Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nguồn: Hue recaptured, History.com
Vào ngày này năm 1968, quân đội miền Nam Việt Nam đã tái chiếm được Kinh thành Huế. Mặc dù hơn một tuần sau đó Trận Mậu Thân tại Huế mới chính thức được tuyên bố kết thúc, nhưng nó đã là trận đánh lớn cuối cùng của Chiến dịch Tết Mậu Thân.
Rạng sáng ngày mùng một Tết Mậu Thân, lực lượng Việt Cộng được
hỗ trợ bởi một lượng lớn quân đội miền Bắc, đã thực hiện đợt tấn công phối hợp
lớn nhất và hiệu quả nhất trong chiến tranh Việt Nam, đánh vào trung tâm của bảy
thành phố lớn nhất miền Nam Việt Nam và tấn công 30 tỉnh lị từ đồng bằng sông Cửu
Long đến khu vực phi quân sự. Huế, Đà Lạt, Kontum, Quảng Trị là những thành phố
bị chiếm trong bốn ngày đầu tiên của đợt tấn công; ở phía bắc, năm tỉnh lị đều
bị chiếm. Việt Cộng cũng chiếm được nhiều sân bay và căn cứ của đồng minh.
Gần 1000 lính Việt Cộng được cho là đã thâm nhập vào Sài
Gòn. 11.000 quân Mỹ và quân Nam Việt Nam đã phải mất một tuần giao tranh dữ dội
mới đánh bật được họ. Đến ngày 10/02, phần lớn các đợt tấn công đã được ngăn chặn,
nhưng cả hai bên đều phải chịu thương vong nặng nề.
Riêng Huế thì phải mất gần một tháng chiến đấu mới giành lại
được. Thành phố này đã bị tấn công bởi hai trung đoàn Bắc Việt vào ngày 31/01
và đã có tổng cộng ba sư đoàn Bắc Việt đã tham gia chiến đấu tại đây. Giao
tranh tập trung chủ yếu tại Hoàng thành, một pháo đài rộng hai dặm vuông, với
những bức tường gạch cao hơn 9 mét và dày 6 mét được xây dựng hồi năm 1802. Phải
cần tới tám tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, thêm lính từ Sư đoàn Kị binh số
1, cùng 11 tiểu đoàn lính miền Nam thì mới giành lại được thành phố này từ tay
cộng sản.
Đây là một trận đánh vô cùng tốn kém. Bộ binh Mỹ có 74 người
chết và 507 người bị thương; Thủy quân lục chiến có 142 người chết và 857 người
bị thương. Quân đội miền Nam có 384 người chết và 1.830 người bị thương. Còn miền
Bắc có 5.000 người chết và vô số người bị thương.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét