Mới đây tôi đọc bài viết của nhà báo Bùi Tín, tựa đề Món nợ hoà hợp hoà giải
đăng trên trang blog của VOA tiếng Việt. Bài viết đề cập tới
tổ chức Nhịp cầu Hoàng Sa, mà theo lời của ông Bùi Tín, mục
đích của nó là thực hiện lý tưởng hoà hợp hoà giải mà đảng
CSVN đã quỵt dân tộc hơn 40 năm qua.
Cá nhân tôi không có gì phản đối với thiện chí của tổ chức
này, vì đứng ở vị trí của một người Việt Nam trước tình
trạng đất nước tan hoang về mọi mặt như hiện nay, việc hàn gắn
những vết thương tâm lý, nối kết những tấm lòng, tạo dựng
niềm tin, niềm hy vọng cho dân tộc về một tương lai tươi sáng,
theo tôi, ai cũng có ước mơ như thế.
Thế nên tiêu đề mà tôi chọn cho bài viết này không nhằm vào tổ chức Nhịp cầu Hoàng Sa.
Chỉ là trước khi đi vào chủ đề, tôi cũng có đôi lời nhận xét,
dĩ nhiên là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi về tổ chức NCHS.
Theo tôi, tầm vóc của tổ chức NCHS chỉ ở mức của một tổ chức
từ thiện. Những người có liên hệ trong cuộc chiến trước đây ở
hai bên, tìm đến nhau, đóng góp công sức và tài chánh để giúp
đỡ những cảnh đời khó khăn, của những thương binh một thời
góp xương máu, không kể là bộ đội miền bắc hay chiến binh VNCH.
Và chỉ có thế!
Trong những cuốn sách và bài viết mà ông Bùi Tín từng phổ
biến trước đây, người đọc thấy ông nêu lên vấn đề chế độ CSVN
thay vì hàn gắn vết thương chiến tranh, hài hoà dân tộc, lại
đem mấy trăm ngàn quân cán chính VNCH bỏ vào ngục tối được
mệnh danh là trại cải tạo, đày đọa họ, tra tấn họ, gây ra
biết bao thảm cảnh xã hội, gia đình tan nát, vợ xa chồng, con
xa cha v.v... Ông Bùi Tín đã từng phán xét việc chế độ CSVN cố
tình khoét sâu vết thương chiến tranh, tạo thêm hận thù dân
tộc, và ông tỏ ý thiên về giải pháp hòa giải, hòa hợp dân
tộc.
Có phải vì ông Bùi Tín luôn ước mơ như thế, nên khi thấy tổ
chức NCHS, với những hoạt động có tính cách từ thiện, đã quá
phấn khích mà nâng tổ chức NCHS lên tầm của một tổ chức mang
màu sắc chính trị với cái mục tiêu mà nhìn vào, ai cũng thấy
là nó quá tải, không cách gì làm được, đó là Hoà hợp hoà giải
Dân tộc.
Đó là tôi chưa nói tới vấn đề là việc hòa hợp hòa giải giữa
hai lực lương cán binh cộng sản và chiến binh VNCH chưa bao giờ
được đặt ra! Lý do tại sao?
Quân đội VNCH và quân đội miền bắc VN, hai bản chất khác nhau.
Phần lớn những người thanh niên miền nam VN, họ đi vào quân đội
một cách tự nguyện để làm bổn phận người trai thời loạn, bảo
vệ tổ quốc, bảo vệ nền tự do non trẻ của đồng bào trước
tham vọng xâm lăng của miền bắc. Dĩ nhiên cũng có những trường
hợp không tự nguyện, lọt vào hoàn cảnh gọi là "bị bắt lính".
Nhưng họ, những chiến binh VNCH không bao giờ bị tuyên truyền,
nhồi sọ về những gì không thật để đẩy họ vào vùng chết, hy
sinh cho những tham vọng tồi bại của nhà cầm quyền. Quân đội
miền bắc VN chính là hoàn toàn ngược lại. Họ, những thanh niên
nam nữ, có khi chỉ mới 11,12 tuổi đã bị nhà nước miền bắc VN
vét hết để cung cấp cho chiến trường miền nam, với những lời
tuyên truyền láo khoét về hoàn cảnh sống của nhân dân miền nam.
Nào là "Chế độ Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền nam, nào
là Thiệu Kỳ làm tay sai đế quốc Mỹ, đàn áp bóc lột nhân dân
ta v.v..." Tất cả những lời xảo trá, cộng thêm những cổ động,
khích lệ màu mè đó đã đẩy những bầu máu nóng của thanh niên
miền bắc đi vào lò sát sinh của hỏa lực chiến tranh.
Đọc bài thơ của người cán binh CS đã hy sinh trên đường vào nam, được giấu tận đáy ba lô:
Chiều Trường Sơn núi rừng hiu quạnh
Mẹ hiền ơi, con chợt nhớ quê mình
Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xinh
Con bướm nhỏ, mái đình xưa, nhớ quá!
Có ai trong chúng ta không cảm thấy niềm thương cảm cho số phận
nhỏ nhoi của một người thanh niên miền bắc, nghe lời xúi bậy
của bác đảng, dấn thân vào con đường máu xương vô định?
Việc những cán binh "trẻ thơ" bị xua ra chiến trường lửa đạn
để thực hiện tham vọng xâm lăng miền nam của bác và đảng, việc
những cán binh, chân bị xích khóa vào xe tăng để khỏi bỏ
chạy, đã là những chuyện mà người chiến binh VNCH đã mục sở
thị rất thường trên chiến trường miền nam.
Những người chiến binh VNCH thấy những biểu hiện vô nhân tính
của chế độ miền bắc VN như thế, họ đã nghĩ gì? Họ có thù
hận những em bé cán binh tuổi bằng con, em của mình? Có đành
lòng dùng lưỡi lê đâm "nghe sột một tiếng" vào bụng của tù
binh nơi chiến trường như diễn tả của tên nhà văn cộng sản Tạ Duy
Anh?
Nơi chiến trường đẫm máu, dĩ nhiên là phải tranh sống, giành
thắng lợi, nhưng với kẻ đã vất súng quy hàng, mà có hành
động khát máu như Tạ Duy Anh, thì chỉ có thể nói lên một
điều, đó là sản phẩm của chế độ CS, còn tệ hơn loài sói
lang!
Hãy nhìn những hình ảnh chân thật mà phóng viên ngoại quốc
chụp được nơi chiến trường miền nam máu lửa, mới thấy hết
được cái tính nhân bản sáng ngời của người chiến binh VNCH.
Một anh lính cộng hòa cho anh tù binh miền bắc ăn bánh chưng,
phải cầm miếng bánh và cho anh tù binh ăn từng miếng vì hai tay
anh tù binh bị trói. Ăn xong còn đốt một điếu thuốc cho anh tù
binh phì phà. Giữa chiến trường còn vương vãi đầy dấu tích
chết chóc của đồng đội, có thể người tù binh này đã từng
bắn chết đồng đội của mình, nhưng anh lính cộng hòa vẫn không
để thù hận làm thui chột lương tri của mình, vẫn kiên nhẫn đút
từng miếng bánh cho anh tù binh bộ đội miền bắc. Thật là
đẹp, thật là nhân bản!
Nói cho cùng, dù là người lính cộng hòa, được hấp thụ một
nền giáo dục nhân bản ngay từ nhỏ, hay một cán binh miền bắc,
từ lúc vỡ lòng đã nghe tuyên truyền về "Đế quốc Mỹ, về ngụy
quyền Sài Gòn xấu xa thế này thế kia", về "Bác và Đảng là
ánh sáng chỉ đường" v.v... thì họ cũng chỉ là người lính.
Giữa chiến trường, họ sẵn sàng lấy mạng nhau để giành sự
sống, giành chiến thắng, nhưng tàn cuộc chiến rồi, tiếng súng
đã ngưng, thì những năm tháng chiến tranh chỉ còn là những hồi
ức, tuy rất đau thương và xót xa, nhưng cũng không thiếu những
ghi nhớ tuyệt vời về tình đồng đội, về dặm trường hành quân
đi qua những vùng đất quê hương đầy khổ nạn!
Đọc những hồi ký, truyện ngắn của những nhà văn một thời
trong quân đội hai bên, ngoại trừ Tạ Duy Anh, tôi không thấy những
biểu hiện thù hận gì, và đó là bản chất của người lính,
có thể kiến thức của tôi hạn hẹp, nhưng đó là cảm nhận chung
của tôi.
Thế thì theo như những gì ông Bùi Tín nêu lên trong bài viết Món nợ hoà hợp hoà giải,
tôi thấy ông đã sai lầm khi trao cho tổ chức Nhịp cầu Hoàng Sa,
một tổ chức nhỏ bé với chức năng của một tổ chức từ thiện,
cái mục tiêu quá lớn, lại không mấy chính xác, đó là Hoà hợp
hoà giả dân tộc. Bởi vì, theo tôi, những người một thời ở trong
quân đội hai bên, VNCH và miền Bắc, đã từ lâu họ không còn quan
tâm đến thù hận hai bên trong tư cách người chiến binh. Bằng
chứng, như ông đã thấy, trong lễ kỷ niệm 19 tháng 1 ngày mất
Hoàng Sa vào tay Trung Cộng, những cựu cán binh trong bộ đội
miền bắc trước đây cũng đã xuống đường tri ân 74 liệt sĩ hải
quân VNCH đã hy sinh giữ gìn mảnh đất cha ông. Và tôi tuyệt đối
tin tưởng rằng phần đông những cựu chiến binh VNCH cũng thấy vô
cùng phẫn nộ khi biết rằng những chiến sĩ Việt Nam đã bị trói
tay, không được chống trả để giặc Tàu sát hại trong trận Gạc
Ma. Những chiến binh ở hai phía đối nghịch, sau cuộc chiến, tâm
tình của họ đã là như thế, thì có cần gì cái gọi là hòa
giải hòa hợp?
Thế thì vấn đề của đất nước chúng ta hiện nay nằm ở chổ nào?
Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ chế độ CSVN, kể từ năm 1975 đến nay
đã liên tục lừa dối dân tộc Việt Nam, không coi dân tộc là cội
nguồn của chính họ, hết theo Liên Sô lại quay qua ôm chân thằng
Tàu, kẻ thù muôn kiếp của Việt Nam. Chúng khăng khăng đặt quyền
lợi của đảng CS và bè phái lên trên quyền lợi tối thượng của
tổ quốc, ngang nhiên dâng đất, dâng biển cho TQ để đạt sự đỡ
đầu của tàu cộng, kéo dài quyền thống trị trên đầu trên cổ
của nhân dân. Chúng không ngần ngại dùng bạo lực của lực lượng
chó săn để đàn áp các tiếng nói phản kháng, bỏ tù những con
người yêu nước, lo lắng cho vận mạng nước nhà trước họa bắc
thuộc. Chúng tuyên truyền đủ kiểu về vai trò chủ đạo của
người dân trong mọi hoàn cảnh, nhưng trong thực tế, chúng coi dân
như rơm rác, từng ngày từng tháng đẩy dân vào thế đối mặt
với chế độ. Nói cho gọn, chế độ CSVN hiện nay là kẻ thù của
dân tộc Việt Nam và ngược lại.
Tình trạng đối đầu giữa chế độ CSVN và nhân dân hiện nay có
cần sự hòa hợp hòa giải mà ông Bùi Tín đề cập không vậy?
Theo ý kiến của tôi, đã quá muộn màng cho ý tưởng tốt đẹp này!
Lý do vì sao?
Thưa ông Bùi Tín,
Đối với những người, dù trải qua nhiều cay đắng trong chế độ
CSVN, bị săn đuổi, bị vây bắt, như ông Bùi Tín và ông Phạm Đình
Trọng, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào "Bác Hồ Vĩ Đại", thì các
ông nghĩ rằng chế độ mà khởi thủy do Hồ Chí Minh tạo dựng nên
vì "lòng yêu nước" còn có thể xây dựng trở lại tốt đẹp hơn
sau khi loại bỏ những "hiện tượng như Nguyễn Phú Trọng". Nhưng
với nhân dân Việt Nam, những người đã nhìn quá rõ bản chất
bịp bợm của Hồ Chí Minh và đàn lũ tay sai, cháu chắt của ông
ta, không ai còn nghi ngờ gì về tính cách thay đổi màu sắc
nhanh còn hơn tắc kè của cộng sản. Ngoài những người ăn theo
trong nhóm lợi ích, hoặc cam tâm trụy lạc, mắt mù tai điếc,
không ai còn dám tin vào một lời nào của cộng sản!
Nhân việc này, tôi lại nhớ tới bài tôi viết cách đây không lâu, tựa đề "Nói chuyện tầm phào với ông Hữu Thỉnh",
trong đó tôi viết theo lối phiếm luận về cái gọi là thông điệp
do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, sau khi
thảo luận với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đưa ra. Thông điệp
ấy cho biết vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 10 tháng 3 âm lịch năm
Đinh Dậu 2017, Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ mời những nhà văn nam nữ
Việt Nam ở hải ngoại về tham dự một hội nghị văn học hòa
hợp hòa giải, cho dù trước năm 1975 những nhà văn này đã đóng
góp thế nào với chế độ cũ. Nghe cái thông điệp do Hữu Thỉnh
đưa ra, thật sướng cái lỗ tai! Nhưng tên nhà thơ gà tồ này quá
non nớt. Nghệ thuật dụ dỗ người khác phải có đủ những yếu
tố sau đây: Miệng lưỡi phải ngon ngọt, miếng mồi phải thơm tho.
Hữu Thỉnh đã bàn tính kỹ lưỡng với Tổng Trọng, nhưng xem ra
nhà thơ gà tồ đã làm Tổng Trọng thất vọng rồi! Phù phép lừa
bịp của Hồ Chí Minh truyền tới đời của Hữu Thỉnh đã không
được trau dồi, đã quá lỗi thời, chỉ thoáng qua tai là người ta
nhìn ra những sơ hở trần trụi.
Thứ nhất, nhà thơ gà tồ ra mặt hòa giải văn học, kêu gọi văn
nhân nghệ sĩ VN hải ngoại về "làm giàu" cho nhà nước, nhưng cũng
chính cái mặt mốc Hữu Thỉnh này không lâu trước đây còn lôi
mấy vị văn nhân nghệ sĩ của phong trào Nhân văn giai phẩm miền
bắc thời 1956 ra đấu tố tiếp để lấy điểm với chế độ. Lời
đấu tố của Hữu Thỉnh như thế nào thì không nói cũng biết,
toàn là những lời thối tha của một tên bưng bô văn học. Những
người bị án oan trong vụ NVGP ở miền bắc cho tới ngày nay vẫn
không hề được xin lỗi, không được phục hồi danh dự, thế mà Hữu
Thỉnh lại bỏ công múa mép kêu gọi văn nhân nghệ sĩ VN hải
ngoại về họp hội nghị hòa giải? Hội Nhà Văn VN có cả ngàn
hội viên, danh tài hàng hàng lớp lớp, đảng dùng không hết, vậy
gà tồ bỏ vòi ra hải ngoại câu độ mấy nhà văn về để làm gì?
Về để sắp hàng sau lưng đồng chí chủ tịch à? để phụ giúp
gà tồ viết thơ văn bốc đảng lên tầng mây? Nghe mà phát ớn,
đừng giỡn chứ cha nội! Nhà thơ gà tồ mới than như bọng là
không có tiền để trang trải cho chi phí của hội, bây giờ tiền
đâu mua hoa tươi chưng bàn chủ tịch cho đẹp, mua trà lá bia rượu
đãi đằng anh chị nhà văn hải ngoại về hội nghị hòa giải đây
cha? Mời người ta về, mà giọng của thông điệp nghe phát ngứa
lỗ tai, cái gì mà "Sông Thạch Hãn vẫn còn ứa máu... chúng ta
lấy đại nghĩa dân tộc... để mời những nhà văn VN ở hải ngoại
còn lương tri, về làm giàu cho đất nước..." Một nhà thơ từng
đoạt giải thưởng lớn (nghe nói là ăn gian) về thơ với hai tập
Thương lượng với thời gian và Trường ca Biển mà đưa ra cái thông
điệp mời khách đầy vẻ kẻ cả, ban phát ơn sâu nghĩa đậm như
thế quả là tên nô tài vô dụng của Tổng Trọng!
Hãy dẹp nhà thơ gà tồ qua một bên, hãy nói về Tổng Trọng,
Thủ Tướng Phúc, Chủ Tịch Quang để xem mấy ông này hô hào hòa
hợp hòa giải như thế nào?
Tổng Trọng thì hay thậm thò thậm thụt cửa sau với thuộc hạ
tay sai nên ít nghe ổng kêu gào hòa hợp hòa giải gì, chỉ có
mặt nổi là hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần Đại Quang đưa ra
lời dụ hoặc việt kiều. Ông Phúc thì phong chức cho mỗi việt
kiều làm đại sứ của nước CHXHCNVN ở nước sở tại. Lúc mới
nghe lời kêu gọi đầy dụ hoặc của ông Thủ Phúc, tôi mừng quýnh,
tính nộp đơn xin ông Phúc cho tôi chính thức vào biên chế làm
đại sứ việt kiều, ai dè coi lại thông điệp mới biết Thủ Phúc
chỉ dùng nghĩa bóng, tức là mỗi việt kiều ở hải ngoại nên
vì quê hương, vì những lãnh tụ "mặt hổ phù lưng cánh phản trăm
mến ngàn yêu" của CHXHCNVN mà tranh thủ cảm tình của dân chúng
địa phương cho nước nhà. Rõ chán!
Tới ông Chủ Tịch nước Trần Đại Quang thì mức độ dụ hoặc càng
được nâng lên ngang tầm quốc tế, ông chủ tịch không gọi việt
kiều là đại sứ, ông chơi ngon hơn Thủ Phúc khi thử máu việt
kiều và tuyên bố máu thịt việt kiều là máu thịt của quê
hương, của đất nước. Đúng là phù phép của mấy ông bà trong tứ
trụ triều đình còn nhuyễn hơn mấy lão thần tiên trong truyện
Phong Thần! Rõ ràng ràng cái thằng mới ngày nào quần áo rách
nát, mắt trắng dã vì đói khát, lả người vì cướp biển Thái
Lan, được nhà nước CSVN dán cho cái nhãn hiệu "nô lệ đế quốc
Mỹ, nô lệ phương tây, chạy theo bơ thừa sữa cặn", bây giờ cũng
thằng đó, nhưng dollars đầy túi, mặt mũi xán lạn thì ông chủ
Quang vẽ cho nó một cái tên "máu thịt của đất nước" và trân
trọng mời nó về làm bò sữa!
Nói cho gọn là "chế độ ta" chỉ muốn có tiền để nuôi dưỡng sự
sống của đảng, có tiền để tống vào họng mấy túi tham không
đáy để chúng tiếp tục hụ hợ cho đảng, ngay như mấy văn nhân
hải ngoại mà đảng cũng muốn gọi về để "làm giàu" cho đất nước
là rõ ý đồ của đảng! Thực ra mấy ông bà văn nhân hải ngoại
có đem lại tiền bạc gì cho đảng đâu, nhưng đảng muốn dùng "đại
nghĩa dân tộc" để thuyết phục mấy ông bà văn nhân làm cái loa
tuyên truyền, cái đó mới thực sự là Tiền.
Còn những con người một lòng vì quê hương đất nước, quyết tâm
gióng lên tiếng nói bất khuất về những bất công xã hội, về
hiểm họa bắc thuộc của tổ quốc thì không đem lại tiền bạc gì
cho đảng, mà chỉ đem lại những lo sợ, những xấu hổ vì đã
làm rõ mặt gian ác của một chế độ tay sai, bán nước cho tàu
cộng, nên chế độ không cần hòa hợp hòa giải gì ráo, cứ lấy
mấy bộ luật hình sự rừng rú 88,79, 258 v.v... và câu kinh nhật
tụng "Lợi dụng quyền tự do dân chủ..." để nhốt họ vào tù
ngục. Những Cấn Thị Thêu, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần
thị Nga, Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Minh Hằng,
Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Hóa, LS Nguyễn Văn Đài, Trần Thị
Thúy, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh v.v... và còn bao nhiêu người nữa
hiện vẫn còn bị giam trong ngục tối, với những bản án được
định trước bởi đảng cướp, chỉ là hợp thức hóa ở những phiên
tòa gọi là công khai, nhưng rào cản bốn phía, thân nhân có khi
còn không vào được.
Chẳng những chế độ sợ hãi với người sống, ngay cả với những
người mà thân xác họ đã hóa thành tro bụi từ lâu, chế độ vẫn
luôn luôn kiêng kỵ. Ngày 19 tháng 1 năm 2017 vừa qua, nhân kỷ
niệm ngày 74 chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh trong trận Hoàng Sa
với Trung Quốc, lực lượng côn an, an ninh rải đầy ngoài đường
để ngăn chặn, cô lập những tiếng nói. Những người hơi có chút
ảnh hưởng quần chúng là từ sáng sớm an ninh đã chận ở đầu
ngõ, có khi còn được an ninh mời đểu đi uống cà phê. Luật Sư Lê
Công Định, cô Phạm Thanh Nghiên và nhóm bạn hữu ghé thăm nghĩa
trang những liệt sĩ cũng bị làm khó dễ đủ điều. Ngoại trưởng
John Kerry của Hoa Kỳ tới thăm VN lần cuối cùng trong nhiệm kỳ
của mình, mong được gặp Luật Sư Lê Công Định, nhưng an ninh can
thiệp thô bạo vào vụ này, thế là anh LCĐ cũng phải ở nhà.
Thế thì hoà hợp hoà giải dân tộc cái nỗi gì chứ? Chế độ đưa ra
lời ngon ngọt toàn là để dụ dỗ việt kiều, dụ dỗ những ai
nhẹ dạ đưa đầu cho chúng chém. Chiêu thức hòa giải hòa hợp do
Việt Cộng đưa ra giống một viên thuốc độc bọc đường, hay giống
như chai bia mà ông Dương Bạch Mai, đại biểu quốc hội, có tiếng
là chống Trung Quốc, đã uống vào ngày 4 tháng 4 năm 1964 trong
giờ giải lao trước khi ông dự định đọc một bài diễn văn nẩy
lửa chống TQ nhân kỳ họp lần thứ 8 của quốc hội khóa 2 khi Chu
Ân Lai sắp qua thăm Hà Nội. Ông Dương Bạch Mai uống xong chai bia
"tình nghĩa" của đảng thì cũng là lúc mà ông cảm nhận được
nghĩa tình của đảng nó lớn cỡ nào!
Tình nghĩa của người cộng sản Việt Nam là như thế, ai muốn nhào vô hòa giải hòa hợp, xin mời!
Trần Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét