Ông Nguyễn Cảnh Bình là một trong 48 người tự ứng cử Quốc hội
và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Hà Nội năm nay.
Cử tri khiếu nại tập thể về trường hợp một người tự ứng cử Đại
biểu Quốc hội ở Hà Nội không đủ phiếu tại Hội nghị cử tri ở nơi cư trú hôm Chủ
nhật, vì cho rằng kết quả lấy ý kiến được công bố phản ánh 'không đúng diễn biến
hội nghị' lấy ý kiến của cử tri.
Hôm 12/4/2016 một nhóm cử tri ở phường Nam Đồng, quận Đống
Đa, Hà Nội đã thay mặt 36 cử tri đến Ủy ban bầu cử Thành phố Hà Nội để gửi đơn
khiếu nại lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc
nhà sách Alpha Books, người ứng cử độc lập Đại biểu Quốc hội khóa 14 và Đại biểu
Hội đồng nhân dân thành phố (2016-2021).
"Diễn biến buổi lấy ý kiến cử tri sau phần phát biểu của
Ban tổ chức có 4 ý kiến phát biểu của cử tri cả 4 ý kiến đều có nhận xét tốt về
nhân thân, đánh giá cao quá trình công tác và tư cách ứng viên của ông Nguyễn Cảnh
Bình và không có ý kiến nào phê phán phản đối. Hội nghị diễn ra thân thiện cởi
mở và không khí chung là ủng hộ ông Nguyễn Cảnh Bình," khiếu nại với chữ
ký tập thể viết.
"Nhưng khi đến lúc ban tổ chức công bố kết quả kiểm phiếu
qua hình thức bỏ phiếu kín thì chỉ kết quả chỉ có 26/59 phiếu tín nhiệm ông
Bình ứng cử Quốc hội và 16/59 phiếu tín nhiệm ông Bình ứng cử Hội đồng Nhân dân
Thành phố. Và không quá bán số phiếu ủng hộ trên tổng số phiếu. Kết quả đó khiến
chúng tôi rất bất ngờ và không hiểu sao kết quả kiểm phiếu lại phản ánh trái
ngược diễn biến hội nghị như vậy."
Tuy nhiên, theo tờ Pháp Luật, hôm 13/4, đại diện của chính
quyền sở tại ở phường Nam Đồng nói với tờ báo này rằng các kết quả là 'đúng và
chính xác', bài báo cho hay:
"Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường
Nam Đồng, một trong hai chủ tọa hội nghị trên, nói ông đã nhận được đơn khiếu nại
nói trên. Theo ông Thuận, kết quả lấy ý kiến nơi cư trú đối với ông Bình chính
xác, khách quan, công bằng, tổ kiểm phiếu trung thực, không ai can thiệp.
"Tôi ngồi chủ tọa và cho rằng kết quả đó là đúng, chính xác. Kết quả đó là
không thể bác bỏ” - ông Thuận khẳng định", theo tờ Pháp luật.
Kết thúc lãng xẹt
Image caption PGS. TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng các hội đồng
bầu cử quốc gia và địa phương ở Việt Nam có trách nhiệm trả lời công khai, minh
bạch các khiếu nại.
Còn Trên Facebook cá nhân của mình, ứng viên độc lập Nguyễn
Cảnh Bình viết trong một post còn truy cập được tới trưa, chiều ngày thứ Tư.
"Một hành trình dài với một kết thúc theo cách rất lãng
xẹt.
"Đây là đơn khiếu nại của các cử tri trong tổ dân phố của
tôi.
"Mọi người đọc thì sẽ biết nội dung và các việc xảy ra
trong buổi sáng chủ nhật ngày 10/4/2016 trong buổi lấy phiếu tín nhiệm ở tổ dân
phố đối với tôi.
"Đơn kiến nghị này thay cho thông báo của tôi về kết quả
của việc lấy phiếu tín nhiệm."
Trong phần trao đổi với các bình luận trực tuyến trên post
này, ông Nguyễn Cảnh Bình viết thêm:
"Tôi không định làm đến cùng, việc viết đơn khiếu nại
là đề xuất và bức xúc của người dân, không hoàn toàn do tôi.
"Sau khi có kết quả, tôi có bực mình, song không bức
xúc đến mức muốn khiếu nại.
"Trước đó, tôi đã nói với bạn bè rằng nên bình thản với
mọi kết quả, và cũng chẳng nên căng thẳng gì.
"Nhưng tôi cần làm vì có sự ủng hộ của dân phố, sự động
viên, khuyến khích của mọi người.
"Tôi nợ họ những sự ủng hộ này nên thấy cần cùng đứng
tên với họ.
"Tôi không gửi và tranh đấu vì bản thân tôi, mà vì
trách nhiệm với những người dân quý mến và ủng hộ tôi," ông Nguyễn Cảnh
Bình viết trên Facebook cá nhân.
Trách nhiệm trả lời
Hôm 13/4, bình luận với BBC về trường hợp nhiều người tự ứng
cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp khiếu nại công khai về việc họ
bị loại trong quá trình trước và trong các hội nghị cử tri ở cả nơi cư trú lẫn
cơ quan làm việc, trong đó có trường hợp của ứng viên Nguyễn Cảnh Bình ở Hà Nội,
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và
Phát triển, nói:
"Trường hợp gần đây nhất là trường hợp của anh Nguyễn Cảnh
Bình chẳng hạn, anh được hầu hết các bà con trong khu phố tín nhiệm, thế nhưng
đến lúc kiểm phiếu, theo bà con là con số kiểm phiếu (ủng hộ, tín nhiệm) thấp
hơn rất nhiều, dưới quá bán. Và hiện nay được biết là bà con ở khu cư trú của
anh Nguyễn Cảnh Bình, người ta đã làm ơn khiếu nại rồi, rằng là người ta không
thấy có một sự tin cậy kết quả kiểm phiếu.
"Và như vậy là cử tri đã thực hiện quyền khiếu nại và
trên thực tế thì tôi cũng được biết là một số người tự ứng cử mà gặp phải trường
hợp gọi là có bị dàn xếp, cũng như là người ta vẫn dùng cái từ là bị 'đấu tố',
bởi những câu hỏi đặt ra với người bị ứng cử nó không thỏa đáng, rồi cơ hội cho
người tự ứng cử trình bày chương trình hành động của mình thì không được dành
thời gian đủ và cũng không được trình bày hết.
"Phản ứng, theo tôi, theo đúng pháp luật Việt Nam. Người
tự ứng cử, cũng như cử tri có quyền thực hiện khiếu nại theo đúng luật bầu cử của
Việt Nam."
Từ Hà Nội, luật sư Hoàng Văn Hướng, đưa ra bình luận, về hiện
tượng người tự ứng cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam bị đánh
giá thấp ở các hội nghị cử tri, ông nói:
"Những người tự ứng cử hay là người đề cử nếu thấy có
vi phạm thì có quyền khiếu nại, hoặc quyền tố cáo."
"Các hoạt động về tiếp xúc cử tri tại nơi ở hoặc nơi
công tác, có dư luận nói rằng một số vị ứng cử cho rằng không khách quan trong
vấn đề tổ chức, rồi có những người dùng những từ như là đấu tố."
"Thực ra tôi không chứng kiến những buổi đó, tôi không
thể nào có một quan điểm. Nhưng tôi nghĩ rằng những người đã có ý định chuẩn bị
ra ứng cử Đại biểu Quốc hội, cũng như Hội đồng Nhân dân, mà sự thật có việc bày
binh bố trận, hoặc là gây khó khăn trong các hoạt động về nhận xét tại nơi cư
trú, hay nơi công tác, thì người đó có quyền, đó là quyền khiếu nại," Luật
sư Hướng, người cũng là ứng viên độc lập và đã vượt qua các vòng hiệp thương tới
nay, nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét