Hoài Hương-VOA
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sau những cải cách nhân sự ở các cấp cao nhất, Việt Nam giờ
đã có một dàn lãnh đạo mới. Ban lãnh đạo này có gì khác so với các nhiệm kỳ trước?
Liệu những cải cách kinh tế đã bắt đầu lấy đà dưới thời cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn
Dũng có sẽ tiếp tục? Liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có tiếp tục đóng góp để thay đổi
Việt Nam như ông mong muốn khi còn nắm quyền lực trong tay? Mời quý vị tìm hiểu
ý kiến của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà hoạt động dân chủ từng bị giam giữ
và trục xuất khỏi nước, đang sống tại Hoa Kỳ nhưng vẫn theo sát tình hình trong
nước trong cuộc trao đổi sau đây với Hoài Hương của ban Việt ngữ-Đài VOA.
VOA: Xin Giáo sư cho biết ý kiến của Giáo sư về ê-kíp lãnh đạo
mới của Việt Nam?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Ê-kíp này theo nhận xét của tôi, có
những đặc điểm như thế này. Thứ nhất là những thành phần có tính chuyên môn có
lẽ nhiều hơn trong những thành phần chính phủ của các nhiệm kỳ trước đây.”
VOA: Đó là dấu hiệu đáng mừng nếu có nhiều nhà kỹ trị hơn
trong guồng máy chính phủ, có phải không?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Có nhiều người chuyên môn hơn, có
trình độ hơn là những chính phủ trước, mặc dầu ông Thủ Tướng thì tôi không nhìn
thấy một cái gì gọi là khả năng đặc biệt bởi vì trong thời kỳ ông còn làm Phó
Thủ Tướng, tôi không nhìn thấy một cái gì gọi là khả năng đặc biệt của ông ấy,
nhưng có lẽ vị trí của ông Phúc nó thiên về chính trị, về những quyết định ở
trên Bộ Chính trị nhiều hơn.. ”
VOA: Trong năm qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, tới
6,7%, đó là một tỷ lệ rất đáng kể, Báo chí quốc tế nói rằng tân chính phủ Việt
Nam sẽ không thay đổi chính sách cởi mở kinh tế, thúc đẩy cải cách như thời Thủ
Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giáo sư nhận định như thế nào?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Thứ nhất là về mức tăng trưởng, thực
ra mức tăng trưởng giữ được trên 6% cũng là rất là khá, tuy nhiên giải quyết vấn
đề kinh tế Việt Nam không phải ở mức tăng trưởng GDP, mà sự tăng trưởng đó nó
có vĩ mô và có tính ổn định và lâu dài không, thì Việt Nam vẫn chưa đạt được những
tiêu chuẩn như thế. Thí dụ như khả năng cạnh tranh của các xí nghiệp Việt Nam với
các xí nghiệp sẽ vào Việt Nam sau thời gian đã thi hành cái cộng đồng kinh tế
ASEAN và hiệp định TPP, với Liên Hiệp Âu Châu – EU, 3 khối này sẽ mở Việt Nam hội
nhập với 3 khu vực rất là lớn về thị trường, thì tính cạnh tranh của Việt Nam
theo sự đánh giá khách quan của quốc tế, vẫn thấp. Thứ hai, vai trò của các xí
nghiệp quốc doanh vẫn còn quá lớn, nếu không thay đổi… Hiện nay mức giải tư
lĩnh vực quốc doanh rất là chậm và không đi vào thực chất. Thành ra tôi nghĩ rằng
nếu chỉ căn cứ vào tăng trưởng GDP thì nó không đủ để mà nhìn ra được cái nền
kinh tế Việt Nam trong thời gian 5, 10 năm tới.”
VOA: Về vấn đề chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cắt một vị
trí khác nữa của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc
phòng. Liệu đây có phải là một tiến trình sẽ còn tiếp diễn để làm suy giảm hơn
nữa thế lực của một cựu Thủ Tướng từng nắm nhiều quyền lực trong tay không ạ?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Tôi nghĩ việc truất hết quyền lực của
ông Nguyễn Tấn Dũng thì trước hết theo tiến trình bình thường, ông không còn là
Thủ Tướng nữa, thì tiến trình đó không có gì là ngạc nhiên.”
VOA: Giáo sư có tiên liệu là sẽ có một cuộc thanh trừng sẽ xảy
ra không?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Không còn cái gì để mà thanh trừng
hết. Cái mà người ta có thể quan sát và theo dõi là xem ông Nguyễn Tấn Dũng còn
làm gì được không khi ông không còn là Thủ Tướng, trở thành một công dân bình
thường nhưng là một công dân đặc biệt trước đó đã có quyền lực rất là mạnh,
thành ra bây giờ với vị trí một công dân bình thường như vậy, ông Dũng còn cái
dũng cảm, thật lòng muốn đóng góp vào việc thay đổi Việt Nam như ông muốn đóng
góp khi ông là Thủ Tướng không? Tức là với tư cách một người công dân, ông có
dám trở thành một người đối trọng, hay đối lực, hay đối lập, lên tiếng về những
quan điểm chính trị cá nhân của ông không? Tôi nghĩ mình nên chú ý tới phần này
hơn, chứ tất cả những cái gì về quyền lực thì chắc chắn là ông không còn gì nữa
rồi.”
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét