Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

16484 - Vì sao Phạm Bình Minh không dám nêu tên Trung Quốc?




“Người Việt Nam nghĩ gì về bài phát biểu bằng Anh ngữ của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc?” là chủ đề ghi nhận của một kênh truyền thông nước ngoài đã ‘đặt hàng’ với nhóm thông tín viên tại Việt Nam.


Sau đây là một số ghi nhận được nhóm thông tín viên truyền hình nói trên gửi cộng tác trang Việt Nam Thời Báo.

Trúc Giang trích băng, và ghi lại phù hợp với văn phong chuyển tải của bài viết trên trang báo.

+ Ông Nguyễn Cẩm Tú, cộng tác viên mảng quốc tế, báo Đồng Tháp: Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bị chê là hèn khi ông không hài tên Trung Quốc là kẻ xâm lược biển đảo Việt Nam ra trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Dĩ nhiên chê khen ở đây là người ta chủ yếu đọc lại bài phát biểu này của ông Minh qua tường thuật bằng Việt ngữ của báo chí.

Có lẽ ở đây người dân xứ mình vẫn còn ngây ngất trước phát biểu thẳng độp tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/09, khi tổng thống Trump nói: “Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản không phải vì công lý, bình đẳng, không phải nâng đỡ người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những điều tốt đẹp cho đất nước. Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản chỉ vì một điều duy nhất: quyền lực của giai cấp thống trị”.

Trung Quốc và Việt Nam đều là nước cộng sản. Trên cương vị là người đứng đầu ngành ngoại giao và phó thủ tướng chính phủ, có lẽ ông Phạm Bình Minh không thể khẩu khí như ông Trump được.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh về chính sách ‘đa phương’ trong mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Đa phương là điều mà ai cũng biết rõ rằng phía đảng cộng sản Trung Quốc không hề muốn. Lâu nay Bắc Kinh đã cố trói Hà Nội vào những văn bản thỏa thuận khẳng định về ‘song phương’, về mối quan hệ của chính sách hữu nghị 16 vàng – 4 bạc.

Nếu tôi nhớ không lầm, ông Minh dành phần lớn thời gian trong bài phát biểu để nói về ‘đa phương’, và hình như còn là vấn đề ‘đa nguyên’ vốn tối kỵ của đảng cộng sản Việt Nam.

Trung Quốc là nước chống lại việc giải quyết Biển Đông theo nguyên tắc đa phương. Bó đũa và chiếc đũa. Trung Quốc thích tách chiếc đũa ra khỏi bó đũa. Và lần này thì Ngoại trưởng Phạm Bình Minh khẳng định là Việt Nam đa phương trong vấn đề Biển Đông.

Dĩ nhiên trong thời gian có hạn của bài phát biểu, dù đến hơn 15 phút, ông Minh chủ yếu đề cập các vấn đề mang tính nguyên tắc, trong đó hình như là Hà Nội muốn tỏ rõ việc đang tiến tới đoạn tuyệt chính sách đu dây trong đối ngoại.

Ngoài ra tôi nghĩ rằng cho công bằng, thì cũng nên lưu tâm đến ý kiến xâm lược biển đảo của Việt Nam không chỉ mỗi mình Trung Quốc, dẫu họ là kẻ hung hãn, tham lam nhất. Xâm lược, chiếm giữ trái phép biển đảo của Việt Nam, cụ thể là ở khu vực Trường Sa còn có Philipines, Malaysia, Brunei và Taiwan.

Bởi vậy, nếu ông Phạm Bình Minh mà lên án Trung Quốc có hành động phi pháp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, trong khi không nhắc đến mấy nước còn lại kia thì sẽ bị Trung Quốc bất bình, cho là Việt Nam không công bằng.

Trong bối cảnh cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trước một Trung Quốc hung hăng nhất, thì Việt Nam không dại dột mở rộng số lượng các nước cần tranh chấp là điều dễ hiểu.

+ Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên tiếng Anh, giảng dạy tại một số Trung tâm Ngoại ngữ ở Sài Gòn: Đúng là hầu như mạng xã hội hiện đủ kiểu chê bai về bài phát biểu dáng dấp “Hèn đại nhân” của bộ trưởng Phạm Bình Minh hôm rồi ở Liên Hợp Quốc.

Cá nhân tôi nghĩ rằng Trung Quốc là một trong năm quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và Việt Nam cũng là nước cộng sản đúng như lời của tổng thống Mỹ hôm 24/09, do đó khó thể đòi hỏi ông Phạm Bình Minh mạnh miệng tố cáo đích danh Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.

Dĩ nhiên về cảm tính, tôi muốn Việt Nam dõng dạc minh định kẻ xâm lược mình với tên tuổi đầy đủ ngay tại diễn đàn quốc tế, nhất là cận kề ngày quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thế nhưng tôi cũng liên tưởng đến số phận chính trị của ông Nguyễn Cơ Thạch, thân phụ ông Phạm Bình Minh. Hồi đó bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (tên trong giấy tờ là Phạm Văn Cương) đã rắn ra mặt với Trung Quốc, nên ông ấy nhanh chóng bị cho về vườn.

Tôi cũng nghe trước đây hồi còn làm bộ trưởng, ông Đinh La Thăng cũng rắn với Trung Quốc trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh, nên về sau này ông ấy bị đánh tời bời qua mấy vụ án ‘làm trái’ mà báo chí có đăng.

Nói đâu xa, ngay cả ông Lê Thanh Hải với đồn đoán là anh em kết nghĩa với Chu Vĩnh Khang – tay trùm mật vụ bị thất sủng của Trung Quốc, mặc dù được công luận tố cáo là sâu dân mọt nước, nhưng mãi đến nay có ai dám làm gì hắn…

Tôi nghĩ ông Phạm Bình Minh hiểu rất rõ về hệ thống chân rết chằng chịt của Trung Quốc tại Việt Nam. Dẫn chứng rất dễ, mấy chục năm qua, rất nhiều phòng mạch Trung Quốc từ đông y đến tây y tha hồ mở tại Sài Gòn với đầy dẫy tai tiếng, thế nhưng có dẹp được đâu?

Cốt lõi ở đây là cần có sự tự chủ trong quản trị quốc gia. Bên ngành giáo dục, tôi biết rằng trường đại học khi muốn mở ngành phải xin ý kiến, và chờ sự gật đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là điều thậm vô lý, vì trường tự biết nên và không nên mở ngành gì. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ lo kiểm soát về mặt quản lý cho đúng chức trách là tốt lắm rồi.

Tương tự, nguyên tắc ở đại học phải được tự chủ về học thuật. Điều này không còn được thực hiện kể từ sau năm 1975. Lâu nay những nghiên cứu bài bản, có cơ sở khoa học đàng hoàng, song vẫn không được quyền nói ngược lại chủ trương cơ chế chính sách của nhà nước; dĩ nhiên tôi cũng hiểu nhà nước vốn chỉ được phép thực hiện quyền lực gói gọn trong các nguyên tắc được ghi trong những nghị quyết Đảng. Các trường không chỉ bị trói buộc trong chương trình đào tạo, mà ngay cả nhân sự của trường cũng phụ thuộc vào lựa chọn từ cấp trên, bao gồm cả cấp gọi là Đảng ủy ngành.

Tôi dám cược một ăn một ngàn rằng bài phát biểu của bộ trưởng Phạm Bình Minh phải được bút phê duyệt của mấy vị trong Bộ Chính trị. Còn vì sao bộ trưởng Phạm Bình Minh lại hèn với Bộ Chính trị thì chắc ai cũng hiểu…

+ Luật gia Lê Đức Du, Hội Luật gia TP.HCM: Tôi cũng từng kỳ vọng ông Phạm Bình Minh sẽ rửa hận thù nhà, nhất là sẳn đà lên án cộng sản của tổng thống Mỹ, để xướng danh tánh Trung Quốc bá đạo trong vụ Bãi Tư Chính.

Rồi tôi lại ngẩm nghĩ đến những cái chết đầy khó hiểu của một vài quan chức chóp bu trong bộ máy cầm quyền, thậm chí chưa chết như Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh. Có lẽ ông Phạm Bình Minh là người trong cuộc, nhất là bản tính cẩn trọng của dân ngành ngoại giao, ông hiểu giờ chưa đến lúc.

Chắc có người sẽ thắc mắc vậy phải chờ đến bao giờ? Hãy thử hỏi vì sao từ trước tới nay chưa có một lãnh đạo quốc gia nào, kể cả các đời tổng thống Mỹ, dám chửi Trung Quốc như tát vào mặt vậy ngay tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc kiểu hôm 24/09 rồi? Thông thường họ dùng những từ ngữ ngoại giao lịch sự để thể hiện các bất đồng.

Tôi có coi trên kênh truyền hình của Liên Hợp Quốc tường thuật về bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh [*], thấy khi nhà ngoại giao Việt Nam nói tới “các diễn biến phức tạp” này, theo đoạn video đăng trên trang web của Liên Hợp Quốc, máy quay lia tới khu vực ngồi có bản ghi tên của phái đoàn Trung Quốc, nơi một đại diện đang ngồi nghe, chăm chú nhìn xuống màn hình trước mặt, kéo dài từ phút 10:31 đến 10:47.

Tôi có cảm giác là ông Phạm Bình Minh bắt đầu ngã bài theo Mỹ và thoát Trung. Chuyện này tới đâu chắc còn chờ chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới đây của ông Nguyễn Phú Trọng, mà kỳ vọng gần nhất là nghe nói theo lịch thì tháng 10/2019 có bàn thảo gì đó về các vấn đề thuộc về pháp lý, gọi là Đệ lục Ủy ban của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Nếu ông Trọng đến Mỹ để phát biểu trên cương vị chủ tịch nước Việt Nam, về thông điệp tố cáo Trung Quốc vi phạm luật quốc tế ở Biển Đông, thì tôi sẽ khui rượu champagne ăn mừng ngay…

Dĩ nhiên là ông Nguyễn Phú Trọng cũng giống như Nguyễn Xuân Phúc, ông sẽ đọc bài bằng tiếng Việt trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, và phần tiếng Anh là chuyển ngữ, có nội dung đại khái của phần tiếng Việt xin được gợi ý: “Tôi muốn được chia sẻ với quan điểm của ngài tổng thống Hoa Kỳ lời nhận xét về chủ nghĩa cộng sản ở tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước.

Chúng tôi cũng là nước cộng sản, và chúng tôi đã bị một quốc gia cũng cộng sản khác ở sát biên giới đất liền, liên tục đe dọa xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, cũng như việc họ từng xâm chiếm biên giới đất liền của Việt Nam.

Đất nước cộng sản đó cũng đã ngang ngược tự vẽ lại bản đồ địa lý, và cho rằng rất nhiều vùng biển của Việt Nam là thuộc quyền quản lý của họ. Điều này không những là hành vi xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác, mà còn đi ngược lại với luật pháp quốc tế.

Tại diễn đàn này, tôi kêu gọi sự ủng hộ của ngài tổng thống Hoa Kỳ cùng tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc, trong một đồng thuận ban hành nghị quyết về việc vi phạm luật pháp quốc tế của quốc gia cộng sản đó!”.

Phát biểu như trên hoàn toàn không gọi tên Trung Quốc. Nếu ông Trọng cùng dàn cố vấn ngoại giao của mình đủ sức để đạt được sự đồng thuận của các quốc gia, trong việc yêu cầu Đệ lục Ủy ban thuộc Liên Hợp Quốc ban hành một nghị quyết về việc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, thì có lẽ tôi sẽ mở luôn bàn tiệc khao bè bạn nhậu suốt tuần luôn.

Sống trong chế độ cộng sản cần phải biết luôn hy vọng sẽ thoát cộng trước khi thoát Trung!

+ Chú thích:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét