Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Ngày mai, Điều 292 sẽ sống dậy???

Theo FB Hoang Tran



    Điều 292 [trong Dự thảo Bộ Luật Hình Sự 2015] xác định tội danh “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” và áp đặt khung hình phạt tùy theo lợi nhuận hoặc doanh thu từ hành vi vi phạm. Mức phạt tài chính cao nhất có thể là 5 tỷ đồng. Nếu không phạt tiền thì người vi phạm có thể phải chịu mức án tù cao nhất là 5 năm tù. Người vi phạm đồng thời còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm một công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cách đây 5 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xóa bỏ Điều 292 Bộ Luật Hình sự 2015, điều luật mà cộng động startup và công nghệ thông tin Việt Nam cho rằng nó được sinh ra để bỏ tù họ. Quyết định này của Thủ tướng Phúc đã được người dân Việt Nam hết mình ủng hộ và tung hô, do đây là lần đầu sau một thời gian rất dài nhà nước ta lại có một lãnh đạo cấp cao thực sự biết cách lắng nghe, hiểu và hành động. Cũng vì thế sự kiện này đã được bầu chọn là một trong những sự kiện tiêu biểu của năm 2016.

Ngày mai, ngày 08/02/2017, Chính phủ sẽ trình dự thảo mới của của Bộ Luật Hình sự 2015 lên Quốc Hội.

Tại bản dự thảo này, Chính phủ đã giữ đúng lời hứa của mình là đề nghị với Quốc Hội hủy bỏ Điều 292. TUY NHIÊN, cũng có ý kiến của một cơ quan hay nhóm nào đó đề nghị Quốc Hội không chỉ giữ mà còn sửa Điều 292 khiến nó trở nên tệ hại và nguy hiểm hơn.

Theo đó, Điều 292 được đề nghị không dựa vào yếu tố "thiếu giấy phép", mà sẽ dựa vào yếu tố "chưa được phép" để quy kết tội phạm hình sự. Việc thay đổi từ ngữ như vậy đã, trực tiếp hay gián tiếp, vô tình hay cố tình, biến Điều 292 bao trùm nhiều hoạt động của các công ty công nghệ hơn, làm cho nhiều người có khả năng đi tù hơn trước, và đặc biệt, làm nguy hại tới nền kinh tế tương lai của nước nhà hơn bao giờ hết, hơn cả Điều 292 phiên bản cũ.

Tại Việt Nam, có những hoạt động không phải xin giấy phép nhưng vẫn phải xin phép cơ quan nhà nước thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Và, có những thủ tục theo luật định là thủ tục thông báo, nhưng khi xuống thông tư, thủ tục đã bị biến dạng thành thủ tục xin phép. Tôi xin ví dụ cơ chế đăng ký website TMĐT đang là cơ chế xin phép nhưng không cấp giấy phép. Thế nào là "chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền"? Giấy phép tại Việt Nam đã nhiều, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì còn nhiều hơn nữa.

Liệu đây có phải là đề nghị của Bộ Tư Pháp, cha đẻ của Điều 292, cơ quan duy nhất trong bộ máy chính phủ không có chung ý kiến với Thủ Tướng Phúc về việc hủy bỏ Điều 292? Tôi không nghĩ là vậy, do Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp sẽ không đời nào dám có ý kiến “trêu ngươi” Thủ Tướng, là sếp của mình. Nhưng cũng thật trùng hợp khi đề nghị sửa đổi tệ hại này lại giống hệt với đề nghị sửa đổi của Bộ Tư Pháp vào hồi tháng 08/2016, sau khi cộng đồng khởi nghiệp lên tiếng phản đối mạnh mẽ và gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng và Quốc Hội. Phải chăng Bộ Tư Pháp hay một cơ quan thực thi pháp luật nào đó đã tuồn phương án sửa đổi này ra ngoài cho một nhóm khác trình lên Quốc Hội, với hy vọng cứu sống Điều 292???

Như vậy, mặc dù Thủ tướng Phúc đã giữ đúng lời hứa của mình, mối hiểm nguy của Điều 292 vẫn còn đó, và số phận của cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ thông tin Việt Nam sẽ được quyết định bởi Quốc Hội vào ngày mai.

Như chúng ta đã biết, trong thời gian gần đây, hàng trăm công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ bao gồm Google, Apple, Tesla, Uber, Ebay, Wiki…đã công khai phản đối và nộp lên tòa bản phản đối của mình về sắc lệnh chống nhập cảnh của Tổng Thống Donald Trump. Các công ty này tin rằng sắc lệnh vô lý của Tổng Thống Mỹ sẽ mang lại thiệt hại nặng nề cho chính cộng đồng công nghệ, tư duy sáng tạo và nền kinh tế nước Mỹ. Họ cũng tin rằng tiếng nói của họ sẽ góp phần thay đổi thiệt hại đó.

Trên thực tế, cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ Việt Nam đã làm được điều này trước cả nước Mỹ. Chúng ta đã thu thập được hàng nghìn chữ ký và vận động được hằng trăm tờ báo và nhà đài phản đối sự tồn tại vô lý của Điều 292. Sau nỗ lực đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đồng thuận với chúng ta và yêu cầu xóa bỏ Điều 292. Bản thân tôi coi đây là một trong những thành công lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp và công nghệ Việt Nam trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, trận đánh của chúng ta vẫn chưa kết thúc. Rất có thể, vào ngày mai Quốc Hội sẽ bị một nhóm nào đó thuyết phục vực dậy Điều 292. Tôi hy vọng Quốc Hội Việt Nam sẽ sáng suốt và minh mẫn hơn thế. Hãy giúp tôi chia sẻ và cùng lên tiếng để diệt tận gốc Điều 292.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét