Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Chống “Tự diễn biến, tự chuyển hóa”: Cú lừa lịch sử!

Thạch Nhan




Phát biểu tại tổ (QH) về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Có câu “Vua không nói chơi”, thế nhưng ông Trọng thật khéo biết đùa. Nói với người hôm nay, xây dựng CNXH cho ai mà hẹn đến ngót trăm năm nữa, còn chưa biết đã có chưa?! Hay ông Trọng bắt chước nhà danh họa khi trả lời một người hỏi về việc vẽ, vẽ gì là khó và vẽ gì thì dễ. Nhà danh họa trả lời: vẽ người, vật, cây cảnh… khó. Vẽ ma vẽ quỉ dễ.


Vẽ những cái cụ thể trước mắt, ai cũng nhìn thấy và đánh giá được, vẽ ma quỉ không ai nhìn thấy, vẽ thế nào cũng xong! Tất cả mọi người hôm nay bị đảng và ông Nguyễn Phú Trọng xây dựng CNXH cho, nhưng vui lòng chờ đến hết thế kỷ này, tức là lúc đã dời nhà sang ở thế giới bên kia hết rồi mới có CNXH để xài! Như thế mà cũng nói được, chả trách người ta đặt cho hỗn danh là “Lú”!



Thật ra làm gì có CNXH, và điều quan trọng, đảng có xây dựng CNXH đâu mà chỉ cho người ta thấy. Trên thế giới đã có ai, nước nào thành công khi xây dựng CNXH? Chẳng phải lịch sử của XHCN ghi nhận: đi đến đâu thất bại đến đó, làm chừng nào thất bại chừng đó hay sao.



Riêng tại Việt Nam, sau khi cướp chính quyền, đảng ta mở hàng XHCN long trời lở đất bằng “cải cách ruộng đất”, đấu tố, thảm sát hàng chục ngàn người! Sau năm 1975, hừng hực khí thế chiến thắng, đảng đưa cả nước vào tiếp XHCN ngay, chỉ cần một thời gian ngắn, khoảng mười năm sau, Việt Nam đã có được vị thế đứng ngay trên… miệng vực khánh kiệt! Áp dụng nguyên mẫu bản gốc CNCS thất bại hoàn toàn, từ năm 1986 công cuộc cải cách đổi mới, tự diễn biến tự chuyển hóa bằng cách cắt đi cái đầu XHCN, chỉ còn giữ lại đuôi định hướng XHCN. Chèn thay vào đó, không gì khác hơn: kinh tế thị trường, kinh tế đa thành phần, đa chế độ sở hữu, tư bản tư nhân, còn mời cả tư bản nước ngoài vào “bóc lột” Việt Nam. Nhờ thế mới vực được nền kinh tế ra khỏi thảm họa.



Nói kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, đúng, hay ngụy biện? Trước 1986 kinh tế quốc doanh không là chủ đạo? Tại sao lại thế? Từ sau cải cách mở cửa, kinh tế phát triển được nhờ vào sự có mặt của nhân tố ngoài quốc doanh, kinh tế quốc doanh chỉ là gánh nặng. Hiện nay, đảng cũng đang trong tiến trình cắt luôn cái đuôi XHCN bằng cách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tức là giảm bớt qui mô, yếu tố, hay “chất” XHCN. Nhìn một cách tổng thể, công cuộc đổi mới mà đảng ta tự hào chính là tiến trình tự chuyển hóa thoát ra khỏi CNXH (mâu thuẫn hay lú?). Thực tế, đảng ta đang tiến lên hay triệt thoái XHCN? Cứ theo đà này, thời điểm ý thức hệ CSCN biến mất chỉ trong tương lai gần. Nói một đằng làm một nẻo, tổng Trọng hô hào to thế không thấy ngượng miệng hay sao? Bà con đảng viên có thấy thế không?



Với tiêu đề: “Không chôn vốn trong DNNN”, báo Thanh niên viết: “Không thể chôn một lượng vốn rất lớn trong các doanh nghiệp nhà nước mãi trong khi nợ công tăng cao, cần nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tăng tốc thu hẹp quy mô khối này để vừa lấy tiền đầu tư, vừa tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Quan điểm trên được thủ tướng đưa ra khi kết luận hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016_2020“.



“Ban chỉ đạo sắp xếp và đối mới DN cho hay sau 15 năm sắp xếp, số DNNN đã giảm từ 6000 trong 60 ngành, lãnh vực xuống còn 718 DN hoạt động trên 19 lĩnh vực, tính đến hết tháng 10.2016“.



Rõ như ban ngày, đây là tiến lên XHCN hay đẩy lùi XHCN? Tự diễn biến hay chống Tự diễn biến? Xin hỏi các đảng viên, đảng ta đã phản bội lý tưởng CS rồi hay sao?









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét