Ngô Minh
Trong xã hội ta hiện nay có quá nhiều loại lãng phí rất “xót
tiền dân”: Lãng phí vốn đầu tư vào các công trình không mang lại hiệu quả; lãng
phí đất đai, lãng phí điện nước, điện thoại, xe con, lãng phí lao động , lãng
phí chất xám v.v... Mỗi năm nếu cất công tính toán số lãng phí sẽ lên tới hàng
chục ngàn tỷ đồng , gấp đôi gấp ba số thu ngân sách hàng năm của tất cả các tỉnh
miền Trung-Tây Nguyên! Trong lãng phí lao động, có một sự lãng phí đau xót nhất
là lãng phí lãnh đạo! Vâng, nước ta rất lãng phí lãnh đạo. Một bộ, một sở có tời
sáu bảy ông thứ trưởng, phó giám đốc sở mà việc vẫn không chạy. Lãng phí nhất
là việc tiếp khách, đi dự hiếu hỉ của cán bộ lãnh đạo nhiều quá.
Nêu vấn đề này ra có thể có người ngạc nhiên cho là làm gì
có chuyện đó ! Xin thưa, đây là điều hoàn toàn có thật. Không chỉ lãng phí bình
thường mà đây là sự lãng phí “kép“. Tôi thấy một thực tế đau lòng là: Hầu hết
cán bộ lãnh đạo các bộ, các địa phương gần như toàn bộ thời gian công tác trong
một ngày đều dành để đi họp và đi dự lễ kỷ niệm, lễ khánh thành công trình, lễ
đón huân chương… chứ không có thời gian để đọc sách báo, suy nghĩ về các phương
cách phát triển đất nước, địa phương mình. Có nghãi là họ không làm việc gì cả
mà vẫn lĩnh lương!
Một lần được mời tham dự một lễ đón huân chương của một
doanh nghiệp tôi thấy có ông Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh , phó chủ tịch và gần
nửa cán bộ lãnh đạo ban ngành của văn phòng Đảng, chính quyền tỉnh, rồi giám đốc
các sở, ban ngành cấp tỉnh.v.v..Không thiếu một người nào! Hôm sau, đi dự một lễ
khai trương đại lý của một Doanh nghiệp ở Sài Gòn mở ở một thành phố miền
Trung, tôi lại thấy đủ bộ sậu lãnh đạo cấp tỉnh giống như hôm trước, chỉ thiếu
năm ba người ,chắc đi công tác xa, đau ốm hoặc đi dự lễ lạc hiếu hỉ chỗ khác.
Không cần đi dự lễ đón, lễ khai trương, ngồi nhà xem ti-vi cũng thấy trên màn ảnh
nhỏ địa phương hàng ngày tất cả các cuộc lễ lạc ấy đều có mặt đông đủ cán bộ chủ
chốt nhất của một tỉnh. Mới hôm qua đây (4/12/2011), Công ty dược ở Huế đón
Huân chương Lao động hạng ba mà có cả thứ thưởng Bộ y tế, Bí thư, chủ tịch
tinh, rồi đầy đủ văn võ bá quan tỉnh ủy, UBND tỉnh, rồi bí thư chủ tịch các huyện…
tới dự. Việc gì mà nghiêm trọng thế! Vợ tôi bảo: Một là vì phong bì, hai là vì
họ không có việc gì làm. Đặc biệt tôi còn xem trên ti-vi cuộc lễ của một tỉnh
mà có tới hai ông phó thủ tướng, rồi phó chủ tịch Quốc hội và nhiều bộ trưởng tới
dự. Vì họ bao giờ cũng ngồi ở những hàng ghế đầu nên ai cũng thấy mặt.
Đồng ý là các “cán bộ chóp bu” của Trung ương, Bộ, tỉnh, huyện
đến dự lễ khánh thành, đón huân chương… là để động viên anh em cơ sở . Và tất
nhiên cũng có cuộc họp cần thiết như họp HĐND bàn việc phát triển kinh tế-xã hội,
họp bàn về bảo vệ môi trường, thống tham nhũng v.v... Nhưng các cuộc họp chiếm
phần lớn thời gian làm việc của lãnh đạo các cấp là đi lễ khánh thành, kỷ niệm,
khai trương …mang tính hiếu hỷ là việc không thể được . Mà lạ kỳ thay, chỉ một
HTX nhỏ bé , hay một UB phường thôi, kỷ niệm 30 năm thành lập cũng mời cho được
các đồng chí lãnh đạo chủ chốt nhất của tỉnh. Lãnh đạo chưa tới thì chưa họp.
Thế là mời 7 giờ 30 mà hội nghị phải chờ có khi đến 10 giờ sáng mới khai mạc.
Vì có đồng chí lãnh đạo một ngày nhận được năm sáu cái giấy mời , không đủ thời
gian để “chạy xô”! Ở Trung ương tôi không thạo thủ tục ngoại giao, nhưng tôi thấy
một vị thủ tướng, phó thủ tướng, thậm chí một vị bộ trưởng , thái tử con vua,
hay phái viên của tổng thống nước khác v.v... đến thăm nước ta, lần nào cũng đủ
“bốn trụ cột quốc gia” là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, Chủ
tịch Quốc hội đớn tiếp. Không phải bốn ông tiếp chung trong một cuộc mà mỗi ông
mỗi cuộc riêng. Tất nhiên có thể là do chương trình họ yêu cầu, nhưng chẳng lẽ
nước nào cũng yêu cầu như vậy? Mà về ngoại giao, bố trí sắp xếp hay không là
quyền mình chứ. Hãy để cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Nhà nước có nhiều
thời gian suy nghĩ về chiến lược, phương sách phát triển và bảo vệ đất nước, đừng
bắt các đồng chí ngày nào cũng tiếp khách. Lãng phí lãn đạo lắm, nước non ơi!
Một đồng chí lãnh đạo một tỉnh tâm sự rằng, tỉnh không đủ
lãnh đạo để đi họp! Mà đi dự lễ hiếu hỷ như thế là lãng phí lớn lắm. Thứ nhất
là lãng phí lao động. Một cuộc khánh thành công trình xây dựng khách sạn mà có
cả hơn hàng chục lãnh đạo các cấp của tỉnh, trong đó chỉ một người phát biểu
chào mừng thôi, còn lại ngồi nghe suốt hai tiếng đồng hồ. Tính ra công đi họp
vô bổ như thế một năm một tỉnh lên tới hàng tỷ đồng tiền công .
Thứ hai là lãng phí chất xám . Lãnh đạo các cấp là những người
được cử tri “ sáng suốt lự chọn” , hay do giỏi giang mà được đề bạt ( trừ những
thành phần được cơ cấu, hay cơ hội lọt vào) . Khi được đề bạt lên lãnh đạo rồi,
thì suốt ngày đi họp, không phải làm gì cả, dân gọi loại cán bộ này là “ lãnh đạo
ngồi chơi xơi nước”, “ lãnh đạo phong bì”. Thậm chí chí không được mời dự lễ
thì trách, có khi “ trù dập cấp dưới”. Dự lễ xong thì liên hoan, cụng ly “trăm
phần trăm”, rồi đi “ tươi mát” , tối về nhà chưa xem hết chương trình thời sự
đã ngủ! Thế là chẳng có thời gian nào để đến với dân, nghe ý kiến của dân, để đọc
sách, nghiên cứu thêm tài liệu chuyên môn, chính trị, pháp luật…. Thế là người
giỏi thành người hành nghề ”đi họp”, ngồi cho có vị như một con manơcanh . Lãnh
đạo thì lương cao, ba năm lại lên một bậc lương , mà không có nghiên cứu gì,
sáng kiến gì, đề xuất gì để giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất
nước, lãng phí vô hậu lắm!
Lãng phí lao động, lãng phí chất xám thành lãng phí “kép “
là như thế! Ước tính sơ sơ , cả nước ta 64 tỉnh thành , hàng chục Bộ ngành rung
ương, một năm có tới hàng chục triệu “ngày công lãnh đạo” bị lãng phí kép như
thế. Muốn hạn chế và chấm dứt sự lãng phí này, theo thiển ý chúng tôi, mỗi cuộc
họp hiếu hỷ, Tỉnh hay Bộ , Trung ương chỉ nên cử một vài cán bộ lãnh đạo đi dự
thôi , còn lãnh đạo tỉnh đi làm việc khác lớn hơn, ích quốc lợi dân hơn. Lãnh đạo
Đảng đi rồi thì UBND thôi, HĐND đi dự rồi thì Tỉnh ủy, Uy ban thôi, không nên
kéo nhau cả bộ máy đến ngồi không làm gì thì kỳ cục quá! Có nhiều hội nghị
ngành ngân hàng, tài chính, thuế… trong giấy mời ghi rõ “yêu cầu không tặng
hoa”, để tiết kiệm, nhưng lại mời hàng trăm đại biểu lãnh đạo các cấp của tỉnh,
để ngồi vài tiếng đồng hồ nghe đọc một bản bản cáo thành tich 20 năm, mà bản
báo cáo này đã được phát trong cặp tài liệu, rồi nhận một người vài trăm phong
bì, thì còn tốn kém gấp triệu lần tặng hoa. Đúng là đát nước thiệt đơn thiệt
kép!
Tôi đề nghị Quốc hội phải đưa vào chương trình nghị sự
nghiên cứu ban hành ngay “Luật họp”. Luật này quy định mỗi cán bộ lãnh đạo các
cấp của địa phương, trung ương mỗi ngày được dành bao nhiêu % thời gian để đi họp,
bao nhiêu phần trăm thời gian đi xuống cơ sở tiếp xúc với dân, bao nhiêu phần
trăm ngồi nghiên cứu chính sách, nghiên cứu các dự án quy hoạch, phát triển…
Các tỉnh cũng nên chỉ thị quy định cho các địa phương, đơn vị trực thuộc, các
doanh nghiệp nhà nước.v.v.. trên địa bàn trong các cuộc họp hiếu hỷ chỉ được mời
những ai, không được mời thành phần nào, mời bao nhiêu người.v.v.. Phải có một
cuộc “cách mạng” trong họp hành mới chấm dứt được tình trạng lãng phí lãnh đạo
như hiện nay.
Nguồn: Blog Quà Tặng Xứ Mưa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét