VOA
Hà Nội đêm yên tĩnh, cái lạnh se sắt tháng Giêng của Hà Nội
càng khiến cho thành phố trở nên tĩnh mịch một cách lạ thường, bù cho một ban
ngày Hà Nội với chộn rộn xe cộ, ồn ào và náo nhiệt. Dường như Hà Nội đêm thuộc
về thế giới của một tầng lớp khác, của giới lao động nghèo bươn chải kiếm sống,
của những người công nhân quét đường với tiếng chổi tre chao chát mặt phố, với
những giọt mồ hôi bù cho giá rét.
Mỗi góc phố Hà Nội có một người công nhân
quét đường, họ cặm cụi dọn mọi thứ rác rưởi ban ngày đã thải ra trên phố.
Chị Khánh, công nhân quét đường ở Hà Nội, cho biết: “Em làm
từ 5 giờ chiều đến khoảng 2 giờ kém, 3 giờ sáng hôm sau.”
Thói quen xả rác bừa bãi, chưa bao giờ có khái niệm phân loại
rác của nhiều người (đôi khi chai lọ, mảnh gương vỡ nằm chung với lá chuối, giấy
và hoa) khiến công việc của những người lao động như chị Khánh trở nên nguy hiểm,
nếu họ sơ xuất. Không thiếu những trường hợp những người công nhân quét đường bị
các vật sắc nhọn gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Tuy công việc rất vất vả,
làm trái giờ và có phần nguy hiểm như thế, nhưng mức lương của họ lại rất thấp.
“Em làm nếu đủ công, đủ ngày trong tháng thì được khoảng tầm 5 triệu đồng mỗi
tháng. Nhưng nghe đâu sắp tới đây sẽ giảm lương nữa. Làm thế này chỉ đủ nuôi một
đứa con thôi, đứa còn lại chồng phải nuôi,” chị Khánh nói.
Chị Liên, một người đồng nghiệp với chị Khánh, chia sẻ:
“Chúng em làm từ 5 giờ 30 chiều đến 1 giờ 30 sáng, đủ 8 tiếng. Đồng lương của
em nếu nói để trang trải cuộc sống hàng ngày thì không đủ, không thể đủ được,
mình chỉ giúp một phần nhỏ cho chồng con thôi.”
Họ dường như không được hưởng tiền trợ cấp cho công việc độc
hại trong khi đụng đến rác tại Việt Nam chẳng khác nào đụng đến thuốc độc, bởi
bản thân mọi thứ thực phẩm hay đồ dùng đã mang độc từ trước khi bị đào thải
thành rác. Và cách xử lý rác của các gia đình hầu như là mọi thứ đều cho vào
túi rác, sọt rác và đưa ra đường. Đó là chưa nói đến các tai nạn thương tâm có
thể xảy ra trong lúc họ đang miệt mài công việc trên đường bởi các thanh niên
ngáo đá và say xỉn phóng xe như bay.
Chị Liên cho biết thêm: “Chúng em phải đóng tiền bảo hiểm
theo bậc 4, từ người ăn lương từ bậc 1 đến bậc 5 đều phải đóng bảo hiểm theo bậc
4. Nhưng em ăn lương thì ăn lương bảo hiểm, phép hay thưởng đều phải ăn theo bậc
2. Tiền độc hại của nghề nghiệp đều được tính vào lương cả rồi.”
Mức lương vài triệu đồng, thức từ 11 giờ đêm cho đến 3-4 giờ
sáng để làm việc, đời sống của những người lao động này thiếu trước hụt sau bởi
họ đang sống ở nơi vật giá đắt đỏ nhất Việt Nam.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét