Trận đánh Ban Mê Thuột 40 năm trước
Khoảng 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, khi Ban Mê Thuột còn đang trong
giấc nồng, người dân và binh lính Việt Nam Cộng Hòa bỗng bị đánh thức
dậy bằng tiếng pháo kích đinh tai của Cộng quân Bắc Việt. Đó là đợt tấn
công khởi đầu các chiến dịch quân sự dẫn đến sự sụp đổ của Quân đoàn 2
nói riêng và toàn bộ Nam Việt nói chung sau đó. Đúng 7 giờ sáng ngày
11/3/1975, Cộng quân bắt đầu nã pháo vào Bộ Tư lịnh Sư đoàn 23 bộ binh,
một trong hai sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 2.
Đánh vào Ban Mê Thuột, Cộng quân bố trí đội hình tiến công trên 3
hướng, tạo thành 5 mũi tiến công sắc, nhọn: hướng Bắc 2 mũi, hướng Nam 2
mũi, riêng hướng Tây 1 mũi thọc sâu và thẳng vào mục tiêu chính là Sở
chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 23. Vào 10 giờ 30 phút ngày 11/3/1975,
tức sau gần 33 giờ, Ban Mê Thuột thất thủ.
Bắc Việt chọn Ban Mê Thuột đánh trận mở màn vì vị trí này tuy then
chốt nhưng được phòng thủ kém nhất sau hàng loạt hành động nghi binh
hoàn hảo của Cộng quân khiến các tướng lĩnh Sài Gòn chuyển hướng nghĩ
rằng Pleiku phải là mục tiêu tấn công chính. Trước đó một ngày, Thiếu
tướng Phạm Văn Phú, Tư lịnh Quân đoàn 2, dù đã đến thị sát Ban Mê Thuột,
vẫn không hề ngờ rằng mối đe dọa bị tấn công sẽ trở thành sự thật khốc
liệt chôn vùi binh nghiệp của ông chỉ vài giờ sau.
Trên phương diện nghệ thuật quân sự đây là một trong những trận đánh hiểm hóc, bởi chiếm Ban Mê
Thuột đã tạo ra đột biến về chiến lược, làm sụp đổ toàn bộ Tây Nguyên,
vốn là địa bàn quân sự đặc biệt quan trọng đối với cả Nam phần. Trên
thực tế, mất Tây Nguyên toàn hệ thống phòng ngự chiến lược của quân đội
Sài Gòn bị chia cắt và rối loạn.
Sau 40 năm, trận Ban Mê Thuột đã đi vào dĩ vãng, nhưng bài học của nó
vẫn nguyên vẹn như ngày nào: phòng thủ Tây Nguyên là điều tối quan
trọng trong chiến lược quốc phòng nói chung của đất nước. Sự xâm chiếm
của kẻ thù ngày nay không nhất thiết lộ liễu bằng quân đội. Thoạt đầu là
kế hoạch ảnh hưởng và chi phối về kinh tế, kế đến là sự thâm nhập và
bám trụ của một đội ngũ nhân lực ngày càng đông, sau đó là hành động gây
rối loạn xã hội và nhân tâm. Đến thời điểm cần thiết, một đạo quân xuất
hiện từ phía biên giới, xuất kỳ bất ý chiếm giữ Tây Nguyên bằng vũ lực,
chia cắt hoàn toàn Nam Phần trong tầm tay.
Nhắc chuyện xưa không chỉ đơn thuần ôn cố, mà còn nhằm tri tân. Đánh
nhau trong nhà, giết hại và hạ nhục anh em mình thì hả hê, dương dương
tự đắc. Vài mươi năm sau, đối diện kẻ thù bên ngoài thì sợ hãi đến mức
hèn hạ, chỉ trơ mắt nhìn đất đai và hải đảo từng bước rơi vào tay bọn
cướp. Một quân đội từng tự hào bách chiến, bách thắng thuở nào, thấm
nhuần nghệ thuật quân sự sau bao năm chinh chiến, chẳng lẽ giờ đây chỉ
còn biết đấu võ mồm thôi? Mới tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa
đại phá quân Thanh của vua Quang Trung, chẳng lẽ lại quên soi gương
tiền nhân để còn biết tự hổ thẹn? Ông bà ta có câu “khôn nhà dại chợ”
thật đầy ý nghĩa!
Theo FB Lê Công Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét