Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Nguyễn Thanh Việt: Nước Mỹ Và Tôi

Tác giả: Nguyễn Thanh Việt - Financial Times

Dịch giả: Ianbui


 Ảnh chụp bài báo trên Financial Times.
Ảnh chụp bài báo trên Financial Times.


Tôi là một kẻ tị nạn, một công dân Mỹ, và là một con người — điểm này quan trọng vì nhiều người cho rằng ba khái niệm này không thể tồn tại trong cùng một thực thể. Tháng 3 năm 1975, lúc Sài Gòn sắp thất thủ — hoặc sắp bị giải phóng, tuỳ theo nhãn quan của mỗi người, nhân tính của tôi tạm được gác sang một bên khi bỗng dưng tôi biến thành kẻ tị nạn.

Khi ấy gia đình tôi đang ở Ban Mê Thuột, nổi tiếng nhờ cà phê và cũng là thành phố đầu tiên của miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm. Cha tôi lúc đó đang ở Sài Gòn lo công việc buôn bán, Mẹ tôi không có cách nào để liên lạc với ông. Mẹ tôi dắt anh tôi, lúc ấy mới 10 tuổi, và tôi, mới lên 4, đi bộ 184km đến cảng biển gần nhất ở Nha Trang (chắc có lẽ tôi cũng đã được cõng một phần). Cũng may đoạn đường đó toàn xuống dốc. Và cũng may tôi còn quá nhỏ, không như anh tôi, để phải ghi lại trong ký ức hình ảnh các anh lính nhảy dù treo tòn teng chết trên cây. Tôi cũng cảm ơn Trời Phật mình không đủ lớn để nhớ cảnh tượng chắc chắn rất là hỗn loạn kinh hoàng khi mấy mẹ con tôi đi tìm một chiếc thuyền. Cuối cùng thì chúng tôi cũng vào tới Sài Gòn và đoàn tụ với Cha tôi, để rồi chỉ một tháng sau, khi Việt Cộng tràn vô, lại phải chạy như điên thêm một lần nữa. Mùa Hè năm đó gia đình tôi đặt chân đến nước Mỹ.

Dần dà tôi nghiệm ra rằng, ở Hoa Kỳ, đất nước của Giấc Mơ Mỹ Quốc, làm người tị nạn là một điều rất ư phản-Mỹ. Người tị nạn là hiện thân của sự sợ hãi, sự thất bại và sự trốn chạy. Người Mỹ đủ mọi thành phần ai cũng tin rằng không cách chi một công dân Mỹ có thể trở thành kẻ tị nạn, tuy rằng một người tị nạn thì rất có thể trở thành công dân Mỹ, và bước thêm một bước đến gần thiên đường.

Trở thành một người tị nạn có nghĩa là quê hương đất nước của người ấy đã sụp đổ, kéo theo tất cả mọi cơ chế cần thiết để bảo vệ nhân tính con người: một chính quyền hữu dụng; một lực lượng cảnh sát không giết người; một nguồn thực phẩm và nước uống ổn định; một hệ thống cống xả hiệu năng (chớ nên xem thường sự quan trọng của cống rãnh đối với nhân tính; người tị nạn rất hiểu họ thuộc thành phần rác rưởi của nhân loài khi phải sống giữa đống thải của chính mình.)

So với nhiều người tị nạn khác thì tôi may mắn hơn, dẫu vậy tôi cũng mang nhiều vết sẹo nội tâm. Không lâu sau khi đến được trại Fort Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania, tôi bị tách ly khỏi Cha Mẹ để về ở với một gia đình bảo trợ người Mỹ trắng. Lúc đó tôi mới lên bốn. Có thể người ta nghĩ rằng như vậy Cha Mẹ sẽ không phải lo lắng cho tôi và sẽ tìm việc làm dễ dàng hơn. Hoặc bởi không có ai chịu nhận bảo trợ cả gia đình tôi. Dù gì chăng nữa, việc bị tách ly khỏi gia đình là dấu hiệu sớm nhất cho thấy số phận của tôi không còn do tôi hay Cha Mẹ tôi định đoạt nữa. Số phận của tôi giờ đây nằm trong tay người dưng kẻ lạ, và tôi cũng cảm ơn Trời Phật họ là người tốt. Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn nhớ mình đã la hét hoảng sợ ra sao khi người ta đến mang tôi đi.

Như những kẻ vô gia cư, người tị nạn là hiện thân của một sự bất an có khả năng xảy ra: đặc quyền làm người xem ra rất mỏng manh; nhà cửa, gia đình, quê hương đều có thể tan tành chỉ vì một cuộc tai biến. Khi ta nhìn những người tị nạn lúc nhúc trong các khu trại; khi ta thấy họ tự dưng xâm chiếm một miếng bất động sản hạn hẹp trong tâm thức chúng ta — chúng ta tự trấn an rằng không thể nào mình sẽ trở nên như họ. Đồng thời, nhiều người sẽ tìm mọi cách để lẩn tránh trách nhiệm đối với người tị nạn.

Những vì thiên thần trong con người trần tục luôn khuyên nhủ chúng ta rằng đạo đức nghĩa là mở rộng cánh cửa, là giúp đỡ người thế cô, là chia sẻ của cải vật chất. Để chống lại, chúng ta dựng lên muôn vàn lý do để biện hộ cho chính mình. Dù chúng ta đủ tiền của để chia sẻ với người tị nạn nhưng chúng ta cần dùng nó vào việc khác. Dù chúng ta có khả năng chung sống với người lạ hay người nước ngoài nhưng họ làm cho ta không thoải mái. Vì chúng ta sợ những người lạ kia sẽ giết mình nên chúng ta không cho họ nhập cư.

Thân phận tị nạn của chúng ta được định đoạt bởi các chiến lược gia chỉ huy những chiếc oanh tạc cơ. Trong trường hợp của tôi, người Mỹ đã thả cơ man là bom lên Việt Nam, Lào và Cam Bốt, nhiều hơn cả lên toàn cõi Âu Châu trong Đệ Nhị Thế Chiến. Việc này đã góp phần tạo nên làn sóng tị nạn chiến tranh. Cũng vì người Mỹ cảm thấy phần nào tội lỗi, họ đã chấp thuận cho 150,000 người Việt tị nạn nhập cư năm 1975. Trong những thập niên sau đó thêm vài trăm ngàn người khác từ Việt Nam và Đông Nam Á cũng được cho tị nạn. Việc làm này của nước Mỹ thật sự vượt xa cách hành xử của các quốc gia trong vùng Đông Nam Á — họ tìm mọi cách để tống khứ thuyền nhân, hoặc giữ thuyền nhân trong các khu trại cho đến khi có một nước thứ ba như Hoa Kỳ cho người tị nạn định cư. Nhận người Việt tị nạn vào là vì Hoa Kỳ muốn trả lại món nợ đối với đồng minh Việt Nam Cộng Hoà của mình. Đồng thời, sự hiện diện của người tị nạn còn là lời nhắc nhở với công chúng rằng đời sống dưới chế độ cộng sản rất tồi tệ. Người Mỹ cũng muốn thấy chúng ta biết mang ơn được họ giải cứu, và dĩ nhiên rất nhiều người đã và vẫn còn mang ơn họ.

Trong quyển “Tên Nằm Vùng” (The Sympathizer) tôi có viết: “Nhưng trường hợp của tôi cũng là của một người may mắn, lúc nào cũng thắc mắc không biết có phải mình cầu mong lòng từ thiện của người Mỹ vì mình từng được trợ cấp bởi chính phủ Mỹ.” Thật tình mà nói, tôi là một kẻ tị nạn xấu. Tôi biết mình tốt số nhờ sự may mắn đến từ guồng máy chính quyền và bối cảnh chánh trị kỳ thị chủng tộc mà trong đó những người di dân gốc Á được coi là thiểu số gương mẫu. Chứ nếu tôi là người Haiti trong những thập niên 1970-1980 thì người ta đã không cho tôi tị nạn vì tôi nghèo và da đen. Nếu tôi là người Trung Mỹ ngày nay thì tôi cũng sẽ không được tị nạn mặc dù trong bao nhiêu thập niên vừa qua Hoa Kỳ đã làm cho nền chính trị của nhiều nước trong vùng mất ổn định bằng cách chống lưng những nhà cầm quyền độc tài, và tạo điều kiện cho các tên trùm ma tuý tác oai tác quái. Tôi là một người tị nạn xấu, vì tôi buộc thiên hạ phải nhìn vào các lý do lịch sử đã gây nên những làn sóng tị nạn, cũng như các lý do lịch sử đã khiến một số sắc dân không được hưởng quy chế tị nạn.

Những người đến từ Trung Mỹ được Hoa Kỳ xếp vào hạng mục “di dân”, tức là một cách gọi để người Mỹ khỏi phải trả lời những câu hỏi khó về ảnh hưởng của chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ lên các nước đó. Định nghĩa của người di dân là người nước ngoài được nhập cư qua ngã chánh thức. Người di dân là người tự nguyện di cư, không như người tị nạn bị ép buộc phải trốn chạy. Không như người tị nạn, người di dân rất đáng nể. Người di dân có khả năng làm cho nước Mỹ đáng nể hơn. Thậm chí vĩ đại. Tôi không nhớ nên dùng từ gì cho đúng. Nhưng mặc, đây là những dòng chữ bất hủ được khắc dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do:

“Hãy mang cho ta kẻ nghèo hèn, bạc nhược
Những phận đời nheo nhóc thèm không khí tự do
Những con người bất hạnh từ bờ xa bến nước
Kẻ không nhà, dập vùi trong bão tố giông to
Ta sẽ mở rộng cửa hoàng môn và giương cao ngọn đuốc”

Hay thì hay vậy, nhưng câu nói này không phải lúc nào cũng đúng với thực tế. Cơn sóng bài ngoại trong xã hội Mỹ đang dâng trào. Nó nhắm thẳng vào đám dân tị nạn, cũng như vào người bà con là những kẻ di dân bất hợp pháp, thậm chí luôn cả người di dân hợp pháp. Nó có gốc rễ tự lâu đời. Nếu nước Mỹ được tạo dựng bởi di dân và luôn mở rộng vòng tay đón người ngoại quốc, thì đồng thời nó cũng đã được vun bón bằng sự diệt chủng, chế độ nô lệ và thực dân.

Đây là hai mặt của nước Mỹ mà mới nghe tưởng chừng mâu thuẫn. Nhưng trên thực tế cả hai đều hiện hữu cùng lúc, như bao nhiêu nền dân chủ cấp tiến khác tại phương Tây ngày nay. Cũng vì thế mà trên nước Mỹ, nơi 51% các công ty tự khởi trị giá bạc tỉ được sáng lập bởi người di dân, nơi mà hết thảy sáu nhà khoa học gia đoạt giải Nobel năm 2016 đều là di dân, người ta vẫn thỉnh thoảng đối xử không đẹp với người di dân. Bắt đầu từ năm 1882, người Trung Hoa hoàn toàn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Người ta biện minh rằng Hoa kiều là mối đe doạ cho xã hội của người Mỹ trắng vì các lý do kinh tế, đạo đức, sinh lý, và vệ sinh. Nhìn lại, ta thấy đó chỉ là lối nguỵ biện buồn cười vì cộng đồng người Hoa ngày nay đã hội nhập vào xã hội Mỹ rất thành công. Nhưng những lý do trên buộc chúng ta phải tỉnh táo về những nỗi sợ không kém nực cười đối với người Hồi Giáo hiện nay — những nỗi sợ này cũng phi lý không thua gì sự kỳ thị đối với người Hoa ngày xưa. Mãi đến năm 1924 các đạo luật kỳ thị di dân da màu mới dần dà được xếp xó. Và mặc dù cánh cửa “hoàng môn” được hé mở thêm một tí vào năm 1943 khi đạo luật “Cấm Người Trung Hoa” (Chinese Exclusion Act) bị bãi bỏ (và 105 người Hoa được phép nhập cảnh) phải đợi đến khi đạo luật di trú Immigration Act 1965 ra đời thì nước Mỹ mới thực sự mở rộng vòng tay đón người di dân đến từ khắp nơi.

Tỉ lệ các sắc dân trên nước Mỹ ngày nay phần lớn là kết quả của đạo luật Di Trú 1965. Vô số người di dân đã đến từ châu Á và châu Mỹ La-Tinh để tạo nên một xã hội Mỹ rất khác khi xưa (cũng là điều tốt, vì nếu không có những người dân da màu kia thì thức ăn Mỹ ngày nay chắc cũng chán phèo như ở nước Anh thời tiền-di-cư!) Nhưng các tư tưởng kỳ thị thì vẫn còn. Nó lộ ra qua các biểu cảm chống người di dân bất hợp pháp. Những người chống di dân cho rằng người di dân hợp pháp cần được ưu tiên. Nhưng sau khi đã tống khứ hết số di dân bất hợp pháp ra khỏi nước, tôi e rằng những người có hiểu biết này lại sẽ than phiền rằng vẫn có quá nhiều người di dân nói chung.

Thực sự mà nói, để phản biện những lập luận như trên có thể lấy gia đình tôi để làm thí dụ cho cái gọi là thiểu số gương mẫu. Cha Mẹ tôi đã trở thành những thương gia khá thành đạt. Sau khi đến Mỹ mới bảy năm với vốn liếng Anh ngữ là con số không, anh cả tôi đã được vào đại học Harvard. Còn tôi thì đoạt giải Pulitzer. Người ta có thể làm tấm bích chương với hình gia đình tôi để quảng bá thông điệp “Di dân giúp nước Mỹ vĩ đại!” Vì chúng tôi đã làm chuyện đó thật. Nhưng đâu cần phải thành công đến mức đó mới được đón chào. Cho dù những người tị nạn hay những người di dân, hợp pháp hay bất hợp pháp, không có tiềm năng để trở thành tỉ phú chăng nữa, đó cũng không là lý do để ngăn chận họ. Nếu như số phận không cho phép họ học hết trung học và phải đứng bán fast food thì đã sao? Điều đó chỉ chứng tỏ họ cũng là con người như bất kỳ người Mỹ trung bình nào khác. Hay là chúng ta trục xuất luôn những người trung bình? (Dám lắm!)

Khi một người trung bình — dù là Mỹ, Âu hay Á, cảm thấy công ăn việc làm của mình bị đe doạ, họ thường không nhận ra thủ phạm chính là các nhóm lợi ích, các nhà đại tư bản chỉ lo thủ lợi mà không cần biết những con người thấp cổ bé miệng đang đấu đá với nhau ra sao. Những quyền lợi kinh tế của tầng lớp đang bị bỏ quên thật ra cũng giống như của thành phần trung lưu đang bị bức xúc — nhưng nhiều người không nhận ra điều này vì họ quá sợ sự khác biệt, từ đó họ đâm ra sợ lây người tị nạn và di dân. Cách thể hiện trần trụi nhất của nỗi sợ hãi này là sự kỳ thị chủng tộc. Lịch sự hơn một chút thì người ta gán cho nó cái mác bảo vệ văn hoá, nghĩa là nhiều người thà sống trong nghèo khổ còn hơn bị lai chủng. Nỗi sợ hãi này là một động lực vô cùng ghê gớm mà lần này chính bản thân tôi cũng phải kiêng dè.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét