Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Suy nghĩ từ nền 'giáo dục cấp bằng' và tội ác trong xã hội


 Đoàn Đạt


Một vụ đánh nhau diễn ra ngay trước cổng trường THPT Bùi Thị Xuân (Thừa Thiên Huế) - Ảnh: Tuổi Trẻ



  ​Một nghịch lý của ngành giáo dục nước ta trong những năm qua là đào tạo ra số lượng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư “đông như quân Nguyên” nhưng đồng thời lại tạo ra có thể một lượng cũng đông không kể xiết những người trẻ tuổi hư hỏng, suy đồi, vô đạo. Điều gì đã dẫn tới nghịch lý đen tối này?


Nếu xem chỉ tiêu ghi trên lý lịch của mọi người thì phần khai “trình độ văn hoá” đã thay đổi mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua. Chỉ riêng phần tiến sĩ, nước ta đã có hàng chục ngàn, thạc sĩ hàng trăm ngàn, còn cử nhân hay kỹ sư con số phải đến hàng triệu. Tỉ lệ phổ cập giáo dục thì gần đạt 100%, nghĩa là hầu như không có ai là người thất học.



Thực sự thì đó chỉ là sự gia tăng “trình độ học vấn” mà thôi. Bằng cấp của xã hội có tăng hay không thì có lẽ phải còn tranh cãi. Bằng chứng là mỗi năm, cứ đều đặn có hàng chục ngàn vụ phạm tội hình sự mà người phạm tội đa số là người trẻ. Đặc biệt, có năm, theo thống kê, có đến 75% người phạm tội thuộc độ tuổi thanh thiếu niên, có nghĩa là cứ bốn người phạm tội thì có ba người thuộc lứa “trẻ người non dạ”. Không đâu xa, ngay trước Tết Đinh Dậu này thôi, một vụ giết bạn học rồi bỏ vào thùng xốp của một thiếu niên ở TP.HCM gây rúng động dư luận trong cả nước.



Không thể đổ lỗi sự xuống cấp đạo đức trong xã hội hoàn toàn cho ngành giáo dục, nhưng cũng không thể không quy trách nhiệm chính cho cái ngành nhân bản này. Bởi vì Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Thiện, ác phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm, Nhật ký trong tù). Nguyên Phó chủ tịch nước và cũng nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Bình, trong tham luận gửi hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm ngành sư phạm Việt Nam hồi cuối năm ngoái, cũng đã phải rung thêm “một hồi chuông báo động về giáo dục nhân cách” của nền giáo dục nước ta.



Sự xuống cấp, băng hoại đạo đức trong giới trẻ hiện nay dễ làm cho người ta liên tưởng đến một sự hẫng hụt trong giáo dục nhân cách, hay nói chính xác hơn là dạy đạo làm người, trong khoảng một thế hệ. Có rất nhiều những suy nghĩ và hành động tàn bạo, vô nhân tính của “một bộ phận không nhỏ” những người trẻ tuổi hiện này mà người ta ít thấy xuất hiện ở các thế hệ trước. Ít thấy các thế hệ trước những vụ cướp của giết người, giết cả cha mẹ ông bà để có tiền ăn chơi, những vụ đánh đập, hành hạ dã man cả giữa những nữ sinh với nhau…



Giáo dục trong nhà trường thời nay có vẻ chủ yếu là dạy những kiến thức bề ngoài, không nhập tâm. Kiến thức thì được nhồi nhét thật nhiều, học trò mới có tí tuổi đầu đã học thêm học bớt, học ngày học đêm, chỉ để khi lớn lên có thể đạt được những mảnh bằng như đã kể để kiếm cơm kiếm thịt. Môn học đạo đức hay giáo dục công dân cũng được dạy nhưng chỉ để học sinh ê a học thuộc lòng lấy điểm kiểm tra nhằm đạt học lực khá giỏi chứ chẳng mấy đi vào tâm hồn, trí não.



Giáo dục thời xưa chủ yếu dạy đạo làm người, điều mà dường như thời nay cho là “lạc hậu”, “cổ lỗ”. Như mới đây, nhiều người trong ngành giáo dục đề xuất việc bỏ câu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn “rơi rớt” lại trong các trường học. Thế nhưng nếu con người mà không “làm người” thì làm gì, làm cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chăng? Phàm đã là một con người vô đạo, càng có tri thức, càng khôn ngoan trí lực thì càng nguy hiểm cho xã hội, điều đó thì các nhà tư tưởng như Lão Tử hay Dostoievsky đã chỉ ra rất rõ.



Thực chất, tiếng chuông rung kêu gọi đổi mới trong ngành giáo dục khá tâm huyết của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình trong tham luận kể trên chỉ là lời kêu gọi quay về với những giá trị nhân bản phương Đông xưa cũ, đó là dạy đạo làm người. Cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm trọng đại khi dạy những giá trị nhân bản này, bởi từ đầu thế kỷ XX trở về trước, hơn 90% dân ta đâu có được đến trường, đâu có biết đọc biết viết. Công việc dạy đạo làm người những thời kỳ ấy chủ yếu là dành cho gia đình, cho gia tộc, làng xã, với những bài học làm người, những câu ca dao tục ngữ, những nghi thức, nghi lễ giản dị, mộc mạc dễ đi sâu vào lòng người…



Còn ngày nay, chúng ta có cả một ngành giáo dục “hoành tráng” năm nào cũng “đổi mới” mà dạy không xong chữ “đạo” cho con người, khiến cho xã hội lại bất an, lo ngại, đau lòng vì thỉnh thoảng cứ xuất hiện “những kẻ giết người có gương mặt trẻ thơ”…




Đoàn Đạt (Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét