Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

16320 - Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị tố ‘biết lỗ vẫn làm’

Tàu điện chạy thử trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông nhưng không biết bao giờ chạy thật. (Hình: Tuổi Trẻ)


HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù đã biết ngay từ đầu là sẽ lỗ vốn nhưng quan chức cấp cao của Hà Nội vẫn cứ tiến hành kế hoạch làm dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Hôm Thứ Bảy và Chủ Nhật, các báo lớn chính thống của chế độ theo nhau khai thác bản “kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông” của Kiểm Toán Nhà Nước. 


Những điểm chính yếu được vạch ra, chứng minh quan chức cấp cao của chế độ, điển hình là những người đứng đầu Bộ Giao Thông Vận Tải (chủ đầu tư dự án) tiến hành dự án bất chấp các quy định của luật lệ, thủ tục.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông hình thành từ một thỏa thuận vay vốn lãi suất ưu đãi của Trung Quốc năm 2008. Điều kiện ràng buộc của khoản vay là phải do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, mà theo đó, Bắc Kinh chỉ định “tổng thầu” cho “công ty hữu hạn Tập Ðoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc” thực hiện. Đồng thời, Bắc Kinh tổ chức đấu thầu “Tư vấn giám sát” rồi giao cho “Công ty TNHH Giám Sát Xây Dựng Viện Nghiên Cứu Thiết Kế Công Trình Ðường Sắt Bắc Kinh.”
Hệ quả của vụ vay nợ này là các điều kiện ràng buộc “bất lợi” cho phía Việt Nam nhưng những người cầm quyền vẫn nhắm mắt ký giấy. Không có các điều khoản trừng phạt nhà thầu nếu không thi hành đúng hợp đồng từ trừng phạt xây dựng trễ hạn đến đòi hỏi “trượt giá” quá đáng. Trong khi đó, “chủ đầu tư” tức Bộ Giao Thông Vận Tải, thì ngồi xổm lên cả luật lệ, quy định.
Bản kiểm toán được các báo trong nước dẫn thuật lại, như nêu ra trên tờ Tuổi Trẻ, nói “hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án.” Vì có quá nhiều “lỗ hổng” mà dự án ỳ ạch thực hiện kiểu “sai rồi sửa” “sửa rồi vẫn sai” nên vốn đầu tư dự án từ khoảng $350 triệu gần 20 năm trước, đội lên thành gần $800 triệu khi cần phải điều chỉnh chi phí theo đòi hỏi của “tổng thầu” Trung Quốc để hoàn thành.
Điều đáng nói, bản kiểm toán cáo buộc “khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào Tháng Hai, 2016, Bộ Giao Thông Vận Tải không báo cáo thủ tướng để trình Quốc Hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc Hội, trái với quy định của Luật đầu tư công.” Công ty tư vấn ước lượng “vống” hiệu quả kinh tế tốt đẹp của dự án, ngược lại ước tính không hiệu quả của chính chuyên viên của “Viện chiến lược Giao Thông Vận Tải.”
Từ những phù phép ban đầu dẫn đến đủ mọi thứ sai trái tiếp nối theo nhau giúp dự án kéo dài những lần cam kết hoàn thành. Chính thức khởi công ngày 10 Tháng Mười, 2011, dự trù hoàn tất Tháng Sáu, 2014, dự án Cát Linh – Hà Đông chính thức khai thác từ ngày 30 Tháng Sáu, 2015. Báo chí trong nước liệt kê ra đến 8 lần “lỗi hẹn” dù hiện chỉ còn 1% việc phải hoàn tất nhưng vẫn không biết đến bao giờ thì có thể “nghiệm thu” để tàu bắt đầu chạy.
Theo tờ Thanh Niên thuật lại bản kết luận kiểm toán, “chủ đầu tư” đã nhiều lần “vượt thẩm quyền” nên thúc giục chế độ Hà Nội “tổ chức kiểm điểm, xác định làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án một số hạng mục xây lắp, vật tư, thiết bị còn nhiều sai sót; ký phụ lục hợp đồng số 11, thương thảo bổ sung $21.07 triệu chi phí xây dựng tăng thêm thiếu cơ sở pháp lý…”
Thêm nữa, Kiểm Toán Nhà nước cũng đòi “kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từ 8,769.97 tỷ đồng lên 18,001.59 tỷ đồng (vượt 10,000 tỷ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23 Tháng Hai, 2016, khi chưa báo cáo thủ tướng xem xét và xin chủ trương của Quốc Hội về điều chỉnh dự án đầu tư.”
Những tội nợ nêu trong bản kiểm toán nói trên phần lớn chỉ vào ông Đinh La Thăng, một ủy viên Bộ Chính Trị, từng làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải giai đoạn 2011-2016 và người trực tiếp phụ trách dự án là ông Thứ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Hồng Trường.
Ông Trường thì đã nghỉ hưu từ năm 2017 trong khi ông Thăng đang nằm trong tù với bản án 30 năm do những sai trái trước khi ông làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, tức khi còn đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét