Cảnh sát đứng bên ngoài Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại
Washington, DC. ngày 31 Tháng 1 năm 2017.
Đầu tháng hai 2017, một số thẩm phán Liên bang Hoa Kỳ ngăn
chận không cho thực hiện một sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ về di dân.
Luật sư Lê Công Định, hiện đang sống tại Sài Gòn, người từng
nghiên cứu luật pháp tại Mỹ giải thích cơ chế thách thức nhau giữa các quyền lực
nhà nước tại Mỹ, và sự cần thiết áp dụng cơ chế này tại Việt Nam.
Kiểm soát lẫn nhau, một cách độc lập
Luật sư Lê Công Định: Các thẩm phán Hoa Kỳ không phải chống
lại sắc lệnh của Tổng thống Trump, mà ở đây có một đơn khởi kiện chống lại các
sắc lệnh của Tổng thống Trump, và đưa lên cho các thẩm phán giải quyết. Tòa án
liên bang ở Seattle đã đưa ra một án lệnh là trước tiên tạm đình chỉ thi hành
các án lệnh đó. Sau đó chờ một ngày xét xử chính thức để quyết định sẽ đình chỉ
vĩnh viễn hay tiếp tục thi hành sắc lệnh đó.
Do đó sau khi nhận được án lệnh, Bộ tư pháp Hoa Kỳ, đại diện
cho Tổng thống Trump và chính quyền của ông, đưa ra một kháng nghị yêu cầu dỡ bỏ
lệnh đình chỉ đó lên Tòa thượng thẩm liên bang hạt số 9. Chánh án Tòa thượng thẩm
xét thấy là cần thiết nên phải duy trì lệnh đình chỉ đó của Tòa sơ thẩm liên
bang. Chúng ta thấy rằng việc đình chỉ này chỉ là tạm thời và chờ một phiên xử
chính thức.
Với tư cách một người nghiên cứu pháp luật tại Mỹ trước đây,
tôi nhận thấy đây là một ví dụ rất hay chứng minh rằng ở Hoa Kỳ cũng như các quốc
gia dân chủ phương Tây khác, các quyền trong ba quyền luôn luôn có sự kiểm soát
lẫn nhau, và họ hoàn toàn độc lập, không phải cứ sắc lệnh của ngành hành pháp,
của Tổng thống là tối cao, mà các sắc lệnh đó hoàn toàn có thể bị thách thức
giá trị của nó trước tòa án, và các cơ quan xét xử thuộc ngành tư pháp hoàn
toàn có thẩm quyền ngăn chận bất kỳ một sắc lệnh nào nếu thấy đó là điều vi phạm
Hiến pháp.
Kính Hòa: Việc tách ra ba quyền lực của các thể chế dân chủ
phương Tây mà ông đề cập, cũng đã từng được nhiều người đề cập đến ở Việt Nam,
thậm chí một số trí thức trong thời gian gần đây đã đề nghị thẳng điều đó đến đảng
cộng sản Việt Nam. Sự khả thi của cơ chế đó tại Việt Nam, trong tình hình hiện
nay theo ông là như thế nào?
Luật sư Lê Công Định: Chúng ta thấy tại Hoa Kỳ cũng như các
quốc gia dân chủ phương Tây khác, ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, hoàn
toàn phân lập với nhau. Phân lập ở đây chúng ta hiểu là hoàn toàn động lập, có
sự kiểm soát lẫn nhau, không có quyền nào lệ thuộc vào quyền nào cả.
Trong khi đó ở Việt Nam, thể chế tam quyền phân lập hoàn
toàn không hiện hữu, mặc dù người dân và giới trí thức trong nhiều năm nay thường
xuyên đòi hỏi thể chế tam quyền phân lập.
Chỉ có thể chế tam quyền phân lập mới đáp ứng đúng cái nghĩa
nhà nước pháp trị mà ở Việt Nam đảng cộng sản và nhà nước hay nói là nhà nước
pháp quyền. Họ một mặt nói là họ muốn xây dựng thể chế nhà nước pháp quyền,
nhưng trên thực tế họ lại bác bỏ thể chế tam quyền phân lập.
Nói như vậy không có nghĩa là ở Việt Nam không có ba ngành
hành pháp, lập pháp và tư pháp. Chúng ta thấy là cơ cấu nhà nước Việt Nam vẫn
có ba quyền này, tuy nhiên nó không phân lập mà phân nhiệm, phân nhiệm tức là sự
phân chia nhiệm vụ. Quốc hội là lập pháp ban hành các điều luật, hành pháp thực
thi các điều luật, còn tư pháp là hệ thống tòa án xét xử.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta thừa biết rằng là ba nhiệm vụ
đó, của ba cơ quan khác nhau đó hoàn toàn chịu sự lãnh đạo thống nhất của đảng
cộng sản Việt Nam. Về mặt tuyên truyền thì đảng cộng sản Việt Nam luôn nói rằng
quyền lực tập trung về tay nhân dân, đảng cộng sản chỉ là một lực lượng lãnh đạo
đại diện cho nhân dân mà thôi.
Trên thực tế đảng cộng sản nắm toàn bộ ba quyền, và chỉ có sự
phân nhiệm giữa các ngành với nhau do các đảng viên của đảng cộng sản được cử
ra đảm nhiệm những chức vụ trong ba ngành đó mà thôi.
Tam quyền phân lập, quyền lực tập trung
Kính Hòa: Nếu ông đặt ông ở vị trí của người cầm quyền thuộc
đảng cộng sản hiện nay, có lý do nào không thuyết phục được họ rằng mô hình tam
quyền phân lập này sẽ không đem lại điều gì tốt cho đất nước?
Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ James Robart tạm thời ngăn chặn sắc
lệnh của ông Trump hôm 3/2/2017. AFP photo
Luật sư Lê Công Định: Thật ra họ cũng thấy tam quyền phân lập
là có lợi cho đất nước, nhưng trên tất cả họ thấy tam quyền phân lập không có lợi
cho chính họ, không có lợi cho cái quyền lực đang cai trị đất nước, thống trị
xã hội này của đảng cộng sản. Cho nên họ chỉ làm những gì có lợi cho họ, tập
trung quyền lực trong tay của đảng cộng sản mà thôi.
Kính Hòa: Có những người bảo vệ ý tưởng dân chủ tập trung do
đảng cộng sản đưa ra nói rằng đất nước Việt Nam nhỏ không thể chịu được những
tranh cãi nhau như chúng ta thấy trong những ngày vừa qua ở Hoa Kỳ, hay những
cuộc tranh cãi khác ở những quốc gia dân chủ khác, giữa những ngành lập pháp,
hành pháp và tư pháp với nhau. Ông thấy nỗi sợ đó có hợp lẽ không?
Luật sư Lê Công Định: Nói Việt Nam là một quốc gia nhỏ là
không chính xác, Việt Nam không hề là một quốc gia nhỏ. Ở châu Âu có những quốc
gia có diện tích và dân số nhỏ hơn Việt Nam, hoàn toàn theo mô hình tam quyền
phân lập hoàn toàn tốt, và đưa đất nước của họ phát triển rất là văn minh, khiến
người dân cảm thấy người ta có can dự vào các hoạt động chính trị.
Ở Việt Nam, người ta đưa ra những lý do như là đất nước nhỏ
cần có sự quản lý tập trung, hoặc là dân trí người Việt Nam chưa đủ cao để hưởng
những quyền tự do dân chủ rộng mở như các nước phân Tây. Thậm chí họ còn đưa ra
lý do là sẽ có bạo loạn nếu mở rộng quyền tự do dân chủ, chấp nhận thể chế tam
quyền phân lập.
Tất cả những cái đó đều là cái cớ, mặc dù trên thực tế có ai
đã thực hiện thể chế tam quyền phân lập ở Việt Nam đâu mà biết rằng nó sẽ đưa đến
hậu quả nào. Điều duy nhất là họ đưa ra những cớ đó như những mối đe dọa để họ
tiếp tục tập quyền vào tay đảng cộng sản.
Dân chủ tập trung là một khái niệm, một lý thuyết được phát
triển bởi Lenin, từ Lenin chúng ta mới có những thể chế nhà nước xã hội chủ
nghĩa mà chúng ta thấy ỏ Liên Xô, ở Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam. Tất cả đều
nhằm mục đích tập trung quyền lực. Cái từ dân chủ trong cụm từ dân chủ tập
trung đó hoàn toàn là thứ yếu, tập trung mới là chính yếu.
Kính Hòa: Là người nghiên cứu luật pháp đã đưa nhiều ý kiến
phản biện, thậm chí những ý kiến đó đã đưa đến hậu quả không tốt cho bản thân
ông, vậy ông có lời nhắn gửi gì đến những người đang cầm quyền hiện nay của đảng
cộng sản Việt Nam hay không? Trong tình hình hiện nay của đất nước và của cả thế
giới nữa?
Luật sư Lê Công Định: Trong nhiều chục năm nay tôi vẫn chủ
trương là Việt Nam phải đi đến thể chế tam quyền phân lập. Càng ngày tôi càng đặt
vấn đề này nhiều hơn, và hậu quả là nhà nước thấy những góp ý của tôi nghịch
tai họ nên họ nên có một sự việc là họ bắt giam tôi một thời gian.
Điều đó không thể ngăn cản tôi tiếp tục đòi hỏi Việt Nam phải
theo thể chế tam quyền phân lập, bởi vì kinh nghiệm của tất cả các quốc gia
trên thế giới này, phát triển và đang phát triển, thể chế tam quyền phân lập tạo
một cơ sở xã hội tốt, mà trên cơ sở xã hội đó, nền kinh tế mới phát triển tốt
được.
Do đó chúng tôi luôn luôn đòi hỏi chính phủ Việt Nam hãy tiếp
tục thực hiện mọi cải cách chính trị để nhằm đưa đến một thể chế tam quyền phân
lập. Tất nhiên tôi hiểu rằng điều đó rất là khó trong một thời gian ngắn. Làm
sao thuyết phục họ rằng điều đó có lợi cho dân chúng, và do đó có lợi cho chính
họ.
Rất là khó bởi vì nó làm mất món lợi trước mặt khi họ có quyền
trong tay, vẫn lớn hơn tất cả. Dầu vậy tôi và những người đồng chí hướng với
tôi vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh này, bởi vì đây là một điều tốt đẹp nhất cho đất
nước Việt Nam.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét