mẹ sẵn sàng ném chín đứa con vào khói lửa chiến tranh chỉ vì lòng thù hận, vì trả thù. 

 
Và chuyện mới xảy ra, có người cha, người mẹ suốt mười năm cho con đi học, con làm gì cũng không biết, thậm chí không nhớ nổi con về thăm nhà bao nhiêu lần trong mười năm đó, mọi thông tin của nắm ruột mình rứt ra nghe đầy vẻ nhạt loãng và hời hợt như chuyện sát thủ Đoàn Thị Hương. Lẽ nào bậc làm cha làm mẹ người Việt hỏng đến độ như vậy sao?

Câu trả lời là không, hoàn toàn không phải vậy, bản năng yêu thương của con người thì Tây cũng giống Ta, Nam cũng như Bắc, Đông cũng như Tây. Bởi đâu cũng máu đỏ và nước mắt mặn chát, thậm chí dân Á Đông nước mắt còn mặn và chảy nhiều hơn dân phương Tây. Nhưng, có một sự khác biệt rất rõ rệt là hệ tham chiếu cũng như định nghĩa về giá trị tình yêu gia đình hoàn toàn khác biệt giữa Tây và Đông (cụ thể là Tàu). Mà nghiệt nỗi, Việt Nam thì ảnh hưởng Tàu quá nặng nên mọi thứ trở nên đảo lộn trong cơn hổ lốn hầm bà lằng lịch sử.

Nếu như giáo dục phương Tây đề cao giá trị cá nhân, đề cao sự sáng tạo và mỗi đứa trẻ ra đời trong thế giới phương Tây cũng đồng nghĩa với một vũ trụ mới, một tinh cầu mới ẩn chứa cả sự bí ẩn sáng thế đang chào đời. Đứa trẻ được nuôi nấng, được dung dưỡng và được xem là trung tâm để người lớn cưu mang, thậm chí phục vụ. Ngược lại, phương Đông nói chung và Trung Hoa hay Việt Nam nói riêng, một đứa trẻ ra đời, nếu là bé gái, người ta sẽ theo tục lệ, gắp một cục than hồng ném qua cửa với hàm ý đứa bé lớn lên sẽ không phải là thành viên gia đình, không phải là huyết hệ. Và nếu sinh ra một bé trai thì bé trai nghiễm nhiên trở thành trung tâm gánh vác trách nhiệm gia đình, trách nhiệm dòng tộc, trách nhiệm duy trì giống đực để củng cố thế lực gia đình, dòng tộc…

Nếu như đứa trẻ phương Tây từ nhỏ được giáo dục những bài học về lòng yêu thương, về đúng, sai, đạo đức làm người và ý nghĩa, giá trị của khoa học cũng như sự sáng tạo… Thì đứa trẻ phương Đông được giáo dục về niềm tự hào dòng tộc, tự hào quốc gia, tôn thờ vua chúa, tôn thờ lãnh đạo quốc gia và tôn thờ dòng tộc, ông bà. Có một điều nữa là phương Tây có hẳn một khóa nhọc làm cha làm mẹ, phương Đông chỉ có khóa học làm con kéo dài cả đời người cho đến lúc chết.

Và tư tưởng này không phải ngày một ngày hai mà có, tư tưởng Khổng Giáo đã ăn dằm trong huyết hệ người Việt. Từ việc tuân thủ các lễ nghi dòng tộc, gia đình cho đến tinh thần gia trưởng rồi tôn thờ cha mẹ một cách mù quáng (điều này khác xa với hiếu đạo) tỉ như cha có ăn trộm thì việc ăn trộm đó vẫn là đúng. Ngay trong hệ thống đạo đức Phật Giáo cũng dạy con người hiếu thảo nhưng chưa có bất kì một chương hay một câu nào dạy cách làm cha làm mẹ đúng mực. Giáo điều dạy con cái hiếu thảo một cách bất tận mà không dạy cách làm cha làm mẹ đúng mực là con dao hai lưỡi.

Nếu mặt tốt của nó có khả năng giúp cho con cái hiếu thuận bao nhiêu thì mặt xấu của nó là dung túng những đức tính không lành mạnh, thậm chí bệnh hoạn cũng như kiểu tư duy một chiều rằng “con cái phải theo cha mẹ chứ cha mẹ không theo con cái”, điều này nhanh chóng đẩy đến chỗ đổ vỡ hình tượng, thất vọng về cha mẹ, và con cái phải cắn răng chịu đựng và có thể tuân phục một cách vô ý thức, dẫn đến xã hội nhiễu loạn.

Bằng chứng của thứ đạo đức một chiều và bệnh hoạn này là có vẻ như đức hi sinh của bậc làm cha làm mẹ phương Tây cao hơn rất nhiều đức hi sinh của bậc làm cha làm mẹ phương Đông. Và đáng sợ hơn là lòng hiếu đạo cũng như cung cách ứng xử đúng mực của con cái đối với cha mẹ, Phương Tây tốt hơn hẳn phương Đông. Vì sao? Vì nói cho cùng thì chữ Hiếu của phương Đông chứa quá nhiều sự ẩn ức tâm lý, sự bất cân bằng về tính tự trọng và dân chủ so với chữ Hiếu của phương Tây không cần qua nhồi nhét giáo dục, không cần giáo điều nhưng lại được phát triển tự nhiên thông qua sự tương ái của cha mẹ và tương kính của con cái.

Và nói rộng ra một chút, hiếm có đất nước nào mà cha mẹ sẵn lòng bán con như Việt Nam, từ việc bán con cho các ông chồng Đài Loan, Hàn Quốc, chồng ngoại có đô la cho đến mặc nhiên để con làm gái gọi, để con làm hớt tóc thanh nữ, đi massage, đi làm những công việc tổn thương phẩm hạnh, miễn sao mang tiền về gia đình càng nhiều càng tốt. Và kinh tởm nhất là các ông cha, bà mẹ biết con mình làm những việc tổn thương đạo đức, phẩm hạnh, mất hết tương lai và nhân vị nhưng vẫn cứ ung dung cầm đồng tiền của con mình mang về mà tiêu xài, mua sắm và xem như đó là thứ phước báu nổi trội của gia đình so với xã hội chung quanh. Bởi con cái có hiếu, có phước mới có được con cái chấp nhận bán thân nuôi cha mẹ (!?).

Mà trong đó, truyện Kiều, một bản mẫu bán mình chuộc cha cũng ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi quan niệm, hệ qui tham chiếu đạo đức, chữ Hiếu của Việt Nam. Bởi, lúc còn trẻ, họ cũng sống trong tâm thức, trong hệ tham chiếu đạo đức nếu cần thiết thì bán mình chuộc cha, vì chữ hiếu, khi lập gia đình, sinh con đẻ cái, họ tiếp tục sống theo lối mòn này. Không thiếu những bậc làm cha làm mẹ lấy làm hãnh diện khi xây mộ cho gia tộc, cho cha mẹ của họ tiền tỉ này tỉ nọ mà đáng sợ là số tiền đó do con cái của họ buôn  ma túy, bán dâm, lừa đảo, tham nhũng, bòn rút của công mang về. Họ vẫn tự hào vì “phước báu gia đình lớn”.

Tôi từng tởm lợm khi nói chuyện với một ông bạn, ông này từng tuyên bố: “Có con gái mà cho nó ăn học thì uổng lắm, lựa chọn đó kém lắm. Cho nó đi bán bia ôm, nó mang tiền về cho mình xây nhà cho bề thế, tới khi nó có chồng, cho nó hai chỉ vàng là to đùng rồi!... “. Chuyện này có thật 100%, và đây không phải là trường hợp cá biệt tại Việt Nam. Không phải tự dưng mà đùng một cái, ở các làng quê mọc lên đầy biệt thự của nông dân làm ruộng ba đồng ba cọc, không có nghề ngỗng, con gái họ thì đi làm xa một cách bất minh, bặt vô âm tín và số lượng gái mại dâm người Việt tại nước ngoài cũng như trong nước chiếm con số hết sức khủng khiếp. Tất cả đều do định nghĩa sai lệch và bệnh hoạn về chữ Hiếu. Điều này để lại hậu quả không nhỏ chút nào.

Đã đến lúc dân tộc Việt Nam phải xem lại, phải học cách làm cha làm mẹ trước khi con mình học chữ Hiếu, nếu không, dân tộc này sẽ tự hủy hoại bởi đạo đức gia đình băng hoại từ trứng nước. Tôi muốn khẳng định thêm một lần nữa, Việt Nam không thiếu những bậc làm cha làm mẹ biết hi sinh và thương yêu con mình. Nhưng Việt Nam cũng không thiếu những loại cha mẹ sẵn sàng bán con để lấy tiền. Chúng ta hãy thôi tự huyễn hoặc mình bằng một thứ giáo điều bệnh hoạn, bằng kiểu áp đặt ngớ ngẩn và thiếu nhân tính nếu như vẫn còn hi vọng vào một tương lai tốt đẹp!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét