Nguồn: J. Berkshire Miller,
“Japan and South Korea After the “Comfort Women” Deal”, Foreign Affairs,
12/01/2016.
Ngày 28 tháng 12 (2015), chỉ vài
ngày trước khi kết thúc kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật – Hàn, Seoul và
Tokyo đã nhất trí giải quyết tranh chấp lâu đời của họ về vấn đề “phụ nữ giải
khuây ” Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến
II. Nhật đồng ý cung cấp 1 tỷ yên (khoảng 8,3 triệu đô la) xây dựng quĩ tài trợ
mà chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập với mục đích hỗ trợ các phụ nữ giải khuây
trước đây, khẳng định một lần nữa thái độ ăn năn của Nhật và đưa ra lời tạ lỗi
mới thay mặt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Đây là một sự thay đổi so với những
tuyên bố trước đây, nhiều trong số đó chỉ đơn thuần đề cập tới những lời xin lỗi
trước đó mà không đưa ra lời tạ lỗi mới. Đổi lại, Hàn Quốc đồng ý chấp nhận đây
là thoả thuận cuối cùng, kiềm chế chỉ trích Tokyo trong các vấn đề trên các diễn
đàn quốc tế, và nỗ lực “giải quyết vấn đề” bức tượng một người phụ nữ giải
khuây gây tranh cãi nằm ngay phía trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và
Hàn Quốc cho rằng sự nhất trí này là một bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn
các mối quan hệ song phương căng thẳng. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đã
nhận được sự hoan nghênh ở nước ngoài (chẳng hạn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ hy
vọng nó sẽ “giúp cải thiện quan hệ giữa hai trong số những đồng minh quan trọng
nhất của Hoa Kỳ”). Nhưng không phải ai cũng hài lòng với thỏa thuận này: một số
người Nhật bảo thủ mà Thủ tướng Abe phụ thuộc vào sự ủng hộ chính trị của họ
tuyên bố không cần đền bù thêm cho những người phụ nữ giải khuây nếu xét đến
khoản hỗ trợ tài chính mà Nhật trả cho Hàn Quốc khi hai nước khôi phục quan hệ
ngoại giao năm 1965 cũng như số tiền Nhật cung cấp thêm cho các nạn nhân thông
qua một quỹ của Nhật hồi thập niên 1990.
Trong khi đó, các phương tiện
truyền thông Hàn Quốc đã chỉ trích thỏa thuận này chưa triệt để: Tờ Korea Times
gọi nó là “thỏa thuận không nên có” và khẳng định rằng Seoul đã “nghiêm túc nửa
vời về vấn đề nô lệ tình dục trước đây”; các cơ quan truyền thông khác chỉ
trích Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không tham khảo ý kiến của những phụ
nữ giải khuây còn sống sót trước khi tán thành giải pháp cuối cùng của vụ tranh
chấp.
Áp lực đòi tổng thống Park bác bỏ
thỏa thuận ngày càng gia tăng, nhưng khó có khả năng Seoul sẽ thực hiện điều
đó, bởi lẽ làm như vậy sẽ dẫn đến tổn hại lớn về uy tín ngoại giao. Nếu tình
hình không thay đổi, thoả thuận này cũng chỉ cải thiện được một cách khiêm tốn
một mối quan hệ song phương mà tương lai kinh tế của khu vực và lợi ích an ninh
của Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào. Ngay cả khi những người chỉ trích cũng có
lý khi cho rằng thỏa thuận được thôi thúc bởi những lợi ích ngoại giao hơn là mối
quan tâm cho các nạn nhân Hàn Quốc, thì những tác động địa chính trị của nó đều
đáng được xem xét.
Cánh cửa mở rộng
Thỏa thuận Nhật – Hàn sẽ tạo điều
kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế sâu hơn giữa hai cường quốc. Nhật Bản và Hàn
Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ,
nhưng những căng thẳng chính trị gần đây và sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc
đã dần dần bào mòn mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên này. Thương mại và đầu tư
giữa hai nước đã giảm đáng kể trong 5 năm qua.
Quan hệ chính trị được cải thiện
có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai nước, cùng với Trung Quốc,
hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do ba bên có tiềm năng thay đổi cục diện;
sẽ kết nối ba nền kinh tế với tổng GDP là 16,5 nghìn tỷ đô la – gần bằng GDP
Liên minh châu Âu – và sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới chủ nghĩa khu vực kinh
tế ở Đông Bắc Á. Cái gọi là hiệp định Thương mại tự do Trung – Nhật – Hàn đặc
biệt quan trọng đối với Nhật Bản, vì nếu Tokyo ký hiệp định này và phê chuẩn Hiệp
định TPP do Mỹ đứng đầu, Nhật sẽ có được thỏa thuận thương mại tự do với ba đối
tác thương mại hàng đầu của mình. (Hàn Quốc và Trung Quốc không tham gia TPP,
nhưng Seoul đã có hiệp định thương mại tự do song phương với Trung Quốc và Hoa
Kỳ – điều này cho thấy lợi ích tiềm năng trong việc gia nhập một khi thỏa thuận
được phê duyệt.)
Thỏa thuận thương mại tự do ba
bên, đến lượt nó, sẽ nâng cao quan hệ ba nước về chính trị và thậm chí có thể mở
đường cho việc phục hồi các hội nghị cấp cao thường xuyên mà các nhà lãnh đạo
Trung, Nhật, và Hàn tham dự. (Ba bên cùng nhóm họp trong tháng 11, sau một thời
gian gián đoạn ba năm bởi tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại
Biển Hoa Đông.)
Việc giải quyết vấn đề phụ nữ giải
khuây cũng cho phép tăng cường hợp tác Nhật – Hàn sâu hơn trên lĩnh vực an
ninh. Cùng với Hoa Kỳ, Tokyo và Seoul phụ thuộc lẫn nhau trong việc ngăn chặn Bắc
Triều Tiên và các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng mở rộng của
nước này. (Tuần trước, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư nhằm nhắc
nhở khu vực và cộng đồng quốc tế rằng quốc gia này không nên bị phớt lờ). Tuy
nhiên, trong những năm gần đây, nỗ lực ba bên Nhật, Hàn, Mỹ nhằm ngăn chặn Bắc
Triều Tiên đã bị ngưng trệ do những căng thẳng giữa Seoul và Tokyo. Ví dụ rõ
ràng nhất của trở ngại này là Nhật Bản và Hàn Quốc không thể ký kết được một thỏa
thuận chia sẻ thông tin quân sự song phương năm 2012, ngay cả khi thoả thuận gần
như được thiết kế rất hẹp để áp dụng cho các vấn đề an ninh liên quan đến Bắc
Triều Tiên.
Việc loại bỏ vấn đề khúc mắc lâu
năm giữa hai nước sẽ giúp Nhật Bản và Hàn Quốc hướng tới các thỏa thuận an ninh
về chia sẻ thông tin quân sự và mua bán thiết bị cũng như cung cấp dịch vụ
chéo. Điều đó sẽ củng cố tính răn đe và việc lập kế hoạch đối phó cho viễn cảnh
khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho Hoa Kỳ,
hiện là trung gian cho thông tin quân sự chung giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Cuối
cùng, do mối quan hệ Nhật – Hàn được cải thiện thể hiện một bước tiến quan trọng
trong mục tiêu liên kết đồng minh khu vực của Hoa Kỳ về mặt quân sự, thỏa thuận
sẽ là cú hích cho chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á của Washington.
Nếu như mối quan hệ Nhật – Hàn được cải thiện có lợi cho Hoa Kỳ, thì đó
sẽ một tổn thất mang tính chiến lược đối với Trung Quốc, vốn ve vãn Seoul trong
ba năm qua với việc tăng cường hợp tác kinh tế và hứa hẹn về một cam kết mạnh mẽ
hơn để giải trừ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, quan hệ với Tokyo vẫn
chưa ấm lên. Bắc Kinh đã nhanh chóng có phản ứng trước thỏa thuận này, khẳng định
Trung Quốc sẽ “chờ xem liệu lời nói và hành động của Nhật Bản có nhất quán từ đầu
đến cuối hay không.” Hoài nghi của Trung Quốc phản ánh một mối quan ngại lớn
hơn: quan hệ giữa Tokyo và Seoul được cải thiện sẽ tăng cường mạng lưới liên
minh Mỹ ở Đông Bắc Á, điều mà Bắc Kinh xem như là một phần chiến lược của Mỹ nhằm
kiềm chế sự trỗi dậy về dài hạn của Trung Quốc.
Các bước tiếp theo cho Đông Bắc Á
Cho dù thoả thuận có vai trò quan
trọng, những thách thức lớn với hai nước vẫn còn tồn đọng. Trên hết, mặc dù vấn
đề vụ nữ giải khuây đã được giải quyết ở cấp độ chính trị, các nhóm lợi ích phản
đối thỏa thuận ở cả hai nước sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến chiều hướng của mối
quan hệ song phương. Ảnh hưởng sẽ đặc biệt rõ ràng ở Hàn Quốc, nơi tổng thống
Park đã bị truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm dân sự chỉ trích
ghê gớm, buộc tội bà quá gấp gáp trong kết thúc đàm phán với Nhật. Trong khi
đó, thủ tướng Abe có không gian chính trị hạn chế để tiếp tục tham gia thảo luận
về vấn đề này nếu sức ép công chúng buộc bà Park đòi ông nhượng bộ hơn nữa. May
mắn thay, áp lực đó ít nhất tạm thời lắng xuống, phần lớn là do hành động khiêu
khích gần đây của Triều Tiên đã buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải đồng tâm hiệp lực,
cùng phối hợp với Hoa Kỳ ứng phó.
Tất nhiên, có nhiều thứ đe dọa mối
quan hệ Nhật – Hàn hơn ngoài những căng thẳng kéo dài về việc bồi thường cho phụ
nữ giải khuây – từ những hạn chế của Hàn Quốc đối với cá xuất khẩu của Nhật Bản
cho tới vụ tranh chấp nghiêm trọng hơn về đảo đá Liancourt thuộc vùng biển Nhật
Bản, nơi cả hai nước tuyên bố chủ quyền nhưng lại là nơi Hàn Quốc đã quản lý
trong nhiều thập niên. Các nhà quan sát không nên mong đợi bất kỳ bước đột phá
nào trong vấn đề đó. Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay có cơ hội làm dịu
bớt luận điệu của họ về các đảo tranh chấp, và cả hai nên tận dụng cơ hội này để
ngừng tuyên truyền các yêu sách một cách mãnh mẽ thông qua các công ty quan hệ
công chúng được chính phủ hậu thuẫn. Tokyo và Seoul cũng nên tránh, hoặc ít nhất
là kiềm chế, các cuộc xung đột có thể tiên liệu, chẳng hạn các nghi lễ ở Nhật kỷ
niệm tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với
phần lãnh thổ này hay việc Hàn Quốc cử các chính trị gia cấp cao đến thăm đảo.
Thỏa thuận Nhật – Hàn gần đây
không phải là một thỏa thuận lớn và sẽ không phục hồi hoàn diện mối quan hệ giữa
hai nước. Tuy nhiên, nó có thể nối lại tương tác chính trị cấp cao giữa hai quốc
gia phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, và là
các tiền đồn dân chủ mạnh mẽ ở Đông Á. Duy trì động lực từ thoả thuận can đảm ấy
đòi hỏi khả năng lãnh đạo chính trị cứng rắn của cả hai bên trong năm tới.
***
J. Berkshire Miller là nghiên cứu
viên chính tại Viện Đông Tây và Giám đốc Hội đồng Chính sách Quốc tế.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét