Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Ngày 06/02/1985: Học thuyết Reagan được công bố

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


Nguồn: The “Reagan Doctrine” is announced, History.com






Vào ngày này năm 1985, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã nêu ra một số khái niệm quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình và tạo nên cái được gọi là Học thuyết Reagan (Reagan Doctrine.) Học thuyết này đã trở thành nền tảng cho sự ủng hộ của chính quyền Reagan dành cho “các chiến binh vì tự do” (freedom fighters) trên toàn cầu.

Reagan bắt đầu bình luận về chính sách đối ngoại của mình bằng một tuyên bố mạnh mẽ: “Tự do không phải là đặc quyền của một vài người được chọn; đó là quyền phổ quát của tất cả những ai là con Thiên Chúa.” Nhiệm vụ của nước Mỹ là nuôi dưỡng và bảo vệ tự do và dân chủ. Cụ thể hơn, Reagan tuyên bố rằng, “Chúng ta phải ủng hộ các đồng minh dân chủ của mình. Chúng ta không được phá vỡ niềm tin của những người đang mạo hiểm cuộc sống của họ – ở mọi châu lục, từ Afghanistan tới Nicaragua – để chống lại những đợt xâm lược do Liên Xô hỗ trợ và để bảo vệ những quyền mà chúng ta đã có từ khi sinh ra.” Ông kết luận: “Hỗ trợ cho các chiến binh tự do chính là tự phòng thủ.”

Với những lời này, chính quyền Reagan đã đặt nền móng cho chương trình viện trợ quân sự cho “các chiến binh tự do.” Cụ thể, chính sách này đã ngấm ngầm hỗ trợ phe Contra trong các đợt tấn công vào chính phủ Sandinista cánh tả tại Nicaragua, hỗ trợ phiến quân Afghanistan trong cuộc chiến chống lại quân Liên Xô xâm lược, và hỗ trợ lực lượng chống cộng trong Nội chiến Angola.

Reagan đã tiếp tục bảo vệ chủ trương của mình trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống. Trong diễn văn từ biệt vào năm 1989, ông tuyên bố thành công trong việc làm suy yếu chính phủ Sandinista, buộc Liên Xô rút khỏi Afghanistan, và chấm dứt cuộc xung đột ở Angola. Tuy nhiên, giới phê bình trong nước lại chỉ trích học thuyết này, cho rằng việc viện trợ cho “các chiến binh tự do” chỉ khiến những cuộc xung đột đẫm máu ngày càng kéo dài và leo thang, và thực chất chỉ hỗ trợ thành phần chuyên đàn áp và phi dân chủ ở các nước kể trên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét