Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Bất công - Lê Phan

(Theo Foreign Policy)


“Taxpayers of the World, Unite!” Đó là lời kêu gọi trên tạp chí Foreign Policy. Mượn khẩu hiệu của Karl Marx, họ đòi những người dân đóng thuế hãy đoàn kết lại vì hồ sơ Panama đã xác nhận là những kẻ quyền quý của thế giới này ăn gian, nói dối và ăn cắp. Nhưng lại hỏi tiếp “Liệu dân chúng sau cùng có làm gì không?”

Điều đơn giản nhất có thể nói về cái gọi là hồ sơ Panama là một điều ai trong chúng ta cũng đều biết rồi: Những người giàu không sống như chúng ta.


Vụ scandal ngày càng ồn ào, xuất phát từ việc tiết lộ một số lượng tài liệu khổng lồ từ một hãng luật ở Panama, hãng luật Mossack Fonseca, đã tạo nên một sự pha trộn giữa sửng sốt và lãnh đạm. Những tài liệu này cho thấy mức độ mà những kẻ quyền quý trên thế giới đã làm để che dấu tài sản của họ khỏi bị đóng thuế, là những tin tức vừa động trời nhưng lại vừa không có gì lạ. Chúng chỉ cung cấp những chi tiết xấu xa của loại kinh doanh mà hầu hết những người tự nhận mình là hiểu biết cho là thường xảy ra. Chúng ta trả thuế; những người giàu tìm cách trốn thuế. Đối với một số người, đọc về hồ sơ Panama có cảm tưởng như hồi nhỏ bị người lớn nói là Santa Claus không có thật: Chỉ là một sự xác nhận cuối cùng cho một sự nghi ngờ vốn có sẵn. Trường đời không công bằng trừ phi bạn thuộc phe một phần trăm của thế giới, bạn sẽ là kẻ chịu bất công.

Nếu hệ thống của chúng ta lành mạnh hơn, các chính phủ của chúng ta và các định chế nhạy bén hơn với đòi hỏi của dân chúng, bà con chúng ta tin tưởng hơn vào hệ thống, tòa án và quốc hội công bằng hơn thay vì thiên lệch đối với những kẻ có tiền và có liên hệ tốt, chúng ta sẽ thấy một sự ra tòa tập thể, cải tổ thuế vụ và luật lệ về mậu dịch, và một sự suy nghĩ lại về điều gì thực sự xảy ra mà chúng ta đang toàn cầu hóa trong thời đại của toàn cầu hóa. Một xã hội lành mạnh sẽ đánh dấu giây phút này là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Nhưng đây không phải là một xã hội lành mạnh, và hầu hết những người sống trong xã hội biết vậy, và đó là lý do tại sao rất ít người trong chúng ta có thể thực sự bày tỏ tức giận. Đó chính là điều đáng buồn, mặc dầu nó hữu lý.

Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là gạt bỏ sự quan trọng của tiết lộ này hay là cố gắng dập tắt những hy vọng là nó sẽ dẫn đến công lý, tuy rằng tiền lệ do sự hầu như hoàn toàn không có một vụ kiện hình sự nào xảy ra theo sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 khiến chúng ta khó tin tưởng. Thành ra, điều đáng nói là trong khi sự tiết lộ này đáng lẽ làm cho chúng ta nổi giận, và với một hy vọng, thay đổi, những thông tin được cung cấp này không mở cho chúng ta những hiểu biết mới mà chỉ giúp chúng ta thấy rõ hơn thế giới mà chúng ta đã biết quá rõ rồi. Đó là những kẻ siêu giàu sử dụng các công ty “vỏ” và các “thiên đường tránh thuế,” và họ sử dụng những định chế mờ ám giúp họ che dấu tiền bạc của họ, và rằng họ chơi theo một luật chơi khác hẳn chúng ta.

Tuy nhiên, sự đa dạng của những tay chơi đã là một điều ngạc nhiên. Danh sách đầy những kẻ mà chúng ta biết là kẻ xấu, quá khứ hay hiện tại: những Vladimir Putin, Muammar al-Qaddafi, Hosni Mubarak. Nhưng điểm xuyết trong số đó, và có lẽ sẽ còn nhiều nữa, là những nhân vật nổi tiếng trong thế giới chính trị quốc tế, thể thao, giải trí mà cho đến nay uy tín vẫn còn nguyên vẹn. Jackie Chan (Thành Long) một người hùng của biết bao thế hệ thanh niên Á Châu, đã có tên trong sáu công ty khác nhau có liên hệ với Mossack Fonseca. Rồi Lionel Messi nữa, cầu thủ đá banh Argentina vốn được coi như là một trong những cầu thủ giỏi nhất thế giới.

Không có cái gì có thể nối liền những cá nhân hay nhóm có tên trong các tài liệu này ngoại trừ một việc: Tài sản khó tin của họ và ước muốn cũng khó tin làm sao giữ được tài sản đó đến mức tối đa. Họ có vẻ không nghĩ là mình sống trong cùng một thế giới với những người khác và có trách nhiệm một phần nào với những đau khổ trong đó. Họ không có ý định chia sẻ một tí nào cái tài sản kinh hồn mà một con người không bao giờ có thể làm gì hết nổi đó.

Họ cũng đại diện cho một thứ người của thế giới mới, một cộng đồng quốc tế của thế kỷ thứ 21, một cộng đồng mà tài sản không thuộc về một quốc gia nào cả. Nếu biểu tượng truyền thống của toàn cầu hóa là việc đóng cửa một xí nghiệp ở Ohio và mở cửa một xí nghiệp khác cũng làm việc đó ở Bangladesh, biểu tượng mới có thể hoàn toàn nằm trong thế giới ảo, một cái máy điện toán ở Panama chuyển tiền giữa, chẳng hạn như Luân Đôn và Bahamas, nhân danh một tỷ phú người Nga vốn đã làm giàu ở Saudi Arabia. Cái điều tưởng là thiêng liêng là quốc gia, dân tộc, đất nước đã biến mất thành một hệ thống kỹ thuật số vô cùng phức tạp của những cuộc làm ăn mờ ám, do những người không trung thành với bất cứ một quốc gia nào trong khi chỉ cảm thấy trung thành với bản thân mình. Ngay cả nói đến một quốc gia cho những kẻ siêu giàu nghe cổ điển và lỗi thời quá. Nhà giàu bây giờ có quốc gia riêng của họ.

Dĩ nhiên là có âm hưởng trong tình trạng chính trị quốc tế. Trong nhiều năm nay, bất mãn và bất ổn đã là nguồn chính cho tin tức trên thế giới này. Mùa Xuân Ả Rập, sự thù hận di dân ở Âu Châu, phong trào phản đối cực tả và cực hữu ở Hoa Kỳ, bầu cử đảo ngược ở Hy Lạp, biểu tình đình công ở Trung Cộng, bạo động bài Hồi Giáo ở một quốc gia Phật Giáo như Miến Điện, và còn nhiều nhiều nữa. Sự tức giận có vẻ như đã trở thành tình trạng bình thường trên trường quốc tế. Và như danh sách này cho thấy, sự tức giận đã không kết hợp thành một chiều hướng chính trị định hướng. Thay vì vậy, các đảng phái và các lãnh tụ trên toàn thế giới, cả những người có nguyên tắc đến những kẻ vô luân, tìm cách lợi dụng một thông điệp sâu xa và to lớn mà người dân đang bày tỏ: Có một cái gì đó vô cùng bất bình thường và sai trái đang xảy ra. Những vụ scandal như tiết lộ bởi hồ sơ Panama đổ thêm dầu vào lửa cho các cảm tưởng đó, chứng tỏ cho số 99% của thế giới cái cảm tưởng là họ bị lường gạt là hoàn toàn đúng.

Ở Hoa Kỳ, sự bất ổn đó đang diễn ra trong các cuộc bầu sơ bộ hiện nay. Cả hai đảng lớn đều đối diện với những chiến dịch “nổi loạn” trong công việc đề cử ứng cử viên tổng thống. Bên đảng Dân Chủ, ông Bernie Sanders tự nhận mình là xã hội chủ nghĩa, quấy phá từ cánh trái, người đại diện cho giới cầm quyền là bà Hillary Clinton, bắt bà phải chịu trách nhiệm chẳng hạn cho sự liên hệ chặt chẽ của bà với những tên khổng lồ của kỹ nghệ tài chánh vốn trực tiếp chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu năm 2007 và 2008. Bên đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump chẳng khó khăn gì đã khơi lên ngọn lửa bài ngoại, biến những đám đông lớn thành những kẻ điên cuồng với luận điệu chống di dân và những ứng dụng cơ hội của chủ thuyết dân túy về kinh tế. Chống lại hai kẻ vận động từ bên lề này, phe cầm đầu của cả hai đảng đang cố gắng hết sức để đẩy lùi họ, hy vọng duy trì được sự chế ngự tiến trình chính trị. Ông Sanders và ông Trump khác xa ngàn vạn dậm về chủ thuyết và tính tình, nhưng cả hai đều tiêu biểu cho một phong trào trong đó cử tri Hoa Kỳ đòi thay đổi.

Nhưng mặc dầu cảm tưởng bất bình và không hài lòng với hiện trạng, cả hai ứng cử viên nổi dậy này khó có triển vọng thành tổng thống. Phe cầm quyền đang ráo riết vận động. Bên Dân Chủ, tuy ông Sanders có thắng được một số tiểu bang đó nhưng ông vẫn khó có thể vượt được bà Clinton. Và tuy ông Trump vẫn còn chế ngự số đại biểu, đà tiến của ông đã bị khựng lại gần đây, trong khi hàng lãnh đạo đảng Cộng Hòa đang công khai âm mưu để từ chối ông việc được đại hội đảng đề cử. Thành ra có thể có nhiều người Mỹ nghĩ là tuy cử tri muốn một sự thay đổi đầy kịch tính, có vẻ như giới lãnh đạo vốn điều hành đất nước này, vẫn còn nắm quyền kiểm soát.

Cũng cái cảm tưởng là rồi thì giới quyền thế sẽ chế ngự đã xuất hiện trong các cuộc thảo luận về hồ sơ Panama. Bởi tuy là rồi sẽ có những tranh cãi, rồi sẽ có sự tức giận trong phản ứng lại câu chuyện này, chúng ta cũng cảm thấy một cảm tưởng bàng bạc trong các cuộc thảo luận: đó là sự mệt mỏi. Sự có vẻ như là giới quyền thế có thể nắm vĩnh viễn quyền hành đã tạo nên tức giận, nhưng nó cũng tạo nên mệt mỏi và rồi lãnh đạm. Chúng ta có thể chắc chắn là một số nhỏ những nhân vật dính líu đến Mossack Fonseca sẽ bị cáo buộc; chúng ta cũng có thể chắc chắn là đại đa số những nhân vật giàu có mà tên tuổi được nêu ra sẽ vẫn tiếp tục hưởng thụ mọi quyền lợi như không có chuyện gì xảy ra cả.

Dĩ nhiên tình hình không hẳn hoàn toàn vô vọng. Tiến bộ có thể đến. Iceland chẳng hạn đã thấy thủ tướng phải từ chức và chắc chắn là trong ít lâu nữa quốc hội sẽ được bầu lại.

Điều chúng ta đối diện là một thế giới trong đó sự hiểu biết chung là giới cầm quyền lừa đảo, nói láo, và đã thất bại trong việc đáp ứng nguyện vọng của chúng ta, không thay đổi khả năng họ nắm chặt lấy quyền hành. Chúng ta chờ đợi khả năng đó ở họ. Chúng ta có lẽ còn ngạc nhiên hơn nếu họ không gian dối. Câu hỏi là liệu sự tức giận trước tham nhũng và sự thất bại của giới lãnh đạo tan biến vào mệt mỏi và lãnh đạm, vì người dân nghĩ là không có cách gì khác nữa? Hay là sẽ có bùng nổ?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét