Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

‘Sanctuary City’: Xung khắc giữa California với liên bang về di dân


Hà Tường Cát/Người Việt 


Trong suốt tuần lễ đầu của chính quyền Donald Trump, phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Sean Spicer bận rộn với việc giải thích và trả lời cho các phóng viên về hàng loạt sắc lệnh hành pháp mới ban hành. (Hình: AP/Photo) 


SACRAMENTO – Bằng một phản ứng khác thường, ngay sau cuộc bầu cử 8 Tháng Mười Một năm 2016, hai viện Quốc Hội California đã đưa ra một tuyên bố chung, xác định rằng có thể không chấp hành các chính sách của liên bang do Tổng Thống Donald Trump lãnh đạo.
Thông cáo chung nhấn mạnh: California (trở thành tiểu bang năm 1850) không là một thành phần của liên bang ngay từ buổi đầu lịch sử, nhưng bây giờ giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tương lai của quốc gia này. Do đó, dù đắc cử tổng thống, ông Donald Trump không thể thay đổi những giá trị của nước Mỹ và kéo lùi tiểu bang này trở về dĩ vãng. “Chúng tôi sẽ dẫn đầu sự phản kháng chống lại bất cứ nỗ lực nào muốn xé bỏ cơ cấu xã hội hay Hiến Pháp của chúng tôi.”

Là cửa ngõ giao tiếp với khu vực Thái Bình Dương và là tiểu bang nông nghiệp cần nhiều nhân lực, mậu dịch và di dân là hai mâu thuẫn chính có nhiều tiềm năng xảy ra giữa California với liên bang.

Sanctuary City là gì?

Va chạm trực tiếp đầu tiên giữa chính quyền Trump với California là về cái gọi là “thành phố an toàn” hay thành phố trú ẩn (Sanctuary City). Ðó là các địa phương có đường lối bảo vệ, che chở di dân vi phạm luật di trú của liên bang, bằng việc không truy tố họ và từ chối trợ giúp cho viên chức liên bang bắt giữ để trục xuất họ.

Thuật ngữ “thành phố an toàn” không có ý nghĩa pháp lý rõ rệt, chính sách ấy có thể được quy định bằng một đạo luật, hoặc chỉ là phương cách hành động trong thực tế. Các địa phương như thế không sử dụng ngân sách hay tài nguyên để chi trả kinh phí cho việc thực thi luật liên bang, và thường không cho phép nhân viên công lực xét hỏi về quy chế di trú của một người.

Khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp ở Mỹ, đa số sống tại 168 county trên toàn quốc, trong số đó 99 chấp hành yêu cầu của liên bang bắt giữ di dân bất hợp pháp và 69 là địa phương an toàn, từ chối thi hành đòi hỏi ấy. Hầu hết 58 county của California thuộc vào loại sau này.

11 thành phố ở tiểu bang California là “sanctuary city” gồm: Sacramento, San Francisco, San Jose, Oakland, Berkeley, Williams, Salinas, Watsonville, Los Angeles, Santa Ana, Coachella. Riêng San Diego không là thành phố an toàn dù có đông di dân bất hợp pháp, khoảng trên 100,000, giống như Los Angeles, Santa Ana, San Francisco, San Jose.

Các viên chức liên bang phải dựa vào cảnh sát địa phương để thi hành luật của liên bang về di dân. Nhưng luật không đòi hỏi chính quyền địa phương phải bắt giữ di dân bất hợp pháp chỉ vì yêu cầu của đối tác liên bang. Trong thực tế, các tòa án liên bang trên toàn quốc coi việc chấp hành yêu cầu như vậy là tự nguyện.

Sắc lệnh đe dọa cắt trợ cấp liên bang

Hôm 25 Tháng Giêng, Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp số 13768 liên quan đến vấn đề di dân. Một trong những đòi hỏi của sắc lệnh này là cơ quan công lực ở tất cả các thành phố phải hợp tác với liên bang bằng cách báo cáo và giúp bắt giữ di dân bất hợp pháp để trục xuất. Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố: “Chúng tôi sẽ cắt tài trợ liên bang cho những tiểu bang và thành phố an toàn chứa chấp di dân bất hợp pháp. Người dân Mỹ không còn bị bắt buộc phải trợ cấp cho sự bất tuân hành pháp luật như thế nữa.”

Phản ứng lại, chủ tịch lâm thời Thượng Viện California, Nghị Sĩ Kevin de Leon, Dân Chủ, đơn vị Los Angeles, khẳng định trong một buổi họp báo tại Sacramento: “Cơ quan công lực tiểu bang và địa phương không có nhiệm vụ phải vặn răng bánh xe cho bộ máy trục xuất di dân của Tổng Thống Trump.”

Về đe dọa cắt tài trợ của liên bang, ông cho biết tiểu bang sẽ dùng tất cả các khả năng pháp lý có thể có. Thị Trưởng Eric Garcetti thành phố Los Angeles nói là, nếu bị cắt tài trợ, có thể đưa sắc lệnh của tổng thống ra kiện trước tòa án.

Mỗi năm, liên bang tài trợ cho California gần $100 tỷ cho nhiều công tác và chương trình hoạt động. Los Angeles là county nhận được nhiều nhất, $22.6 tỷ, kế tiếp tới San Diego $8.1 tỷ, và các county khác như Orange $7.7 tỷ, Riverside $6.1 tỷ, San Bernardino $4.9 tỷ.

Mặc dù nói chung, người dân California chống chủ trương cứng rắn với di dân của ông Trump, nhưng một thăm dò mới đây của viện Hoover cho biết cử tri tiểu bang này chia rẽ ý kiến trong vấn đề các thành phố an toàn. Các giới chức dân cử cũng còn đang xem xét hiệu lực của sắc lệnh hành pháp và tài trợ nào có thể bị cắt.

Vi phạm Hiến Pháp và tạo tiền lệ nguy hiểm

Những tổng thống, trong phạm vi quyền hạn của mình, thường dùng sắc lệnh để ban hành những quy định về công tác cho các cơ quan hành pháp không có tính cách quan trọng và giá trị chính thức là một đạo luật cần phải được sự thông qua bởi Quốc Hội. Qua lịch sử, đây là một vấn đề luôn luôn đưa đến tranh cãi.

Ðảng Cộng Hòa, từng phê phán nhiều sắc lệnh do Tổng Thống Barack Obama ký, chẳng hạn trong các vấn đề liên quan đến di dân hay việc quy định những khu vực bảo tồn thiên nhiên cấm khai thác tài nguyên dầu khí. Ông Trump từ khi còn là ứng cử viên đã hứa hẹn sẽ hủy bỏ giá trị của một loạt những sắc lệnh này.

Nhưng theo nhận định của một số quan sát viên am hiểu, có nhiều điều đáng phải lưu ý về sắc lệnh hành pháp đối với các thành phố an toàn mà Tổng Thống Donald Trump vừa ký. Trong sự đi đường vòng tránh qua Quốc Hội như thế có những điểm vi phạm Hiến Pháp và có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm sau này.

Ðiều 2 mục C của sắc lệnh 13768 này nói rằng, các cơ chế không chấp hành luật liên bang sẽ không được nhận tiền quỹ liên bang. Chính quyền liên bang không thể đặt điều kiện trong việc tài trợ như thế, điều kiện ấy phải được Quốc Hội chấp thuận và chỉ áp dụng cho những khoản tài trợ mới. Hơn nữa, Tối Cao Pháp Viện đã nhiều lần phán định rằng chiếu Tu chính án số 10 của Hiến Pháp, chính quyền liên bang không được phép “điều khiển” tiểu bang và các viên chức địa phương tuân hành lệnh của luật liên bang. Hành động như vậy là vi phạm nguyên tắc phân quyền và phá hoại thể chế liên bang.

Có hàng ngàn luật lệ và quy định liên bang mà không một cơ chế của tiểu bang nào có thể tuân hành đầy đủ. Nếu tổng thống có thể dùng quyền như trừng phạt cắt tài trợ cho tiểu bang hay viên chức địa phương để đòi hỏi điều kiện, mà không cần Quốc Hội chấp thuận, thì việc ấy sẽ trở thành một tiền lệ rất xấu cho thể chế quốc gia Mỹ như đã tồn tại cho đến nay.

Cải tổ đạo luật di dân là việc Quốc Hội đã không thể nào đồng ý qua chính quyền của nhiều tổng thống từ trước đến nay. Va chạm giữa California và liên bang về vấn đề thành phố an toàn chỉ là một lãnh vực nhỏ khi chưa có đạo luật liên bang mới và đầy đủ về di dân, với sự đồng thuận thi hành của các tiểu bang. Vì vậy, cùng với cả loạt những cái mà người ta tin là Tổng Thống Trump muốn ra tay đổi mới, chỉ thời gian mới cho biết số phận của cái gọi là các “thành phố an toàn.”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét