Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Vai trò quan trọng của tự do báo chí



 Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp


Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2015 (2015 World Press Freedom Index), tự do báo chí và báo chí độc lập, một thành phần chủ yếu của nền dân chủ trên toàn thế giới, đang suy giảm với một tốc độ đáng báo động. Tuy nhiên, sự minh bạch và cảnh giác mà một nền báo chí tự do và độc lập cung cấp là rất quan trọng không chỉ đối với nền dân chủ. Chúng còn là những thứ vũ khí mạnh mẽ chống lại các lực lượng từ tham nhũng tới các hoạt động kinh doanh xấu đang hủy hoại sự thịnh vượng kinh tế. Đơn giản là, nếu không có một nền báo chí chất lượng cao, việc xây dựng các nền kinh tế tốt hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn là không thể.


Mỗi ngày mang đến những ví dụ về các mối đe dọa, và trong một số trường hợp là các vụ tấn công, mà báo chí đang ngày càng phải đối mặt, hoặc từ các nhà lãnh đạo độc đoán hoặc là do các mô hình kinh doanh yếu kém. Dù theo cách nào, vào thời điểm chúng ta cần các điều tra báo chí nghiêm túc và phân tích thông minh về các xu hướng kinh tế và các hoạt động kinh doanh hơn bao giờ hết, thì năng lực cung cấp những điều như vậy lại đang nhanh chóng bị xói mòn.

Một vấn đề là do quảng cáo trên báo in đang giảm tới vạch giới hạn, các công ty truyền thông ngày càng gặp khó khăn trong việc trợ cấp cho các nghiên cứu dài hạn mà việc đưa tin sâu thường đòi hỏi. Tuy nhiên, bằng việc nhận diện và làm nổi bật các vấn đề có thể ảnh hưởng tới các chương trình nghị sự và đời sống xã hội trong những năm tới, tác động của việc đưa tin như vậy có thể là rất lớn.

Ví dụ như điều tra năm 2012 của Reuters, cuộc điều tra đòi hỏi nhiều tháng nghiên cứu tỉ mỉ mưu đồ trốn thuế của Starbuck. Nhà báo Tom Bergin đã phân tích các tài liệu phức tạp trong nhiều năm để phát hiện, vạch trần và giải thích chi tiết cách thức mà công ty này trốn thuế địa phương ở những quốc gia nơi nó hoạt động. Cuộc điều tra của ông đã châm ngòi cho một cơn bão tiếp tục gây chấn động khắp thế giới ngày nay khi nhiều công ty đa quốc gia trở nên bị soi xét kỹ lưỡng. Và những nghiên cứu như thế rất tốn kém.

Tuy nhiên, mô hình tài chính đảm bảo cung cấp mặt hàng công quan trọng này sẽ vô tác dụng khi đối mặt với sự đàn áp chính trị đang gia tăng trên toàn thế giới. Ví dụ, vào đầu tháng Ba, chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đóng cửa Zaman, tờ báo có tổng số lượng phát hành cao nhất của nước này, và các lực lượng an ninh đã bắn hơi cay và đạn cao su về phía người biểu tình bên ngoài trụ sở của tờ báo.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Tổng thống Pháp Francois Hollande, tất cả đều đưa trường hợp báo Zaman vào các cuộc thảo luận với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khi họ gặp nhau mới đây để thảo luận về cuộc khủng hoảng người tị nạn. Các nhà lãnh đạo thế giới phải tiếp tục lên tiếng và phải cương quyết ủng hộ quyền tự do báo chí ở chính các quốc gia của họ. Suy cho cùng, tín hiệu mà hành vi chính thức như vậy gửi đi là quốc gia đó đang đi thụt lùi, làm bóp nghẹt sự đổi mới và tăng trưởng.

Trung Quốc, giờ là nền kinh tế lớn thế hai thế giới và một nguồn công nghiệp chế tạo và đầu tư quan trọng, dường như thách thức bất cứ mối liên hệ nào giữa tự do báo chí với thành công kinh tế. Tuy nhiên, một bài học căn bản từ sự gia tăng biến động nền tài chính nước này bắt đầu vào mùa hè năm ngoái là thông tin do nhà nước kiểm soát thường là thông tin kém chất lượng. Dường như các nhà đầu tư đã bắt đầu hiểu rõ hơn rủi ro của việc làm ăn trong một môi trường kinh tế và kinh doanh mà họ không thể hiểu hoàn toàn.

Các tổ chức truyền thông của Trung Quốc đang bị các cơ quan chức năng giám sát liên tục và các biên tập viên đã nổi giận (và thậm chí còn nỗ lực thách thức) sự kiểm duyệt đó. Gần đây nhất, tài khoản mạng truyền thông xã hội của phiên bản Hoa ngữ của tờ South China Morning’s Post đã bị chặn. Nhiều trang web tin tức nước ngoài từ BBC tới Reuters cũng thường xuyên bị chặn không tới được độc giả Trung Quốc. Năm 2012, trang web của The New York Times đã bị chặn ở Trung Quốc sau khi tờ báo này đưa tin rằng gia đình mở rộng của Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Ôn Gia Bảo kiểm soát khối tài sản có giá trị ít nhất 2,7 tỷ USD.

Tương tự, các công ty truyền thông nước ngoài thường không thể điều tra các công ty Trung Quốc và hoạt động kinh tế của nước này một cách tự do và chính xác. Ursula Gauthier, phóng viên của L’Obs (trước đây là Le Nouvel Observateur), đã bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc sau khi các nhà chức trách nước này từ chối gia hạn thị thực cho cô. Cô không phải là nhà báo phương Tây duy nhất bị “vô hiệu hóa” theo cách thức này.

Tiếp đó, còn có các quốc gia không nhận được nhiều sự chú ý như chúng nên có. Xếp hạng của Andorra, một thiên đường trốn thuế, trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới giảm mạnh vào năm 2015, bởi vì các nhà báo không thể dễ dàng tiếp cận thông tin về các ngân hàng hoạt động ở đó một cách an toàn. Quốc gia này “thiếu việc bảo vệ pháp lý cho tự do thông tin, chẳng hạn như việc bảo mật các nguồn cung cấp thông tin cho các nhà báo”. Và những tin tức ít ỏi mà báo chí đưa về các ngân hàng của Andorra, như cuộc điều tra rửa tiền của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với Banca Privada d’Andorra, đã gây lo ngại.

Danh sách các quốc gia nơi tự do báo chí bị giới hạn hoặc bị đe dọa vẫn tiếp diễn, từ châu Phi và Trung Đông tới Nga và hầu hết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác. Thậm chí, Hoa Kỳ đang có những dấu hiệu đáng báo động, với việc Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu có thể giành đề cử cho cuộc đua tổng thống của Đảng Cộng Hòa, hướng sự đả kích và có thể nói là kích động bạo lực chống lại các nhà báo trong các chiến dịch tranh cử của ông. Đáng lo ngại là Trump đã nói rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ thay đổi các luật về tội phỉ báng của đất nước theo các cách thức có thể gây nguy hiểm cho các nguyên tắc tự do ngôn luận được ghi trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Một nền báo chí tích cực, sâu sát và độc lập cung cấp một hàng hóa công cơ bản: sự minh bạch khiến trách nhiệm giải trình về kinh tế và chính trị trở nên khả dĩ. Trong một thế giới ngày càng phức tạp và chuyên môn hóa, vai trò đó của báo chí phải được hỗ trợ, bảo vệ và khuyến khích. Thực vậy, các công ty truyền thông phải tìm cách để tài trợ cho việc đưa tin, điều tra và phân tích đáng giá. Không may thay, quá nhiều quốc gia sẽ cảm thấy hạnh phúc khi có các vấn đề như vậy.

Lucy P. Marcus, nhà sáng lập và tổng giám đốc của Marcus Venture Consulting Ltd., là giáo sư ngành lãnh đạo và quản lý tại Trường Kinh doanh IE và là thành viên không điều hành của hội đồng quản trị công ty Atlantia SpA.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Why Press Freedom is Good Business



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét