Biên dịch: Phạm Thị Thanh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong những thập niên gần đây, kinh tế học đã thâm nhập vào
các nghiên cứu về những hoạt động của con người mà trước đến nay vẫn được cho
là nằm ngoài những tính toán chính thức. Điều mà các nhà phê bình gọi là “chủ
nghĩa đế quốc của kinh tế học” đã dẫn tới sự xuất hiện của kinh tế học về tình
yêu, nghệ thuật, âm nhạc, ngôn ngữ, văn học, và của nhiều khía cạnh khác nữa.
Ý tưởng chung thúc đẩy sự mở rộng của kinh tế học này là việc
cho rằng bất cứ điều gì con người làm, cho dù là về tình cảm hay vật chất, thì họ
đều hướng tới mục đích đạt được kết quả tốt nhất với chi phí thấp nhất. Những lợi
ích và chi phí này có thể được quy thành tiền. Vì vậy mọi người luôn cố gắng đạt
được nguồn lợi tài chính tốt nhất từ những giao dịch của mình.
Điều này đối lập với sự phân chia giữa các hoạt động mà
trong đó việc tính toán chi phí là đúng (và hợp lý), và những hoạt động mà
trong đó người ta không (và không nên) tính toán các chi phí. Theo các nhà phê
bình, nói rằng những vấn đề tình cảm của con tim phải bị chi phối bởi những
tính toán lạnh lùng là không hợp lý.
Nhưng các nhà kinh tế trả lời rằng những phép tính lạnh lùng
này chính là điểm chúng ta cần chú ý.
Gary Becker, người đoạt giải Nobel đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở
Đại học Chicago, là người đi tiên phong trong việc áp dụng cách tiếp cận kinh tế
vào tình yêu.
Trong bài nghiên cứu tiêu biểu: “Một lý thuyết về hôn nhân”
(A Theory of Marriage), xuất bản năm 1973, Becker cho rằng việc lựa chọn một bạn
đời bản thân nó chính là một kiểu thị trường, và hôn nhân chỉ xảy ra khi cả hai
bên đối tác đều giành được lợi ích. Đó là một lý thuyết rất phức tạp, dựa vào
tính bổ sung lẫn nhau trong hoạt động của nam giới và phụ nữ, nhưng có xu hướng
coi tình yêu như một cơ chế giảm thiểu chi phí.
Gần đây hơn, các nhà kinh tế như Lena Edlund của Đại học
Columbia và Evelyn Korn của Đại học Marburg, cũng như Marina Della Giusta của Đại
học Reading, Maria Laura di Tommaso của Đại học Turin, và Steiner Strøm của Đại
học Oslo, đã áp dụng phương pháp tương tự để phân tích nạn mại dâm. Ở đây, các
phương pháp tiếp cận kinh tế có vẻ hợp lý hơn nếu chúng ta thừa nhận rằng tiền
bạc là phương tiện giao dịch phù hợp duy nhất. Edlund và Korn coi vợ và gái mại
dâm như là hàng hóa thay thế lẫn nhau, với giả định không có phương án thay thế
nào khác làm các công việc thông thường.
Theo số liệu, gái mại dâm kiếm được nhiều tiền hơn phụ nữ
làm những công việc thông thường. Câu hỏi đặt ra là: tại sao một kĩ năng thấp lại
thu được thu nhập cao như vậy?
Về phía cầu, những gã đàn ông phóng túng, thường là đang tạm
ở đâu đó, so sánh lợi ích của việc quan hệ với gái mại dâm với chi phí khi bị bắt.
Về phía cung, gái mại dâm sẽ đòi mức thu nhập cao hơn để bù đắp cho những rủi
ro cao về mắc bệnh tình dục, bị bạo hành, và triển vọng hôn nhân tàn lụi. Edlund và Korn viết: “Nếu hôn nhân là một nguồn
thu nhập cho phụ nữ, thì gái mại dâm cần phải được bù đắp cho việc bỏ qua những
cơ hội trong thị trường hôn nhân.” Vì vậy, mức thu nhập cao phản ánh chi phí cơ
hội đối với những người bán dâm chấp nhận việc quan hệ tình dục.
Người ta cũng đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao cạnh
tranh không thể làm giảm giá của những người bán dâm. Họ có một “mức giá tối
thiểu”: nếu được trả ít hơn, họ sẽ chọn công việc khác ít rủi ro hơn.
Chính phủ lấy cơ sở nào để có thể can thiệp vào một hợp đồng
thuận mua vừa bán giữa hai bên này? Tại sao không phi hình sự hoá thị trường
này hoàn toàn như nhiều gái mại dâm muốn? Giống như tất cả các thị trường khác,
thị trường mua bán dâm cần sự điều tiết, đặc biệt là để bảo vệ sức khỏe và sự
an toàn của người lao động. Và cũng như trong tất cả các thị trường, hoạt động
tội phạm, bao gồm bạo lực, luôn bị coi là bất hợp pháp.
Nhưng mặt khác, có một phong trào kịch liệt cấm mua
dâm. Đạo luật Người mua dâm đã hình sự
hóa việc mua dâm (chứ không phải việc bán dâm), đã được thực hiện tại Thụy Điển,
Na Uy, Iceland và Bắc Ireland. Khi việc giảm cầu được thi hành, nguồn cung cho
hoạt động này dự kiến sẽ giảm mà không cần phải hình sự hóa người cung cấp dịch
vụ mại dâm. Một số bằng chứng đã cho thấy biện pháp này đã mang lại kết quả như
dự định. (Mặc dù những người ủng hộ cái gọi là “hệ thống Bắc Âu” này đã bỏ qua
tác động của việc hình sự hóa mua dâm lên thu nhập của những người đã hoặc dự định
sẽ bán dâm).
Làn sóng cấm mua dâm ngày càng trở nên mạnh mẽ bởi sự tăng
lên nhanh chóng của nạn buôn bán phụ nữ trên thế giới (cũng như là các loại ma
túy). Đây được coi như cái giá của toàn cầu hóa, đặc biệt là khi nó liên quan đến
dòng người di dân vào các nước phương Tây từ những nước nơi mà thái độ đối với
phụ nữ là rất khác nhau.
Nhưng các biện pháp được đề xuất là quá cực đoan. Tiền đề của
Đạo luật Người mua dâm là ý tưởng rằng mại dâm luôn là một hoạt động không tự
nguyện đối với phụ nữ – đó là một hình thức bạo lực có tổ chức đối với phụ nữ
và trẻ em gái. Nhưng tôi thấy không có lý do nào để tin vào điều này. Câu hỏi
quan trọng liên quan đến định nghĩa của từ “tự nguyện”.
Quả thực, một số gái mại dâm bị bắt làm nô lệ, và những người
đàn ông mua dâm trong trường hợp này phải bị truy tố. Nhưng đã có luật chống việc
sử dụng lao động nô lệ. Tôi đoán rằng hầu hết gái mại dâm đã chọn công việc của
họ một cách miễn cưỡng, dưới áp lực của sự thiếu thốn, chứ không phải không tự
nguyện. Nếu người mua dâm bị hình sự hóa, thì những người sử dụng các dịch vụ của
nhân viên thu ngân ở siêu thị, nhân viên trực tổng đài và nhiều đối tượng khác
nữa cũng phải bị hình sự hóa.
Có một số gái mại dâm (chắc chắn chỉ một phần nhỏ) nói rằng
họ yêu thích công việc của mình. Và tất nhiên còn có cả những người bán dâm
nam, dù là đồng tính hay bình thường, những người thường không được các nhà nữ
quyền phê bình nạn mại dâm chú ý tới. Tóm lại, quan điểm về bản chất con người
của những người tìm cách cấm việc mua dâm cũng đã bị hạn chế như quan niệm của
các nhà kinh tế. Như Thánh Augustine đã nói: “Nếu bạn xóa bỏ gái điếm, thế giới
sẽ bị vùi lấp hỗn loạn trong những ham muốn nhục dục.”
Suy cho cùng, tất cả các ý kiến chống lại nạn mại dâm dựa
trên khái niệm bất bình đẳng và sự ép buộc đều rất hời hợt. Dĩ nhiên, lý lẽ đạo
đức chống lại mại dâm là luôn mạnh mẽ. Nhưng trừ phi chúng ta sẵn sàng dựa trên
lập luận đạo đức này – nhưng nền văn minh tự do của chúng ta lại không sẵn sàng
như vậy – thì cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm là điều tiết các hoạt động
mua bán dâm.
Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính
trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và
kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu
sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong
Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố
trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản
đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Economist’s
Concubine
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét