Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Khu mỏ dầu hổn hợp Al-Khafji mới đi vào khai thác ngoài khơi
biên giới Saudi Arabia-Kuwait. (Hình: McDermott via Getty Images)
Thêm vào đó, quyết định chung của Kuwait và Saudi Arabia vừa
cho tái hoạt động khu mỏ Al-Khafji ở vùng biên giới hai nước với năng suất
300,000 thùng/ngày càng làm tăng áp lực dầu lửa dư thừa trên thị trường.
Dầu tiêu chuẩn Brent ở giá $39.14/thùng và dầu ngọt nhẹ tiêu
chuẩn Mỹ $38.28/thùng.
Sau khi đã xuống tới mức thấp nhất, dưới $30/thùng hồi đầu
năm nay, giá dầu lên được gần 45% kể từ giữa Tháng Hai do những tin tức về cuộc
họp ngày 17 Tháng Tư ở Doha. Theo dự tính trong cuộc họp này, OPEC và các quốc gia xuất cảng nhiều dầu lửa trong đó
có Nga sẽ đi đến thỏa thuận giảm sản lượng để nâng giá dầu. Tuy nhiên, các giới
quan sát cho rằng, trong tình hình lượng dầu dự trữ toàn cầu đang tăng cao và một
số nước OPEC lo ngại mất thị phần, hội nghị Doha không chắc có thể đem đến kết
quả như ý muốn.
Ngoài ra, có những nguồn tin nói là Iran có thể tham gia hội
nghị Doha nhưng không nhất thiết gia nhập vào việc thương thuyết cắt giảm sản
lượng. Điều ấy có nghĩa là Iran chưa muốn cam kết đứng vào hàng ngũ các nước sản
xuất dầu lửa, sau khi ký thỏa hiệp về phát triển nguyên tử và được giải tỏa cấm
vận để tái gia nhập thị trườngthế giới. Lý do là vì Iran cần chủ động chiếm giữ
thị phần không muốn bị Saudi Arabia hay Nga, hai quốc gia sản xuất dầu lửa hàng
đầu thế giới, kiềm chế.
Thị trường dầu lửa biến động mạnh từ giữa năm 2014 vì sự
phát triển của khai thác dầu đá phiến, và Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất dầu lửa
hàng đầu thế giới. Lúc đó, Saudi Arabia đã vận động OPEC giữ nguyên không giảm
bớt sản lượng, với mục tiêu để giá dầu hạ sẽ làm cho các công ty khai thác dầu
đá phiến Mỹ phải ngừng hoạt động vì thua lỗ do phí tổn cao. Chiến lược này có phần
thành công nhưng đồng thời cũng khiến nhiều quốc gia sản xuất dầu lửa chịu tổn
hại nặng nề.
Ít nhất đã có 48 công ty dầu khí Bắc Mỹ khai phá sản từ đầu
năm 2015 tới nay. Hầu hết đó là những công ty nhỏ, nhảy vào ngành kỹ nghệ này từ
khi kỹ thuật “fracking” và khai thác dầu đá phiến có những tiến bộ vượt bực.
Các công ty này là nạn nhân do sự thành công của họ, vì sự đảo lộn quân bình giữa
mức cung và cầu, sản phẩm tràn ngập thị trường đưa đến tình trạng trong vòng
hai năm dầu thô mất giá 60% xuống tới dưới $30/thùng đầu năm nay.
Với giá đó, không đủ tiền trả các chủ nhân cho sử dụng đất
và những phí tổn khác trong hoạt động khai thác. Biến chuyển này tương tự như
thời kỳ đổ xô đi tìm vàng giữa thế kỷ 19, khi một số người làm giầu mau chóng
nhưng chẳng bao lâu sau phải nhường chỗ cho những công ty có vốn lớn và có thể
kỹ nghệ hóa việc khai thác.
Giới công nhân ngành kỹ nghệ năng lượng chịu hậu quả trực tiếp,
từ cuối năm 2014, hơn 300,000 công nhân bị sa thải. Trong số họ có những người
làm việc cho các công ty lớn như Baker Hughes, Halliburton, và Weatherford
International, chuyên cung cấp trang thiết bị và dịch vụ cho những nhà khoan dầu.
Theo USA Today, trong số công nhân mất việc, 45% làm trong ngành dịch vụ, 20%
trong công tác thăm dò và sản xuất, 15.5% khoan đào, và 15% tiếp liệu.
Năm 1960, OPEC được thành lập gồm 12 nước: Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Kuwait,
Libya, Nigeria, Qatar, Saudi Arabia, the United Arab Emirates, và Venezuela, với
sứ mạng “phối hợp và thống nhất chính sách,” bảo đảm ổn định thị trường và nguồn
cung cấp cho các nước tiêu thụ, đem lợi tức công bình cho các thành viên. Trong
nửa thế kỷ vừa qua, OPEC nắm vai trò ảnh hưởng về giá dầu trên thị trường thế
giới.
Bây giờ, Saudi Arabia, nước lãnh đạo OPEC, trong tình trạng thị
trường dầu lửa dư thừa cung cấp, vẫn
không muốn để mất thị phần, nên đã chọn quyết định không giảm sản lượng.
Nhưng quyền năng định đoạt giá dầu của OPEC bây giờ thật ra đã mất và sẽ không
bao giờ lấy lại được.
Chiến lược của Saudi Arabia cũng không phải là hoàn toàn hiệu
quả, vì dầu đá phiến có điều kiện linh hoạt hơn trong sự khai thác. Nhờ tiến bộ
kỹ thuật phí tổn hiện nay giảm bớt nhanh, hầu hết các mỏ dầu đá phiến cũng có
thể đi vào khai thác mau hơn dầu quy ước. Như thế, dầu đá phiến có thể bành trướng
sản xuất và ngưng sản xuất dễ dàng hơn các giếng dầu quy ước. Hoa Kỳ vẫn duy
trì được sản lượng nội địa ở mức bình thường, khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày,
chiếm vai trò định đoạt giá dầu trên thị trường nhờ nguồn dầu đá phiến linh động
có thể nhanh chóng điều chỉnh sản lượng thích ứng với tình thế.
Tuy nhiên, với dầu đá phiến, trên phân nửa lượng dầu ở các mỏ
này sẽ cạn sau hai năm đầu tiên, trong khi các mỏ dầu bình thường có thể tiếp tục
sản xuát tới 20 năm hay hơn nữa. Do đó, khác với những quyết định về sản lượng
của OPEC, tình hình thị trường sẽ tự động điều hướng sản xuất nhiều hay ít của
dầu đá phiến.
Mặt khác, tình hình dầu rớt giá hiện nay có thể tạo ra nhiều
rủi ro về cung và cầu. Các chuyên gia ước lượng rằng sự cạn dần của các giếng dầu
sẽ vượt quá khả năng sản xuất của các giếng cũ.
Trung bình sản lượng của một giếng dầu giảm 6% mỗi năm. Do
giá dầu hạ, đầu tư vào việc khoan các giếng mới giảm và nếu nhu cầu tiêu thụ vẫn
tiếp tục cao, tới một lúc sản xuất không đủ và giá cả buộc phải tăng cao.
Tuy nhiên, hiện nay, người ta đã tìm thấy nhiều khu dầu dự
trữ chưa khai thác tới, đồng thời là sự hỗ trợ của dầu đá phiến như đã nói
trên, cho nên rất khó có thể có một dự đoán chính xác gì về tình hình của loại
năng lượng hóa thạch này trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét