Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến không kẻ thù?
Tuần qua, hai sự kiện ngoại giao tại thủ đô Hoa Kỳ lại bất
ngờ cho người ta nhìn thấy một nỗi khó của nước Mỹ.
Trước hết là nhân thượng đỉnh về tài giảm võ khí hạch tâm,
hai tổng thống Pháp Mỹ có cuộc họp báo. Khi Tổng Thống Francois Hollande nói đến
khủng bố Hồi Giáo thì lời ấy trong băng hình video do Tòa Bạch Cung đưa ra lại
bị xóa nhòa. Khi báo chí nêu câu hỏi, phủ tổng thống Mỹ trả lời rằng đấy chỉ là
sơ suất kỹ thuật và phổ biến lại hình ảnh có lời nói của tổng thống Pháp.
Chuyện thứ hai là cũng nhân thượng đỉnh này, phòng báo chí của
Tổng Thống Barack Obama cho biết là không có cuộc gặp gỡ giữa ông Obama và tổng
thống Turkey là ông Recep Tayyip Erdoan nhưng sau cùng thì hai vị nguyên thủ đã
hội kiến ngày 31 Tháng Ba. Dịp này, dị biệt quan điểm giữa lãnh tụ hai nước được
chú ý. Ông Obama muốn Turkey chú ý đến tổ chức khủng bố xưng danh Nhà Nước Hồi
Giáo ISIL hơn là đảng Công Nhân Kurdistan của dân Kurd, viết tắt theo tiếng Thổ
là đảng PKK. Ngược lại, ông Erdoan lo ngại đảng PKK, cũng vừa có hành động khủng
bố ngay trong Tháng Ba, có thể xé nát xứ Turkey.
Hai sự kiện ngoại giao ấy cho thấy một vấn đề là minh định kẻ
thù, chuyện nan giải cho nước Mỹ... Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện ấy.
Kẻ thù là những ai?
Sau 15 năm lao vào một cuộc chiến lâu dài nhất lịch sử, Hoa
Kỳ ngày nay vẫn chưa thống nhất ý kiến là “ta đang chiến đấu chống ai?” Có nhiều
lý do giải thích mâu thuẫn này.
Khi vụ khủng bố 9/11 xảy ra tại Hoa Kỳ, Tổng Thống George W.
Bush lập tức gọi đây là “Cuộc Chiến Chống Khủng Bố Toàn Cầu,” Global War On
Terror, và mở ra chiến dịch Afghanistan năm 2001 rồi Iraq năm 2003. Cách gọi ấy
thật mập mờ vì toàn cầu có nhiều lực lượng cùng áp dụng phương pháp khủng bố để
đạt mục tiêu khác nhau. Sau đấy, ông Bush lại nêu đích danh ba đối thủ ông gọi
là Trục Tội Ác, Axis of Evil, là Iraq, Iran và Bắc Hàn.
Đây là ba chế độ hung đồ, có thể áp dụng phương pháp khủng bố,
nhưng chưa chắc đã là kẻ thù mà nước Mỹ phải nghênh chiến, hay tiêu diệt. Có thể
chế độ Cộng Sản Bắc Hàn đã từng có hành vi khủng bố, là gây sự sợ hãi để làm
thay đổi quan điểm của xứ khác, người khác, nhưng khi kéo chế độ này vào cuộc
thì Hoa Kỳ lại chẳng có quyết định lâm chiến hay ít ra là ứng phó.
Vì vậy, sự mập mờ của Cuộc Chiến Chống Khủng Bố Toàn Cầu
càng thêm mơ hồ. Trong khi ấy, vì tình trạng chiến tranh thực tế, luật hình sự
của Hoa Kỳ cũng có thay đổi như trong thời chiến, mà không minh định kẻ thù.
Tám năm sau, Chính Quyền Obama lại càng đào sâu mâu thuẫn ấy
vì lý do... hợp lý.
Khi Hoa Kỳ mở ra hai chiến dịch Afghannistan và Iraq, nước Mỹ
không lâm chiến một mình mà còn có đồng minh, trong số này có một số quốc gia Hồi
Giáo như Saudi Arabia, Pakistan, vài nước Trung Á lẫn Iran. Chế độ Tehran có
kín đáo hợp tác với Mỹ trên chiến trường Afghanistan và sau đó còn lợi dụng Hoa
Kỳ trên chiến trường Iraq!
Đấy là lý do khiến Obama triệt để tránh né dùng chữ “Khủng bố
Hồi Giáo” và mở chiến dịch lấy lòng dân Hồi Giáo ở khắp nơi sau bài diễn văn tại
Cairo bên Ai Cập và Ankara của xứ Thổ.
Chính quyền ông còn phát minh ra nhiều chữ lạ, như “chống
hành động bạo lực quá khích,” hoặc “bạo lực nơi sở làm” khi có tay khủng bố Hồi
Giáo giết người trong xã hội Mỹ. Vụ Thiếu Tá Nidal Hassan bắn hạ 13 người và
làm 30 người bị thương tại căn cứ Fort Hood ở Texas vào năm 2009 là một thí dụ
điển hình mà không độc nhất.
Kết cuộc thì cả hai Chính Quyền Bush lẫn Obama đều lách chữ
để tránh vạch tên kẻ thù là “Khủng bố Hồi Giáo.” Hậu quả là Hoa Kỳ lâm chiến với
một kẻ thù không tên!
Nhưng vì sao chuyện ấy lại là vấn đề?
Đánh kẻ vô danh?
Chiến tranh chống khủng bố chỉ có thể là chiến lược hay
phương pháp, cũng như khủng bố chỉ là một trong nhiều phương pháp khuất phục kẻ
thù.
Trong mọi cuộc chiến, các phe lâm trận đều có thể áp dụng
phương pháp khủng bố, hiểu theo nghĩa rộng là ào ạt tấn công cả mục tiêu dân sự
để gây sợ hãi và đạt mục tiêu chính trị. Trong Thế Chiến II, Đức quốc xã dội
bom lên thủ đô của Anh và nhiều thành phố Đức bị liên quân Anh Mỹ san thành
bình địa. Đấy là hoạt động có thể được gọi là khủng bố. Nhật Bản cũng đã khủng bố
Trung Quốc và bị quân lực Hoa Kỳ khủng bố. Nhưng khủng bố không thể là kẻ thù.
Như trong Thế Chiến II, kẻ thù của nước Mỹ không thể là các tầu ngầm Đức, chiến
hạm Nhật hoặc thủy thủ Nhật hay Đức mà là hai chế độ phát xít của phe Trục.
Bây giờ, trong trận chiến chống quân khủng bố Hồi Giáo, kẻ
thù là ai? Là quân khủng bố? Là tư tưởng Hồi Giáo quá khích? Hay một quốc gia Hồi
Giáo phổ biến tư tưởng quá khích và yểm trợ hành động khủng bố? Những câu hỏi ấy
thật ra quan trọng vì ảnh hưởng đến luật lệ hình sự và quy chế tù binh trong thời
chiến.
Sau vụ 9/11, Chính Quyền Bush đã quyết định, với sự đồng ý của
Quốc Hội, là đưa quân khủng bố ra xét xử trước công lý. Hệ thống công lý nào?
Tòa Đại hình hay Tòa Án Quân Sự? Nếu một công dân Mỹ tấn công một công thự hay
căn cứ quân sự Hoa Kỳ thì khi bị bắt sẽ bị truy tố trước tòa án dân sự theo luật
hình sự. Nếu một kẻ thù của nước Mỹ tấn công căn cứ quân sự Hoa Kỳ mà bị bắt
thì được coi là tù binh, nhưng trước hết phải là binh lính, mặc đồng phục trong
một đạo quân. Cách đối xử với tù binh ấy phải phù hợp với Công Ước Geneva năm
1949 về quy chế tù binh.
Nhưng khi một kẻ thù của nước Mỹ không mang đồng phục và
hành động nhân danh một tổ chức, thí dụ như al-Qaeda, hoặc một tư tưởng như
Thánh Chiến Jihad, thì đương sự không thể bị xét xử theo luật hình sự trước Tòa
Đại Hình, hay là tù binh bị truy tố trước Tòa Án Quân Sự. Hoa Kỳ đã chính thức
ra quân tại Afghanistan và Iraq, thực tế là khai chiến với hai quốc gia tức là ở
trong thời chiến mà lại không thể đối xử với quân khủng bố từ hai xứ này như tù
binh. Họ không phạm tội hình sự hay quân sự mà phạm tội ác chiến tranh, là war
criminal.
Những lý lẽ rắc rối ấy mới giải thích nỗi khó khăn của Chính
quyền Obama khi muốn đưa ra tòa hình sự mấy tên khủng bố bị Mỹ bắt từ các chiến
trường Afghanistan hay Iraq về giam trong trại tù Guantanamo. Obama gặp sự phản
đối của Quốc hội, từ giới dân cử trong đảng Dân Chủ. Chính quyền Bush đã nát óc
suy nghĩ về pháp lệnh áp dụng cho trường hợp có tuyên chiến mà chẳng có chiến
binh như vậy. Đấy là bài toán của hiện tượng “đánh kẻ vô danh,” tuyên chiến với
một kẻ thù không tên. Vì kẻ thù không là một quốc gia - kể cả quốc gia chưa
thành hình như “Nhà nước Hồi Giáo” ISIL dù đã phần nào có một lãnh thổ - mà là
một phong trào được hướng dẫn bởi một tư tưởng.
Chúng ta trở lên chuyện khác, tư tưởng nào?
Chống Hồi Giáo nào?
Trong Tháng Ba vừa qua, Cộng Hòa Hồi Giáo Turkey của dân Thổ
bị ba loại khủng bố tấn công tại hai nơi là thành phố Istanbul và thủ đô
Ankara. Một là do tổ chức ISIL khích động, vụ kia là do đảng PKK của người Kurd
và vụ thứ ba là do một nhóm cộng sản xưng danh... “Mặt trận Cách Mạng Giải
Phóng Nhân Dân đảng Mác-xít” (Marxist Revolutionary People's Liberation
Movement/Party.” Vụ thứ ba là chuyện khôi hài, chỉ có một nạn nhân là hung thủ,
một phụ nữ quá khích đòi tự sát. Hai vụ kia thì nghiêm trọng hơn nhiều và cho
thấy mâu thuẫn hay dị biệt quan điểm giữa các nước cùng chống Khủng bố Hồi
Giáo.
Dù tránh kết hợp hai chữ Khủng bố với Hồi Giáo, Tổng Thống
Obama vẫn muốn Tổng Thống Erdoan nêu đích danh kẻ thù là lực lượng “Nhà Nước Hồi
Giáo” ISIL. Nhìn từ quan điểm quyền lợi của Thổ, ISIL ở xa không đáng sợ bằng lực
lượng Hồi Giáo ly khai của dân Kurd là đảng Công nhân Kurdistan PKK ngay trong
xã hội Turkey. Lực lượng này mà chiếm được một khu vực của Turkey và kết hợp với
dân Kurd tại Iraq và Syria là Turkey bị loạn to.
Vì vậy, Erdoan nói ngược với Obama, và bị truyền thông Hoa Kỳ
phê phán là hung hăng, cực đoan và độc tài. Cũng vậy, Tổng Thống Hollande của
Pháp có thể nghĩ khác với tổng thống Turkey: ISIL mới đáng ngại.
Chúng ta hiểu ra nỗi băn khoăn của Obama, hay nhiều người
khác, khi tránh nói đến “Khủng bố Hồi Giáo” vì có nhiều khuynh hướng Hồi Giáo
khác nhau mà không phải Hồi Giáo nào cũng chơi trò khủng bố. Nhưng dù thông cảm
thì cũng phải thấy là những kẻ quá khích nhất trong thế giới Hồi Giáo đều dùng
phương pháp khủng bố. Hiểu rõ điều ấy nhất vì là nạn nhân đầu tiên chính là người
theo Hồi Giáo: họ bị sát hại nhiều hơn những người theo Thiên Chúa Giáo hay Do
Thái Giáo, hay người Tây phương da trắng.
Khi tránh xúc phạm người Hồi Giáo, Chính quyền Obama tự đẩy
vào thế kẹt: đa số người Hồi Giáo không hề đồng ý với phong trào Khủng bố Hồi
Giáo nhưng chỉ những kẻ khủng bố quá khích mới thấy là bị xúc phạm khi được nêu
đích danh như vậy!
Nếu phân biệt rõ ràng và gọi đích danh phong trào quá khích
này thì Hoa Kỳ và các xứ khác vẫn có thể huy động được hậu thuẫn Hồi Giáo tại
Trung Đông và ở trong nước. Chỉ vì duy trì sự mơ hồ ấy mà Hoa Kỳ bị tác dụng
ngược. Cuộc khảo sát gần đây của YouGov/Huffington Post cho thấy 51% dân Mỹ đồng
ý với việc khai trừ khỏi Hoa Kỳ những người Hồi Giáo không có quốc tịch Hoa Kỳ.
Ứng cử viên Donald Trump bên đảng Cộng Hòa khai thác hiện tượng
ấy. Nhiều khuynh hướng bảo thủ hay quốc gia dân tộc Âu Châu cũng vậy.
Hậu quả rộng lớn hơn vậy là sự thất vọng của người dân, cả
Âu lẫn Mỹ, về khả năng đối phó của chính quyền với một kẻ thù không được minh
danh.
Kết luận ở đây là gì?
Hoa Kỳ đang khai chiến với một phong trào, không phải với một
tôn giáo hay một quốc gia.
Phong trào này có đặc tính phi quốc gia hay quốc tế, có thể
lan từ xứ này qua xứ khác.
Nó được hướng dẫn bởi một tư tưởng quá khích là sự thống trị
tất nhiên của đạo Hồi trên cả nhân loại, bằng cách sát hại bất cứ ai không cùng
quan điểm.
Vi trùng ấy là một, rồi tùy từng cơ thể mà phát tác - để hủy
diệt tất cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét