Nguồn: U.N. condemns PRC for aggression, History.com
Vào ngày này năm 1951, trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 44
– 7, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án chính quyền cộng
sản Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vì hành vi gây hấn trên bán đảo Triều
Tiên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 1945, Liên Hiệp Quốc đã
lên án một quốc gia là kẻ xâm lược.
Tháng 6/1950, lực lượng cộng sản Bắc Triều Tiên xâm chiếm
Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) với mục tiêu thống nhất đất nước vốn đã bị chia cắt kể
từ năm 1945. Khi đó, sau khi quân Nhật đầu hàng, quân Liên Xô đã chiếm đóng miền
Bắc, còn quân Mỹ thì tiến vào miền Nam. Cuối năm 1950, hàng trăm ngàn quân
Trung Quốc đã vượt biên sang Triều Tiên để chống lại lực lượng của Mỹ, bởi trước
đó quân Mỹ đã cố gắng đẩy lùi quân Bắc Triều Tiên ra khỏi Nam Triều Tiên. Tính
đến năm 1951, Mỹ ngày càng lún sâu tại bán đảo này, với hàng ngàn lính đóng
quân và hàng triệu USD viện trợ cho Nam Triều Tiên.
Cuộc bỏ phiếu của Đại Hội đồng theo sau nỗ lực không thành của
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nhằm kêu gọi Hội đồng Bảo an ngăn cản Trung Quốc.
Nhưng đại diện của Liên Xô tại Hội đồng Bảo an đã liên tục dùng quyền phủ quyết
của mình để chặn đứng mọi nỗ lực của Mỹ. (Năm thành viên thường trực – Mỹ,
Pháp, Anh, Liên Xô, và Trung Hoa Dân Quốc – có quyền phủ quyết tuyệt đối bất kỳ
đề xuất nào từ Hội đồng Bảo an.)
Chuyển hướng sang Đại Hội đồng, các đại biểu Mỹ đã kêu gọi
Liên Hiệp Quốc lên án cộng sản Trung Quốc là kẻ xâm lược Triều Tiên. Lần bỏ phiếu
cuối cùng đã thể hiện khác biệt rõ rệt về ý thức hệ. Chỉ có các nước thuộc khối
cộng sản gồm Liên Xô, Byelorussia (Belarus), Ukraine, Ba Lan, Tiệp Khắc, cùng với
hai nước trung lập là Miến Điện và Ấn Độ, là bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Bản
nghị quyết cuối cùng cũng được thông qua, trong đó tuyên bố rằng CHND Trung Hoa
đã “tham gia gây hấn tại Triều Tiên,” và yêu cầu “các lực lượng và công dân tại
Nam Triều Tiên” của CHND Trung Hoa “chấm dứt tình trạng thù địch chống lại lực
lượng Liên Hiệp Quốc và rút khỏi Triều Tiên.”
Hành động này thực chất chỉ mang tính biểu tượng, bởi nhiều
quốc gia, bao gồm cả một số nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết – bất đắc dĩ mới
phải có hành động mạnh mẽ hơn chống lại CHND Trung Hoa vì sợ rằng xung đột Triều
Tiên sẽ leo thang. Dù rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đã có
thể được đưa ra nhằm chống lại CHND Trung Hoa, nhưng Liên Hiệp Quốc lại quyết định
không có thêm bất kỳ hành động nào khác. Chiến tranh Triều Tiên đã kéo dài thêm
hai năm đẫm máu, rồi cuối cùng kết thúc trong bế tắc với một hiệp định đình chiến
vào năm 1953. Ở thời điểm đó, đã có hơn 50.000 lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc
xung đột.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét