Trọng Nghĩa
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và tân ngoại trưởng Rex
Tillerson, Washington, ngày 02/02/2017.REUTERS/Carlos Barria
Chưa bao giờ giới lãnh đạo châu Âu lại ngóng trông những lời
giải thích của đồng minh Mỹ như tại Hội Nghị An Ninh Munich (Đức) chính thức mở
ra vào ngày 17/02/2017. Lý do rất dễ hiểu : Đây là lần đầu tiên mà những nhân vật
đứng đầu ngành ngoại giao và quốc phòng Mỹ tiếp xúc trực tiếp với các đồng nhiệm
châu Âu từ ngày tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Washington, sau khi có
nhiều phát biểu không mấy thiện cảm với châu Âu, trong lúc lại liên tiếp tung
tín hiệu hòa dịu hướng về Nga, đối thủ của châu Âu.
Ghi nhận đầu tiên là phái đoàn Mỹ đến châu Âu lần này rất
hùng hậu, dẫn đầu là phó tổng thống Mike Pence, về cơ chế là người giám sát đường
lối đối ngoại của Mỹ. Tháp tùng ông Pence là ba bộ trưởng chủ chốt : Rex
Tillerson ở bộ Ngoại Giao, James Mattis ở bộ Quốc Phòng và John Kelly thuộc bộ
An Ninh Nội Địa.
Theo chương trình dự kiến, phó tổng thống Mỹ sẽ phát biểu tại
Hội Nghị Munich vào ngày 18/02, sau đó sẽ có những cuộc tiếp xúc song phương với
thủ tướng Đức Angela Merkel, các lãnh đạo ba nước vùng Baltic là Estonia,
Latvia và Litva, tổng thống Ukraina, nước đang bị Nga xâm lược, và thủ tướng Thổ
Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ngày 20/02, ông Pence sẽ đến Bruxelles, nơi nhiều cuộc
gặp với giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã được
dự trù.
Giới lãnh đạo châu Âu hy vọng rằng phát biểu của các nhân vật
Mỹ, đặc biệt là của phó tổng thống Pence sẽ cho phép họ nắm bắt rõ hơn về đường
lối đối ngoại của Mỹ trong những vấn đề liên quan đến châu Âu đang bị nhiễu do
những tuyên bố thiếu thiện ý của ông Trump trong thời gian qua.
Mối quan ngại lớn nhất của châu Âu có lẽ là chính sách của
Washington đối với Matxcơva sẽ ra sao trong bối cảnh Ukraina đã bị Nga xâm lược,
trong lúc ông Trump lại không che giấu thái độ hâm mộ đồng nhiệm Nga Putin và
chủ trương hòa dịu với Nga.
Theo nhận định của hãng tin Mỹ AP, sau vụ cố vấn an ninh quốc
gia của tổng thống Trump, tướng Micheal Flynn, một người nổi tiếng thân Nga, phải
từ chức, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu rất muốn biết thực hư trong chính sách của
chính quyền Trump đối với Nga, nhất là khi những lời cáo buộc Matxcơva can thiệp
vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại được chính ông Trump giảm nhẹ tầm mức quan trọng.
Châu Âu, đặc biệt là các nước nằm sát biên giới Nga, cụ thể
là ba quốc gia vùng Baltic, cùng Ukraina và Ba Lan, lại càng muốn biết chính
sách đối phó với Nga của Mỹ sẽ ra sao sau khi chính tổng thống Trump hàm ý cho
rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt sau khi Nga thôn tính Crimée có thể được nới
lỏng để đổi lấy một thỏa thuận về vũ khí hạt nhân.
Châu Âu cũng muốn biết rõ hơn về quan điểm của Washington đối
với khối NATO thực sự sẽ ra sao sau khi chính ông Trump, sau ngày đắc cử và trước
ngày nhậm chức, đã công khai xem Liên minh này là « lỗi thời ».
Tóm lại, chính sách đối ngoại của tân chính quyền Mỹ đang là
một ẩn số gây quan ngại rất lớn cho châu Âu, và giới lãnh đạo đang chờ được phó
tổng thống Mỹ làm sáng tỏ.
Như đã nắm bắt được sự lo lắng này, Mỹ tìm cách trấn an, cho
biết rằng phó tổng thống Mỹ sẽ tái khẳng định các cam kết đối với châu Âu, một
« đối tác không thể thiếu » của Hoa Kỳ.
Vấn đề đặt ra là liệu Donald Trump có chịu nghe lời các «
chuyên gia » hay không ? Đây chính là nghi vấn mà nhiều người nêu lên, căn cứ
vào tính cách độc đoán của tân chủ nhân Nhà Trắng.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét