Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Lê Duẩn, Trung Quốc và tội ác chiến tranh

Phạm Trần


Tổng Bí thư Lê Duẩn và các con trai Lê Hãn, Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung (1978)

Tổng Bí thư Lê Duẩn và các con trai Lê Hãn, Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung (1978)-Nguồn: Tư liệu gia đình.


Chưa bao giờ tên ông Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam được nói đến nhiều như trong dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Hoa (17/02/1979 – 17/2/2017), nhưng không phải để ca tụng lập trường chống Tầu của ông mà để công khai nói lên sự nhu nhược của lớp lãnh đạo bây giờ trước âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.



Cảm nhận này đã được rút ra từ nội dung các cuộc nói chuyện của hai người con trai ông Lê Duẩn là Tiến sỹ thương gia Lê Kiên Thành và Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an với báo chí Việt Nam, kể cả báo An ninh Thế giới của Bộ Công an. Tuy nhiên trong những phát biểu đề cao tinh thần lúc nào cũng phải cảnh giác với Trung Quốc của cha mình, hai ông Thành và Trung đã không xóa được trách nhiệm lịch sử đẩm máu của ông Lê Duẩn đối với nhân dân Việt Nam Cộng hòa trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân và sau ngày 30/04/1975.



THẢM SÁT MẬU THÂN



Trước tiên, hãy nói về cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 mà đảng và báo chí Cộng sản vẫn ba hoa gọi là “cuộc tổng tiến công và nổi dậy”. Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VNCH đã có các cuộc nổi dậy của dân ủng hộ quân Cộng sản khi cuộc tấn công bắt đầu đêm Giao thừa ngày 31/1/1968. Cũng không có bắt cứ nhóm dân nào đã bỏ phiá Quốc gia chạy về phiá Cộng sản trong thời gian giao tranh mà chỉ thấy hàng ngàn-ngàn dân đã gồng gánh, tay xách nách mang nối đuôi nhau chạy bạt mạng về phía Chính phủ.



Sau trận Mậu Thân, Bộ Chính trị đã họp để kiểm điểm và đã có lời khiển trách một số người về tổn thất nhân mạng qúa nặng đã gây ra cho một số đơn vị chủ lực của miền Bắc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng chỉ trích chiến lược và chiến thuật của miền Bắc đã tiêu diệt gần hết lực lượng “quân giải phóng”.



Sau năm 1975, Bà Bác sỹ Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Y tế của Chính phủ Việt Cộng (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã công khai tố cáo các sỹ quan chỉ huy miền Bắc đã chủ tâm xua các đơn vị du kích miền Nam làm bia đỡ đạn cho họ!



Vì vậy, Phóng viên Lan Hương của báo An Ninh Thế giới mới hỏi ông Thành rằng: “Ông có biết có quyết định của TBT Lê Duẩn đến giờ vẫn gây tranh cãi. Như cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 chẳng hạn…”



LKT: “Nói về Tết Mậu Thân năm 1968, chúng ta sẽ phải nhớ đó là thời điểm Westmoreland đề nghị Mỹ tăng gấp đôi số lượng quân Mỹ tại Việt Nam lên 1 triệu quân và đưa chiến tranh ra miền Bắc. Khi đó Chính phủ Mỹ đang đứng giữa hai lựa chọn hoặc là tăng quân viện trợ, tiếp tục cuộc chiến, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hoặc dần rút khỏi chiến tranh Việt Nam.



Nếu chiến tranh mở rộng ra miền Bắc, nếu ta mất Hải Phòng, mất Quảng Bình, nghĩa là mất tất cả những con đường chi viện cho miền Nam thì đó sẽ là điều vô cùng tồi tệ. Và cú đánh Tết Mậu Thân – một trận chiến tổng lực, đánh vào cả Đại sứ quán Mỹ và Dinh Độc Lập đã làm người Mỹ choáng váng. Cú đánh đó đã khiến người Mỹ quyết định ngồi vào bàn đàm phán và tính đến phương án rút quân khỏi Việt Nam. Tức là cuộc chiến đã bẻ ngoặt sang một hướng khác hoàn toàn có lợi cho cách mạng Việt Nam.



Chúng ta đã phải trả giá không ít cho bước ngoặt ấy. Nhưng sẽ phải đặt một vấn đề như thế này: Chúng ta sẽ trả giá cho đợt tổng tấn công đó, hay chúng ta sẽ trả giá cho hai mươi năm nữa, hoặc thậm chí lâu hơn mới giải phóng miền Nam? Có gì đảm bảo sự trả giá lâu dài đó sẽ bớt đắt đỏ hơn?” (Theo báo An ninh Thế giới-Bộ Công an/10-07-2016)



Lập luận của ông Lê Kiên Thành không chỉ phản ảnh quan điểm bênh Cha của ông ta mà là của Bộ Chính trị thời bấy giờ muốn bênh vực lập trường “vũ trang bạo lực” của ông Lê Duẩn, dù phải trả bất kỳ bằng gía nào. Nhưng trong chiến lược gọi là “Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị” , như câu nói của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thời 1968, phía Cộng sản và quân Giải phóng (du kích địa phương) cũng đã phải trả gía với 44,842 lính tử thương, 61.267 bị thương, 4.511 mất tích và 912 bị bắt, theo Bách Khoa toàn thư mở.



Cũng tài liệu này cho biết phía Hoa Kỳ, có 16.511 chết, 87.388 bị thương.Việt Nam Cộng hòa: 28.800 chết, 172.512 bị thương. Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, New Zealand: Khoảng 2.000 chết, vài nghìn bị thương.



Ngoài giao tranh trên chiến trường, Quân đội Cộng sản và Bộ Chính trị do ông Lê Duẩn điều hành sau lưng Hồ Chí Minh đã phạm tội sát hại dân lành tại mặt trận Huế-Thừa Thiên trong 26 ngày đêm chiếm đóng thành phố này.



Tài liệu của Bách khoa Tòan thư mở viết: “Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất.



Theo Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên, trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau tết, các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được họ xác định là đã bị bắt cóc hoặc bị giết. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi bị chôn sống.



Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike, lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970:



“Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau:



.Tổng số dân sự tử vong: 7.600 – chết lẫn mất tích



.Chiến trường: – 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc



.Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể:



1.173 – số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968



809 – số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3–7 năm 1969



428 – số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) – tháng 9 năm 1969



300 – số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969



100 – số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969



1.946 – mất tích (tính đến năm 1970)”



BẮT TÙ VÀ CHẾT BIỂN



Sau khi chiếm được miền Nam, em của ông Lê Kiên Thành, Tướng Lê Kiên Trung nói: “Trong nhiều cuộc chiến tranh, phe thắng cuộc đã có sự trả thù với những kẻ thất bại. Nhưng sau khi giải phóng xong, Đảng ta mà người đứng đầu là ba tôi đã đưa ra mệnh lệnh: Bằng bất cứ giá nào cũng không được động chạm đến những người thuộc chính quyền cũ. Và, thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục…” (Theo báo An ninh Thế giới/27-07-2016).



Nhưng “cải tạo, giáo dục” của đảng CSVN là một trong số 4 tội ác mà ông Tổng Bí thư Lê Duẩn có trách nhiệm lúc bấy giờ.



Thứ nhất, nhà nước đã đánh lừa để bắt hàng trăm ngàn quân-cán-chính Việt Nam Cộng hòa đi tù lao động dài hạn dưới danh nghĩa “học tập cải tạo”.



Thứ hai, Chính phủ đã tiến hành chiến dịch đánh tư sản mại bản và đuổi dân thành phố đi “ kinh tế mới” để đầy đọa dân và đánh phá và tiêu diệt tòan diện nền kinh tế thị trường phồn thịnh của miền Nam.



Thứ ba, hủy diệt các di sản văn hóa và giáo dục văn minh của miền Nam.



Thứ tư, đẩy trí thức và hàng trăm ngàn người miền Nam phải bỏ nước trốn ra nước ngoài tìm tự do khiến cho hàng chục ngàn người chết trên Biển Đông.



Và cũng từ chính sách trả thù, bóc lột và hủy họai miền Nam của Bộ Chính trị do Lê Duẩn lãnh đạo cho đến ngày qua đời 07/10/1986 mà chia rẽ, hận thù dân tộc giữa hai miền Nam-Bắc đã bung ra, cho đến bây giờ (2017), vẫn chưa hàn gắn được.



Vậy Thiếu tuớng Lê Kiên Trung đã bênh vực Cha mình ra sao khi nói về “kinh tế thị trường” của miền Nam bị đánh sập ?



Ông Trung nói: “Nhiều người phê phán cha tôi vì việc duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu. Nhưng ngay sau khi giải phóng xong, khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, ba tôi đã giao cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Mỹ, bằng mọi giá thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.



Ba tôi đã muốn giữ nguyên nền kinh tế thị trường ở miền Nam, song song với nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc, vì chính ông cũng muốn so sánh ưu điểm và nhược điểm của hai nền kinh tế đó. Vì ba tôi và các đồng chí của mình khi đó đều được giáo dục và trưởng thành trong hệ thống lý luận về XHCN theo mô hình Xôviết của Stalin.



Nhưng ông cảm nhận được, nền kinh tế thị trường có những ưu điểm của nó, và ông muốn có cơ hội để so sánh giữa hai mô hình đó, để tìm được con đường tốt nhất cho đất nước.



Dù chuyện này chưa bao giờ được ông công khai trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhưng trong chỉ đạo của ba tôi và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng với ông Nguyễn Cơ Thạch trước chuyến thăm Mỹ sau giải phóng, tôi biết rằng đã có nội dung đó. Tiếc là cuộc đàm phán đó đã không thành công. Vì khi đó, nhiều người bên phía chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, và bản thân người Mỹ cũng có suy nghĩ ngược lại.”



Với họ, việc một nước lớn như Mỹ thất bại trong cuộc chiến với một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam đã làm tổn thương nặng nề lòng tự tôn của họ. Không thể dễ dàng để hai nước có thể ngay lập tức nối lại quan hệ ngoại giao, bình thường hoá quan hệ. Thậm chí, sau đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam nhiều năm liền. Nên cuối cùng, chuyến đi của ông Nguyễn Cơ Thạch đã thất bại.”



Ông Tướng Trung nói như thế vì ông chỉ biết một nửa câu chuyện Việt-Mỹ lúc bấy giờ. Nguyên do chính vì phía Việt Nam cứ nằng nặc đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh trị giá 3.25 tỷ Dollars, mặc dù Hà Nội đã vi phạm Hiệp định Paris 1973 khi đem quân xâm chiếm VNCH.



Vì vậy, báo ANTG mới hỏi tiếp: “Cứ cho là chuyến đi đó thất bại, thì tôi nghĩ, vẫn có nhiều cách để duy trì và phát triển mô hình kinh tế thị trường ở miền Nam song song với mô hình bao cấp ở miền Bắc, nhưng như chúng ta đã biết, ngày đó, nền kinh tế bao cấp đã được nhân rộng ở cả hai miền. Tại sao ba ông không làm điều đó?



Tướng Trung: “Bối cảnh lịch sử lúc đó có lẽ đã khiến ba tôi không dễ thực hiện khát vọng và mục đích của mình. Khi mà Mỹ từ chối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bản thân những nhà lãnh đạo trong nước thời đó đều tin theo hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình Xôviết của Stalin, thì việc đưa ra một ý tưởng như thế là trái với lý tưởng của nhiều người.”



AI SỢ TRUNG QUỐC?



Về lập trường của ông Lê Duẩn đới với Trung Quốc, tướng Trung nói: “ Ba tôi không sợ Mỹ, vì ông hiểu Việt Nam có thể thắng Mỹ. Còn chuyện không sợ Trung Quốc là một câu chuyện dài.



Ba tôi là người yêu thích lịch sử. Ông đọc đi đọc lại những câu chuyện về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Và vì thế, ông biết, trong những cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy nghìn năm đất nước tồn tại, ngoài hai lần chống Pháp và Mỹ, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống quân xâm lược từ phương Bắc kéo xuống.



Và dù trong thời gian ngắn hay dài, thì cuối cùng, chúng ta cũng đều đánh đuổi được giặc ngoại xâm phương Bắc. Dân tộc này trong lịch sử chưa từng sợ phương Bắc, và tôi nghĩ ba tôi thấm nhuần truyền thống ấy.”



Từ khi còn rất sớm, ba tôi đã nhận ra, dù họ viện trợ cho chúng ta rất nhiều, dù tiếng là hai nước Cộng sản anh em, thì họ vẫn mang những ý đồ không khác gì những triều đại trước đây. “



Nhưng tại sao tướng Trung lại nói nhiều về người Cha mình luôn luôn đề phòng Trung Quốc vào lúc “nhạy cảm” hiện nay dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?



Nhưng không chỉ một mình Tướng Trung nói mà anh ông, Tiến sỹ Lê Kiên Thành cũng nói nhiều về chuyện dưới đây:



Ông Trung kể: “Ngay cả trong các cuộc gặp với ba tôi, một lãnh đạo của bạn (chú thích của Phạm Trần: Mao Trạch Đông năm 1960) đã nói: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Các đồng chí không cần làm cách mạng, tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”.



Ông Trung kể tiếp: “Khi nghe câu nói đó ba tôi đã cảm nhận ra ngay ý đồ của họ và dặn lòng mình luôn phải cảnh giác với dã tâm ấy. Ba tôi từng viết về một cuộc đối thoại giữa ông và một lãnh đạo của họ như thế này: (Phóng viên báo ANTG không dám viết lãnh đạo này là Mao Trạch Đông)



“Ông ta hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?



Tôi (Lê Duẩn) trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.



Ông ta hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?



Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!



Ông ta nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!



Ông ta hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?



Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.



Ông ta hỏi: Có bao nhiêu người?



Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!



Ông ta nói: Một tỉnh của nước tôi có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!



Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?”. Tôi nói: “Đúng”. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?”. Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Nếu các ông tìm cách xâm lược đất nước tôi. Các ông có biết điều đó không?…”.



Kể lại như thế rồi tướng Trung kết luận: “Vì nhận thức được ý đồ của họ, cũng như các tiền nhân, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta và ba tôi cũng giữ tinh thần cảnh giác, ngay cả khi họ là nước viện trợ rất lớn cho chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ.



Có lần, họ đề nghị viện trợ cho chúng ta 500 xe tải chi viện cho tuyến đường Trường Sơn, với điều kiện họ sẽ cử lái xe đi kèm. 500 xe hồi đó là vô cùng quý giá với Việt Nam. Nhưng chúng ta đã kiên quyết từ chối.



Khi đó có đồng chí lãnh đạo đề nghị ba tôi “nhận vài chiếc cho người ta vui”, nhưng ba tôi và lãnh đạo không đồng ý. Ba tôi cũng báo cáo với Bác Hồ: “Chúng ta muốn thắng Mỹ, thì không được sợ Mỹ, nhưng nhất định cũng không được sợ Trung Quốc”. Câu nói ấy của ông hẳn đã đến tai người Trung Quốc…”



TẠI SAO TẦU ĐÁNH VIỆT NAM NĂM 1979



Sau đó, báo ANTG hỏi: “Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc. Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc?



Tướng Trung đáp: “Ba tôi cứng rắn với họ thì đúng. Nhưng những người nói ông là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 có lẽ là không hiểu lịch sử. Suốt thời phong kiến của chúng ta, họ đã vì ghét ông vua nào mà đem quân xâm lược mảnh đất này? Không vì cha tôi, họ vẫn tìm cách chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, rồi bây giờ là âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông. Họ chẳng ghét ai cả.



Chỉ có một lý do duy nhất, ý đồ xâm lược của họ là không bao giờ thay đổi. Ba tôi, mang trong mình bản năng của người Việt suốt chiều dài lịch sử: không cần biết họ mạnh thế nào, nhưng anh cứ xâm phạm biên giới chúng tôi là chúng tôi đánh….



“…Ba tôi, như bao người Việt yêu nước bằng cả trái tim mình, đã luôn hiểu rằng, họ là mối đe dọa truyền kiếp, là dân tộc mà trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, bất cứ triều đại nào, chế độ nào, cũng không từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử xâm lược của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ về phương Nam.



Và, cho đến tận ngày hôm nay, với những yêu sách về chủ quyền ở biển Đông, về đường lưỡi bò, vẫn có thể chứng minh một điều, những nhận định của chúng ta về dã tâm của họ chưa bao giờ sai lầm. Khi còn nắm quyền, ba tôi vẫn cố gắng giữ một mối quan hệ ngoại giao mềm mỏng với họ.”



Vậy phải chăng vì Trung Hoa đã nuôi thù với ông Lê Duẩn nên đã tìm cách áp lực phía Việt Nam không được nhắc đến tên Lê Duẩn trong nhiều năm qua?



Nếu đúng như vậy thì cũng không ngạc nhiên vì nguyên Ngọai trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người thân của Lê Duẩn từng bị phía Tầu buộc Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (đảng khoá VI) loại ra khỏi Bộ Chính trị và mất luôn chức Bộ trưởng Ngọai giao tại Đại hội đảng VII thời Đỗ Mười.



Vậy phản ứng của tướng Trung ra sao, báo ANTG hỏi: “Và cảm giác của anh – một người con, như thế nào trong suốt giai đoạn ấy, giai đoạn mà tên tuổi ông ít được nhắc đến như thế?”



Tướng Trung đáp thẳng thừng: “Dĩ nhiên là tôi buồn. Không chỉ buồn cho cá nhân tôi, gia đình tôi. Vì tôi cho rằng đã có những việc, câu chuyện của ba tôi đã không được đề cập chính xác, đầy đủ, khoa học. Tôi cũng rất buồn và mãi trăn trở một điều, tại sao có những sự thật mà sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn nhất định phải giấu kín? Và tôi cho rằng, đó không phải là cách hành xử khách quan, minh bạch và khoa học.”



ANTG hỏi tiếp: “Nói thế thì hẳn là anh khao khát đến một ngày, tất cả tư liệu về cuộc đời của TBT Lê Duẩn, về những quan điểm cũng như quyết định của ông trong những thời điểm lịch sử và cả những đánh giá về vai trò của ông trong giai đoạn ông nắm quyền sẽ được công bố?”



Ông Trung đáp: “Đó chính xác là mong ước lớn nhất của tôi và những người thân trong gia đình suốt nhiều năm qua. Cha tôi và nhiều nhà lãnh đạo đất nước thời kỳ đó đã mất mấy chục năm trời. Và tôi không hiểu lý do vì sao, có những điều đến giờ này chúng ta vẫn cần giữ bí mật.

Nhưng tôi nghĩ, những người làm công tác nghiên cứu, những người làm báo như chị, phải được tiếp xúc với những sự thật đó, để có cái nhìn chính xác và đầy đủ nhất về lịch sử. Và nhân dân cũng có quyền được biết, những nhà lãnh đạo của họ đã làm gì, đã ứng xử thế nào, trong những thời khắc lịch sử của đất nước.” (Theo ANTG/27/07/2016)



Với những lời nói như những kẻ “điếc không sợ súng” của tướng Lê Kiên Trung và anh ông, Tiến sỹ Lê Kiên Thành về lập trường lúc nào cũng phải “đề phòng Tầu xâm lược” của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, hiển nhiên hai ông đã gửi một thông điệp chính trị khá lý thú cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng thân Trung Hoa.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét