Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Tác động của Trump lên kinh tế và tài chính toàn cầu

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp


Nguồn: Andrew Sheng, Xiao Geng, “Trump’s Global Strength”, Project Syndicate, 19/12/2016.



 


Đã có nhiều nỗ lực nhằm giải thích chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy vậy, có lẽ cách giải thích đơn giản nhất lại là cách chính xác nhất: tất cả những đối thủ của Trump đều đã bị lừa. Từ Ngoại trưởng Hillary Clinton, người rõ ràng được tất cả cho là sẽ đắc cử cho đến những đảng viên Đảng Cộng hòa phản đối việcTrump ứng cử, người ta đã đánh giá tân Tổng thống quá thấp. Những cường quốc trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á, không nên lặp lại sai lầm này.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump hiểu rất rõ  về Clinton: thông minh và giàu kinh nghiệm, nhưng thiếu sự láu cá và sức thu hút Trump có. Vì vậy ông ta đã đóng giả làm kẻ ngốc, tổ chức chiến dịch tranh cử ở những bang mà nhiều người coi là một sự lãng phí thời gian, trong khi Clinton theo đuổi một chiến dịch dựa vào dữ liệu. Cách làm của Hillary đã giúp bà giành được nhiều hơn Trump 2.7 triệu phiếu bầu. Nhưng cách làm của Trump đã giúp ông đắc cử chức tổng thống.

Giờ đây khi chuẩn bị nắm quyền, Trump đang sử dụng nhiều chiến thuật đã được dùng trong giai đoạn tranh cử, ưu tiên mít tinh hơn là họp báo, coi trọng chương trình giải trí “Saturday Night Live” hơn là việc tập trung vào, giả dụ như, vấn đề khủng hoảng leo thang ở Syria. Trong lúc đó, ông ta đang làm đảo lộn ngoại giao Mỹ, có lẽ cụ thể nhất là việc điện đàm với Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Chúng ta phải học cách đọc vị ông ta hơn là tiếp tục để ông ta gây sốc đến thế giới một lần nữa.

Điều mấu chốt cho bất kỳ ai làm việc với Trump chính là việc Trump rốt cuộc là một kiểu quân vương như Machiavelli miêu tả, hành động hoàn toàn dựa trên lợi ích cá nhân. Theo như Machiavelli, “đánh giá đầu tiên về một vị quân vương, và về sự hiểu biết về ông ta, chính là bằng cách quan sát những người vây quanh quân vương ấy”. Thế nên, để xác định kế hoạch của Trump, chúng ta nên bắt đầu bằng các vị trí mà Trump bổ nhiệm.

Trong các lựa chọn của Trump về an ninh quốc gia, quốc phòng, và các vị trí chính sách đối ngoại, một mẫu hình nhanh chóng xuất hiện: tất cả đều là các chuyên gia về Nga và Trung Đông. Có vẻ Trump đang muốn đảo ngược việc cô lập Nga của người tiền nhiệm. Thay vào đó, ông ta dùng Nga để trợ giúp trong việc quản lý khu vực Trung Đông.

Với Trump, người đầu tiên và trên hết là một doanh nhân, việc cho phép đối thủ giải quyết kẻ thù của mình có vẻ là một lựa chọn tốt. (Nó cũng hoàn toàn phù hợp với ý đồ của Trump, đó là thu phí “bảo kê”từ các đồng minh của Mỹ.)  Cũng tốt khi Trump có vẻ cũng có cảm tình với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, người mà hầu hết các cơ quan tình báo Mỹ điều cho rằng đã can thiệp vào cuộc bầu cử để giúp Trump thắng cử.

Nhưng những lý do – và ẩn ý – của việc Trump xoay trục về phía Nga đã vượt khỏi phạm vi Trung Đông. Cả Mỹ và Nga đều có lợi trong việc giá dầu tăng, trong khi đó những quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản lại chịu tổn thất. Nga cũng có thể tạo áp lực địa lý lên Trung Quốc- và, dĩ nhiên, phần còn lại của châu Á. (Hãy để ý việc Nhật phải rón rén trước Trung Quốc nhanh chóng đến thế nào.) Và cuối cùng thì, Nga có thể là lực lượng mà cuối cùng sẽ khích lệ Châu Âu lãnh nhiều trách nhiệm hơn về quôc phòng.

Các chính sách kinh tế của Trump cũng sẽ gây tác động khắp thế giới, bao gồm châu Á. Và, một lần nữa, các quyết định bổ nhiệm nội các của ông ta cũng để lộ ra nhiều điều.

Trump đã chọn ba nhân viên cũ của Goldman Sachs – chính công ty mà Trump chỉ trích trong quá trình tranh cử – để dẫn dắt đội quân kinh tế của mình. Cam kết sẽ “hút cạn bùn lầy” của chế độ thân hữu và tham nhũng của Trump có vẻ chỉ mang tính chiến thuật hơn là thực chất. Điều này cũng chỉ ra rằng việc giảm các quy định, cùng với việc giảm thuế, sẽ nằm trong số những lời hứa hiếm hoi lúc tranh cử mà Trump sẽ thực hiện. Các chính sách nhằm kiềm chế các ngân hàng “quá lớn nên không thể sụp đổ”- nổi bật nhất là luật cải cách tài chính Dodd-Frank– có vẻ sẽ khó mà tồn tại trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Cụ thể, Trump và đội ngũ của mình không có vấn đề gì với việc “quá lớn nên không thể sụp đổ”. Ngược lại, họ đang áp dụng logic tương tự vào ngân sách Mỹ. Nhận ra rằng thế giới không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cho Mỹ vay nợ, Trump rất thoải mái với việc gia tăng nợ và bội chi, bằng cách đồng thời giảm thuế và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Trái ngược với tuyên bố của một vài nhà tiên tri tận thế, chính sách kinh tế của Trump có thể sẽ có hiệu quả. Đầu tư đầy đủ vào cơ sở hạ tầng – và với sự giúp đỡ của lãi suất thực âm – Trump có thể sẽ giúp hồi phục năng suất và tăng trưởng GDP đến mức đủ để giảm ngưỡng nợ công thực của Mỹ. Chìa khóa cho thành công có thể nằm ở việc kiểm soát đồng đô la Mỹ lên giá vốn đã đạt đỉnh 13 năm kể từ sau cuộc bầu cử.

Một đồng đô la mạnh cũng không có lợi cho Châu Á. Khi đồng đô la yếu, các tập đoàn đa quốc gia vay nợ để cấp vốn cho công việc kinh doanh của họ ở các thị trường mới nổi, mang lại lợi tức cao hơn nếu tính bằng đồng tiền bản địa. Kết chuyển dương – tức lợi tức cao hơn tính bằng đồng tiền bản địa và chi phí thấp hơn tính bằng đồng đô la – có lợi cho tất cả các bên, đặc biệt là các thị trường mới nổi khi xuất khẩu được nhiều hơn và có dòng vốn chảy vào gia tăng.

Nhưng khi đồng đô la lên giá, quy trình này bị đảo ngược. Tỉ giá ngoại tệ và mức chênh lệch lãi suất tín dụng gia tăng đối với các đồng tiền của các thị trường mới nổi khiến giao thương trở nên đắt đỏ. (Ít nhất 40% giao thương hàng hóa toàn cầu được giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, và đồng tiền này cũng chiếm đến 60% dòng chảy tài chính.)

Rốt cuộc, các thị trường mới nổi có thể sẽ đầu tư vào đồng đô la vì mức tăng giá của đồng tiền này cao hơn lợi nhuận giao thương, đẩy giá trị đồng đô la lên cao hơn nữa. Những căng thẳng địa chính trị gia tăng càng củng cố tình trạng này, vì đồng đô la tượng trưng cho sự ổn định, đặc biệt là ở thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ báo hiệu việc tăng tốc quá trình bình thường hóa (tức tăng – NBT) lãi suất.

Trong tình hình hiện tại, hầu hết các đồng tiền châu Á, bao gồm đồng yên và nhân dân tệ, đều đang chịu áp lực giảm giá. Cả Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện những bước đi nhằm thử kìm hãm đà mất giá này mà không có nhiều kết quả đáng kể. Nhìn rộng ra, các nền kinh tế mới nối cũng đang chịu thiệt hại do giá hàng hóa thấp vì nhu cầu suy giảm. Đồng đô la tăng giá sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm những vấn đề này.

Nhưng, theo cách hiểu của Trump và các đồng sự cánh hữu của ông, khi các nền kinh tế mới nổi gặp vấn đề, chỉ có Cục Dự trữ Liên bang mới có thể cung cấp lượng thanh khoản để giảm thiểu áp lực. Nói cách khác, ở đây, Trump cũng làm việc với quyền lực trong tay. Tất cả chúng ta cần tránh đánh giá thấp ông ta- hoặc chúng ta có thể sẽ trở thành nạn nhân ngoài dự kiến.

Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào), thành viên của Viện Quốc tế Châu Á tại Đại học Hồng Kông và thành viên Hội đồng tư vấn về Tài chính bền vững của UNEP, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai Hồng Kông (HKSFC,) và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Xiao Geng (Tiểu Cảnh), Viện trưởng Viện IFF, là giáo sư tại Đại học Hồng Kông và là nghiên cứu viên tại Viện Quốc tế Châu Á thuộc Đại học Hồng Kông.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét