"Tân Chính phủ hãy thử thách mình, bằng một việc trước tiên để thể hiện cái danh nghĩa “Chính” của mình, yêu cầu Chủ tịch nước ra sắc lệnh thả hết mọi tù nhân lương tâm, ra lệnh từ nay công an không được đối xử tàn ác với dân dẫu ở trong nhà tạm giam hay người biểu tình ngoài đường phố. Việc này có ý nghĩa như quẹt vàng vào hòn đá thử để biết thật hay giả. Người dân sẽ tin rằng một chính quyền nhân văn, nhân ái, biêt tôn trong con người, biết khuôn mình theo luật, ắt họ có “Tâm” và điều họ nói, việc họ làm có thể là khả tín."
***
Mặc dầu không thật ưng ý lắm với cái cách xuất hiện của Quý
vị, nhưng tôi không có cách nào khác là gởi lời chào tới các vị.
Sáng nay đọc báo, thấy ảnh của tân Thủ tướng và hai mốt tân
Bộ trưởng, mặt mày ai nấy đều rạng rỡ, tươi cười, hớn hở. Ông Thủ tướng có nụ
cười, có thể cười đến thế là cùng. Tôi cũng cảm nhận được các vị thật vui mừng,
đặc biệt là nụ cười của Thủ tướng quả thật thấy hả hê lắm. Ít thấy ánh mắt của
suy tư, lo lắng. Điều ấy khiến người ta có cảm giác các vị rất tự tin.
Kèm theo những phát biểu ban đầu, hứa thì có mà hẹn lại
không rõ. Những người có trọng trách phải hẹn với quốc dân những cái mốc đi tới.
Chúng tôi chờ đợi một chương trình hành động tổng thể của 5 năm tới, tức là nhiệm
kỳ của quý vị. Xin quý vị chớ dẫm theo lối mòn của các khóa chính phủ trước. Họ
bước vào Chính phủ không phải với tư cách của những chính khách, rất chủ động,
là chính mình, chứ không phải là một viên chức để chịu sai phái, bị giật giây.
Không thấy ai trong thành viên các chính phủ trước đáng mặt
là tư lệnh là tổng công trình sư của lĩnh vực, của cái ngành mà họ đứng đầu, thậm
chí có Bộ bị cấp dưới, bị dân cho là không phải Bộ trưởng điều hành mà là các vụ.
Thật ra, các vị đều là những viên chức hành chính, người thì từ bí thư tỉnh, kẻ
thì từ văn phòng nào đấy. Cũng có người được đôn lên từ cấp thứ của cái ngành ấy.
Nhưng cái tố chất tư lệnh, chiến lược gia của một lĩnh vực thì chưa thấy có dấu
hiệu đã từng bộc lộ. Vì thế trọng trách của quý vị càng nặng nề. Về trọng lượng
nặng nề của trách nhiệm, tôi sẽ xin thưa đôi điều.
Chữ tân mà tôi dùng với nghĩa là mới, Tàu họ đọc là “xin”.
Chữ xin thì Việt mình lại có nghĩa trong xin-cho. Nếu chính phủ mới tiếp tục tư
tưởng và phương thức xin – cho, thì sẽ không có đổi mới đổi cũ gì hết. Làm sao
để trong nhiệm kỳ này dân sẽ không còn thân phận kẻ ăn xin, các doanh nhân, các
trí thức, cả các chính khách, ba cột trụ, ba chân kiềng của xã hội thoát khỏi
thân phận kẻ ăn xin ngay trên quê hương, ngay trong các ngành nghề của mình. Cải
tiến cải lùi gì không biết, phải nâng thân phận của người dân lên hàng chủ. Như
vậy vai trò, chức trách, tư duy chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu cụ
thể, mục tiêu tổng quát của cả Chính phủ của từng ngành là phải được suy tính
cân nhắc cẩn thận.
Tôi hy vọng cái Quốc hội mới nếu biết thực thi cái thiên chức
của mình, họ sẽ làm theo ý nguyện của quốc dân (điều mà từ trước tới nay các
khóa quốc hội chưa dám làm, họ vẫn tiếp tục cung cách gật gù của một thời, đáng
tiếc là “cách mạng” lại duy trì cái lạc hậu, cái cũ đúng ra là phải cất vào
spam lịch sử!). Nghĩa là Thủ tướng phải trình một chương trình có tầm chiến lược
chứ không chỉ là mấy lời hứa mà không rõ hẹn. (ví dụ, ai mà tin những lời hứa
chống tham nhũng. Phải có một tư duy chiến lược đặt nó trong một tổng thể của
những cải cách chính trị, thay đổi thể chế, cải cách kinh tế, cải cách nền hành
chính, cải cách v.v…
Chính phủ là hành pháp, nhưng nền hành chính của chúng ta đã
đi từ “hành dân, hành nhau là chính” đến chỗ “độc ác với dân”. Điều khôi hài là
những chữ này do những vị có trọng trách phát ngôn trên những diễn đàn sang trọng,
tôn nghiêm. Tôi nghĩ rằng nếu giả dụ cái Quốc hội mới nó cũng chỉ gật gù theo lệnh
đảng rồi bấm nút thông qua cho hợp thức, thì quý vị hãy vì trọng trách thiêng
liêng của mình với dân với nước, với xã hội mà hãy chuẩn bị cho thật nghiêm túc
một chương trình hành đông với tư duy chiến lươc. Rồi đem trình với quốc dân với
xã hội thu thập cho hết ý kiến của trí thức, khẳng định lấy những vấn đề then
chốt nhất mà làm.
Tôi rất thú vị hai chữ “thành tín” mà Hồ Chí Minh nhiều lần
nhắc tới khi họp chính phủ. Có điều ông cũng hứa hẹn mà không làm được. Đúng, nếu
thành tâm, tin vào dân, tin vào chính mình, đừng tin vào giáo điều, đừng tin
vào những giá trị bị đánh tráo, đừng làm việc bằng cái đầu của người khác, đừng
cả tin vào tà thuyết, những cái gọi là lý thuyết, chủ nghĩa mà không thể chứng
minh… Một tinh thần, một năng lực “thành tín” mới, sẽ là phẩm chất quan trọng để
mỗi vị có thể thành công ghi lại dấu ấn của nhiệm kỳ.
Như vậy Quý vị có thể căn cứ cái gọi là “đường lối, quan điểm
của đảng”, lại phải căn cứ thực tế của đất nước, của xã hội, của ý nguyện người
dân, đặc biệt phải có hiểu biết chắc chắn quy luật phát triển của nhân loại tiến
bộ… mà định ra chương trình hành động. Phải dựa vào chuyên gia, nhất là chuyên
gia độc lập, vì họ sẽ khách quan hơn là đám trí thức gia nô chỉ uốn éo theo chiều
hướng của lãnh đạo để giữ ghế và tiến thân, họ dễ đánh mất mình và đánh tráo
khái niệm khiến cho quy luật không hiện ra rõ, chỉ nhìn thấy cái bóng của sự
thât, nhất là rất dễ thành tích chủ nghĩa và hình thức. Chúng tôi “tín thành”
nêu một mong ước tốt đẹp như vậy để quý Tân Chính phủ tham khảo.
Tôi nhắc lại một triết lý về chính phủ của Đông kinh nghĩa
thục để quý vị rõ: “Chính phủ chẳng qua là người dân nắm chính quyền” (Xem Văn
minh tân học sách”. Các vị nên luôn nhớ mình cũng chỉ là người dân. Cái tâm thức
này là của thời dân chủ, của nền dân chủ, dân quyền. Nó không hề có trong xã hội
quân chủ phong kiến lạc hậu. Nếu quý vị không ý thức rõ điều này, dẫu quý vị có
xưng là ủy viên nọ, ủy viên kia thì nhân cách của quý vị vẫn chỉ là nhân cách của
những ông quan, bà quan phong kiến tập quyền và độc quyền mà thôi. Điều này rất
quan trọng, vì từ khi Hồ Chí Minh than thở về các ông quan, bà quan cách mạng tới
nay, vấn đề vẫn y sì chưa có thay đổi gì đáng kể.
Hãy đặt mình trong xã hội, trong lòng dân tộc, không chỉ sẵn
sàng lắng nghe mà còn phải biết sẵn sàng chịu sự phê phán, thậm chí thưa kiện
các vị ra tòa. Đừng làm như vị thủ trưởng tiền nhiệm của quý vị, khi có người
thưa kiện, lập tức sai công an bắt bỏ tù người ta. Trong cái thể chế và thiết
chế do đảng cộng sản đặt ra thật khó để có nhân cách dân chủ, làm người dân chủ.
Tân chính phủ hãy ráng nêu gương về vấn đề này. Bởi chỉ như thế tính chính
danh, chính nghĩa của quý vị mới định hình được, còn không chỉ là hư danh, hình
thức. Một Chính phủ biết đặt mình dưới luật pháp, biết tôn trọng dân chủ, dân
quyền mới xứng đáng là “Chính”, nếu không sẽ là “tà”.
Bởi thế, Tân Chính phủ hãy thử thách mình, bằng một việc trước
tiên để thể hiện cái danh nghĩa “Chính” của mình, yêu cầu Chủ tịch nước ra sắc
lệnh thả hết mọi tù nhân lương tâm, ra lệnh từ nay công an không được đối xử
tàn ác với dân dẫu ở trong nhà tạm giam hay người biểu tình ngoài đường phố. Việc
này có ý nghĩa như quẹt vàng vào hòn đá thử để biết thật hay giả. Người dân sẽ
tin rằng một chính quyền nhân văn, nhân ái, biêt tôn trong con người, biết
khuôn mình theo luật, ắt họ có “Tâm” và điều họ nói, việc họ làm có thể là khả
tín.
Việc rất quan trọng, trước mắt, mà cũng là sự thử thách,
chính quyền có văn minh, văn hóa hay không. Đó là, với tư cách hành pháp mà tổ
chức quản lý cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân mới:
Một là, ra lệnh ngừng ngay việc đấu tố những người ứng cử độc
lập. Một chính phủ dân chủ phải coi việc nhiều công dân ra tự ứng cử là niềm
vinh dự, là dấu chỉ của tiến hóa. Nếu người dân của những năm 45,46 không thét
vang” Tiến lên Nền Dân chủ cộng hòa” thì làm gì mà quý vị được ngồi vào ngôi
cao như hiện nay. Chớ có ăn quả mà đái vào mồ của người trồng cây! Cả việc lấy
ý kiến đại biểu dân phố (không thể coi là đại diện cử tri. Ai, luật nào cho họ
cái quyền như vậy?), cả những hội nghị gọi là hiệp thương, có điều luật nào cho
phép họ nhân danh cử tri để bác bỏ quyền tự ứng cử của công dân. Chỉ có tòa án
phán quyết rằng một ai đó là “điên”, là kẻ đang phạm tội, họ mới bị tước quyền ứng
cử. Mọi ý kiến khác dẫu là của cái gọi là đại diện cử tri hay của ủy ban hiệp
thương chỉ có giá trị của một phía đưa ra để toàn thể cử tri tham khảo. Một
chính phủ không biết tổ chức cho các ứng cử viên được bình đẳng, có diễn đàn để
trình bày chính kiến của mình, chính phủ đó vẫn còn trong trạng thái quê mùa
mông muội đáng xấu hổ.
Nhân đây, chúng tôi cũng muốn thưa với quý vị về lời thề thốt
“chống tham nhũng” của Tân thủ tướng. Tôi nhớ vị tiền nhiệm cũng từng quyết liệt
thề như thế, còn mạnh mẽ nói nếu không chống được sẽ từ chức. Tham nhũng đã trở
thành “nội xâm” lại còn biến hóa có cả phép tàng hình đến nỗi nhiều nơi báo cáo
cả năm không tìm thấy dấu vết tham nhũng, có nghĩa nó đang trở nên cao cường
hơn. Thật là “Phậ t cao một trượng, ma cao mười trượng!”. Nếu Tân thủ tướng có
quyết tâm, ngoài việc của chính mình, hãy tôn trọng ý nguyện của nhân dân lập “Ủy
ban Nhân dân chống Tham nhũng”.Đó mới thật
sự như con đại bàng biết bay bằng hai cánh. Sự thành công của những Chính phủ
văn minh chính là biết cùng và biết dựa vào nhân dân vào xã hội dân sự để quản
trị đất nước. Ủy ban này sẽ bày mẹo cho chính phủ biết tạo ra những công cụ hữu
hiệu, văn minh, dân chủ, khoa học, hệ thống. Cách làm của TBT Nguyễn Phú Trọng
chẳng ăn khớp gì với luật chơi văn minh tiến bộ vì thế đã rõ là vô hiệu. Hãy
bàn với xã hội để thấy “chống tham nhũng đến thế là cùng”.
Lời chào cũng đã dài, tôi xin chốt lại bằng một chữ “nặng”.
Nếu quý vị thật sự “nặng “lòng với non sông, Đất Nước, nặng lòng vì hạnh phúc của
nhân dân, nặng lòng với chức trách cao cả của mình, tôi nghĩ chúng ta sẽ chuyển
hóa chử “XIN-Tân” với dấu nặng, để thành “XỊN”.Một Chính phủ xịn còn gì cao quý
hơn, tốt đẹp hơn, vẻ vang hơn.
Tôi thành tâm mong quý vị luôn luôn nghĩ tới chữ nặng. Hãy nặng
lòng với Dân, với Nước. Chớ nặng về tham muốn quyền lực, bổng lộc, tiền của, nặng
túi tham, chớ nặng giáo điều, ngu tín, ngu trung…
Công nhiều vì làm tốt gánh nặng trọng trách Quốc gia. Tội nặng
vì tiếp tục kéo dài thảm cảnh tụt hậu, suy đồi và đánh mất danh dự và chủ quyền
của dân tộc.
Tân Chính Phủ, xin chào!
Nguồn: ANHBASAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét